2021
Sự Phục Hồi Hằng Ngày
Tháng Mười Một năm 2021


13:43

Sự Phục Hồi Hằng Ngày

Chúng ta cần sự soi dẫn liên tục, mỗi ngày của ánh sáng thiên thượng. Chúng ta cần những “kỳ thơ thái.” Những kỳ phục hồi cá nhân.

Chúng ta quy tụ vào buổi sáng Sa Bát đẹp trời này để nói về Đấng Ky Tô, vui mừng trong phúc âm của Ngài, hỗ trợ và tán trợ lẫn nhau khi chúng ta bước đi trên “con đường” của Đấng Cứu Rỗi. 1

Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta nhóm họp cho mục đích này vào mỗi ngày Sa Bát trong suốt năm. Nếu anh chị em không phải là tín hữu của Giáo Hội, thì chúng tôi nồng nhiệt chào mừng anh chị em và cảm ơn anh chị em đã cùng tham gia với chúng tôi để thờ phượng Đấng Cứu Rỗi và học hỏi về Ngài. Cũng giống như anh chị em, chúng tôi đang cố gắng—mặc dù không hoàn hảo—để trở thành bạn bè, người lân cận, và con người tốt hơn, 2 và chúng tôi tìm cách làm điều này bằng việc noi theo Đấng Gương Mẫu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô

Chúng tôi hy vọng rằng anh chị em có thể cảm nhận được sự chân thành trong chứng ngôn của chúng tôi. Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống! Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và Ngài hướng dẫn các vị tiên tri trên thế gian trong thời kỳ của chúng ta. Chúng tôi mời gọi tất cả mọi người hãy đến, lắng nghe lời của Thượng Đế, và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài! Tôi chia sẻ lời chứng cá nhân rằng Thượng Đế ở giữa chúng ta và rằng Ngài chắc chắn sẽ đến gần tất cả những người lại gần Ngài. 3

Chúng tôi cảm thấy vinh dự khi được đi cùng với anh chị em trên con đường môn đồ chật và hẹp của Đấng Thầy.

Kỹ Năng Đi Bộ theo Một Đường Thẳng

Có một giả thuyết thường được nhắc đến rằng những người bị lạc đường thường đi thành vòng tròn. Cách đây không lâu, các nhà khoa học tại Viện Điều Khiển Sinh Học Max Planck đã thử nghiệm lý thuyết đó. Họ đưa những người tham gia đến một khu rừng rậm rạp và đưa ra chỉ dẫn đơn giản: “Hãy đi theo một đường thẳng.” Không có điểm mốc nào có thể nhìn thấy được. Những người tham gia thử nghiệm phải hoàn toàn dựa vào khả năng định hướng của họ.

Anh chị em nghĩ họ sẽ như thế nào?

Các nhà khoa học kết luận: “Con người thực sự đi theo vòng tròn khi họ không có các tín hiệu đáng tin cậy cho hướng đi của mình.” 4 Sau đó, khi được hỏi, một số người tham gia đã tự tin khẳng định rằng họ không hề đi chệch hướng. Mặc dù họ rất tự tin, nhưng dữ liệu GPS cho thấy họ đã đi theo những vòng tròn có đường kính hẹp là 20 mét.

Tại sao chúng ta lại gặp khó khăn như vậy khi đi theo một đường thẳng? Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những sự lệch hướng nhỏ, dường như không đáng kể trong địa hình tạo ra sự khác biệt. Những người khác đã chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều có một chân khỏe hơn chân kia một chút. Tuy nhiên, chúng ta khó để đi thẳng về phía trước “[vì] ngày càng không chắc chắn về vị trí thẳng phía trước.” 5

Bất kể nguyên nhân là gì đi nữa, thì đây là bản chất con người: nếu không có các điểm mốc đáng tin cậy, chúng ta sẽ đi chệch hướng.

Đi Lạc khỏi Con Đường

Thật thú vị khi những yếu tố nhỏ, dường như không quan trọng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của chúng ta phải không?

