2021
Để Làm một Tín Đồ của Đấng Ky Tô
Tháng Mười Một năm 2021


9:49

Để Làm một Tín Đồ của Đấng Ky Tô

Để làm một tín đồ của Đấng Ky Tô là nỗ lực làm cho hành động, cách cư xử và cuộc sống của chúng ta giống với Đấng Cứu Rỗi.

Trong khi học thánh thư riêng cá nhân, tôi rất ấn tượng về sự cải đạo của Sau Lơ người Tạt Sơ, người mà sau này được biết đến với tên gọi Phao Lô, như được mô tả trong Kinh Thánh.

Phao Lô đã là một người tích cực trong việc ngược đãi Giáo Hội và các Ky Tô Hữu. Nhưng nhờ quyền năng của thiên thượng và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, ông đã được thay đổi hoàn toàn và trở thành một trong những tôi tớ tuyệt vời của Thượng Đế. Mẫu mực trong cuộc sống của Ông chính là Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong một lời giảng dạy của Phao Lô cho người Cô Rinh Tô, ông đã mời họ bắt chước mình vì chính ông cũng là người bắt chước Đấng Ky Tô (xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:1). Đây là một lời mời chân thành và có giá trị từ thời Phao Lô cho đến tận ngày nay: để làm một tín đồ của Đấng Ky Tô.

Tôi đã bắt đầu suy ngẫm về ý nghĩa của việc trở thành một tín đồ của Đấng Ky Tô. Và quan trọng hơn, tôi bắt đầu hỏi: “Tôi nên bắt chước Ngài theo cách nào?”

Để làm một tín đồ của Đấng Ky Tô là nỗ lực làm cho hành động, cách cư xử và cuộc sống của chúng ta giống với Đấng Cứu Rỗi. Đó là phải có được đức hạnh. Đó là trở thành một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi đã nghiên cứu một số khía cạnh của cuộc đời Đấng Cứu Rỗi và tôi đã giữ lại, như một phần trong sứ điệp của tôi hôm nay, bốn đức tính của Ngài mà tôi cố gắng bắt chước và tôi muốn được chia sẻ với anh chị em.

Đức tính đầu tiên của Đấng Cứu Rỗi là sự khiêm nhường. Chúa Giê Su Ky Tô đã rất khiêm nhường từ cuộc sống tiền dương thế. Tại Hội Đồng trên Thiên Thượng, Ngài đã nhận ra và cho phép ý muốn của Thượng Đế được thắng thế trong kế hoạch cứu rỗi cho nhân loại. Ngài nói: “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi” (Môi Se 4:2).

Chúng ta biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy về sự khiêm nhường và hạ mình để tôn vinh Cha Ngài.

Chúng ta hãy sống khiêm nhường vì điều đó mang đến sự bình an (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 19:23). Sự khiêm nhường đi trước vinh quang và nó mang đến ân huệ của Thượng Đế cho chúng ta: “Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão, hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Phi E Rơ 5:5). Sự khiêm nhường mang đến câu trả lời nhẹ nhàng. Sự khiêm nhường chính là nguồn gốc của tính ngay chính.

Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy:

“Những người bước đi khiêm nhường với Thượng Đế luôn nhớ điều mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho họ.”

Chúng ta hành động một cách tôn kính với Thượng Đế bằng cách bước đi khiêm nhường với Ngài” (“Làm Sự Công Bình, Ưa Sự Nhân Từ, và Bước Đi Một Cách Khiêm Nhường với Thượng Đế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 111, 109).

Đức tính thứ hai của Đấng Cứu Rỗi là lòng can đảm. Khi tôi nghĩ về Chúa Giê Su Ky Tô ở tuổi 12, đang ngồi trong đền thờ của Thượng Đế giữa các thầy dạy luật và giảng dạy cho họ những điều thiêng liêng, tôi đã lưu ý đến một đức tính mà Ngài đã có, từ rất sớm trong cuộc đời Ngài, một ý thức về lòng can đảm, một lòng can đảm đặc biệt. Trong khi hầu hết mọi người thời bấy giờ đều mong đợi sẽ nhìn thấy một cậu bé được các thầy dạy luật dạy dỗ, thì Ngài đang dạy họ khi “những người này đang nghe Ngài và chất vấn Ngài” (Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 2:46 [ Lu Ca 2:46, phần cước chú c]).

Vợ chồng tôi đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo thuộc Phái Bộ Truyền Giáo Mbuji-Mayi từ năm 2016 đến năm 2019. Cách di chuyển từ khu bộ này sang khu bộ khác trong phái bộ truyền giáo là bằng đường bộ. Một vấn nạn đã nảy sinh tại khu vực đó, có những tên cướp được trang bị vũ khí sắc bén lao ra đường và phá rối hành trình của những người đi đường.

Năm người truyền giáo đang di chuyển từ khu bộ này sang khu bộ khác trong quá trình thuyên chuyển là nạn nhân của những sự phá rối này. Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của vấn nạn này trước đó không lâu, chúng tôi bắt đầu lo sợ cho tính mạng và sự an toàn của tất cả chúng tôi, thậm chí còn ngại đi qua những tuyến đường này để thăm những người truyền giáo và tổ chức các đại hội khu bộ truyền giáo. Chúng tôi không biết vấn nạn này sẽ kéo dài bao lâu. Tôi đã lập một bản báo cáo và gửi cho Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng, và tôi đã bày tỏ cảm giác lo sợ về việc tiếp tục di chuyển trong khi tuyến đường này là cách duy nhất để tiếp cận những người truyền giáo của chúng tôi.

