“Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tục Đa Hôn”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)
“Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Tục Đa Hôn
Chúa dạy Áp Ra Ham rằng một trong những mục đích của sự hữu diệt là để “chứng minh” cho con cái của Thượng Đế “để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng” (Áp Ra Ham 3:25). Một số giáo lệnh của Thượng Đế có thể dường như rất khó, đặc biệt là khi những giáo lệnh đó đi ngược lại các chuẩn mực văn hóa hoặc kỳ vọng của chúng ta. Khi học, hãy suy ngẫm xem anh chị em có thể học được gì từ đức tin và sự tuân theo lạ thường của Tiên Tri Joseph Smith và Các Thánh Hữu thời kỳ đầu với lệnh truyền của Chúa để thực hành tục đa hôn.
Phần 1
Tại sao Tiên Tri Joseph Smith và Các Thánh Hữu thời kỳ đầu thực hành tục đa hôn?
Đầu năm 1831, khi Joseph Smith đang thực hiện bản dịch Kinh Cựu Ước được soi dẫn, ông đã cầu nguyện để hiểu lý do tại sao một số vị tiên tri và các vị vua Y Sơ Ra Ên thời xưa thực hành tục đa hôn (xem tiêu đề của tiết học và câu 1 của Giáo Lý và Giao Ước 132). Chúa đã ban một điều mặc khải cho Vị Tiên Tri.
Trong câu 37, từ nàng hầu là thuật ngữ dùng để mô tả một người nữ trong thời kỳ Kinh Cựu Ước, đã kết hôn hợp pháp với một người nam nhưng có địa vị xã hội thấp hơn người vợ. Nàng hầu không phải là một phần của sự thực hành tục đa hôn trong gian kỳ của chúng ta.
Một thời gian sau khi Chúa mặc khải nguyên tắc tục đa hôn cho Joseph Smith, Ngài truyền lệnh cho Vị Tiên Tri sống theo nguyên tắc này và dạy nguyên tắc đó cho những người khác. Dù chúng ta không hiểu hết tất cả các mục đích của Thượng Đế để bắt đầu tục đa hôn trong thời kỳ đầu của Giáo Hội nhưng việc giới thiệu tục này là một phần của sự phục hồi ngày sau của “tất cả mọi điều” (Giáo Lý và Giao Ước 132:40, 45; xin xem thêm Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21).
Phần 2
Chúng ta biết gì về kinh nghiệm của Tiên Tri Joseph Smith với tục đa hôn?
Những cá nhân gần gũi với Joseph Smith kể lại rằng ông đã nói với họ là một thiên sứ của Thượng Đế đã hiện đến với ông tới ba lần trong khoảng thời gian từ năm 1834 đến 1842, truyền lệnh cho ông sống theo nguyên tắc của tục đa hôn. “Bằng chứng rời rạc cho thấy Joseph Smith đã hành động theo lệnh truyền đầu tiên của thiên sứ bằng cách lấy Fanny Alger, một người vợ đa nguyên, ở Kirtland, Ohio, vào giữa những năm 1830. … Mọi người không biết gì nhiều về cuộc hôn nhân này và không ai rõ những cuộc trò chuyện giữa Joseph và Emma liên quan đến Alger. Sau khi cuộc hôn nhân với Alger kết thúc trong trình trạng ly thân, Joseph dường như đã đặt chủ đề đa hôn nhân sang một bên cho đến khi Giáo Hội chuyển đến Nauvoo, Illinois” (“Plural Marriage in Kirtland and Nauvoo,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).
Đầu năm 1841, Tiên Tri Joseph Smith lấy những người phụ nữ khác để tuân theo lệnh truyền của Chúa và giới thiệu nguyên tắc của tục đa hôn cho một số tín hữu khác trong Giáo Hội.
Eliza R. Snow, là người đã làm lễ gắn bó với Tiên Tri Joseph Smith và về sau phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Thứ Hai của Hội Phụ Nữ Trung Ương, nhớ lại:
Tiên Tri Joseph … mô tả nỗi đau đớn dữ dội vô cùng trong thâm tâm khi ông cố gắng vượt qua cảm giác phản kháng lại tục đa hôn … liên quan đến việc giới thiệu tục đa hôn. Ông biết tiếng nói của Thượng Đế—ông biết lệnh truyền của Đấng Toàn Năng đến với ông là phải được tiến hành. … Ông biết rằng ông không chỉ phải chống lại và vượt qua những thành kiến và những quan điểm nhận thức [niềm tin] của riêng mình, mà ông còn biết rằng cả thế giới Ky Tô giáo sẽ nhìn ông cay nghiệt; nhưng Thượng Đế, là Đấng lớn hơn hết, đã ban ra lệnh truyền này, và ông cần phải vâng lời Ngài. (Eliza R. Snow, trong Biography and Family Record of Lorenzo Snow [Năm 1884], trang 69)
Một trong những lý do khiến sự hiểu biết của chúng ta về lối thực hành tục đa hôn của Joseph Smith còn hạn chế là do ông và những người khác đã thực hành tục đa hôn ở Nauvoo hiếm khi đề cập đến điều này trong biên sử viết tay. Nhiều chi tiết về việc thực hành tục đa hôn đã được giữ kín nhiệm, và các hồ sơ lịch sử chỉ là không trả lời được mọi thắc mắc của chúng ta.