Tôi biết điều này từ kinh nghiệm cá nhân với tư cách là một phi công. Mỗi khi bắt đầu giảm độ cao để hạ cánh ở một sân bay, tôi biết rằng phần lớn công việc còn lại của tôi sẽ gồm có việc thực hiện những sự điều chỉnh nhỏ liên tục để hướng máy bay đến đường băng mong muốn một cách an toàn.

Anh chị em có thể có một kinh nghiệm tương tự khi lái xe. Gió, những điều bất thường trên đường đi, việc căn chỉnh bánh xe không hoàn hảo, thiếu chú ý—chưa kể đến hành động của những người lái xe khác—tất cả đều có thể đẩy anh chị em ra khỏi đường đi dự định. Nếu không chú ý đến những yếu tố này, anh chị em có thể sẽ có một ngày tồi tệ. 6

Chiếc ô tô trong hồ bơi

Điều này áp dụng cho chúng ta về mặt thể chất.

Nó cũng áp dụng cho chúng ta về mặt thuộc linh.

Hầu hết những thay đổi trong đời sống thuộc linh của chúng ta—cả tích cực lẫn tiêu cực—đều xảy ra dần dần, từng bước một. Giống như những người tham gia vào nghiên cứu Max Planck, chúng ta có thể không nhận ra khi mình đi chệch hướng. Thậm chí chúng ta còn có thể rất tự tin rằng mình đang đi theo một đường thẳng. Nhưng thực tế là nếu không có sự trợ giúp của các điểm mốc dẫn đường, chúng ta chắc chắn sẽ đi chệch hướng và đến những nơi mà chúng ta không bao giờ ngờ tới.

Điều này đúng với các cá nhân. Điều này cũng đúng đối với các xã hội và quốc gia. Thánh thư đầy dẫy những ví dụ.

Sách Các Quan Xét ghi lại rằng sau khi Giô Suê qua đời, “một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê Hô Va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhân vì Y Sơ Ra Ên.” 7

Bất chấp những sự can thiệp, những cuộc viếng thăm, những cuộc giải cứu và những chiến thắng kỳ diệu của thiên thượng mà con cái Y Sơ Ra Ên đã chứng kiến trong cuộc đời của Môi Se và Giô Suê, chỉ trong một thế hệ, dân chúng đã từ bỏ Con Đường và bắt đầu đi theo ước muốn riêng của họ. Và tất nhiên, không lâu sau họ đã phải trả giá cho hành vi đó.

Đôi khi sự sa ngã này trải qua nhiều thế hệ. Đôi khi điều đó xảy ra trong một vài năm hoặc thậm chí vài tháng. 8 Nhưng tất cả chúng ta đều dễ bị ảnh hưởng. Cho dù trong quá khứ những kinh nghiệm thuộc linh của chúng ta có mạnh mẽ như thế nào đi nữa, thì con người chúng ta cũng có khuynh hướng lạc lối. Đó là mẫu mực từ thời A Đam cho đến bây giờ.

Đây là Tin Tốt

Nhưng chưa hẳn là đã mất tất cả. Không giống như những người trong thử nghiệm đi lạc, chúng ta có các điểm mốc đáng tin cậy, dễ nhìn thấy mà chúng ta có thể sử dụng để đánh giá hướng đi của mình.

Và những điểm mốc này là gì?

Chắc chắn là chúng gồm có việc cầu nguyện cùng suy ngẫm thánh thư hằng ngày và sử dụng các công cụ đầy soi dẫn như tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta. Mỗi ngày, chúng ta có thể giao tiếp với Thượng Đế với lòng khiêm nhường và chân thành. Chúng ta có thể suy ngẫm về những hành động của mình và ôn lại những giây phút trong ngày của mình—suy ngẫm về ý muốn và ước muốn của chúng ta theo ý muốn của Ngài. Nếu chúng ta lạc lối, thì chúng ta khẩn nài Thượng Đế phục hồi chúng ta, và chúng ta cam kết để làm tốt hơn.

