Viện Giáo Lý
Bài học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Giáo Hội ở Miền Tây


“Bài học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Giáo Hội ở Miền Tây”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
Engraving of Salt Lake City in 1853 (Hình Chạm Trổ Thành Phố Salt Lake City năm 1853), tranh do Frederick Piercy họa

Engraving of Salt Lake City in 1853 (Hình Chạm Trổ Thành Phố Salt Lake City năm 1853), tranh do Frederick Piercy họa

Bài học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Giáo Hội ở Miền Tây

Các Thánh Hữu quy tụ đến thung lũng Great Salt Lake và các vùng lân cận đã trải qua một vài thử thách sau khi họ đến nơi. Những thử thách này gồm có thời tiết khắc nghiệt, dế phá hoại mùa màng, hạn hán và đói kém. Tuy nhiên, Brigham Young “ít bận tâm đến việc trồng trọt và tiền bạc hơn là giúp đỡ dân của ông trở thành một dân tộc thánh.

Từ kinh nghiệm, ông biết được rằng họ sẽ phát triển từ việc lao nhọc và chấp nhận trách nhiệm. ‘Ông nói với một giáo đoàn các tín hữu ở Salt Lake City vào năm 1856: ‘Đây là một nơi tốt để trở nên Thánh Hữu’ (DNW [Deseret News Weekly], ngày 10 tháng Chín năm 1856, trang 5)” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Brigham Young [Năm 1997], trang 9). Hầu hết Các Thánh Hữu thể hiện đức tin lớn lao nơi Chúa trong những năm đầu tiên mặc cho những thử thách này. Đáng buồn thay, giai đoạn này trong lịch sử Giáo Hội cũng bao gồm thảm kịch của Vụ Thảm Sát tại Mountain Meadows, có thể dạy chúng ta những bài học quan trọng mà chúng ta có thể áp dụng trong thời của mình.

Tiết 1

Anh chị em có thể học được gì từ Các Thánh Hữu tiền phong thời kỳ đầu về việc phục vụ Chúa và xây cất vương quốc của Ngài ngày nay?

Trong mùa đông vô cùng khắc nghiệt năm 1848–1849 khi thời tiết rất lạnh và thực phẩm khan hiếm, một số Thánh Hữu muốn chuyển đến California và khai thác vàng. Chủ Tịch Brigham Young đã tiên tri:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Brigham Young

“Một số người đã hỏi tôi về việc đi [đến California]. Tôi đã nói với họ rằng Thượng Đế đã chỉ định nơi này [Great Basin] để quy tụ Các Thánh Hữu của Ngài, và các anh em sẽ tốt hơn khi ở đây so với việc đến các mỏ vàng. … Thượng Đế đã cho tôi thấy rằng đây là chỗ ở của dân Ngài và đây là nơi mà họ sẽ thịnh vượng; … Ngài sẽ làm thời tiết ôn hòa và chúng ta sẽ xây dựng một thành phố và một đền thờ cho Đấng Thượng Đế Tối Cao ở nơi này. Chúng ta sẽ mở rộng các khu định cư từ đông sang tây, từ bắc tới nam, và chúng ta sẽ xây dựng hàng trăm thị trấn và thành phố, và hàng ngàn Thánh Hữu sẽ quy tụ từ các quốc gia trên thế gian.” (Trong James S. Brown, Life of a Pioneer: Being the Autobiography of James S. Brown [Năm 1900], trang 121–122)

Lúc Brigham Young qua đời vào năm 1877, Các Thánh Hữu Ngày Sau đã nhìn thấy sự ứng nghiệm kỳ diệu của lời tiên tri này. Đức tin của họ nơi Chúa và vị tiên tri của Ngài đã soi dẫn cho 60.000 đến 70.000 Thánh Hữu tiền phong di cư đến Thung Lũng Salt Lake, nơi họ thành lập từ 350 và 400 cộng đồng ở Utah, Arizona, California, Idaho, Nevada và Wyoming.

