Được Xứng Đáng Không Có Nghĩa Là Không Có Khuyết Điểm
Khi anh chị em cảm thấy mình đã thất bại quá nhiều lần đến mức không thể tiếp tục cố gắng nữa, thì hãy nhớ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô và ân điển mà làm cho điều đó có thể thực hiện được là có thật.
Có lần tôi sử dụng tính năng chuyển giọng nói thành văn bản để gửi tin nhắn cho con gái và con rể của tôi. Tôi nói: “Nè hai con. Cha yêu hai con.” Lời nhắn chúng nhận được là: “Ghét hai con. Cần yêu hai con.” Thật ngạc nhiên khi một thông điệp tích cực và đầy thiện chí lại có thể dễ bị hiểu lầm như vậy phải không? Điều này đôi khi xảy ra với các sứ điệp của Thượng Đế về sự hối cải và sự xứng đáng.
Một số người hiểu lầm sứ điệp rằng sự hối cải và sự thay đổi là không cần thiết. Sứ điệp của Thượng Đế là những điều này đều thiết yếu. 1 Nhưng chẳng phải Thượng Đế yêu thương chúng ta bất kể những yếu kém của chúng ta hay sao? Dĩ nhiên rồi! Ngài yêu thương chúng ta một cách trọn vẹn. Tôi yêu các cháu của tôi, dù chúng có khuyết điểm gì đi nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không muốn chúng tiến bộ và trở thành tất cả những gì chúng có thể trở thành. Thượng Đế yêu thương con người thật của chúng ta, nhưng Ngài cũng yêu thương chúng ta nhiều đến mức không để cho chúng ta ở trong tình trạng không hoàn hảo. 2 Mục đích của cuộc sống trần thế là để được lớn lên trong Chúa. 3 Mục đích của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô là sự thay đổi. Đấng Ky Tô không những có thể chuộc tội lỗi, thanh tẩy, an ủi, và chữa lành chúng ta, mà qua tất cả những điều này, Ngài có thể biến đổi chúng ta để trở nên giống như Ngài hơn. 4
Một số người hiểu sai sứ điệp rằng sự hối cải chỉ diễn ra một lần. Sứ điệp của Thượng Đế là, giống như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy, “Sự hối cải … là một tiến trình.” 5 Sự hối cải có thể cần thời gian và phải nỗ lực nhiều lần, 6 vì vậy việc từ bỏ tội lỗi 7 và “không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” 8 là sự theo đuổi suốt đời. 9
Cuộc sống giống như là một cuộc hành trình xuyên quốc gia. Chúng ta không thể tới được điểm đến của mình chỉ với một bình xăng. Chúng ta cần phải đổ đầy bình xăng nhiều lần. Việc dự phần Tiệc Thánh cũng giống như là lái xe vào trạm xăng vậy. Khi hối cải và tái lập các giao ước của mình, chúng ta sẵn lòng cam kết để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và Thượng Đế cùng Đấng Ky Tô ban phước cho chúng ta với Đức Thánh Linh. 10 Nói ngắn gọn, chúng ta hứa tiếp tục ở trên cuộc hành trình của mình, và Thượng Đế cùng Đấng Ky Tô hứa sẽ đổ đầy bình xăng.
