2021
Làm Sâu Sắc Thêm Sự Cải Đạo Của Chúng Ta theo Chúa Giê Su Ky Tô
Tháng Mười Một năm 2021


10:5

Làm Sâu Sắc Thêm Sự Cải Đạo Của Chúng Ta theo Chúa Giê Su Ky Tô

Thánh thư và sự hiểu biết của chúng ta về Thượng Đế là những món quà—những món quà mà chúng ta thường không thực sự biết ơn. Chúng ta hãy quý trọng những phước lành này.

Cảm ơn Anh Cả Nielson rất nhiều cho sứ điệp tuyệt vời của anh. Chúng ta cần những điều đó.

Các anh chị em thân mến của tôi, Chủ Tịch Russell M. Nelson gần đây đã dạy chúng ta rằng: “Cần có nỗ lực để làm giỏi bất cứ điều gì. Việc trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô cũng không phải là ngoại lệ. Việc gia tăng đức tin và sự tin cậy của anh chị em nơi Ngài cần phải có nỗ lực.” Trong số những lời đề nghị mà ông đã đưa ra cho chúng ta để gia tăng đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô là chúng ta trở thành một người siêng năng học hỏi, trở nên quen thuộc với thánh thư để hiểu rõ hơn sứ mệnh và giáo vụ của Đấng Ky Tô. (Xin xem “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 103.)

Chúng ta học được trong Sách Mặc Môn rằng thánh thư là một phần quan trọng trong gia đình Lê Hi—quan trọng đến nỗi mà Nê Phi và các anh của ông đã quay trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng (xin xem 1 Nê Phi 3–4).

Thánh thư tiết lộ ý muốn của Thượng Đế cho chúng ta, cũng giống như quả cầu Liahona đã làm như vậy đối với Nê Phi và cha ông. Khi ông làm gãy cây cung của mình, Nê Phi muốn biết được nơi ông cần đến để kiếm lương thực. Cha của ông, Lê Hi, đã nhìn vào quả cầu Liahona và thấy được những điều được viết trên đó. Nê Phi đã thấy các cây kim hoạt động theo đức tin, sự chuyên tâm, và sự chú ý đối với chúng. Ông cũng thấy được lối văn tự mà dễ dàng để đọc và làm cho họ hiểu được những đường lối của Chúa. Ông nhận biết được rằng Chúa có thể đem lại những việc lớn lao nhờ vào những phương tiện nhỏ bé. Ông đã vâng theo những sự chỉ dẫn được đưa ra bởi quả cầu Liahona. Ông đã đi lên núi và kiếm lương thực cho gia đình ông, là những người mà đã phải chịu đựng rất nhiều vì bị thiếu đồ ăn. (Xin xem 1 Nê Phi 16:23–31.)

Đối với tôi thì dường như Nê Phi đã là một học sinh chuyên tâm vào thánh thư. Chúng ta đã đọc rằng Nê Phi rất vui thích các thánh thư, suy ngẫm nhiều về chúng trong lòng, và đã ghi chép những điều này vì sự học hỏi và lợi ích của con cháu ông (xin xem 2 Nê Phi 4:15–16).

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói:

“Nếu chúng ta ‘tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, … [chúng ta] sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu’ [2 Nê Phi 31:20].

“Nuôi dưỡng có ý nghĩa nhiều hơn là nếm. Nuôi dưỡng có nghĩa là thưởng thức. Chúng ta thưởng thức thánh thư bằng cách học hỏi thánh thư trong một tinh thần khám phá thú vị và sự trung tín vâng lời. Khi chúng ta nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô thì lời đó được ghi khắc ‘trên bảng thịt, tức là trên lòng’ [2 Cô Rinh Tô 3:3]. Những lời đó trở thành một phần thiết yếu cho bản tính của chúng ta” (“Sống theo Sự Hướng Dẫn của Thánh Thư,” Liahona, tháng Một năm 2001, trang 21).

Chúng Ta Sẽ Làm Một Số Điều Nào Nếu Tâm Hồn Chúng Ta Hân Hoan nơi Thánh Thư?

Ước muốn của chúng ta để trở thành một phần của sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che sẽ gia tăng. Sẽ là điều tự nhiên và bình thường khi chúng ta mời gọi gia đình và bạn bè của mình lắng nghe những người truyền giáo. Chúng ta sẽ xứng đáng, và sẽ có được một giấy giới thiệu đi đền thờ còn hiệu lực để đi đền thờ càng thường xuyên càng tốt. Chúng ta sẽ làm việc để tìm kiếm, chuẩn bị, và nộp tên của những người tổ tiên mình đến đền thờ. Chúng ta sẽ trở nên trung tín trong việc tuân giữ ngày Sa Bát, tham dự nhà thờ mỗi ngày Chủ Nhật để tái lập các giao ước của mình với Chúa khi chúng ta tham gia một cách xứng đáng vào việc dự phần Tiệc Thánh. Chúng ta sẽ quyết tâm tiếp tục đi trên con đường giao ước, sống theo từng lời nói phán ra từ miệng của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:44).

Hân Hoan nơi Những Sự Việc của Chúa Có Nghĩa Là Gì đối với Các Anh Chị Em?

Việc hân hoan nơi thánh thư còn hơn là khao khát tìm kiếm sự hiểu biết. Nê Phi đã cảm nhận được niềm vui lớn lao trong cuộc sống của ông. Tuy nhiên, ông cũng đã đối mặt với những khó khăn và nỗi buồn (xin xem 2 Nê Phi 4:12–13). “Tuy nhiên,” ông nói, “tôi biết mình đã đặt lòng tin cậy nơi ai rồi” (2 Nê Phi 4:19). Khi chúng ta học hỏi thánh thư, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn kế hoạch cứu rỗi và sự tôn cao của Thượng Đế, và chúng ta sẽ tin tưởng vào những lời hứa mà Ngài đã lập ra cho chúng ta trong thánh thư, cũng như những lời hứa và phước lành của các vị tiên tri tại thế.