Perpetual Emigration Fund (Quỹ Di Cư Luân Lưu) được thành lập để giúp đỡ những người nhập cư nghèo là Thánh Hữu Ngày Sau đã giúp tài trợ cho 30.000 Thánh Hữu từ Quần đảo Anh, Scandinavia, Thụy Sĩ, Đức và Hà Lan. Những người truyền giáo đã thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế giới. Các Thánh Hữu đã dâng hiến thời gian của họ để xây cất các đền thờ ở Salt Lake City, Logan và St. George. Quan trọng nhất là Các Thánh Hữu đã để lại một di sản về đức tin, sự hy sinh và ngoan đạo kiên định cho chính nghĩa của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. (Xin xem “Brigham Young,” Newsroom Topics, newsroom.churchofjesuschrist.org.)

Chọn một trong những câu chuyện sau đây của Các Thánh Hữu trung tín đã quy tụ đến Utah trong những ngày đầu của Giáo Hội. Đọc câu chuyện đó và chuẩn bị chia sẻ với lớp những bài học hoặc nguyên tắc mà anh chị em học được từ câu chuyện đó về việc phục vụ Chúa và xây cất vương quốc của Ngài ngày nay.

Lucy Meserve Smith

Đọc về lòng trắc ẩn của Lucy Meserve Smith và những người phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau khác, khi họ đã giúp đỡ những người tiền phong đi bằng xe kéo tay, trong Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society [Năm 2011], trang 36–37. Bắt đầu đọc từ đoạn “Ví dụ: Lucy Meserve Smith dẫn dắt một nhóm … ,” và đọc cho đến cuối chương.

John Moyle

Đọc câu chuyện đầy soi dẫn của John Moyle, người đã đến Salt Lake để làm công việc xây dựng đền thờ mỗi tuần mặc dù bị mất chân trong một tai nạn, trong bài nói chuyện của Dieter F. Uchtdorf “Hãy Nâng Đỡ Ngay Tại Chỗ Các Anh Em Đang Đứng” (Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 55–56). Đọc tiết có tựa đề là “Tấm Gương của John Rowe Moyle.”

Joseph Millett

Đọc về sự sẵn lòng của Joseph Millett, sẵn sàng trao bột mì cho một người đàn ông được Chúa dẫn đến chỗ ông: Boyd K. Packer, “A Tribute to the Rank and File of the Church,” Ensign, tháng Năm năm 1980, trang 63. Bắt đầu đọc từ đoạn “Hãy để tôi trích dẫn từ cuốn nhật ký của Joseph Millett … ,” và kết thúc với đoạn bắt đầu bằng “Chúa biết Joseph Millett”.

Charles Walker và Charles Rich

Đọc về đức tin của hai người đàn ông và gia đình của họ, những người đã đáp ứng sự kêu gọi thiết lập các khu định cư mới cho Các Thánh Hữu đang quy tụ, trong Di Sản của Chúng Ta: Lịch Sử Vắn Tắt của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 1996), trang 96–98. Đọc từ trang 96, bắt đầu đọc từ “Tại các buổi đại hội trung ương, Chủ Tịch Young … ,” và kết thúc với đoạn ở trang 98 bắt đầu bằng “Đã có nhiều gian khổ …”

Tiết 2

Điều gì đã đưa đến Vụ Thảm Sát tại Mountain Meadows?

Trong những năm 1850, những bất đồng và việc giao tiếp kém đã gây ra căng thẳng gia tăng giữa Các Thánh Hữu Ngày Sau và các viên chức chính phủ Hoa Kỳ. Sai lầm khi tin rằng Các Thánh Hữu sẽ nổi loạn, Tổng thống Hoa Kỳ James Buchanan đã đưa 1.500 binh lính đến Salt Lake City để dập tắt cuộc nổi loạn.

Trong những bài giảng cho Các Thánh Hữu, Chủ Tịch Young và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã mô tả những binh lính đang đến như kẻ thù. Họ sợ rằng các binh lính sẽ đuổi Các Thánh Hữu ra khỏi Lãnh Thổ Utah, như trước đây họ đã bị đuổi khỏi Ohio, Missouri, và Illinois. Chủ Tịch Young đã yêu cầu Các Thánh Hữu tích trữ ngũ cốc để họ có thể có lương thực nếu phải chạy trốn khỏi các binh lính. Là thống đốc của Lãnh Thổ Utah, ông cũng chỉ thị dân quân chuẩn bị bảo vệ lãnh thổ này. Để tránh đổ máu, Các Thánh Hữu còn lại đã chuẩn bị sơ tán khỏi nhà và đất của họ và phá hủy đi nếu cần.

