2021
Đơn Giản và Đẹp Đẽ
Tháng Mười Một năm 2021


13:7

Đơn Giản và Đẹp Đẽ

Cầu xin cho chúng ta giữ cho phúc âm được đơn giản khi chúng ta nhận lấy các trách nhiệm được Chúa quy định.

Lời Giới Thiệu

Tôi xin gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới mỗi anh chị em đang tham dự đại hội này.

Hôm nay, tôi sẽ mô tả hai yếu tố của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, tiếp theo đó là bốn câu chuyện đầy soi dẫn từ các Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp thế giới cho thấy việc áp dụng các nguyên tắc này. Yếu tố đầu tiên của phúc âm phục hồi—là công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế—tập trung vào các trách nhiệm được Chúa quy định. Yếu tố thứ hai nhắc nhở chúng ta rằng phúc âm là minh bạch, quý báu và đơn giản.

Các Trách Nhiệm Được Chúa Quy Định

Để nhận được cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài.” 1 Khi chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và giúp đỡ những người khác làm như vậy, chúng ta tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế, mà tập trung vào các trách nhiệm đã được Chúa quy định. 2 Các trách nhiệm thiêng liêng này phù hợp với các chìa khóa chức tư tế đã được Môi Se, Ê Li A, và Ê Li phục hồi, được ghi lại trong tiết 110 của sách Giáo Lý và Giao Ước, 3 và lệnh truyền lớn thứ hai được Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta là phải yêu thương người lân cận như chính mình. 4 Chúng được tìm thấy ở hai trang đầu tiên của Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, đã được cập nhật, có sẵn cho tất cả các tín hữu.

Nếu việc nghe thấy các từ “Sách Hướng Dẫn Tổng Quát” hoặc “các trách nhiệm được Chúa quy định” làm cho anh chị em phải rùng mình vì sự phức tạp thì xin đừng như vậy. Các trách nhiệm này rất đơn giản, đầy soi dẫn, thúc đẩy, và có thể làm được. Đây là các trách nhiệm đó:

  1. Sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô

  2. Chăm sóc những người hoạn nạn

  3. Mời gọi tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm

  4. Gắn bó các gia đình cho thời vĩnh cửu

Giống như tôi, anh chị em có thể xem các trách nhiệm đó: như là một bản đồ chỉ đường để trở về với Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta.

Các yếu tố của công việc cứu rỗi và tôn cao

Phúc Âm Là Minh Bạch, Quý Báu và Đơn Giản

Có người nói rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô “đơn giản và đẹp đẽ.” 5 Nhưng thế gian thì không. Thế gian rất phức tạp, phiền phức, và đầy dẫy sự hỗn loạn và tranh chấp. Chúng ta được ban phước khi chúng ta thận trọng để không cho phép sự phức tạp, là điều quá phổ biến trên thế gian, xâm nhập vào cách chúng ta tiếp nhận và thực hành phúc âm.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks nhận xét: “Chúng ta được giảng dạy nhiều điều nhỏ nhặt tầm thường trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần phải được nhắc nhở rằng qua thời gian dài thì những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt đó sẽ mang lại những điều lớn lao.” 6 Chính Chúa Giê Su Ky Tô mô tả rằng ách của Ngài dễ chịu và gánh của Ngài nhẹ nhàng. 7 Tất cả chúng ta nên cố gắng giữ cho phúc âm được đơn giản—trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong các lớp học và nhóm túc số của chúng ta, và trong các tiểu giáo khu và giáo khu của chúng ta.

Khi anh chị em lắng nghe những câu chuyện sau đây mà tôi sẽ chia sẻ với anh chị em, xin hãy biết rằng chúng đã được lựa chọn cẩn thận để soi dẫn và để thông báo. Những hành động của mỗi người trong số các Thánh Hữu Ngày Sau này trở thành một mẫu mực cho mỗi chúng ta trong việc áp dụng phúc âm theo những cách thức minh bạch, quý báu, đơn giản mà vẫn làm tròn một trong các trách nhiệm đã được Chúa quy định như vừa được giới thiệu.

Sống Theo Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô

Thứ nhất, sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh Jens ở Đan Mạch cầu nguyện hằng ngày để sống theo phúc âm và lưu ý đến những sự thúc giục từ Đức Thánh Linh. Anh ấy đã học cách hành động nhanh chóng khi cảm thấy được Thánh Linh hướng dẫn.