Một số người hiểu lầm sứ điệp rằng họ không xứng đáng để tham gia trọn vẹn trong phúc âm vì họ không hoàn toàn từ bỏ được những thói quen xấu. Sứ điệp của Thượng Đế là được xứng đáng không có nghĩa là không có khuyết điểm. 11 Được xứng đáng có nghĩa là phải thành thật và cố gắng. Chúng ta cần phải thành thật với Thượng Đế, với các vị lãnh đạo chức tư tế, và với những người khác yêu thương chúng ta, 12 và chúng ta cần phải cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế và không bao giờ bỏ cuộc chỉ vì mình vấp ngã. 13 Anh Cả Bruce C. Hafen nói rằng việc phát triển một thuộc tính giống như Đấng Ky Tô “đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì nhiều hơn là sự hoàn hảo.” 14 Chúa đã phán rằng các ân tứ của Thánh Linh được “ban cho vì lợi ích của những người yêu mến ta và tuân giữ tất cả các giáo lệnh của ta, và kẻ nào tìm cách làm như vậy.” 15
Một thiếu niên mà tôi sẽ gọi là Damon đã viết: “Khi lớn lên, tôi đã vật lộn với thói quen xem phim ảnh sách báo khiêu dâm. Tôi luôn cảm thấy rất hổ thẹn vì không thể làm được điều đúng.” Mỗi lần Damon vấp ngã, nỗi đau đớn vì ân hận trở nên quá mãnh liệt đến mức em ấy khắt khe tự trách bản thân là không xứng đáng nhận được bất kỳ ân điển, sự tha thứ, hay cơ hội nào nữa từ Thượng Đế. Em ấy nói: “Tôi quyết định là mình chỉ đáng luôn phải cảm thấy tồi tệ. Tôi cho rằng Thượng Đế có lẽ ghét bỏ tôi vì tôi đã không sẵn lòng nỗ lực nhiều hơn và hoàn toàn cưỡng lại cám dỗ này. Tôi từ bỏ được một tuần và đôi khi được cả một tháng, nhưng rồi tôi lại tái phạm và nghĩ: “Mình sẽ không bao giờ đủ tốt cả, vậy thì cần gì mà phải cố gắng chứ?”
Vào một trong những giây phút tồi tệ như vậy, Damon nói với vị lãnh đạo chức tư tế của em: “Có lẽ em không nên đi nhà thờ nữa. Em chán phải làm một kẻ đạo đức giả lắm rồi.”
Vị lãnh đạo của em đáp: “Em không phải là một kẻ đạo đức giả chỉ vì em có thói quen xấu mà em đang cố gắng từ bỏ. Em là kẻ đạo đức giả nếu em che dấu, nói dối về thói quen đó, hoặc cố gắng tự thuyết phục mình rằng Giáo Hội sai vì luôn duy trì những tiêu chuẩn cao như vậy. Việc thành thật về những hành động của mình và thực hiện những bước cần thiết để tiến về phía trước không phải là đạo đức giả. Đó là trở thành một môn đồ.” 16 Vị lãnh đạo này trích dẫn Anh Cả Richard G. Scott, là người đã dạy: “Chúa thấy những yếu điểm khác hơn là Ngài thấy những phản nghịch. … Chúa phán về các yếu điểm [luôn luôn] với lòng thương xót.” 17
Quan điểm đó mang đến hy vọng cho Damon. Em ấy nhận thấy rằng Thượng Đế không ở trên cao phán rằng: “Damon lại vấp ngã rồi.” Thay vì thế, Ngài có thể đã phán rằng: “Xem Damon đã tiến bộ khá nhiều rồi đấy.” Cuối cùng người thiếu niên này không còn nhìn xuống vì hổ thẹn hay nhìn sang bên này bên kia tìm nguyên nhân này lý do nọ nữa. Em ấy nhìn lên để tìm kiếm sự giúp đỡ thiêng liêng và đã tìm được. 18
Damon nói: “Lần duy nhất trong quá khứ mà em tìm đến Thượng Đế là để cầu xin sự tha thứ, nhưng bây giờ em còn cầu xin ân điển nữa—‘quyền năng làm cho có khả năng’ của Ngài [Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ân Điển”]. Em chưa bao giờ làm như thế. Ngày nay, em giảm bớt thời gian tự chán ghét bản thân mình vì những gì em đã làm và dành ra nhiều thời gian hơn để yêu mến Chúa Giê Su vì những gì Ngài đã làm.”
