“Bài học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Noi Theo Các Vị Tiên Tri Tại Thế của Chúa”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học (năm 2019)
“Bài học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Bài học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Noi Theo Các Vị Tiên Tri Tại Thế của Chúa
Hãy suy nghĩ xem cuộc sống của các em sẽ khác như thế nào nếu không có sự ảnh hưởng và lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế. Khi các em học, hãy cân nhắc làm thế nào việc noi theo các vị tiên tri của Chúa có thể mang lại sự hướng dẫn và phước lành lớn lao hơn cho cuộc sống của các em.
Phần 1
Làm thế nào mà việc chọn noi theo các vị tiên tri của Chúa lại ban phước cho cuộc sống của tôi?
Vào ngày Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức, Chúa đã mặc khải rằng Tiên Tri Joseph Smith sẽ “được gọi là người tiên kiến, người phiên dịch, tiên tri, sứ đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, là anh cả của giáo hội” (Giáo Lý và Giao Ước 21:1).
Sau đó, Chúa truyền lệnh cho Các Thánh Hữu về việc noi theo vị tiên tri của Ngài và mô tả các phước lành mà sẽ đến nếu họ làm như vậy.
Năm sau đó, Chúa nhắc lại mối liên hệ giữa tiếng nói của Ngài và tiếng nói của các vị tiên tri của Ngài. Trong một điều mặc khải đóng vai trò là lời tựa cho Sách Giáo Lệnh, sau này trở thành Giáo Lý và Giao Ước, Chúa lại dạy rằng “dù trời đất qua đi, nhưng lời ta sẽ không qua đâu mà sẽ được ứng nghiệm, dẫu bằng chính tiếng nói của ta hoặc bằng tiếng nói của các tôi tớ ta thì cũng như nhau”. (Giáo Lý và Giao Ước 1:38).
Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng:
Việc có được các vị tiên tri là dấu hiệu về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Họ cho chúng ta biết về những lời hứa và thiên tính thật của Thượng Đế và của Chúa Giê Su Ky Tô đối với dân của hai Ngài. …
Khi noi theo [các vị tiên tri của Chúa], cuộc sống của chúng ta được hạnh phúc hơn và ít phức tạp hơn, những khó khăn và vấn đề của chúng ta sẽ dễ dàng hơn để chịu đựng, và chúng ta tạo ra một sự bảo vệ thuộc linh xung quanh mình mà sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những cuộc tấn công của kẻ thù trong thời kỳ chúng ta. (Ulisses Soares, “Các Vị Tiên Tri Nói nhờ Quyền Năng của Đức Thánh Linh,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 99)
Phần 2
Bằng cách nào tôi có thể nhận được lời của các vị tiên tri của Chúa với “lòng kiên nhẫn và đức tin” (Giáo Lý và Giao Ước 21:5)?
Đôi khi, các em có thể thấy khó chấp nhận và làm theo lời khuyên bảo và giảng dạy của các vị tiên tri của Chúa. Điều này có thể xảy ra khi các em không hiểu trọn vẹn lý do đằng sau lời nói của họ. Hoặc những lời giảng dạy của họ có thể mâu thuẫn với những quan điểm và lối thực hành phổ biến của xã hội hoặc với quan điểm cá nhân và truyền thống gia đình của các em.
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra lời khuyên bảo và lời hứa sau đây:
Đừng ngạc nhiên nếu đôi khi quan điểm cá nhân của anh chị em thoạt đầu không phù hợp với những lời giảng dạy của vị tiên tri của Chúa. Đây là những giây phút học hỏi, khiêm nhường, khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện. Chúng ta tiến bước trong đức tin, tin cậy nơi Thượng Đế, biết rằng với thời gian chúng ta sẽ nhận được thêm sự sáng về mặt thuộc linh từ Cha Thiên Thượng. …
… Tôi đã thấy rằng khi tôi thành tâm và cẩn thận học những lời của vị tiên tri của Thượng Đế, với lòng kiên nhẫn, làm cho ý muốn của tôi phù hợp một cách thuộc linh với những lời giảng dạy đầy soi dẫn của ông, thì đức tin của tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn gia tăng. Nếu chúng ta chọn để sang một bên lời khuyên bảo của ông và cho rằng mình biết nhiều hơn, thì đức tin của chúng ta sẽ bị tổn thương và quan điểm vĩnh cửu của chúng ta sẽ suy yếu. Tôi hứa với anh chị em rằng khi anh chị em tiếp tục quyết tâm noi theo vị tiên tri, thì đức tin của anh chị em nơi Đấng Cứu Rỗi sẽ gia tăng. (Neil L. Andersen, “Vị Tiên Tri của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 26–27)
Chị Carol F. McConkie, người từng phục vụ với tư cách là đệ nhất cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:
Khi lưu tâm, ủng hộ, và khẳng định lời nói của vị tiên tri, chúng ta làm chứng rằng chúng ta có đức tin để khiêm nhường tuân phục ý muốn, sự thông sáng và kỳ định của Chúa.