Anh Jens ở Đan Mạch

Anh Jens đã chia sẻ câu chuyện sau đây:

“Chúng tôi sống trong một ngôi nhà khung gỗ nhỏ bình dị với mái tranh ở trung tâm của một ngôi làng nhỏ ấm cúng, gần với ao làng.

Làng Idyllic
Ao làng

“Vào đêm nọ với thời tiết mùa hè ở Đan Mạch đẹp nhất có thể tưởng tượng được, cửa ra vào và cửa sổ đều mở, và mọi thứ đều mang hơi thở yên bình và tĩnh lặng. Vì những đêm hè dài và rực rỡ của chúng tôi, nên tôi đã không vội vã thay thế bóng đèn bị cháy trong phòng chứa đồ của mình.

Cái đèn trong phòng chứa đồ

“Đột nhiên, tôi có một cảm giác mạnh mẽ rằng tôi phải thay thế nó ngay lập tức! Cùng lúc đó, tôi nghe vợ tôi, Mariann, gọi tôi và các con rửa tay vì bữa tối đã sẵn sàng!

“Tôi đã kết hôn đủ lâu để biết rằng đây không phải là lúc để bắt đầu làm bất cứ điều gì khác ngoài việc rửa tay, nhưng tôi lại gọi Mariann và nói rằng mình sẽ tạt qua cửa hàng để mua một bóng đèn mới. Tôi cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ để đi ngay lập tức.

“Cửa hàng tạp hóa ở ngay bên kia cái ao. Chúng tôi thường đi bộ, nhưng hôm nay tôi chụp lấy chiếc xe đạp của mình. Trong khi đi ngang qua cái ao, từ góc nhìn của mình tôi thấy một cậu bé khoảng hai tuổi, đang đi bộ một mình cạnh mép ao, rất gần mặt nước—thì đột nhiên cậu bé ngã xuống! Cậu bé vừa ở đó—và biến mất ngay sau đó!

“Không một ai đã thấy điều này xảy ra ngoài tôi. Tôi thả xe đạp xuống đất, chạy, và nhảy xuống cái ao sâu đến thắt lưng. Mặt nước lập tức đóng bèo khiến tôi không thể nhìn xuyên qua được. Rồi tôi cảm nhận được sự chuyển động ở một phía. Tôi thò tay xuống nước, nắm lấy một chiếc áo phông, và kéo cậu bé lên. Cậu bé bắt đầu thở dốc, ho, và khóc. Ngay sau đó cậu bé đã được đoàn tụ với cha mẹ của mình.”

Anh Jens và gia đình

Khi Anh Jens cầu nguyện mỗi buổi sáng cho sự giúp đỡ để nhận ra những sự thúc giục từ Đức Thánh Linh, kể cả một điều gì đó khác thường như việc ngay lập tức thay bóng đèn, anh ấy cũng cầu nguyện rằng mình cũng có thể được sử dụng như một công cụ để ban phước cho con cái của Thượng Đế. Anh Jens sống theo phúc âm bằng cách tìm kiếm sự hướng dẫn từ Chúa mỗi ngày, phấn đấu để được xứng đáng, sau đó cố gắng hết sức mình để tuân theo khi nhận được sự hướng dẫn đó.

Chăm Sóc Những Người Hoạn Nạn

Đây là một ví dụ về việc chăm sóc cho những người hoạn nạn. Một ngày nọ, chủ tịch giáo khu ở giáo khu Cúcuta ở Colombia đã đồng hành với chủ tịch Hội Thiếu Nữ giáo khu đến thăm hai em thiếu nữ—và người anh trai tuổi niên thiếu của họ—là những người đang trải qua một số khó khăn khủng khiếp. Cha của các em mới qua đời, và mẹ của các em đã qua đời một năm trước đó. Giờ đây, ba anh em bị bỏ lại một mình trong nơi trú ẩn nhỏ bé, đơn giản của các em. Các bức tường làm bằng gỗ thô sơ được lót bằng túi ni lông, và mái nhà lợp tôn chỉ đủ che cho khu vực các em ngủ.

Sau cuộc viếng thăm của họ, các vị lãnh đạo này biết rằng các em cần được giúp đỡ. Thông qua hội đồng tiểu giáo khu, một kế hoạch giúp đỡ các em bắt đầu được lập ra. Các vị lãnh đạo tiểu giáo khu và giáo khu—Hội Phụ Nữ, nhóm túc số các anh cả, Hội Thiếu Niên, Hội Thiếu Nữ—và nhiều gia đình, tất cả đều tập trung vào nhiệm vụ ban phước cho gia đình này.