Khi suy ngẫm về việc Damon đã gặp khó khăn lâu đến chừng nào, điều không hiệu quả và không thực tế sẽ là nếu cha mẹ và các vị lãnh đạo hỗ trợ cho em ấy nói quá sớm rằng: “Đừng bao giờ lặp lại nữa” hoặc tự ý đặt ra một số tiêu chuẩn kiêng khem để được coi là “xứng đáng.” Thay vào đó, họ bắt đầu với những mục tiêu nhỏ, dễ đạt được. Họ bỏ qua hết những kỳ vọng “tất cả hoặc không có gì” và tập trung vào sự tiến triển dần dần, mà cho phép Damon tiến bộ dựa trên nhiều thành công liên tiếp thay vì nhiều thất bại. 19 Giống như dân nô lệ Lim Hi, em ấy đã học được rằng em ấy có thể được “thịnh vượng dần dần.” 20
Anh Cả D. Todd Christofferson đã khuyên bảo: “Khi đối phó với vấn đề gì đó [rất] lớn, chúng ta có thể cần phải giải quyết từ từ, từng bước một. … Việc đưa vào trong cá tính của mình thói quen mới và lành mạnh hoặc từ bỏ thói quen hay thói nghiện xấu thường có nghĩa rằng đó là một nỗ lực từng ngày một, có thể kéo dài sang nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng, nhiều năm. … Nhưng chúng ta có thể làm được điều đó vì chúng ta có thể khẩn cầu Thượng Đế … xin sự giúp đỡ mà chúng ta cần mỗi ngày.” 21
Giờ đây, anh chị em thân mến, đại dịch COVID-19 không hề dễ dàng cho bất cứ ai, nhưng sự cô lập liên quan tới những hạn chế về giãn cách đã khiến cho cuộc sống của những ai đang vật lộn với những thói quen xấu trở nên đặc biệt khó khăn. Xin nhớ rằng sự thay đổi là khả thi, sự hối cải là một tiến trình, và sự xứng đáng không có nghĩa là không có khuyết điểm. Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng Thượng Đế và Đấng Ky Tô sẵn sàng giúp đỡ chúng ta ngay ở đây và ngay lúc này. 22
Một số người hiểu lầm sứ điệp rằng Thượng Đế đang chờ giúp đỡ chúng ta cho đến sau khi chúng ta hối cải. Sứ điệp của Thượng Đế là Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta trong khi chúng ta hối cải. Ân điển của Ngài có sẵn cho chúng ta “bất kể chúng ta đang ở đâu trên con đường vâng lời.” 23 Anh Cả Dieter F. Uchtdorf đã nói: “Thượng Đế không cần những người hoàn hảo. Ngài tìm kiếm những người sẵn sàng dâng lên ‘tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí’ [Giáo Lý và Giao Ước 64:34], và Ngài sẽ làm cho họ được ‘toàn thiện trong [Đấng Ky Tô]’ [Mô Rô Ni 10:32–33].” 24
Quá nhiều người đã bị tổn thương vì những mối quan hệ bị rạn nứt và căng thẳng, đến nỗi họ thấy rất khó để tin tưởng vào lòng trắc ẩn và sự nhịn nhục của Thượng Đế. Họ gặp khó khăn trong việc thấy Ngài như vốn có thật vậy—một Đức Chúa Cha đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của chúng ta 25 và biết cách “ban những vật tốt cho những người xin Ngài.” 26 Ân điển của Ngài không chỉ là phần thưởng cho người xứng đáng. Mà đó là “sự trợ giúp thiêng liêng” mà Ngài ban cho nhằm giúp chúng ta trở nên xứng đáng. Đó không chỉ là phần thưởng cho người ngay chính. Mà đó là “ân tứ về sức mạnh” mà Ngài ban cho nhằm giúp chúng ta trở nên ngay chính. 27 Chúng ta không chỉ đang bước về phía Thượng Đế và Đấng Ky Tô. Chúng ta đang bước cùng với Hai Ngài. 28
Trong khắp Giáo Hội, những người trẻ tuổi đọc thuộc lòng Các Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ và của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn. Từ New Zealand đến Tây Ban Nha, đến Ethiopia , đến Nhật Bản, các thiếu nữ nói: “Tôi trân trọng ân tứ về sự hối cải.” Từ Chile đến Guatemala đến Moroni, Utah, các thiếu niên nói: “Khi cố gắng phục vụ, thực hành đức tin, hối cải, và cải thiện mỗi ngày, tôi sẽ có đủ tư cách để nhận được các phước lành đền thờ và niềm vui lâu dài trong phúc âm.”
Tôi hứa rằng các phước lành này và niềm vui đó là có thật và trong tầm với của những người tuân giữ tất cả các lệnh truyền và “kẻ nào tìm cách làm như vậy.” 29 Khi anh chị em cảm thấy mình đã thất bại quá nhiều lần đến mức không thể tiếp tục cố gắng nữa, thì hãy nhớ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô và ân điển mà làm cho điều đó có thể thực hiện được là có thật. 30 “Cánh tay xót thương của [Ngài] đã dang ra về phía các [anh chị em].” 31 Anh chị em đều được yêu thương—vào lúc này, trong 20 năm nữa, và mãi mãi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.