Trong thư trả lời của mình, Anh Cả Kevin Hamilton, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Giáo Vùng Đông Nam Châu Phi của chúng tôi, đã viết cho tôi: “Lời khuyên của tôi là hãy làm tốt nhất những gì mà anh có thể. Hãy khôn ngoan và cầu nguyện. Đừng cố ý đặt bản thân hoặc những người truyền giáo của anh vào vòng nguy hiểm, nhưng đồng thời hãy tiến về phía trước với đức tin. ‘Vì Thượng Đế chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ’ (2 Ti Mô Thê 1:7).”

Lời khích lệ này đã củng cố chúng tôi rất nhiều và cho phép chúng tôi tiếp tục can đảm bước đi trên đường và phục vụ cho đến khi kết thúc công việc truyền giáo của mình, bởi vì chúng tôi đã nghe lời hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng qua câu thánh thư đó.

Trong thánh thư hiện đại, chúng ta đọc được những lời đầy soi dẫn của Tiên Tri Joseph Smith cho thấy sự khích lệ của Chúa dành cho chúng ta: “Hỡi các anh chị em, lẽ nào chúng ta không tiếp tục chính nghĩa cao quý như vậy? Hãy tiến bước lên, chớ lùi bước. Hãy can đảm lên, hỡi các anh em; hãy tiến bước mãi cho đến khi chiến thắng!” (Giáo Lý và Giao Ước 128:22).

Chúng ta hãy có lòng can đảm để làm điều đúng, ngay cả khi điều đó không thường thấy—lòng can đảm để bảo vệ đức tin của mình và để hành động bằng đức tin ấy. Chúng ta hãy can đảm để hối cải mỗi ngày, can đảm để chấp nhận ý muốn của Thượng Đế và tuân theo các lệnh truyền của Ngài. Chúng ta hãy can đảm để sống ngay chính và làm những gì được mong đợi ở chúng ta trong các trách nhiệm và vị trí khác nhau của mình.

Đức tính thứ ba của Đấng Cứu Rỗi là sự tha thứ. Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã ngăn không cho một người đàn bà bị ném đá vì tội ngoại tình. Ngài đã bảo bà ấy rằng “hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11). Điều này đã hướng bà ấy đến sự hối cải và cuối cùng là sự tha thứ, như thánh thư ghi lại, “người phụ nữ đã tôn vinh Thượng Đế từ thời khắc đó và tin cậy vào danh ngài”. (Bản Dịch Joseph Smith, Giăng 8:11 [ Giăng 8:11, phần cước chú c]).

Trong một buổi họp đặc biệt Giáng Sinh vào tháng Mười Hai năm 2018, Chủ tịch Russell M. Nelson thân yêu của chúng ta đã nói về bốn ân tứ mà chúng ta đã nhận được từ Đấng Cứu Rỗi. Ông đã nói rằng một ân tứ mà Đấng Cứu Rỗi ban tặng là khả năng để tha thứ:

“Nhờ vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, anh chị em có thể tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình và những người có thể không bao giờ nhận trách nhiệm cho sự tàn ác của họ đối với anh chị em.

“Thường là rất dễ dàng để tha thứ cho một người chân thành và khiêm nhường tìm kiếm sự tha thứ nơi anh chị em. Nhưng Đấng Cứu Rỗi sẽ ban cho anh chị em khả năng để tha thứ cho bất cứ người nào đã ngược đãi anh chị em trong mọi phương diện” (“Bốn Ân Tứ Mà Chúa Giê Su Ky Tô Ban cho Anh Chị Em” [Buổi họp đặc biệt Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 2 tháng Mười Hai năm 2018], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org).

Chúng ta hãy chân thành tha thứ cho nhau để nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Cha. Sự tha thứ giải phóng chúng ta và làm cho chúng ta xứng đáng để dự phần Tiệc Thánh vào mỗi Chủ Nhật. Chúng ta cần có sự tha thứ để trở thành những môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đức tính thứ tư của Đấng Cứu Rỗi là sự hy sinh. Sự hy sinh là một phần của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi đã dâng lên sự hy sinh cao cả của cuộc đời Ngài cho chúng ta để chúng ta được cứu chuộc. Cảm nhận nỗi đau của sự hy sinh, Ngài cầu xin Cha Ngài cất đi chén đắng, nhưng Ngài đã đi đến cùng của sự hy sinh vĩnh cửu. Đây chính là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ Tịch M. Russell Ballard đã dạy điều này: “Sự hy sinh là [sự] minh chứng của tình yêu thương thanh khiết. Mức độ yêu thương của chúng ta đối với Chúa, đối với phúc âm và đồng bào của mình có thể được đo lường bằng những gì mà chúng ta sẵn sàng hy sinh cho họ”.(“The Blessings of Sacrifice,” Ensign, tháng Năm năm 1992, trang 76).

Chúng ta có thể hy sinh thời gian của mình để phục sự, phục vụ người khác, làm điều thiện, làm công việc lịch sử gia đình, và làm vinh hiển sự kêu gọi của chúng ta trong Giáo Hội.

Chúng ta có thể đóng góp tài chính của mình bằng cách đóng tiền thập phân, của lễ nhịn ăn và các khoản hiến tặng khác để xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Chúng ta cần hy sinh để tuân giữ các giao ước mà chúng ta đã lập với Đấng Cứu Rỗi.

Tôi cầu nguyện rằng bằng cách noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và trông cậy vào các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta sẽ ngày càng trở nên khiêm nhường hơn, chúng ta được can đảm hơn, chúng ta tha thứ nhiều hơn và chúng ta hy sinh nhiều hơn cho vương quốc của Ngài.

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta hằng sống và Ngài biết rõ từng người chúng ta, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri của Thượng Đế ngày nay. Tôi làm chứng rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Thượng Đế trên thế gian, và rằng Sách Mặc Môn là chân chính. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, A Men.