Đấng Cứu Rỗi dẫn dắt chiên Ngài

Thời gian tự xem xét nội tâm này là cơ hội để hiệu chỉnh lại. Đó là một khu vườn suy tư, nơi chúng ta có thể bước đi với Chúa và được hướng dẫn, gây dựng và thanh tẩy bằng lời được viết ra và được mặc khải bởi Thánh Linh của Cha Thiên Thượng. Đó là một thời gian thiêng liêng khi chúng ta nhớ lại các giao ước trọng thể của mình để noi theo Đấng Ky Tô hiền dịu, khi chúng ta đánh giá sự tiến triển của mình và điều chỉnh bản thân hướng đến điểm mốc thuộc linh mà Thượng Đế đã cung ứng cho con cái của Ngài.

Hãy coi đó là sự phục hồi hằng ngày, cá nhân của anh chị em. Trong cuộc hành trình của mình với tư cách là những người hành hương trên con đường vinh quang, chúng ta biết mình dễ dàng sa ngã như thế nào. Nhưng cũng giống như những sự sai lệch nhỏ có thể kéo chúng ta ra khỏi Con Đường của Đấng Cứu Rỗi, những hành động điều chỉnh nhỏ nhặt và đơn giản cũng có thể dẫn chúng ta trở lại một cách chắc chắn. Như thường lệ, khi bóng tối len lỏi vào cuộc sống của chúng ta, thì sự phục hồi hằng ngày giúp mở rộng tấm lòng chúng ta với ánh sáng thiên thượng, soi sáng tâm hồn chúng ta, xua tan bóng tối, nỗi sợ hãi, và nghi ngờ.

Bánh Lái Nhỏ, Con Tàu Lớn

Nếu chúng ta tìm kiếm sự phục hồi đó, thì chắc chắn “Thượng Đế sẽ ban cho [chúng ta] sự hiểu biết bằng Đức Thánh Linh của Ngài, phải, bằng một ân tứ Đức Thánh Linh không xiết kể.” 9 Khi chúng ta càng thường xuyên cầu xin, thì Ngài sẽ càng chỉ dạy cho chúng ta Con Đường và giúp chúng ta đi theo nó.

Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi một nỗ lực kiên định từ chúng ta. Chúng ta không thể thỏa mãn với những kinh nghiệm thuộc linh của quá khứ. Chúng ta cần những kinh nghiệm thuộc linh liên tục.

Chúng ta không thể dựa vào chứng ngôn của người khác mãi được. Chúng ta cần phải xây đắp chứng ngôn của riêng mình.

Chúng ta cần sự soi dẫn liên tục, mỗi ngày của ánh sáng thiên thượng.

Chúng ta cần những “kỳ thơ thái.” 10 Những kỳ phục hồi cá nhân.

“Dòng nước lũ” không thể cứ “không tinh khiết” mãi được. 11 Để giữ cho những ý nghĩ và hành động của mình được thanh khiết, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để thay đổi và tiến triển!

Xét cho cùng, Sự Phục Hồi phúc âm và Giáo Hội không phải là một điều gì đó xảy ra một lần và đã kết thúc. Đó là một tiến trình liên tục—từng ngày một, từng người một.

Tháng ngày của chúng ta trôi đi, cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Một tác giả đã nói như sau: “Một ngày giống như cả một cuộc đời. Bạn bắt đầu làm một việc, nhưng cuối cùng lại làm một việc khác, dự định làm một việc nhỏ, nhưng không bao giờ làm được việc đó. … Và vào cuối cuộc đời của bạn, những điều đạt được trong cuộc sống của bạn cũng bừa bộn như vậy. Toàn bộ cuộc sống của bạn cũng giống như một ngày của bạn.” 12

Anh chị em có muốn thay đổi cuộc sống của mình không?

Hãy thay đổi ngày của anh chị em.

Anh chị em có muốn thay đổi ngày của mình không?

Hãy thay đổi ngay giờ này.

Hãy thay đổi điều anh chị em suy nghĩ, cảm nhận, và làm, ngay vào chính giây phút này.

