Viện Giáo Lý
Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Giáo Lý về Gia Đình và Hôn Nhân Vĩnh Cửu


“Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Giáo Lý về Gia Đình và Hôn Nhân Vĩnh Cửu”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Giáo Lý về Gia Đình và Hôn Nhân Vĩnh Cửu

cặp nam nữ ở bên ngoài đền thờ

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “Mục đích của cuộc sống hữu diệt và sứ mệnh của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là nhằm chuẩn bị các con trai và con gái của Thượng Đế cho vận mệnh vĩnh cửu của họ—để trở thành giống như cha mẹ thiên thượng của chúng ta” (“Same-Gender Attraction [Sự Thu Hút Đồng Tính],” Ensign, tháng Mười năm 1995, trang 7). Khi học giáo lý về hôn nhân và gia đình vĩnh cửu, anh chị em hãy nhận ra các nguyên tắc có thể giúp anh chị em hiểu về việc làm thế nào mà hôn nhân và gia đình chuẩn bị cho chúng ta trở nên giống như Cha Mẹ Thiên Thượng hơn.

Phần 1

Các mục đích của hôn nhân trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế là gì?

Năm 1831, một tín hữu Giáo Hội mới vừa chịu phép báp têm tên là Leman Copley đã đến thăm Tiên Tri Joseph Smith. Trước đây, Leman là thành viên của Shakers, một giáo phái chối bỏ hôn nhân và tin rằng độc thân hoàn toàn (kiêng quan hệ tình dục) là hình thức ngoan đạo cao nhất của Ky Tô giáo. Sau chuyến thăm của Leman, Tiên Tri Joseph Smith đã cầu vấn Chúa về những lời giảng dạy của giáo phái Shakers và nhận được sự mặc khải hiện được ghi chép lại trong Giáo Lý và Giao Ước 49. (Anh chị em cũng có thể thấy hữu ích khi đọc phần giới thiệu của tiết đó.) Hãy cân nhắc việc đánh dấu các từ và cụm từ trong đoạn thánh thư sau đây mà dạy giáo lý của Chúa về hôn nhân.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 49:15–17 (xin xem thêm Gia Cốp 2:27–30).

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích tại sao hôn nhân là do Thượng Đế quy định. Cân nhắc việc đánh dấu những điều nổi bật đối với anh chị em trong lời phát biểu của ông.

Hai lý do giáo lý mạnh mẽ giúp chúng ta hiểu tại sao hôn nhân vĩnh cửu là thiết yếu cho kế hoạch của Đức Chúa Cha.

Lý Do 1: Tính chất của các linh hồn nam và nữ bổ sung và hoàn thiện cho nhau, và do đó những người đàn ông và phụ nữ đều có ý định cùng nhau tiến triển đến sự tôn cao. …

… Sự kết hợp độc đáo của các khả năng thuộc linh, thể chất, tinh thần và cảm xúc của nam giới lẫn nữ giới là cần thiết để thực hiện kế hoạch hạnh phúc. Chỉ một mình người đàn ông hay người phụ nữ cũng không thể làm tròn các mục đích của sự sáng tạo của họ. …

Lý Do 2: Qua kế hoạch thiêng liêng, người nam lẫn người nữ đều cần phải nuôi nấng con cái trong cuộc sống hữu diệt và cung ứng bối cảnh tốt nhất để nuôi dạy và nuôi dưỡng con cái.

Lệnh truyền thời xưa ban cho A Đam và Ê Va là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho dẫy đầy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực trong thời nay. … Như vậy, hôn nhân giữa một người nam và người nữ là phương cách được cho phép để qua đó các linh hồn trên tiền dương thế có thể được sinh ra trên trần thế. …

Một mái gia đình với cha mẹ nhân từ và chung thủy là bối cảnh trong đó con cái có thể được nuôi nấng trong tình yêu thương và sự ngay chính và các nhu cầu tinh thần và thể chất của con cái có thể được đáp ứng. Cũng như những đặc điểm độc đáo của cả người nam lẫn người nữ góp phần vào việc hoàn chỉnh một mối quan hệ hôn nhân, do đó, cũng những đặc điểm đó là thiết yếu để nuôi nấng, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. (David A. Bednar, “Marriage Is Essential to His Eternal Plan,” Ensign, tháng Sáu năm 2006, trang 83-84)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em giải thích như thế nào về lý do tại sao hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là thiết yếu đối với kế hoạch của Cha Thiên Thượng?