Trong thời kỳ này, một đoàn xe kéo di cư đi về miền tây từ Arkansas đến California đã vào tới Utah. Một vài thành viên của đoàn xe kéo trở nên tức giận bởi vì họ đã gặp khó khăn khi mua ngũ cốc rất cần thiết với họ từ Các Thánh Hữu.

Hình Ảnh
Bản đồ Vụ Thảm Sát tại Mountain Meadows

Tình trạng căng thẳng gia tăng tại Cedar City, khu định cư cuối cùng tại Utah trên đường đến California. Những cuộc đối đầu đã xảy ra và một số thành viên đoàn xe kéo đã đe dọa sẽ tham gia với các binh lính chính phủ đang đến để chống lại Các Thánh Hữu. Sau khi nhóm xe kéo rời khỏi thị trấn, một số người định cư và lãnh đạo tại Cedar City muốn đuổi theo và trừng phạt những kẻ đã đe dọa và làm họ bực bội.

Isaac Haight, thị trưởng Cedar City, thiếu tá dân quân, và chủ tịch giáo khu, đã yêu cầu được sự cho phép từ William Dame, người chỉ huy dân quân, đang sống ở vùng Parowan gần đó, để kêu gọi dân quân đối đầu với những kẻ chọc tức họ trong đoàn xe kéo. Tuy nhiên, Dame đã từ chối yêu cầu của họ và yêu cầu họ không chú ý đến sự đe dọa của những người di cư.

Thay vì làm theo chỉ thị này, Isaac Haight và những người lãnh đạo khác của Cedar City lên kế hoạch thuyết phục một số người Da Đỏ Paiute địa phương tấn công đoàn xe kéo, trộm lấy gia súc và giết một số hoặc tất cả những người đàn ông trong đoàn xe này. Haight yêu cầu John D. Lee, một tín hữu Giáo Hội địa phương và là thiếu tá dân quân, chỉ đạo những người Paiute trong vụ tấn công này. Họ âm mưu đổ tội cho những người Paiute về vụ này.

Isaac Haight đã trình bày kế hoạch cho một hội đồng những người lãnh đạo địa phương trong Giáo Hội, cộng đồng, và dân quân. Một số thành viên hội đồng phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Haight và hỏi ông ta đã tham vấn với Chủ Tịch Brigham Young về vấn đề này hay chưa. Nói rằng mình chưa làm điều đó, Haight đồng ý gửi một người đưa tin đến Salt Lake City với một lá thư giải thích tình hình này và hỏi xin điều nên làm. Người đưa tin sẽ cần khoảng một tuần để đến Salt Lake City và quay về mang theo chỉ thị của Chủ Tịch Young.

Ngay sau khi người đưa tin được gửi đi, John D. Lee và một nhóm người Da Đỏ đã vội vã tấn công trại của người di cư tại một nơi gọi là Mountain Meadows. Lee đã cố gắng tạo dựng như thể là chỉ có những người Paiute địa phương tham gia. Một số người di cư bị giết hoặc bị thương, và những người còn lại chống trả những kẻ tấn công họ, khiến cho Lee và những người Paiute phải rút lui. Những người di cư nhanh chóng quây các xe kéo của mình thành một vòng tròn khép kín để bảo vệ họ.

Vào một thời điểm, người dân quân Cedar City bị hai người đàn ông di cư trông thấy. Người dân quân bắn họ, giết chết một người. Người kia trốn thoát.

Trong nỗ lực ngăn chặn tin tức lan truyền rằng các tín hữu Giáo Hội tham gia vào các cuộc tấn công, Isaac Haight, John D. Lee, và các lãnh đạo khác của Giáo Hội tại địa phương và những lãnh đạo dân quân khác lập kế hoạch giết chết tất cả những người di cư còn lại ngoại trừ trẻ nhỏ. “Họ lại tìm kiếm sự cho phép của Dame để kêu gọi dân quân, và một lần nữa, Dame đã tổ chức một … hội đồng, quyết định rằng nên gửi người đến để giúp những người di cư đang bị bao vây để tiếp tục rời đi trong yên bình. Sau đó, Haight đã than khóc: ‘Tôi sẽ cho cả thế gian nếu tôi có, nếu chúng tôi tuân theo quyết định của hội đồng’” (Richard E. Turley Jr., “The Mountain Meadows Massacre,” Ensign, tháng Chín năm 2007, trang 18).