Một bánh lái nhỏ có thể điều khiển một con tàu lớn. 13

Những viên gạch nhỏ có thể xây thành những gian nhà nguy nga.

Những hạt giống nhỏ có thể trở thành những cây cao sừng sững.

Việc sử dụng từng phút từng giờ một cách hữu hiệu là yếu tố tạo nên một cuộc sống tốt đẹp. Chúng có thể soi dẫn sự tốt lành, nâng đỡ chúng ta ra khỏi cảnh tù đày của những khuyết điểm, và dẫn chúng ta đi lên con đường cứu chuộc của sự tha thứ và sự thánh hóa.

Thượng Đế của Những Khởi Đầu Mới

Cùng với anh chị em, tôi bày tỏ lòng biết ơn cho ân tứ tuyệt vời về cơ hội mới, cuộc sống mới, niềm hy vọng mới.

Chúng ta cất tiếng ca ngợi Thượng Đế vô cùng rộng lượng và sẵn lòng tha thứ của mình. Vì chắc chắn Ngài là Thượng Đế của những khởi đầu mới. Mục đích cao quý của tất cả công việc của Ngài là để giúp chúng ta, con cái của Ngài, thành công trong công cuộc tìm kiếm sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của mình. 14

Chúng ta có thể trở thành những con người mới trong Đấng Ky Tô, vì Thượng Đế đã hứa: “Bất cứ lúc nào dân của ta biết hối cải, thì ta sẽ tha thứ cho họ về những điều họ đã xúc phạm đến ta” 15 và “không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.” 16

Các anh chị em thân mến, các bạn thân mến, tất cả chúng ta đều có lúc lạc lối.

Nhưng chúng ta có thể quay trở lại con đường. Chúng ta có thể điều hướng để vượt qua bóng tối và những thử thách của cuộc sống này và tìm đường trở về với Cha Thiên Thượng nhân từ nếu chúng ta tìm kiếm và chấp nhận những điểm mốc thuộc linh mà Ngài đã cung ứng, đón nhận sự mặc khải cá nhân, và cố gắng phục hồi hằng ngày. Đây là cách chúng ta trở thành các môn đồ chân chính của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi chúng ta làm như vậy, Thượng Đế sẽ mỉm cười với chúng ta. “Đức Giê Hô Va sẽ … ban phước cho [anh chị em] trong xứ mà Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi ban cho [anh chị em]. Đức Giê Hô Va sẽ lập [anh chị em] làm một dân thánh cho Ngài.” 17

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tìm kiếm sự phục hồi hằng ngày và liên tục cố gắng bước đi trên Con Đường của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Chúa Giê Su đã dạy: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6). Sách NIV First-Century Study Bible viết lời giải thích này: “Hình ảnh của một lối đi hay con đường trong Kinh Thánh Hê Bơ Rơ thường có ý nghĩa là tuân giữ các giáo lệnh hoặc những lời giảng dạy của Thượng Đế [xin xem Thi Thiên 1:1; 16:11; 86:11]. Đây là một phép ẩn dụ cổ xưa thường thấy về việc tích cực tham gia vào một tập hợp các niềm tin, những lời giảng dạy hoặc lối thực hành. Cộng đồng Dead Sea Scrolls tự gọi mình là những người đi theo ‘con đường,’ có nghĩa họ là những người tin theo sự giải thích riêng của họ về con đường làm hài lòng Thượng Đế. Phao Lô và các Ky Tô Hữu đầu tiên cũng tự gọi mình là ‘kẻ theo đạo’ [xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 24:14]” (trong “What the Bible Says about the Way, the Truth, and the Life,” Bible Gateway, biblegateway.com/topics/the-way-the-truth-and-the-life).

    Vào năm 1873, một quyển sách cổ xưa có tên là Didache đã được khám phá ra trong thư viện của vị tộc trưởng của Giê Ru Sa Lem ở Constantinople. Nhiều học giả tin rằng sách này được viết ra và sử dụng vào cuối thế kỷ thứ nhất (năm 80–100 Sau Công Nguyên). Sách Didache bắt đầu với những lời này: “Có hai con đường, một của sự sống và một của sự chết, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa hai con đường. Vậy thì, con đường của sự sống là như vầy: Trước hết, ngươi hãy yêu mến Thượng Đế là Đấng đã tạo ra ngươi; thứ hai, yêu mến người lân cận như chính mình” (Teaching of the Twelve Apostles, do Roswell D. Hitchcock và Francis Brown phiên dịch [năm 1884], trang 3).

