Viện Giáo Lý
Bài học 18 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Các Phụ Nữ Thánh Hữu Ngày Sau và Hội Phụ Nữ


“Bài học 18 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Các Phụ Nữ Thánh Hữu Ngày Sau và Hội Phụ Nữ”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 18 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 18 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Các Phụ Nữ Thánh Hữu Ngày Sau và Hội Phụ Nữ

các phụ nữ đang nói chuyện và ôm lấy nhau

Khi nói về Hội Phụ Nữ, Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố: “Giáo Hội chưa bao giờ được tổ chức một cách toàn hảo cho đến khi có tổ chức của các phụ nữ’’ (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [Năm 2007], trang 451). Hãy suy nghĩ về sứ điệp mà lời phát biểu này gửi đến thế gian về vị trí của phụ nữ trong Giáo Hội của Chúa. Khi học các tài liệu này, anh chị em hãy suy ngẫm xem công việc của các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau và Hội Phụ Nữ thiết yếu như thế nào trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Phần 1

Các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau xây đắp vương quốc của Thượng Đế như thế nào?

Chúa Giê Su đang an ủi một người đàn bà

Anh Cả James E. Talmage thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ từng phát biểu: “Người bênh vực nhiệt tình nhất thế giới cho phụ nữ và phái nữ là Chúa Giê Su Ky Tô” (trong Các Con Gái trong Vương Quốc của Ta [Năm 2011], trang 3).

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Các chị em của chúng ta luôn luôn quan trọng và không thể thiếu trong công việc của Chúa. Các phụ nữ trung tín đã lao nhọc quả cảm trong chính nghĩa của lẽ thật và sự ngay chính từ trước khi thế gian được tạo dựng. … Gian kỳ của chúng ta không phải là không có những phụ nữ anh hùng. (M. Russell Ballard, “Women of Righteousness,” Ensign, tháng Tư năm 2002, trang 69)

Emma Smith, vợ của Tiên Tri Joseph Smith, là một tấm gương về một người phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau, người đã làm tròn vai trò quan trọng trong Sự Phục hồi. Trong một điều mặc khải ban cho Joseph Smith, Chúa ám chỉ Emma là “một phụ nữ chọn lọc“ (Giáo Lý và Giao Ước 25:3). Khi đọc một phần của điều mặc khải này, anh chị em hãy cân nhắc việc đánh dấu các trách nhiệm và lời khuyên bảo mà Chúa đã ban cho Emma. Xin lưu ý rằng trong câu 16, Chúa phán rằng lời khuyên bảo của Ngài ban cho Emma cũng áp dụng cho mỗi người chúng ta.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 25:5–7, 10–11, 13, 15–16.

Emma và Joseph phải chịu đựng rất nhiều thử thách trong thời gian họ ở bên nhau. Họ cũng mang lại cho nhau nhiều sự an ủi và niềm vui. Trung thành với sự kêu gọi của bà, Emma là niềm an ủi lớn đối với Joseph, khuyến khích và an ủi ông vượt qua những sự ngược đãi và thử thách cùng cực. Hồi tưởng lại khoảng thời gian Emma đến thăm ông khi ông đang trốn tránh nguy hiểm, Vị Tiên Tri viết: “Nhưng nàng vẫn ở đây, dù cho bất kỳ thử thách nào đến với chúng tôi, nàng Emma dũng cảm, vững vàng và không nao núng, không hề thay đổi, tràn đầy yêu thương.” (“Journal, tháng Mười Hai năm 1841–tháng Mười Hai năm 1842”, trang 135, josephsmithpapers.org).

Joseph và Emma Smith

Emma đã phục vụ với tư cách là người ghi chép của Joseph, giúp đỡ trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn trong một khoảng thời gian. Bà mạnh dạn làm chứng về Sách Mặc Môn trong suốt cuộc đời bà. Ngay trước khi chết, bà nói với người con trai rằng: “Sách Mặc Môn có tính xác thật thiêng liêng—mẹ chẳng có chút nghi ngờ nào về điều đó” (Emma Smith, trong “Last Testimony of Sister Emma”, Saints’ Herald, ngày 1 tháng Mười năm 1879, trang 290). Tuân theo lệnh truyền của Chúa, Emma còn biên soạn sách thánh ca đầu tiên của Giáo Hội.

Emma đã dạy bằng cách nêu gương: “Ở New York, bà may quần áo cho … những người truyền giáo được kêu gọi để thuyết giảng phúc âm. … Ở Kirtland, bà làm việc với các phụ nữ khác để quyên góp chăn mền, thức ăn, và quần áo cho những người hành quân của Trại Si Ôn để mang đến cho Các Thánh Hữu túng quẫn ở Missouri. Bà đã giúp chuẩn bị các bữa ăn và may [quần áo] cho những người thợ đang xây cất Đền Thờ Kirtland. Bà cho rất nhiều người thợ xây cất đền thờ ở trọ đến nỗi bà và Joseph đã phải ngủ trên sàn nhà. Trong những ngày đầu ở Nauvoo, bà dành nhiều thời giờ của mình chăm sóc cho nhiều bệnh nhân sốt rét cắm trại bên ngoài nhà của bà bên hai bờ Sông Mississippi. Trong những cách này và những cách khác, bà đã tiêu biểu cho sự phục vụ của nhiều chị em phụ nữ trong thời kỳ của bà” (Teachings: Joseph Smith, trang 450).