Phần 2

Các phước lành của một cuộc hôn nhân vĩnh cửu là gì?

Ở Nauvoo, Joseph Smith bắt đầu giảng dạy rộng rãi hơn giáo lý về hôn nhân vĩnh cửu. Đây là một giáo lý mới và gây kinh ngạc đối với Các Thánh Hữu. Hầu hết họ đã tin rằng hôn nhân chấm dứt khi chết.

Joseph và Emma Smith

Mô tả của Joseph và Emma Smith, những người đã làm lễ gắn bó vĩnh cửu với nhau vào tháng Năm năm 1843.

Anh Cả Parley P. Pratt thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ mô tả ông đã cảm thấy như thế nào khi Vị Tiên Tri dạy cho ông giáo lý về hôn nhân vĩnh cửu.

Chính là từ [Joseph Smith] mà tôi đã học được rằng người vợ của lòng tôi có thể được gắn bó với tôi cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu. … Chính là từ ông mà tôi học biết được rằng chúng tôi có thể nuôi dưỡng tình yêu này, phát triển và có thêm được những điều này trong suốt thời vĩnh cửu; trong khi kết quả của hôn nhân vĩnh cửu của chúng tôi là con cháu đông như sao trên trời hoặc những hạt cát trên bãi biển. …

Trước đây tôi đã từng yêu thương nhưng không hiểu lý do. Nhưng bây giờ tôi yêu thích—với một sự thuần khiết—một cảm nghĩ hân hoan, mãnh liệt và cao quý. (Autobiography of Parley P. Pratt, do Parley P. Pratt Jr. biên soạn [Năm 2007], trang 260)

Năm 1843, Vị Tiên Tri truyền lại điều mặc khải hiện được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 132, trong đó có giáo lý về hôn nhân vĩnh cửu.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 132:19-20.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích:

Để hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải lập một giao ước vĩnh cửu và trường cửu với Cha Thiên Thượng [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:19]. Điều này có nghĩa là một lễ hôn phối trong đền thờ không những giữa chồng với vợ mà nó còn gồm có Thượng Đế nữa [xin xem Ma Thi Ơ 19:6]. …

… Khi một gia đình được làm lễ gắn bó trong đền thờ thì gia đình đó có thể trở thành vĩnh cửu như chính vương quốc của Thượng Đế vậy [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:19–20]. (Russell M. Nelson, “Hôn Nhân Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 92-93)

Các phước lành của hôn nhân vĩnh cửu không chỉ dành cho cuộc sống tiếp theo. Những người cố gắng tuân giữ thành tâm các giao ước cũng có thể vui hưởng các phước lành của hôn nhân vĩnh cửu trong cuộc sống này. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy:

Nếu các em khôn ngoan lựa chọn và cam kết sẽ thành công trong hôn nhân của mình thì không có điều gì trong cuộc sống này mang lại hạnh phúc lớn lao hơn cho các em. (“Quyền Năng của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 67)

Một số tín hữu Giáo Hội có câu hỏi về các trường hợp không cho phép các cá nhân trải nghiệm các phước lành của hôn nhân và gia đình vĩnh cửu ngày nay. Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đề cập đến vấn đề này:

Việc tuyên bố về các lẽ thật cơ bản liên quan đến hôn nhân và gia đình là không nhằm coi nhẹ hoặc giảm bớt những sự hy sinh và thành công của những người có tình trạng hôn nhân lý tưởng hiện không được như thế. Một số anh chị em bị từ chối phước lành của hôn nhân vì các lý do thiếu các triển vọng xứng đáng, sức thu hút đồng tính, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần hay chỉ là sợ bị thất bại, làm lu mờ đức tin, ít nhất trong một giây phút. Hoặc các anh chị em có thể đã kết hôn, nhưng cuộc hôn nhân đó đã kết thúc và bỏ lại các anh chị em một mình xoay sở điều mà cả hai người có thể gần như vừa đủ sức để đứng vững. Một số anh chị em đã kết hôn nhưng không thể có con bất kể những ước muốn tràn ngập và những lời cầu nguyện khẩn thiết.