    Các nguồn tài liệu khác, chẳng hạn như The Expositor’s Bible Commentary, nêu ra rằng “trong thời kỳ đầu của giáo hội, những người chấp nhận vai trò Đấng Mê Si của Chúa Giê Su và xưng Ngài là Chúa của họ, tự gọi mình là ‘Đạo’ [xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 19:9, 23; 22:4; 24:14, 22]” (Frank E. Gaebelein và nhiều người khác chỉnh sửa [năm 1981], 9:370).

  2. Xin xem Mô Si A 2:17.

  3. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:63.

  4. “Walking in Circles,” ngày 20 tháng Tám năm 2009, Max-Planck-Gesellschaft, mpg.de.

  5. “Walking in Circles,” mpg.de. Hình ảnh này cho thấy việc theo dõi GPS của bốn người tham gia trong nghiên cứu. Ba người trong số họ đi trong một ngày mây mù. Một trong số họ (SM) bắt đầu đi trong khi mặt trời bị mây che phủ, nhưng 15 phút sau mây tan và người tham gia có thể nhìn thấy mặt trời thấp thoáng. Hãy để ý xem, một khi mặt trời ló dạng, người đi bộ sẽ thành công hơn nhiều trong việc đi theo một đường thẳng.

  6. Để có một ví dụ bi thảm về cách mà một lỗi đường bay làm lệch chỉ hai độ đã khiến cho một chiếc máy bay phản lực chở khách đâm vào Núi Erebus ở Nam Cực, làm thiệt mạng 257 người, xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Vấn Đề Một Vài Độ,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 57–60.

  7. Các Quan Xét 2:10.

  8. Sau khi Đấng Ky Tô viếng thăm Mỹ Châu, dân chúng thực sự hối cải tội lỗi của họ, chịu phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Nơi mà họ từng là một dân tộc tranh chấp và kiêu ngạo, thì giờ đây “không có một sự bất hòa hay tranh luận nào xảy ra giữa họ. Mọi người đều đối xử với nhau rất công bình” (4 Nê Phi 1:2). Thời kỳ ngay chính này kéo dài khoảng hai thế kỷ trước khi tính kiêu ngạo bắt đầu làm cho người dân xa lánh Con Đường. Tuy nhiên, sự lạc lối về phần thuộc linh cũng có thể xảy ra nhanh hơn nhiều. Ví dụ, nhiều thập niên trước đó, vào năm thứ 50 của chế độ các phán quan trong Sách Mặc Môn, “thái bình và sự vui mừng lớn lao cũng đã được liên tục tiếp nối” ở giữa dân chúng. Nhưng vì tính kiêu ngạo đã gieo vào lòng của các tín hữu Giáo Hội, nên sau một thời gian ngắn là bốn năm “có nhiều sự bất hòa trong giáo hội, và cũng có nhiều tranh chấp trong dân chúng, đến nỗi có nhiều cuộc đổ máu” (xin xem Hê La Man 3:32–4:1).

  9. Giáo Lý và Giao Ước 121:26.

  10. Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 121:33.

  12. Michael Crichton, Jurassic Park (năm 2015), trang 190.

  13. “Lấy những chiếc tàu làm ví dụ. Mặc dù chúng quá to và bị gió mạnh đẩy, nhưng chúng được lái đến bất cứ nơi nào người thủy thủ muốn đi bằng một chiếc bánh lái rất nhỏ” (Gia Cơ 3:4, Phiên Bản Quốc Tế Mới).

  14. Xin xem Môi Se 1:39.

  15. Mô Si A 26:30.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 58:42.

  17. Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:8–9; xin xem thêm các câu 1–7.