Chúng ta lưu tâm đến lời nói của vị tiên tri ngay cả khi lời nói đó có vẻ không hợp lý, bất tiện và khó chịu. Theo các tiêu chuẩn của thế gian, việc noi theo vị tiên tri có thể không được ai thích, không sáng suốt về mặt chính trị, hoặc không được xã hội chấp nhận. Nhưng việc tuân theo vị tiên tri thì luôn luôn đúng. …
Khi lưu tâm đến những lời của các vị tiên tri, chúng ta xây dựng mái gia đình và cuộc sống của mình trên một nền tảng chắc chắn mãi mãi, “đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế” [Hê La Man 5:12]. (Carol F. McConkie, “Sống Theo Những Lời Nói của Các Vị Tiên Tri,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 77, 79)
Ví dụ sau đây từ lịch sử Giáo Hội có thể giúp minh họa ý nghĩa của việc nhận được những lời của các vị tiên tri tại thể của Chúa với lòng kiên nhẫn và đức tin. Nói về khải tượng về các đẳng cấp vinh quang, hiện được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 76 (xin xem thêm “The Vision (GL&GƯ 76),” ChurchofJesusChrist.org), Chủ Tịch Brigham Young kể lại:
Khi Thượng Đế tiết lộ với Joseph Smith và Sidney Rigdon rằng có một nơi được chuẩn bị cho tất cả mọi người, theo như ánh sáng họ nhận được và chối bỏ điều ác và thực hành điều tốt, đó là một thử thách to lớn đối với nhiều người, và một số người đã bỏ đạo vì Thượng Đế sẽ không gửi đến những kẻ tà giáo sự trừng phạt vĩnh viễn và trẻ sơ sinh, nhưng có một nơi cứu rỗi, đúng lúc, cho tất cả mọi người và sẽ ban phước cho người lương thiện, có đạo đức và trung thực, cho dù họ có thuộc về bất kỳ giáo hội nào hay không. Đó là một giáo lý mới cho thế hệ này, và nhiều người thấy khó chấp nhận giáo lý này. (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Brigham Young [năm 1997], trang 292)
Lúc đầu, bản thân Brigham Young cũng thấy khó chấp nhận giáo lý này. Ông nói: “Truyền thống của tôi là như vậy, rằng khi Khải Tượng đến với tôi lần đầu tiên, nó trái ngược hoàn toàn và trái ngược với giáo dục trước đây của tôi. Tôi nói: Đợi một chút. Tôi không chối bỏ điều này; nhưng tôi không hiểu điều đó. … Tôi [phải] suy nghĩ và cầu nguyện, đọc và suy nghĩ, cho đến khi tôi biết và hoàn toàn hiểu về điều đó cho chính tôi” (trong Journal of Discourses, 6:281).
Phần 3
Vai trò của vị tiên tri trong việc giảng dạy cho tôi giáo lý chân chính là gì?
Trong thời kỳ đầu của lịch sử Giáo Hội, Joseph Smith đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa liên quan đến các tín hữu của Giáo Hội đã bị lừa dối bởi giáo lý sai lạc.
[Vài tháng sau khi Giáo Hội được tổ chức, Joseph Smith] biết rằng Hiram Page, một trong Tám Nhân Chứng [của Sách Mặc Môn] và một giảng viên trong Chức Tư Tế A Rôn, đã bắt đầu tìm kiếm những điều mặc khải cho giáo hội qua những gì anh ta nghĩ là một viên đá tiên kiến. Nhiều Thánh Hữu … tin rằng những điều mặc khải này đến từ Thượng Đế.