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy suy nghĩ về một người phụ nữ gương mẫu mà anh chị em biết đã sử dụng ảnh hưởng, tiếng nói và khả năng của mình để thực hiện những đóng góp có ý nghĩa vào việc xây dựng vương quốc của Thượng Đế. Trong những phương diện nào người phụ nữ ấy xây dựng vương quốc của Thượng Đế trong thời chúng ta?

Phần 2

Tổ chức Hội Phụ Nữ có gì độc đáo?

Vào mùa xuân năm 1842, Các Thánh Hữu đã phải vật lộn trong nghèo khó để xây cất Đền Thờ Nauvoo. Nhiều chị em mong muốn làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ. Được dẫn dắt bởi Sarah Kimball và Margaret Cook, một nhóm chị em đã quy tụ để soạn thảo điều lệ và quy định cho một hội phụ nữ mới để may quần áo cho các công nhân làm việc trong đền thờ. Khi họ hội ý với Tiên Tri Joseph Smith, ông nói với họ rằng điều lệ của họ là “tốt nhất mà ông từng thấy” (Teachings: Joseph Smith, trang 450). “Nhưng”, ông nói rằng: “đó không phải là điều các chị em phụ nữ muốn. Hãy nói cho các chị em phụ nữ biết rằng đề nghị của họ đã được Chúa chấp thuận và Ngài có một điều gì đó tốt cho họ hơn là các điều lệ này. … Tôi mời tất cả các chị em phụ nữ đến họp với tôi và một vài anh em … và tôi sẽ tổ chức các phụ nữ dưới sự hướng dẫn của chức tư tế và theo mẫu mực của chức tư tế” (trong Các Con Gái trong Vương Quốc của Ta, trang 12). Eliza R. Snow thuật lại rằng Joseph Smith đã dạy cho Hội Phụ Nữ rằng “đã có tổ chức này trong giáo hội thời xưa” (trong Các Con Gái trong Vương Quốc của Ta, trang 7).

Come Let Us Rejoice (Giờ Đây Chúng Ta Hãy Cùng Vui Mừng), tranh do Walter Rane họa

Chị Julie B. Beck, cựu Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Trung Ương, dạy ý nghĩa của việc được tổ chức theo mẫu mực của chức tư tế:

Hội Phụ Nữ là duy nhất bởi vì được tổ chức theo “mẫu mực của chức tư tế” [Joseph Smith, được trích dẫn trong Sarah M. Kimball, “Tự Truyện” Woman’s Exponent, ngày 1 tháng Chín năm 1883, trang 51]. … Chúng ta hoạt động theo cách thức của chức tư tế—có nghĩa là chúng ta tìm kiếm, tiếp nhận và hành động theo sự mặc khải; đưa ra các quyết định trong các hội đồng; cùng lo lắng chăm sóc từng người một. Mục đích của Hội Phụ Nữ cũng như mục đích của chức tư tế là chuẩn bị bản thân mình cho các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu bằng cách lập và tuân giữ các giao ước. Vì thế, giống như các anh em nắm giữ chức tư tế, công việc của chúng ta là công việc cứu rỗi, phục vụ và trở thành một dân tộc thánh thiện. (Julie B. Beck, “Hội Phụ Nữ: Một Công Việc Thiêng Liêng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 110)

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nhấn mạnh thêm rằng công việc của Hội Phụ Nữ được thực hiện bằng thẩm quyền chức tư tế:

Trong một bài nói chuyện cùng Hội Phụ Nữ, Chủ Tịch Joseph Fielding Smith, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã nói điều này: ‘Mặc dù các chị em phụ nữ đã không được [sắc phong] Chức Tư Tế, … nhưng điều đó không có nghĩa là Chúa đã không ban cho họ thẩm quyền. … Các chị em có thể nói với thẩm quyền, vì Chúa đã đặt thẩm quyền đó lên trên các chị em.” Ông cũng nói rằng Hội Phụ Nữ “[đã] được ban cho quyền năng và thẩm quyền để làm nhiều điều quan trọng. Việc làm của họ được thực hiện qua thẩm quyền thiêng liêng” [“Relief Society--An Aid to the Priesthood”, Relief Society Magazine, tháng Một năm 1959, trang 4–5]. …

… Bất cứ ai hành động trong một chức phẩm hoặc chức vụ kêu gọi nhận được từ một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế đều sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong việc thực hiện các bổn phận đã được chỉ định cho mình. (Dallin H. Oaks, “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 50-51)

Phần 3

Làm thế nào các phụ nữ và Hội Phụ Nữ giúp hoàn thành các mục đích của Thượng Đế và Giáo hội của Ngài?

