Được Chúa Ưu Đãi trong Suốt Cuộc Đời Tôi
Chúng ta phản ứng như thế nào trước những hoạn nạn của mình? Chúng ta có cảm thấy biết ơn vì chúng ta tập trung vào các phước lành hơn là các vấn đề của chúng ta không?
Đại dịch COVID-19 là một trong nhiều thử thách mà con cái của Thượng Đế phải đối mặt trong suốt lịch sử thế giới. Trong đầu năm nay, tôi và gia đình thân yêu của mình đã trải qua những ngày vô cùng đen tối. Đại dịch và những nguyên nhân khác đã mang đến sự mất mát và nỗi đau cho gia đình chúng tôi khi một số người thân yêu đã qua đời. Mặc dù đã được chăm sóc y tế, nhịn ăn và cầu nguyện, trong suốt năm tuần, nhưng anh trai Charly, chị gái Susy và anh rể Jimmy của tôi cuối cùng cũng đã phải bước qua phía bên kia của bức màn che.
Đôi khi tôi tự hỏi tại sao Đấng Cứu Rỗi lại khóc khi chứng kiến Ma Ri đau khổ trước cái chết của anh trai bà, là La Xa Rơ, mặc dù Ngài biết rằng Ngài có quyền năng để làm cho La Xa Rơ sống lại và rằng rất nhanh chóng Ngài sẽ sử dụng quyền năng này để giải cứu người bạn của Ngài khỏi cái chết. 1 Tôi thán phục trước lòng trắc ẩn và sự đồng cảm của Đấng Cứu Rỗi dành cho Ma Ri; Ngài hiểu nỗi đau khôn tả mà Ma Ri cảm thấy trước cái chết của anh trai bà, là La Xa Rơ.
Chúng ta cũng sẽ cảm thấy nỗi đau dữ dội đó khi chúng ta trải qua sự xa cách tạm thời với những người thân yêu của mình. Đấng Cứu Rỗi có một tấm lòng trắc ẩn hoàn hảo đối với chúng ta. Ngài không trách chúng ta vì sự thiển cận cũng như sự giới hạn trong việc hình dung về cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng ta. Thay vì thế, Ngài có lòng trắc ẩn đối với nỗi đau buồn và sự thống khổ của chúng ta.
Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, muốn chúng ta hưởng được niềm vui. 2 Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta. Khi điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế, … thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của chúng ta.” 3
Lúc tôi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, tôi nhớ khi đó một người truyền giáo tuyệt vời mà tôi ngưỡng mộ đã nhận được một vài tin tức kinh hoàng. Mẹ và em trai của anh ấy đã qua đời trong một tai nạn thương tâm. Chủ tịch phái bộ truyền giáo đã đề nghị cho anh cả này một lựa chọn để được trở về nhà dự tang lễ. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện qua điện thoại với cha mình, người truyền giáo này đã quyết định ở lại để hoàn thành công việc truyền giáo của mình.
Ít lâu sau đó, khi chúng tôi đang phục vụ trong cùng một khu bộ truyền giáo, tôi và người bạn đồng hành của mình nhận được một cuộc gọi khẩn cấp; một vài kẻ trộm đã lấy mất chiếc xe đạp của chính người truyền giáo kể trên và dùng dao đâm anh ấy bị thương. Anh ấy và người bạn đồng hành đã phải đi bộ đến bệnh viện gần nhất, nơi tôi và bạn đồng hành của mình đã gặp họ. Trên đường đến bệnh viện, tôi đã rất đau xót cho người truyền giáo này. Tôi tưởng tượng rằng tinh thần của anh ấy sẽ đi xuống và chắc chắn rằng, sau kinh nghiệm đau thương này, bấy giờ anh ấy sẽ muốn trở về nhà.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đến bệnh viện, tôi thấy người truyền giáo ấy đang nằm trên giường, chờ được đưa vào phẫu thuật—và anh ấy đang mỉm cười. Tôi đã nghĩ, “Làm sao anh ấy lại có thể lại mỉm cười vào lúc như thế này?” Trong khi hồi phục sức khỏe trong bệnh viện, anh ấy đã nhiệt tình phát những quyển sách nhỏ và Sách Mặc Môn cho các bác sĩ, y tá và những bệnh nhân khác. Ngay cả với những thử thách này, anh ấy cũng không muốn về nhà. Đúng hơn, anh ấy đã phục vụ cho đến ngày cuối cùng của công việc truyền giáo của mình với niềm tin, nghị lực, sức mạnh và sự nhiệt tình.
