Hãy Nhìn Thẳng về Phía Trước Con Đường
Việc tập trung vào những điều tối quan trọng—đặc biệt là những điều ở “phía trước con đường,” những điều vĩnh cửu—là chìa khóa để lèo lái qua cuộc sống này.
Khi lên 15 tuổi, tôi nhận được một giấy phép học lái xe, cho phép tôi lái xe nếu có cha hoặc mẹ tôi đi cùng. Khi cha tôi hỏi tôi có muốn tập lái xe không, tôi đã rất hứng khởi.
Ông lái một vài cây số ra ngoại ô thị trấn đến một con đường thẳng, dài, có hai làn đường mà ít người lái xe qua lại—tôi nên lưu ý đó có lẽ là nơi duy nhất ông cảm thấy an toàn. Ông tấp xe vào lề đường, và chúng tôi đổi chỗ ngồi. Ông chỉ dẫn cho tôi một chút rồi bảo tôi: “Lái từ từ ra đường và đi thẳng tới chừng nào cha bảo con dừng thì thôi.”
Tôi nghe theo mệnh lệnh của ông một cách chính xác. Nhưng chỉ sau khoảng 60 giây, ông nói: “Con trai, tấp xe vào lề đi. Con đang làm cha chóng mặt. Con lái xe lạng trái lạng phải.” Ông hỏi: “Con đang nhìn gì vậy?”
Với một chút bực dọc, tôi nói: “Con đang nhìn đường.”
Rồi ông nói điều này: “Cha đang nhìn vào mắt con, và con chỉ nhìn chằm chằm vào những gì ở ngay trước mui xe. Nếu con chỉ nhìn vào những gì ở ngay trước mắt con thì con sẽ không bao giờ lái thẳng được.” Rồi ông nhấn mạnh: “Hãy nhìn thẳng về phía trước con đường. Nó sẽ giúp con lái thẳng.”
Lúc 15 tuổi, tôi đã nghĩ rằng đó là một bài học lái xe hay. Từ đó đến nay, tôi đã nhận ra rằng đó cũng là một bài học hay về cuộc sống. Việc tập trung vào những điều tối quan trọng—đặc biệt là những điều ở “phía trước con đường,” những điều vĩnh cửu—là chìa khóa để lèo lái qua cuộc sống này.
Vào một dịp trong cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi, Ngài muốn được ở một mình nên đã “lên núi để cầu nguyện riêng.” 1 Ngài truyền cho các môn đồ của Ngài đi với chỉ dẫn phải vượt biển. Vào tối khuya, thuyền chở các môn đồ đã gặp phải một cơn bão lớn. Chúa Giê Su đã đến giải cứu họ bằng một cách thức khác thường. Câu chuyện thánh thư chép: “Song đến canh tư đêm ấy, Đức Chúa Giê Su đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ.” 2 Khi nhìn thấy Ngài, họ bắt đầu sợ hãi vì nghĩ rằng nhân vật đang đến gần mình là một dạng ma mị nào đó. Chúa Giê Su, vì cảm nhận được sự bối rối của họ và muốn tâm trí và tấm lòng họ được dịu lại, đã gọi bảo họ: “Các ngươi hãy yên lòng; ấy là ta đây, đừng sợ!” 3
Phi E Rơ không những đã yên lòng mà còn trở nên bạo dạn. Là người can đảm và thường sốt sắng, Phi E Rơ đã kêu cầu Chúa Giê Su: “Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.” 4 Chúa Giê Su đáp lại bằng lời mời gọi quen thuộc và bất hủ: “Hãy lại đây!” 5
Phi E Rơ, chắc hẳn cảm thấy hứng khởi về điều này, đã trèo ra ngoài thuyền không phải để rơi xuống nước mà để đặt chân lên mặt nước. Khi tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, ông đã có thể làm điều không thể, tức là đi trên mặt nước. Ban đầu, Phi E Rơ đã không nao núng vì cơn bão. Nhưng cuối cùng, cơn gió “thổi” 6 đã làm ông xao lãng, và ông mất tập trung. Sự sợ hãi đã trở lại. Vì vậy, đức tin ông suy yếu, và ông bắt đầu chìm xuống nước. Ông “bèn la lên rằng: Chúa ơn, xin cứu lấy tôi.” 7 Đấng Cứu Rỗi, là Đấng luôn luôn thiết tha để cứu giúp, đã giơ tay ra và đỡ ông dậy an toàn.