Buổi họp đầu tiên của Hội Phụ Nữ được tổ chức vào ngày 17 tháng Ba năm 1842, tại căn phòng trên tầng của Cửa Hàng Gạch Đỏ của Joseph Smith, ở Nauvoo, Illinois. Emma được chọn và tán trợ làm chủ tịch của tổ chức mới. Joseph đứng lên và giải thích rằng đây là sự ứng nghiệm lời tuyên phán của Chúa rằng Emma là “một phụ nữ chọn lọc, là người mà ta đã kêu gọi” (Giáo Lý và Giao Ước 25:3). Một thời gian ngắn sau đó, Vị Tiên Tri nói: “Hội này là nhằm nhận chỉ thị qua trật tự mà Thượng đế đã thiết lập—qua sự trung gian của những người được chỉ định để hướng dẫn—và giờ đây, tôi trao cho các chị em trách nhiệm trong tôn danh của Thượng Đế, và Hội này sẽ được hân hoan, và kiến thức và tri thức sẽ được trút xuống từ thiên thượng từ bây giờ (trong Các Con Gái trong Vương Quốc của Ta, trang 14–15).

Chị Emma Smith tuyên bố rằng các phụ nữ của Giáo Hội sẽ cùng nhau làm “điều gì đó phi thường” (“Joseph Smith’s Teachings about Priesthood, Temple, and Women,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org). Khi học những lời phát biểu này, anh chị em hãy cân nhắc đánh dấu những điều nổi bật với anh chị em về mục đích và sứ mệnh của Hội Phụ Nữ.

Zina D. H. Young, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, nhớ lại:

Hội Phụ Nữ … được tổ chức lần đầu tiên … để ban phát các phước lành vật chất cho người nghèo khổ và hoạn nạn: và để khích lệ người yếu đuối, và ngăn giữ kẻ lầm lỗi, và vì sự phát triển tốt hơn, cùng thực hành lòng cảm thông và bác ái của người phụ nữ, cho phép chị ấy có cơ hội đạt được sức mạnh thuộc linh, và quyền năng để làm được nhiều điều tốt lành hơn trong công cuộc cứu chuộc gia đình nhân loại. (“First General Conference of the Relief Society [Đại Hội Trung Ương Lần Thứ Nhất của Hội Phụ Nữ],” Woman’s Exponent, ngày 15 tháng Tư năm 1889, trang 172)

Chị Beck đã dạy:

Joseph Smith nói rằng các phụ nữ của Giáo Hội này đã được tổ chức để cung ứng “sự cứu giúp người nghèo khổ, kẻ thiếu thốn, người góa bụa, trẻ mồ côi, và để hành sử tất cả các mục đích từ thiện” [trong History of the Church, 4:567] và “không những cứu giúp người nghèo khổ mà còn cứu vớt con người” [trong History of the Church, 5:25]. Nỗ lực cứu giúp đó còn được Anh Cả John A. Widtsoe định nghĩa là “sự cứu giúp nghèo khổ, sự cứu giúp ốm đau, sự cứu giúp lòng nghi ngờ, sự cứu giúp nạn dốt nát—sự cứu giúp tất cả những gì gây trở ngại … niềm vui và sự tiến triển. …” [Evidences and Reconciliations, do G. Homer Durham biên soạn, 3 tập trong 1 (năm 1960), trang 308]

… Qua Hội Phụ Nữ, chúng ta thực tập làm môn đồ của Đấng Ky Tô. Chúng ta học được điều mà Ngài muốn chúng ta học hỏi, chúng ta làm điều mà Ngài muốn chúng ta làm, và chúng ta trở thành người mà Ngài muốn chúng ta trở thành. (Julie B. Beck, “Điều Mà Người Phụ Nữ Thánh Hữu Ngày Sau làm Giỏi Nhất: Đứng Vững Vàng và Không Lay Chuyển,” EnsignLiahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 111, 109)

Chúa Giê Su chữa lành cho người phụ nữ có vấn đề về máu

Chủ Tịch Spencer W. Kimball giải thích lý do tại sao cả người nam và người nữ phải hiểu những mục đích và quyền năng của Hội Phụ Nữ:

Có một quyền năng trong tổ chức này [của Hội Phụ Nữ] mà đã không được sử dụng hoàn toàn để củng cố các mái gia đình của Si Ôn và xây đắp Vương Quốc của Thượng Đế—cũng như sẽ không được sử dụng cho đến khi các chị em phụ nữ lẫn chức tư tế [các anh em ] đạt được sự hiểu biết về tầm nhìn của Hội Phụ Nữ. (Spencer W. Kimball, trong Daughters in My Kingdom [Các Con Gái trong Vương Quốc của Ta], trang 142; phần in nghiêng được thêm vào)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Cả người nữ người nam có thể làm gì để đạt được sự hiểu biết về tầm nhìn của Hội Phụ Nữ và làm việc cùng nhau để giúp hoàn thành các mục đích của Hội?