Ngôi nhà đang được xây dựng
Ngôi nhà đang được xây dựng

Các tổ chức trong tiểu giáo khu liên lạc với một vài tín hữu trong tiểu giáo khu đang làm công việc xây dựng. Một số người đã giúp thiết kế, một số người hiến tặng thời gian và công sức, một số người nấu các bữa ăn, và những người khác hiến tặng các vật liệu cần thiết.

Ngôi nhà đã hoàn thành

Khi căn nhà nhỏ được hoàn tất, đó là một ngày vui mừng đối với những người đã giúp đỡ và cho ba tín hữu trẻ tuổi trong tiểu giáo khu. Những đứa trẻ mồ côi này cảm thấy những sự gắn bó ấm áp và yên lòng của gia đình tiểu giáo khu của các em và biết rằng các em không cô đơn và Thượng Đế luôn luôn ở bên cạnh các em. Những người giúp đỡ đã cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho gia đình này và hành động thay cho Ngài trong việc phục vụ các em.

Mời Gọi Tất Cả Mọi Người Tiếp Nhận Phúc Âm

Tôi nghĩ rằng các anh chị em sẽ thích thú với tấm gương này về việc mời gọi tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm. Em Cleiton mười bảy tuổi ở Cape Verde không hề biết điều gì sẽ xảy ra sau khi bước vào lớp giáo lý của tiểu giáo khu vào một ngày nọ. Nhưng cuộc sống của Cleiton và cuộc sống của những người khác sẽ được thay đổi vĩnh viễn vì em ấy đã làm như vậy.

Cleiton, cùng với mẹ và anh trai, đã chịu phép báp têm vào Giáo Hội một thời gian trước đó, nhưng gia đình đã ngừng tham dự. Chỉ với hành động tham dự lớp giáo lý của em ấy mà đã tạo ra một sự thay đổi ảnh hưởng cho gia đình mình.

Các em giới trẻ khác trong lớp giáo lý rất nồng nhiệt và chào đón. Các em ấy làm cho Cleiton cảm thấy thoải mái và khuyến khích Cleiton tham dự một sinh hoạt khác. Em ấy đã làm như vậy, và nhanh chóng bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp khác của em trong Giáo Hội. Một vị giám trợ khôn ngoan đã nhìn thấy tiềm năng thuộc linh ở Cleiton và mời em làm phụ tá cho ông. Giám Trợ Cruz nói: “Từ giây phút đó trở đi, Cleiton đã trở thành một tấm gương và một sự ảnh hưởng đối với các em trẻ tuổi khác.”

Người đầu tiên Cleiton mời gọi trở lại nhà thờ là mẹ của em, sau đó là anh trai của em. Sau đó, em ấy mời gọi bạn bè. Một trong những người bạn đó là một thiếu niên cùng tuổi với em ấy, Wilson. Ngay trong buổi gặp đầu tiên của mình với những người truyền giáo, Wilson đã bày tỏ ước muốn được làm phép báp têm. Những người truyền giáo đã rất cảm kích và kinh ngạc trước việc Cleiton đã chia sẻ với Wilson rất nhiều.

Các thiếu niên ở Cape Verde
Mời gọi người khác đến nhà thờ
Nhóm các em giới trẻ tích cực đông dần lên

Các nỗ lực của Cleiton đã không dừng lại ở đó. Ngoài việc chia sẻ phúc âm với bạn bè thuộc các tín ngưỡng khác, em ấy đã giúp các tín hữu kém tích cực khác quay trở lại. Ngày nay, tiểu giáo khu có 35 em giới trẻ tích cực, với một chương trình lớp giáo lý đang phát triển, phần lớn nhờ vào những nỗ lực của Cleiton để yêu thương, chia sẻ, và mời gọi. Cleiton và anh trai của mình, Cléber, đều đang chuẩn bị để phục vụ truyền giáo toàn thời gian.

Gắn Bó Các Gia Đình cho Thời Vĩnh Cửu

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ một tấm gương tuyệt vời về việc gắn bó các gia đình cho thời vĩnh cửu. Chị Lydia từ Kharkiv, Ukraine, lần đầu tiên biết về đền thờ từ những người truyền giáo. Ngay lập tức, chị Lydia khao khát để tham dự đền thờ, và sau lễ báp têm của mình, chị bắt đầu chuẩn bị để nhận được một giấy giới thiệu đi đền thờ.

