2021
Tôi Cầu Nguyện rằng Ngài Sẽ Sử Dụng Chúng Ta
Tháng Mười Một năm 2021


10:36

Tôi Cầu Nguyện rằng Ngài Sẽ Sử Dụng Chúng Ta

Những nỗ lực nhỏ bé tập hợp lại tạo nên tác động lớn, làm vinh hiển những điều nhỏ nhặt mà chúng ta làm với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chiếc bánh quy được làm từ bột phyllo cán mỏng và hạt hồ trăn này như một cách để bày tỏ lời cảm ơn. Nó được làm ra bởi gia đình Kadado, họ sở hữu ba tiệm bánh ở Damascus, Syria trong nhiều thập kỷ. Khi chiến tranh xảy ra, một cuộc phong tỏa đã ngăn không cho thực phẩm và nhu yếu phẩm được chuyển đến khu vực của họ trong thành phố. Gia đình Kadado bắt đầu bị thiếu ăn. Đứng trước đỉnh điểm của hoàn cảnh tuyệt vọng này, Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau và một số thành viên quả cảm thuộc Tổ chức Rahma Worldwide đã phục vụ bữa ăn nóng hằng ngày, cùng với sữa cho những trẻ nhỏ. Sau khoảng thời gian khó khăn, gia đình này đã bắt đầu lại cuộc sống—cũng như tiệm bánh của họ—một lần nữa ở một đất nước mới.

Gần đây, một hộp bánh quy đã được gửi đến văn phòng của Giáo Hội kèm theo lời nhắn như sau: “Trong hơn hai tháng, chúng tôi đã được cung cấp thức ăn từ căn bếp chung của Tổ chức Rahma–[Hội Từ Thiện] Thánh Hữu Ngày Sau. Nếu không có những bữa ăn đó thì chắc hẳn chúng tôi có thể [đã] chết đói. Xin hãy nhận … phần bánh nhỏ này từ cửa hàng của chúng tôi như một lời cảm ơn. Tôi cầu xin Thượng Đế Đấng Toàn Năng ban phước cho anh chị em … trong mọi việc anh chị em làm.” 1

Chiếc bánh tượng trưng cho lòng biết ơn và là một cách để ghi nhớ. Đây là biểu tượng của lòng biết ơn dành cho tất cả anh chị em. Dành cho tất cả những ai đã cầu nguyện sau khi xem một câu chuyện trên bản tin, cho tất cả những người đã xung phong tình nguyện trong tình cảnh khó khăn hay những người đã hảo tâm quyên góp tiền bạc cho quỹ nhân đạo và tin tưởng rằng những hành động này sẽ mang đến một vài điều tốt đẹp, xin cảm ơn anh chị em.

Trách Nhiệm Thiêng Liêng trong việc Chăm Sóc Người Nghèo Khó

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được ủy thác trách nhiệm thiêng liêng là chăm sóc cho người nghèo khó. 2 Đây là một phần thiết yếu của công việc cứu rỗi và tôn cao. 3 Điều gì đã đúng trong thời kỳ của An Ma thì chắc chắn cũng đúng với chúng ta: “Và mặc dầu sống trong cảnh thịnh vượng như vậy, nhưng họ không xua đuổi những kẻ thiếu áo quần, đói khát hay bệnh tật, hoặc không ai nuôi nấng; và họ không chú tâm đến của cải; vậy nên, họ ban phát rất rộng rãi cho tất cả mọi người, trẻ cũng như già, nô lệ cũng như tự do, nam cũng như nữ, người trong giáo hội cũng như người ngoài giáo hội, không phân biệt một ai khi cần sự giúp đỡ.” 4

Giáo Hội đáp ứng trách nhiệm này theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:

  • công việc phục sự mà chúng ta đang thực hiện thông qua Hội Phụ Nữ, các nhóm túc số chức tư tế và các lớp học;

  • việc nhịn ăn và sử dụng các của lễ nhịn ăn;

  • các trang trại và nhà máy đồ hộp vì mục đích phúc lợi;

  • các trung tâm dành cho người nhập cư;

  • cung cấp hỗ trợ cho những người ở trong tù;

  • những nỗ lực trong hoạt động nhân đạo của Giáo Hội;

  • và ứng dụng JustServe, nếu có sẵn, giúp kết nối các tình nguyện viên với những cơ hội phục vụ.