Sau buổi họp của hội đồng, Isaac Haight đã thành công trong việc thuyết phục Dame suy nghĩ lại về quyết định của hội đồng và Haight tin rằng ông ta được phép sử dụng lực lượng dân quân để thực hiện kế hoạch của họ. John D. Lee đã tiếp cận những người di cư với một lá cờ trắng thỏa thuận ngừng bắn và nói rằng lực lượng dân quân sẽ bảo vệ họ không bị tấn công nữa bằng cách dẫn họ trở về Cedar City một cách an toàn.

Khi những người di cư đang đi bộ về hướng Cedar City, các dân quân quay sang nổ súng vào họ. Một số người Da Đỏ được thuê bởi những người định cư vội ra khỏi nơi ẩn trốn để tham gia tấn công. Trong khoảng gần 140 người di cư đi theo đoàn xe kéo, chỉ có 17 trẻ nhỏ được tha mạng.

Hai ngày sau cuộc thảm sát, câu trả lời của Chủ Tịch Young đến, chỉ thị cho phép đoàn xe kéo rời đi trong yên bình. “Khi Haight đọc những lời của Chủ Tịch Young, ông ta khóc nấc lên như một đứa trẻ và chỉ có thể thốt ra: ‘Quá trễ, quá trễ’” (Richard E. Turley Jr., The Mountain Meadows Massacre,” Ensign, tháng Chín năm 2007, trang 20).

Những sự lựa chọn của một vài vị lãnh đạo Giáo Hội và những người định cư ở nam Lãnh Thổ Utah đã đưa đến Vụ Thảm Sát tại Mountain Meadows đầy bi thương. Ngược lại, các vị lãnh đạo Giáo Hội và vùng lãnh thổ ở Salt Lake City đã giải quyết mâu thuẫn với chính phủ Hoa Kỳ qua các cuộc tọa đàm và đàm phán hòa bình trong năm 1858. Trong suốt thời gian diễn ra xung đột này—sau này gọi là Chiến Tranh Utah—binh lính Hoa Kỳ và những dân quân Utah có những hành động gây hấn nhưng chưa bao giờ gây chiến.

Hình Ảnh
Khu vực tưởng niệm Vụ Thảm Sát tại Mountain Meadows

Phát biểu tại khu tưởng niệm Vụ Thảm Sát tại Mountain Meadows vào ngày 11 tháng Chín năm 2007, Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà chúng ta tán thành thì ghê tởm hành vi máu lạnh giết chết đàn ông, phụ nữ, và trẻ em. Thật ra, phúc âm ủng hộ hòa bình và sự tha thứ. Điều mà các tín hữu của Giáo Hội chúng ta đã gây ra tại đây cách đây nhiều năm cho thấy một cách kinh khủng và không thể biện minh được sự xa rời điều giáo huấn và hành vi của Ky Tô Giáo. … Chúng tôi bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về vụ thảm sát được thực hiện tại thung lũng này … và cho những đau khổ không đáng có và không kể xiết của các nạn nhân lúc đó và những người thân của họ cho đến thời điểm hiện tại. (Henry B. Eyring, “150th Anniversary of Mountain Meadows Massacre,” newsroom.ChurchofJesusChrist.org)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Một số bài học mà chúng ta có thể học được từ những sự lựa chọn khủng khiếp đưa đến Vụ Thảm Sát tại Mountain Meadows là gì? Đọc Châm Ngôn 28:133 Nê Phi 12:24–25, 43–44 và nhận ra các nguyên tắc mà nếu tuân theo có thể ngăn chặn thảm kịch này. Hãy cân nhắc làm thế nào việc sống theo những nguyên tắc này có thể ngăn chặn nỗi đau khổ hoặc thảm kịch không cần thiết trong cuộc sống của anh chị em.

In