Chị Lydia đã tham dự Đền Thờ Freiberg Germany để tiếp nhận lễ thiên ân của mình và sau đó dành ra vài ngày ở đó để làm giáo lễ thay cho những người đã mất. Sau lễ cung hiến Đền Thờ Kyiv Ukraine, chị Lydia đã tham dự đền thờ thường xuyên hơn. Chị và chồng mình, Anatoly, đã được làm lễ gắn bó vĩnh cửu ở đó và về sau được kêu gọi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo ở đền thờ. Họ cùng nhau tìm thấy hơn 15.000 tên của tổ tiên và đã làm việc để cung ứng các giáo lễ đền thờ cho tổ tiên của mình.

Cặp vợ chồng người Ukraina ở đền thờ

Khi được hỏi về những cảm nghĩ của mình về công việc đền thờ, chị Lydia nói: “Tôi đã nhận được gì trong đền thờ ư? Tôi đã lập các giao ước mới với Thượng Đế. Chứng ngôn của tôi đã được củng cố. Tôi đã học cách nhận được sự mặc khải cá nhân. Tôi có thể thực hiện các giáo lễ cứu rỗi cho các tổ tiên đã qua đời của mình. Và tôi có thể yêu thương và phục vụ người khác.” Chị kết thúc với lời phát biểu rất đúng này: “Chúa muốn nhìn thấy chúng ta ở trong đền thờ một cách thường xuyên.”

Kết Luận

Tôi được soi dẫn bởi lòng tốt của những Thánh Hữu Ngày Sau này, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, được tập trung vào bốn câu chuyện này. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều từ những kết quả kỳ diệu thông qua việc áp dụng các nguyên tắc phúc âm đơn giản. Tất cả những việc họ đã làm cũng nằm trong khả năng của chúng ta.

Cầu xin cho chúng ta giữ cho phúc âm được đơn giản khi chúng ta nhận lấy các trách nhiệm được Chúa quy định: Sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô để nhạy cảm với những sự thúc giục như anh Jens đã làm ở Đan Mạch. Chăm sóc cho những người hoạn nạn, như đã được các tín hữu của giáo khu Cúcuta ở Colombia cho thấy trong việc cung cấp nơi ở cho các tín hữu mồ côi trong tiểu giáo khu. Mời gọi tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm, theo cách mà em Cleiton từ quốc đảo châu Phi Cape Verde đã làm với bạn bè và gia đình của em. Cuối cùng, gắn bó các gia đình cho thời vĩnh cửu, như đã được Chị Lydia từ Ukraine nêu gương qua các giáo lễ đền thờ, các nỗ lực lịch sử gia đình, và sự phục vụ trong đền thờ của chị.

Việc làm như vậy chắc chắn sẽ mang lại niềm vui và sự bình an. Tôi hứa và làm chứng về điều này—và rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta—trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mô Rô Ni 10:32.

  2. Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 1.2, ChurchofJesusChrist.org.

  3. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16. Xin xem thêm Dallin H. Oaks, “Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Các Chìa Khóa,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 70: “Sau lễ cung hiến ngôi đền thờ đầu tiên của gian kỳ này ở Kirtland, Ohio, ba vị tiên tri—Môi Se, Ê Li A, và Ê Li—đã phục hồi ‘các chìa khóa của gian kỳ này,’ bao gồm các chìa khóa liên quan đến sự quy tụ Y Sơ Ra Ên và công việc đền thờ của Chúa.” Xin xem thêm Quentin L. Cook, “Chuẩn Bị để Gặp Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 114: “Các vị tiên tri thời xưa đã phục hồi các chìa khóa chức tư tế cho các giáo lễ cứu rỗi vĩnh cửu của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. … Các chìa khóa này cung cấp ‘quyền năng từ trên cao’ [Giáo Lý và Giao Ước 38:38] cho các trách nhiệm được Chúa quy định mà cấu thành mục đích chính của Giáo Hội.”

  4. Xin xem Ma Thi Ơ 22:36–40.

  5. Trong Matthew Cowley Speaks: Discourses of Elder Matthew Cowley of the Quorum of the Twelve of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints (năm 1954), xii.

  6. Dallin H. Oaks, “Những Chuyện Nhỏ Nhặt Tầm Thường,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 89.

  7. Xin xem Ma Thi Ơ 11:30.