Đó là tất cả những cách thức, được tổ chức thông qua chức tư tế, mà trong đó những nỗ lực nhỏ bé tập hợp lại tạo nên tác động lớn, làm vinh hiển những điều nhỏ nhặt mà chúng ta làm với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Vị Tiên Tri Có Chức Vụ Quản Lý cho Toàn Bộ Thế Gian

Các vị tiên tri chịu trách nhiệm cho toàn bộ thế gian, không chỉ đối với các tín hữu của Giáo Hội. Tôi có thể kể từ kinh nghiệm của riêng mình về việc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đảm đương trách nhiệm này theo cách cá nhân và tận tụy đến thế nào. Khi nhu cầu tăng cao, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã thúc giục chúng tôi phải gia tăng các hoạt động nhân đạo một cách đáng kể. Họ quan tâm từ những xu hướng lớn nhất cho đến những chi tiết nhỏ nhất.

Gần đây, chúng tôi có mang đến cho họ một trong những bộ đồ bảo hộ y tế mà nhà máy Beehive Clothing đã may cho các bệnh viện để sử dụng trong suốt thời gian đại dịch. Với tư cách là một bác sỹ y khoa, Chủ Tịch Russell M.Nelson vô cùng quan tâm đến chuyện này. Ông không chỉ muốn trông thấy chúng. Mà ông còn muốn mặc thử—kiểm tra phần tay áo cùng chiều dài bộ đồ và cách mà bộ đồ này được buộc lại từ phía sau. Sau đó ông nói với chúng tôi, bằng giọng tràn đầy xúc động, rằng: “Khi chị gặp những người trong cùng sự chỉ định của chị, hãy gửi lời cảm ơn đến họ cho sự nhịn ăn, của lễ đóng góp, và công việc phục sự của họ trong tôn danh của Chúa.”

Báo Cáo Viện Trợ Nhân Đạo

Theo sự hướng dẫn của Chủ Tịch Nelson, tôi đang tường trình lại với anh chị em về cách mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang ứng phó với các vấn đề như bão lũ, động đất, người tị nạn di cư—và thậm chí là đại dịch—nhờ lòng tốt của Các Thánh Hữu Ngày Sau và rất nhiều bạn bè. Với hơn 1.500 dự án COVID-19, đây chắc chắn là trọng tâm cứu trợ lớn nhất của Giáo Hội trong 18 tháng qua, ngoài ra Giáo Hội cũng đã ứng phó với 933 thảm họa thiên nhiên và khủng hoảng tị nạn ở 108 quốc gia. Nhưng số liệu thống kê không nói lên tất cả mọi việc. Tôi xin chia sẻ bốn ví dụ ngắn gọn để minh họa một phần nhỏ nhất của những gì đang được diễn ra.

Cứu Trợ Người Nam Phi do dịch COVID

Cô bé 16 tuổi tên là Dieke Mphuti, sống ở Welkom, Nam Phi, cha mẹ em đã mất cách đây nhiều năm, bỏ lại em phải một mình chăm sóc ba đứa em nhỏ. Việc xoay xở để có đủ thức ăn đã luôn là vấn đề khó khăn đối với em, nhưng tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm và cách ly do COVID đã khiến việc này dường như là không thể. Các em đã thường xuyên bị đói ăn, chỉ sống qua ngày dựa vào lòng hảo tâm của những người hàng xóm.

Cô bé Dieke Mphuti

Vào một ngày nắng ấm tháng Tám năm 2020, Dieke đã bị giật mình bởi tiếng gõ cửa nhà em ấy. Em mở cửa ra và thấy hai người lạ—một người là đại diện của Giáo Hội từ văn phòng giáo vùng ở Johannesburg và người kia là nhân viên Sở Phát Triển Xã Hội của Nam Phi.

Hai tổ chức đã hợp tác để mang thực phẩm đến những hộ gia đình khó khăn. Dieke đã thở phào nhẹ nhõm khi em thoáng thấy túi bột ngô và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác, được mua bằng quỹ nhân đạo của Giáo Hội. Những túi thực phẩm này sẽ giúp em cùng gia đình duy trì trong vài tuần cho đến khi gói cứu trợ của chính phủ có thể đến tay em ấy.

Câu chuyện của cô bé Dieke chỉ là một trong hàng nghìn kinh nghiệm giống như vậy đang diễn ra trên khắp thế giới trong đại dịch COVID nhờ những đóng góp dâng hiến của các anh chị em.