Trong câu chuyện kỳ diệu này có vô vàn bài học cho chúng ta, nhưng tôi sẽ đề cập đến ba bài học.
Tập Trung vào Đấng Ky Tô
Bài học đầu tiên: tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Khi hướng mắt tập trung vào Chúa Giê Su, Phi E Rơ đã có thể đi trên mặt nước. Cơn bão, các cơn sóng, và cơn gió không thể cản trở ông chừng nào ông còn tập trung vào Đấng Cứu Rỗi.
Việc hiểu được mục đích cuối cùng của mình giúp chúng ta xác định nên tập trung vào điều gì. Chúng ta không thể thắng một trò chơi mà không biết mục tiêu, và chúng ta cũng không thể sống một cuộc sống ý nghĩa nếu không biết mục đích của nó. Ngoài những việc khác, một trong những phước lành lớn lao của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là nó trả lời cho câu hỏi “Mục đích của cuộc sống là gì?” “Mục đích của chúng ta trong cuộc sống này là có được niềm vui và chuẩn bị trở về nơi hiện diện của Thượng Đế.” 8 Việc nhớ rằng chúng ta ở đây, trên thế gian, để chuẩn bị trở về sống với Thượng Đế sẽ giúp chúng ta tập trung vào những điều mà dẫn dắt chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô.
Việc tập trung vào Đấng Ky Tô đòi hỏi tính kỷ luật, đặc biệt là về những thói quen thuộc linh đơn giản và nhỏ nhặt mà giúp chúng ta trở thành những môn đồ tốt hơn. Tư cách môn đồ không thể thiếu tính kỷ luật.
Sự tập trung của chúng ta vào Đấng Ky Tô trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta nhìn thẳng về phía trước con đường, nơi chúng ta muốn đến và con người mà chúng ta muốn trở thành, và rồi dành thời gian mỗi ngày để làm những điều mà sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu. Việc tập trung vào Đấng Ky Tô có thể đơn giản hóa các quyết định của chúng ta và mang lại sự hướng dẫn về cách chúng ta có thể tận dụng thời gian và nguồn lực của mình.
Tuy có nhiều điều đáng để chúng ta tập trung vào, nhưng chúng ta học được từ tấm gương của Phi E Rơ về tầm quan trọng của việc luôn đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm tập trung của mình. Chỉ qua Đấng Ky Tô, chúng ta mới có thể trở về sống với Thượng Đế. Chúng ta dựa vào ân điển của Đấng Ky Tô trong khi cố gắng trở nên giống như Ngài và tìm kiếm sự tha thứ cùng quyền năng củng cố của Ngài khi chúng ta thiếu sót.
Cảnh Giác về Sự Xao Lãng
Bài học thứ hai: cảnh giác về sự xao lãng. Khi chuyển sự tập trung của mình khỏi Chúa Giê Su và hướng vào cơn gió cùng những cơn sóng đập vào chân mình, Phi E Rơ bắt đầu chìm xuống nước.