Đa Vít và Gô Li Át

Một buổi chiều nọ, vợ tôi và tôi đã được mời đến nhà của một người bạn. Người con trai bảy tuổi của họ, David, chưa từng được nghe câu chuyện trong Kinh Thánh về Đa Vít và Gô Li Át, và em ấy muốn nghe nó. Khi tôi bắt đầu kể chuyện, em ấy đã cảm động về cách mà Đa Vít, với đức tin của ông và trong danh Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, đả thương và giết chết người Phi Li Tin bằng cái trành ném đá và một hòn đá mà không có gươm trong tay ông (xin xem 1 Sa Mu Ên 17).

Nhìn tôi với đôi mắt đen mở to, em ấy đã hỏi tôi một cách chắc chắn, “Thượng Đế là ai vậy ạ?” Tôi đã giải thích cho em ấy rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta và chúng ta tìm hiểu về Ngài trong thánh thư.

Sau đó em ấy đã hỏi tôi, “Thánh thư là gì vậy ạ?” Tôi đã nói với em ấy rằng thánh thư là những lời của Thượng Đế và rằng trong thánh thư em ấy có thể tìm thấy những câu chuyện tuyệt vời mà sẽ giúp em biết nhiều hơn về Thượng Đế. Tôi đã nhờ mẹ của em sử dụng cuốn Kinh Thánh mà cô ấy có ở nhà và chắc chắn đọc toàn bộ câu chuyện cho David trước khi em ấy đi ngủ. Em ấy đã vui thích khi được nghe câu chuyện đó. Thánh thư và sự hiểu biết của chúng ta về Thượng Đế là những món quà—những món quà mà chúng ta thường không thực sự biết ơn. Chúng ta hãy quý trọng những phước lành này.

Trong khi đang phục vụ công việc truyền giáo lúc còn trẻ, tôi đã nhận thấy rằng qua việc giảng dạy của chúng tôi bằng cách sử dụng thánh thư, cuộc sống của nhiều người đã được thay đổi. Tôi đã nhận thức được quyền năng trong thánh thư và cách chúng có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Mỗi người mà chúng tôi đã giảng dạy phúc âm phục hồi đều là một cá nhân đặc biệt với những nhu cầu khác nhau. Thật vậy—thánh thư là những lời tiên tri được viết bởi các vị thánh tiên tri—đã giúp họ có được một đức tin nơi Chúa và để hối cải cùng thay đổi tấm lòng họ.

Thánh thư đã làm cho họ tràn đầy niềm vui khi họ nhận được sự mặc khải, sự chỉ dẫn, sự an ủi, sức mạnh, và những sự đáp ứng cho những nhu cầu của họ. Phần đông trong số họ đã quyết định thay đổi cuộc sống của mình và bắt đầu để tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.

Nê Phi khuyến khích chúng ta hãy hân hoan trong những lời nói của Đấng Ky Tô, vì những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta phải làm (xin xem 2 Nê Phi 32:3).

Học thánh thư với gia đình

Tôi mời các anh chị em hãy có một kế hoạch vĩnh cửu để học hỏi thánh thư. Hãy Đến Mà Theo Ta là một nguồn tài liệu tuyệt vời mà chúng ta có để giảng dạy và học hỏi phúc âm, làm sâu sắc thêm sự cải đạo của chúng ta theo Chúa Giê Su Ky Tô, và giúp chúng ta trở nên giống Ngài hơn. Khi chúng ta học hỏi phúc âm, chúng ta không chỉ tìm kiếm thông tin mới mẻ; mà chúng ta tìm cách để trở thành một “người dựng nên mới” (2 Cô Rinh Tô 5:17).

Đức Thánh Linh soi dẫn chúng ta hướng đến lẽ thật và làm chứng cho chúng ta về lẽ thật đó (xin xem Giăng 16:13). Ngài soi sáng tâm trí chúng ta và đổi mới sự hiểu biết của chúng ta và làm cảm động lòng chúng ta thông qua sự mặc khải từ Thượng Đế, là nguồn gốc của mọi lẽ thật. Đức Thánh Linh làm thanh tẩy tấm lòng chúng ta. Ngài soi dẫn bên trong chúng ta ước muốn để sống theo lẽ thật, và thì thầm cho chúng ta biết những cách thức để làm điều này. “Đức Thánh Linh … sẽ dạy dỗ chúng ta mọi sự” (Giăng 14:26).

Nhắc đến những lời mà Ngài đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta phán rằng:

“Những lời này không phải của con người hoặc của nhân loại, mà là của ta; …

“Vì chính tiếng nói của ta nói lên những lời đó với các ngươi; vì chính Thánh Linh của ta đã ban những lời đó cho các ngươi … ;

“Vậy nên, các ngươi có thể làm chứng rằng các ngươi đã nghe tiếng nói của ta và biết những lời của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 18:34–36).

Chúng ta cần tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Mục tiêu này cần phải chi phối những quyết định cũng như hướng dẫn những ý nghĩ và hành động của chúng ta. Chúng ta cần phải tìm kiếm mọi thứ mà mời gọi sự ảnh hưởng của Thánh Linh và chối bỏ bất kỳ điều gì sai lệch khỏi ảnh hưởng này.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con Trai yêu dấu của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Tôi yêu mến Đấng Cứu Rỗi của tôi. Tôi biết ơn cho thánh thư của Ngài và các vị tiên tri tại thế của Ngài. Chủ Tịch Nelson là vị tiên tri của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.