Cứu Trợ Người Afghanistan tại Ramstein

Tất cả chúng ta đều đã thấy những hình ảnh gần đây trên bản tin: hàng nghìn người sơ tán đang được đưa ra khỏi Afghanistan. Nhiều người đã đến các căn cứ không quân hoặc các địa điểm tạm thời khác ở Qatar, Hoa Kỳ, Đức và Tây Ban Nha trước khi tiếp tục tới điểm đến cuối cùng của họ. Nhu cầu của họ là rất cấp bách, và Giáo Hội đã tiếp ứng bằng cách cung cấp nhu yếu phẩm và gửi các tình nguyện viên đến đó. Tại Căn Cứ Không Quân Ramstein ở Đức, Giáo Hội đã hiến tặng số lượng lớn tã lót, sữa bột trẻ em, thực phẩm và giày dép.

Các khoản hiến tặng nhân đạo cho người tị nạn
Các chị em phụ nữ may trang phục cho người tị nạn Afghanistan

Một số chị em của Hội Phụ Nữ nhận thấy rằng nhiều phụ nữ Afghanistan đang phải dùng áo của chồng để che đầu vì khăn trùm đầu truyền thống của họ đã bị xé toạc trong đám đông hỗn loạn ở sân bay Kabul. Với tình hữu nghị vượt qua mọi ranh giới tôn giáo hay văn hóa, các chị em của Tiểu Giáo Khu Ramstein First đã tụ họp lại để may những trang phục Hồi giáo truyền thống cho phụ nữ Afghanistan. Chị Bethani Halls nói: “Chúng tôi biết rằng những chị em phụ nữ cần trang phục cầu nguyện, và chúng tôi đang may chúng để họ có thể [thoải mái] khi cầu nguyện.” 5

Cứu Trợ Người Haiti trong Trận Động Đất

Ví dụ tiếp theo này sẽ cho thấy rằng anh chị em không cần phải giàu có hay đủ tuổi để mang điều tốt đẹp đến cho người khác. Marie “Djadjou” Jacques, mười tám tuổi, đến từ Chi Nhánh Cavaillon ở Haiti. Khi trận động đất kinh hoàng xảy ra gần thị trấn của em vào tháng Tám, ngôi nhà của gia đình em là một trong hàng chục nghìn tòa nhà bị sập. Nỗi tuyệt vọng vì mất nhà cửa gần như không thể tưởng tượng nổi. Nhưng thay vì đầu hàng trước sự tuyệt vọng đó, Djadjou—thật đáng ngưỡng mộ—đã nghĩ về người khác và nỗ lực để giúp đỡ họ.

Em Marie Jacques
Trận động đất tại Haiti

Associated Press (Liên Đoàn Báo Chí)

Em trông thấy người hàng xóm lớn tuổi đang gặp khó khăn và em bắt đầu giúp chăm sóc bà. Em đã giúp những người khác dọn dẹp đống đổ nát. Mặc dù kiệt sức, nhưng em vẫn tham gia cùng các tín hữu khác của Giáo Hội để phân phát thực phẩm và đồ dùng vệ sinh đến những người khác. Câu chuyện của Djadjou chỉ là một trong nhiều ví dụ điển hình về tinh thần phục vụ mạnh mẽ được các bạn giới trẻ và thành niên trẻ tuổi thực hiện khi họ cố gắng làm theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cứu Trợ trong Trận Lũ Lụt tại Đức

Chỉ một vài tuần trước trận động đất, một nhóm thành niên trẻ tuổi khác cũng đang mang đến những hỗ trợ tương tự ở bên kia Đại Tây Dương. Trận lũ quét qua Tây Âu vào tháng Bảy là trận lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Trận lụt tại Đức

Cuối cùng sau khi nước rút, một chủ cửa hàng ở ven sông quận Ahrweiler, Đức, đã đi khảo sát thiệt hại và hoàn toàn choáng ngợp. Người đàn ông khiêm nhường ấy, một tín đồ Công Giáo ngoan đạo, đã thì thầm cầu nguyện rằng Chúa sẽ gửi ai đó đến giúp ông. Ngay sáng hôm sau, Chủ tịch Dan Hammon của Phái Bộ Truyền Giáo Germany Frankfurt đã đến con phố nọ với một nhóm nhỏ những người truyền giáo mặc trên người chiếc áo khoác màu vàng với dòng chữ Helping Hands (Những Bàn Tay Giúp Đỡ). Nước đã dâng cao lên đến 10 feet (3 mét), nhấn chìm các bức tường của cửa hàng, rồi để lại một lớp bùn dày đặc. Các tình nguyện viên đã xúc bùn, dỡ bỏ thảm và vách thạch cao, và chất gọn gàng trên con phố để chờ chuyển đi. Người chủ cửa hàng đã làm việc bên cạnh họ trong nhiều giờ đã vui mừng khôn xiết, và kinh ngạc khi thấy rằng Chúa đã gửi một nhóm tôi tớ của Ngài đến để đáp ứng lời cầu nguyện của ông—chỉ trong vòng 24 giờ! 6