Có nhiều điều “ở ngay trước mui xe” mà có thể làm xao lãng chúng ta khỏi việc tập trung vào Đấng Ky Tô cùng những điều vĩnh cửu “ở phía trước con đường.” Quỷ dữ là kẻ gây xao lãng tài tình. Chúng ta học được từ giấc mơ của Lê Hi rằng những tiếng nói từ tòa nhà rộng lớn vĩ đại tìm cách cám dỗ chúng ta đến những điều mà sẽ khiến chúng ta rời xa sự chuẩn bị để trở về sống với Thượng Đế. 9
Nhưng còn có những điều gây xao lãng khác khó nhận biết hơn mà cũng có thể nguy hiểm không kém. Có lời rằng: “Điều cần thiết duy nhất cho sự chiến thắng của quỷ dữ là những người tốt không làm gì cả.” Kẻ nghịch thù dường như quyết tâm khiến những người tốt không làm gì cả, hoặc chí ít là phí thời gian vào những điều làm họ xao lãng khỏi những mục đích và mục tiêu cao cả của mình. Ví dụ, một số điều, nếu có điều tiết sẽ là những thứ giải trí lành mạnh, có thể trở thành những sự xao lãng không lành mạnh nếu thiếu tính kỷ luật. Kẻ nghịch thù hiểu rằng những sự xao lãng không cần phải là xấu hay trái đạo đức mới gây ảnh hưởng.
Chúng Ta Có Thể Được Giải Cứu
Bài học thứ ba: chúng ta có thể được giải cứu. Khi bắt đầu chìm xuống nước, Phi E Rơ đã la lên rằng: “Chúa ơn, xin cứu lấy tôi! Tức thì Đức Chúa Giê Su giơ tay ra nắm lấy người.” 10 Khi chúng ta thấy mình đang chìm xuống nước, khi chúng ta đối mặt với hoạn nạn, hay khi chúng ta chùn bước, chúng ta cũng có thể được Ngài giải cứu.
Khi đối mặt với hoạn nạn hay thử thách, anh chị em có thể giống như tôi và hy vọng rằng sự giải cứu sẽ đến ngay lập tức. Nhưng hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi đã đến giải cứu các Sứ Đồ vào canh tư—sau khi họ đã bỏ gần cả đêm chống chọi với cơn bão. 11 Chúng ta có thể cầu nguyện rằng nếu sự cứu giúp không đến ngay lập tức thì ít nhất nó sẽ đến vào canh hai hay canh ba. Khi chúng ta phải chờ đợi, hãy yên lòng rằng Đấng Cứu Rỗi luôn trông chừng, đảm bảo rằng chúng ta sẽ không phải chịu đựng quá sức mình. 12 Đối với những ai đang chờ đợi trong canh tư, có lẽ vẫn đang phải chịu khổ, xin đừng mất hy vọng. Sự giải cứu luôn luôn đến với những người trung tín, cho dù là trong cuộc sống trần thế hay trong thời vĩnh cửu.
Đôi khi chúng ta chìm xuống nước vì những lỗi lầm và sự phạm giới của mình. Nếu anh chị em thấy mình đang chìm xuống nước vì những lý do đó, xin hãy đưa ra lựa chọn đáng mừng để hối cải. 13 Tôi tin rằng ít điều nào mang đến cho Đấng Cứu Rỗi nhiều niềm vui hơn là cứu giúp những người quay về, hay trở về, với Ngài. 14 Thánh thư chứa đầy các câu chuyện về những người đã từng phạm tội và thiếu sót nhưng hối cải và trở nên vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô. Tôi nghĩ các câu chuyện đó được chép trong thánh thư để nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta và quyền năng của Ngài để cứu chuộc chúng ta là vô hạn. Đấng Cứu Rỗi không chỉ vui mừng khi chúng ta hối cải mà chúng ta cũng nhận được niềm vui lớn lao.
Kết Luận
Tôi mời anh chị em hãy có chủ ý “nhìn thẳng về phía trước con đường” và gia tăng sự tập trung của mình vào những điều thật sự quan trọng. Cầu xin cho chúng ta đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm tập trung của mình. Ở giữa tất cả những điều xao lãng, những điều “ở ngay trước mui xe,” và những con gió lốc bao quanh chúng ta, tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc và Đấng Giải Cứu của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.