Joseph biết mình đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Những điều mặc khải của Hiram bắt chước ngôn ngữ của thánh thư. Chúng nói về việc thành lập Si Ôn và tổ chức của giáo hội, nhưng đôi khi chúng mâu thuẫn với Kinh Tân Ước và các lẽ thật mà Chúa đã mặc khải qua Joseph.
Không biết phải làm gì, Joseph thức khuya cầu nguyện một đêm, khẩn nài được hướng dẫn. (Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau, Tập 1, Cờ Hiệu về Lẽ Thật, 1815–1846 [2018], trang 97)
Để đáp lại lời cầu nguyện của Joseph Smith, Chúa đã ban cho điều mặc khải được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 28, làm sáng tỏ vai trò độc nhất của Joseph là Vị Tiên Tri của Giáo Hội.
Chúa cũng tuyên bố rằng tất cả những điều Hiram Page đã viết ra không phải là của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 28:11). Ngay sau khi điều mặc khải này được ban ra, “Các Thánh Hữu đã tuyên bố từ bỏ các điều mặc khải của Hiram và nhất trí tán trợ Joseph là người duy nhất có thể nhận được sự mặc khải cho giáo hội” (Các Thánh Hữu, 1:98).
Vì các vị tiên tri tại thế của Chúa nắm giữ các chìa khóa để nhận được sự mặc khải cho Giáo Hội nên họ cũng có trách nhiệm giảng dạy và làm sáng tỏ giáo lý cho các tín hữu của Giáo Hội. Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy:
Trong Giáo Hội ngày nay, cũng giống như Giáo Hội thời xưa, việc thiết lập giáo lý của Đấng Ky Tô hoặc sửa đổi giáo lý đi chệch hướng là một vấn đề mặc khải thiêng liêng đối với những người được Chúa ban cho thẩm quyền của sứ đồ. …
Họ có quyền hạn, quyền năng, và thẩm quyền để tuyên bố về ý định và ý muốn của Thượng Đế cho dân của Ngài, tuân phục vào quyền năng và thẩm quyền vượt bậc của Chủ Tịch Giáo Hội. …
Đấng Cứu Rỗi mặc khải ý muốn và giáo lý của Ngài cho các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải bằng cách nào? Ngài có thể hành động qua sứ giả hoặc đích thân hành động. Ngài có thể phán bằng tiếng nói của Ngài hoặc bằng tiếng nói của Đức Thánh Linh … (xin xem 1 Nê Phi 17:45; Giáo Lý và Giao Ước 9:8). Ngài có thể đích thân phán cùng các tôi tớ của Ngài hoặc cùng một hội đồng các tôi tớ của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 27:1–8). …
… Chúng ta cũng nên nhớ rằng không phải bất kỳ lời phát biểu nào do một vị lãnh đạo Giáo Hội đưa ra, thời xưa hay thời nay, đều nhất thiết trở thành giáo lý. Trong Giáo Hội, chúng ta thường hiểu rằng một lời phát biểu do một vị lãnh đạo đưa ra chỉ trong một dịp nào đó thường thể hiện một quan điểm cá nhân, dù đã được suy nghĩ chín chắn, chứ không có nghĩa là tuyên bố chính thức hay ràng buộc toàn thể Giáo Hội. (D. Todd Christofferson, “Giáo Lý của Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 86–88)
Anh Cả Andersen giải thích rằng giáo lý chân chính được các vị tiên tri tại thế đã chọn của Chúa giảng dạy một cách nhất quán rằng:
Một vài người nghi ngờ về đức tin của mình khi bắt gặp một lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội đưa ra cách đây nhiều thập niên dường như không phù hợp [không nhất quán] với giáo lý của chúng ta. Trong đó có một nguyên tắc quan trọng chi phối giáo lý của Giáo Hội. Giáo lý này đã được tất cả 15 thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai giảng dạy. Giáo lý này không ẩn khuất trong một đoạn văn tối nghĩa của một bài nói chuyện. Các nguyên tắc chân chính đều được nhiều người giảng dạy thường xuyên. Giáo lý của chúng ta không khó để tìm ra. (Neil L. Andersen, “Sự Thử Thách Đức Tin của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 41)