“Thật Vậy, Tôi Cầu Nguyện Rằng Ngài Sẽ Sử Dụng Chúng Ta”

Trong bài nói chuyện về những hoạt động nhân đạo của Giáo Hội, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã từng nói: “Những lời cầu nguyện được đáp ứng … phần lớn là … nhờ Thượng Đế sử dụng những người khác để hoàn thành công việc của Ngài. Thật vậy, tôi cầu nguyện rằng Ngài sẽ sử dụng chúng ta. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể là sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mọi người.” 7

Thưa các anh chị em, bằng việc phục sự, trao tặng các khoản quyên góp, thời gian và tình yêu thương, anh chị em đã trở thành sự đáp ứng cho rất nhiều lời cầu nguyện. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc mà chúng ta cần phải làm. Là tín hữu đã được báp têm của Giáo Hội, tất cả chúng ta đều mang lấy giao ước chăm sóc cho người thiếu thốn. Các nỗ lực cá nhân của chúng ta không nhất thiết phải cần đến tiền bạc hay các địa điểm xa xôi; 8 mà những nỗ lực đó cần phải có sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và một tấm lòng sẵn sàng thưa với Chúa: “Có tôi đây, xin hãy sai tôi.” 9

Năm Lành của Chúa

Sách Lu Ca 4 ghi lại lúc Chúa Giê Su đến thành Na Xa Rét, là nơi dưỡng dục Ngài, và [Ngài] đứng dậy trong nhà hội để đọc. Đây là lúc gần bắt đầu giáo vụ trên trần thế của Ngài, và Ngài đã trích dẫn một đoạn trong sách Ê Sai:

“Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta [để rịt lành những tấm lòng tan vỡ], để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do,

“Và để đồn ra năm lành của Chúa. …

“… Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.” 10

Tôi làm chứng rằng lời Kinh Thánh cũng đang được ứng nghiệm trong chính thời kỳ của chúng ta. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đến để rịt lành những tấm lòng tan vỡ. Phúc âm của Ngài là để cho kẻ mù được sáng. Giáo Hội của Ngài là để rao giảng sự giải cứu cho kẻ bị giam cầm, và các môn đồ của Ngài trên khắp thế gian đang nỗ lực để giúp kẻ bị hà hiếp được tự do.

Tôi xin kết thúc bằng cách lặp lại câu hỏi mà Chúa Giê Su đã hỏi Sứ Đồ Si Môn Phi E Rơ của Ngài rằng: “Ngươi yêu ta chăng?” 11 Bản chất của phúc âm được bao hàm trong cách chúng ta trả lời câu hỏi đó cho chính mình và “chăn chiên [của Ngài].” 12 Với lòng tôn kính và tình yêu lớn lao dành cho Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Thầy của chúng ta, tôi mời gọi mỗi người chúng ta tham gia vào giáo vụ tuyệt vời của Ngài, và tôi cầu nguyện rằng Ngài sẽ sử dụng chúng ta. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Abdul Razaq, thư tín cá nhân, tháng Năm năm 2021.

  2. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 104:11–18.

  3. Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 1.2.2, ChurchofJesusChrist.org.

  4. An Ma 1:30.

  5. Bethani Halls, trích trong “Aiding Afghan Evacuees,” Bản Tin Phúc Lợi và Tự Lực Cánh Sinh Giáo Vùng Châu Âu, tháng Tám năm 2021.

  6. Từ chủ tịch Dan Hammon (chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Germany Frankfurt), trích email gửi cho Ty Johnson, năm 2021.

  7. Jeffrey R. Holland, “Neonatal Resuscitation with Elder Holland” (video), Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, ngày 10 tháng Mười Một năm 2011, youtube.com.

  8. Xin xem bài viết của chị Sharon Eubank, “16 Things You Can Do to Become a Humanitarian,” ngày 3 tháng Mười năm 2021, ChurchofJesusChrist.org.

  9. Ê Sai 6:8; xin xem thêm Áp Ra Ham 3:27.

  10. Lu Ca 4:18–19, 21.

  11. Xin xem Giăng 21:15–17.

  12. Giăng 21:15–17.