Trong phần đầu của Sách Mặc Môn, Nê Phi đã viết: “Và trong những chuỗi ngày của đời tôi, tôi đã từng chứng kiến biết bao nỗi thống khổ, tuy vẫn được Chúa dành cho nhiều ưu đãi trong suốt cuộc đời tôi.” 4
Tôi nghĩ đến nhiều thử thách mà Nê Phi đã trải qua, nhiều trong số các thử thách này đã được gồm vào trong các bản khắc của mình. Những thử thách của ông đã giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta đều sẽ phải trải qua những ngày đen tối. Một trong những thử thách đã xảy ra khi Nê Phi được truyền lệnh phải quay trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy những bản khắc bằng đồng mà La Ban đang sở hữu. Một vài người anh trai của Nê Phi là những người thiếu đức tin, và họ thậm chí còn dùng gậy đánh Nê Phi. Nê Phi đã trải qua một thử thách khác khi ông làm gãy chiếc cung và không thể kiếm được thức ăn cho gia đình mình. Sau đó, khi Nê Phi được truyền lệnh đóng một con tàu, những người anh trai của ông cũng đã chế nhạo ông và từ chối giúp đỡ ông. Mặc cho những điều này và nhiều thử thách khác trong suốt cuộc đời mình, Nê Phi luôn nhận ra sự nhân từ của Thượng Đế.
Khi gia đình ông đang trên hành trình vượt đại dương đến miền đất hứa, một số người trong gia đình Nê Phi “bắt đầu vui đùa,” nói năng thô lỗ và quên rằng chính nhờ quyền năng của Chúa mà đã bảo tồn họ. Và khi Nê Phi chỉnh đốn họ, họ đã cảm thấy bị xúc phạm và trói ông bằng dây để ông không thể cử động. Sách Mặc Môn có viết rằng các anh trai của ông “đã đối xử với [ông] rất tàn nhẫn”; cổ tay và mắt cá chân của ông “cũng sưng nhiều, và những chỗ ấy hết sức đau đớn.” 5 Nê Phi hết sức phiền muộn vì lòng dạ chai đá của các anh trai mình và có những lúc bị rũ liệt bởi những nỗi đau khổ của mình. 6 Nê Phi nói: ″Tuy nhiên, tôi đã hướng về Thượng Đế của tôi, và tôi đã ca ngợi Ngài suốt ngày; và tôi không hề ta thán Chúa vì những nỗi khổ đau của tôi.″ 7
Các anh chị em thân mến, chúng ta phản ứng như thế nào trước những hoạn nạn của mình? Chúng ta có ta thán trước mặt Chúa vì những điều đó không? Hay, giống như Nê Phi và người bạn truyền giáo trước đây của tôi, chúng ta cảm thấy biết ơn bằng lời nói, suy nghĩ và hành động vì chúng ta tập trung vào các phước lành hơn là các vấn đề của chúng ta?
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, đã nêu gương cho chúng ta trong suốt giáo vụ trên trần thế của Ngài. Trong những thời điểm khó khăn và thử thách, có rất ít điều mang lại cho chúng ta sự bình an và hài lòng hơn là sự phục vụ cho anh chị em của mình. Trong sách Ma Thi Ơ có kể lại những gì đã xảy ra khi Đấng Cứu Rỗi biết rằng người anh họ của Ngài, Giăng Báp Tít, đã bị Vua Hê Rốt chặt đầu để làm hài lòng con gái của Hê Rô Đia:
“Đoạn, các môn đồ của Giăng đến, lấy xác mà chôn, rồi đi báo tin cho Đức Chúa Jêsus.
“Đức Chúa Jêsus vừa nghe tin ấy liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẻ ra nơi đồng vắng. Khi đoàn dân biết vậy, thì từ các thành đi bộ mà theo Ngài.
“Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành.
“Đến chiều tối, môn đồ tới gần Ngài mà thưa rằng: Ở đây vắng vẻ, và trời tối rồi, xin thầy cho dân chúng về, để họ đi vào các làng đặng mua đồ ăn.
“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Không cần họ phải đi; chính các ngươi hãy cho họ ăn.” 8
Chúa Giê Su Ky Tô đã cho chúng ta thấy rằng trong thời gian thử thách và nghịch cảnh, chúng ta có thể nhận ra những khó khăn của người khác. Bị thúc đẩy bởi lòng trắc ẩn, chúng ta có thể tiếp cận và nâng họ lên. Và khi chúng ta làm như vậy, chúng ta cũng sẽ được nâng đỡ nhờ sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô của chúng ta. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley từng nói: “Giải pháp hay nhất mà tôi biết cho nỗi lo âu là sự làm việc. Phương thuốc tốt nhất cho nỗi thất vọng là sự phục vụ. Cách chữa trị tốt nhất cho sự mệt mỏi là thử thách giúp đỡ một người thậm chí còn mệt mỏi hơn.” 9
Trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đã có nhiều cơ hội để phục sự và phục vụ các anh chị em của mình. Đó là những lúc tôi cảm thấy rằng Cha Thiên Thượng đã cất đi gánh nặng cho tôi. Chủ Tịch Russell M. Nelson là Vị Tiên Tri của Thượng Đế trên thế gian; ông là một tấm gương tuyệt vời về cách chúng ta nên phục vụ người khác trong những thử thách khó khăn. Tôi xin tổng hợp chứng ngôn của mình với những lời chứng của nhiều Thánh Hữu khác, rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta. Tôi đã cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của Ngài trong những ngày đen tối của tôi. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, hiểu được nỗi đau và sự thống khổ của chúng ta. Ngài muốn cất bớt gánh nặng và an ủi chúng ta. Chúng ta phải noi gương Ngài bằng cách phục vụ và phục sự những người có gánh nặng thậm chí còn lớn hơn của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.