… Với sự tin tưởng, chúng ta làm chứng rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã đoán trước và cuối cùng, sẽ bù đắp tất cả những điều thiếu thốn và mất mát cho những người hướng tới Ngài. Không một ai bị tiền định để nhận được ít hơn tất cả những gì mà Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài. (D. Todd Christofferson, “Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 52)

biểu tượng, thảo luận

Thảo Luận để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tất cả các cuộc hôn nhân, đặc biệt là các cuộc hôn nhân vĩnh cửu, đòi hỏi nỗ lực và cam kết từ cả người vợ và người chồng. Hãy nói chuyện với một cặp vợ chồng mà anh chị em biết là có một cuộc hôn nhân vững vàng và đầm ấm và hỏi xem họ đã làm gì để xây dựng được cuộc hôn nhân đó. Hỏi họ xem cuộc hôn nhân này nhờ vậy mà đã làm phong phú cuộc sống của họ như thế nào. Sẵn sàng chia sẻ trong lớp điều anh chị em đã học được.

Phần 3

Tại sao tôi nên bênh vực cho giáo lý của Chúa về hôn nhân và gia đình?

Khi Sự Phục Hồi tiếp tục diễn ra, Chúa đã soi dẫn cho các vị tiên tri của Ngài nhấn mạnh đến giáo lý về hôn nhân và gia đình. Trong buổi họp trung ương của Hội Phụ Nữ vào tháng Chín năm 1995, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã đọc “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Kết luận của bản tuyên ngôn này dạy cho chúng ta lý do tại sao chúng ta nên ủng hộ giáo lý về hôn nhân và gia đình của Chúa.

Chúng tôi cũng khuyến cáo rằng cảnh đổ vỡ trong gia đình sẽ mang lại cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia những tai họa mà đã được các tiên tri thời xưa và thời hiện đại tiên đoán.

Chúng tôi kêu gọi những công dân và viên chức chính quyền có trách nhiệm ở khắp mọi nơi hãy đẩy mạnh các biện pháp mà nhằm duy trì và củng cố gia đình như là một đơn vị cơ bản của xã hội. (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org)

Chị Julie B. Beck, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã giải thích sự cần thiết phải học giáo lý về gia đình trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.”

Thế hệ này sẽ được kêu gọi bảo vệ giáo lý về gia đình hơn bao giờ hết. Nếu họ không biết giáo lý đó thì họ không thể bảo vệ được. …

Chủ Tịch [Spencer W.] Kimball nói:

“Nhiều giới hạn trong xã hội đã giúp củng cố và ủng hộ gia đình trong quá khứ đang dần tan rã và biến mất. Chỉ khi những người tin tưởng sâu sắc và tích cực vào gia đình mới có thể bảo vệ gia đình của họ giữa những điều ác đang bủa vây xung quanh chúng ta” [Spencer W. Kimball, “Families Can Be Eternal,” Ensign, tháng Mười Một năm 1980, trang 4]. (Julie B. Beck, “Teaching the Doctrine of the Family,” Ensign, tháng Ba năm 2011, trang 17)

Chị Bonnie L. Oscarson, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:

Chúng ta cần phải mạnh dạn bênh vực cho các giáo lý đã được mặc khải của Chúa mô tả về hôn nhân, gia đình, vai trò thiêng liêng của những người đàn ông và phụ nữ, và tầm quan trọng của mái gia đình là những nơi thánh thiện—cho dù thế gian đang la hét vào tai chúng ta rằng những nguyên tắc này đã lỗi thời, hạn chế, hoặc không còn phù hợp nữa. Tất cả mọi người, bất kể tình trạng hôn nhân là gì hoặc có bao nhiêu con cái thì cũng có thể là người bênh vực cho kế hoạch của Chúa như đã được mô tả trong bản tuyên ngôn về gia đình. Nếu đó là kế hoạch của Chúa, thì đó cũng phải là kế hoạch của chúng ta! …

… Chúng ta hãy làm những người bênh vực cho hôn nhân như Chúa đã quy định trong khi tiếp tục cho thấy tình yêu thương và lòng trắc ẩn đối với những người có quan điểm khác biệt. (Bonnie L. Oscarson, “Những Người Bênh Vực cho Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 15)

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy viết suy nghĩ của anh chị em về việc làm thế nào mà một thành niên trẻ tuổi có thể là một người bênh vực cho hôn nhân và gia đình trong nhật ký ghi chép hoặc trong chỗ trống. Anh chị em đã bao giờ bảo vệ giáo lý về hôn nhân chưa? Kinh nghiệm đó của anh chị em như thế nào?