Từ một bài luận trong Gospel Topics (Các Đề Tài về Phúc Âm) nói về tục đa hôn, chúng ta học được:
Trong suốt thời kỳ mà tục đa hôn được thực hành, Các Thánh Hữu Ngày Sau đã phân biệt giữa lễ gắn bó cho thời tại thế và vĩnh cửu với lễ gắn bó chỉ cho thời vĩnh cửu. Các lễ gắn bó cho thời tại thế và thời vĩnh cửu gồm có các cam kết và mối quan hệ trong cuộc đời này, nói chung có thể gồm có sự quan hệ tình dục. Các lễ gắn bó chỉ cho thời vĩnh cửu ám chỉ các mối quan hệ chỉ trong cuộc sống mai sau. …
Một vài trong số những người phụ nữ đã được làm lễ gắn bó với Joseph Smith sau đó làm chứng rằng cuộc hôn nhân của họ là cho thời tại thế và vĩnh cửu, trong khi một số khác cho biết rằng mối quan hệ của họ là chỉ cho thời vĩnh cửu thôi.
Đa số những người đã được làm lễ gắn bó với Joseph Smith là từ 20 đến 40 tuổi vào thời điểm diễn ra lễ gắn bó của họ với ông. Người lớn tuổi nhất, Fanny Young, 56 tuổi. Người trẻ tuổi nhất là Helen Mar Kimball, … được làm lễ gắn bó với Joseph vài tháng trước sinh nhật 15 tuổi của bà. Việc kết hôn ở tuổi như vậy, tuy là không thích hợp theo tiêu chuẩn ngày nay, nhưng lại hợp pháp trong thời kỳ đó, và một số người kết hôn khi còn là thiếu nữ. Helen Mar Kimball đã nói về lễ gắn bó của bà với Joseph là “chỉ cho thời vĩnh cửu,” ngụ ý rằng mối quan hệ này không gồm có quan hệ tình dục. …
… Joseph Smith đã được làm lễ gắn bó với một số phụ nữ mà đã kết hôn. Không ai trong số các phụ nữ này hay Joseph giải thích nhiều về các lễ gắn bó này, mặc dù một vài người nói rằng các lễ này chỉ cho thời vĩnh cửu mà thôi. …
Có một vài lời giải thích khả dĩ cho lối thực hành này. Những lễ gắn bó này có thể mang lại một cách để tạo ra mối quan hệ hay liên kết vĩnh cửu giữa gia đình của Joseph với các gia đình khác trong Giáo Hội. …
Những lễ gắn bó này cũng có thể được giải thích bằng sự miễn cưỡng của Joseph khi bước vào tục đa hôn vì nỗi buồn mà nó sẽ mang lại cho người vợ Emma của ông. Ông có thể tin rằng việc làm lễ gắn bó với những người phụ nữ đã kết hôn sẽ tuân theo lệnh truyền của Chúa mà không đòi hỏi ông phải có mối quan hệ hôn nhân bình thường. …
Một khả năng khác là, trong một thời đại mà tuổi thọ ngắn hơn so với chúng ta ngày nay, những người phụ nữ trung tín cảm thấy sự cấp thiết phải được làm lễ gắn bó bởi thẩm quyền của chức tư tế. Một vài người phụ nữ trong số này đã kết hôn với người không phải là người Mặc Môn hoặc trước đây là người Mặc Môn và có nhiều hơn một người phụ nữ trong số này sau đó đã bày tỏ sự bất hạnh trong cuộc hôn nhân hiện tại của họ. Sống trong thời kỳ mà khó có thể ly hôn, những người phụ nữ này có thể đã tin rằng một lễ gắn bó với Joseph Smith sẽ ban cho họ những phước lành mà họ có thể sẽ không thể nhận được trừ khi là trong cuộc sống mai sau. …
… Sau khi Joseph qua đời, hầu hết những người phụ nữ đã làm lễ gắn bó với ông chuyển đến Utah cùng với Các Thánh Hữu, vẫn tiếp tục là các tín hữu trung tín trong Giáo Hội và bênh vực cho cả tục đa hôn lẫn cho Joseph. (“Plural Marriage in Kirtland and Nauvoo,” topics.ChurchofJesusChrist.org)
Phần 3
Các tín hữu của Giáo Hội đã phản ứng như thế nào với nguyên tắc của tục đa hôn?
Việc thực hành tục đa hôn là xa lạ và khó khăn đối với hầu hết Các Thánh Hữu thời kỳ đầu cũng như đối với các tín hữu Giáo Hội ngày nay. “Ở nhiều nơi trên thế giới, chế độ đa thê đã được xã hội chấp nhận và được pháp luật cho phép. Nhưng ở Hoa Kỳ, hầu hết mọi người nghĩ rằng việc thực hành tục đa hôn là sai trái về mặt đạo đức (“The Manifesto and the End of Plural Marriage,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org). Lệnh truyền thực hành tục đa hôn “là một trong những khía cạnh thử thách nhất của Sự Phục Hồi—cho riêng Joseph và cho các tín hữu khác trong Giáo Hội. … Đối với Emma, vợ của Joseph Smith, đó là một thử thách vô cùng khó khăn … Bà đã do dự trong quan điểm của mình về tục đa hôn, ở một số điểm thì ủng hộ và đôi khi lại phản đối nó” (“Plural Marriage in Kirtland and Nauvoo,” topics.ChurchofJesusChrist.org).
Không phải tất cả Các Thánh Hữu Ngày Sau đều được kỳ vọng sống theo tục đa hôn. Và một số tín hữu Giáo Hội vật lộn với nguyên tắc đa hôn đã được ban phước với một lời chứng thuộc linh ban cho họ can đảm để tiến bước với lối thực hành đó. Các kinh nghiệm của hai tín hữu như vậy được tóm tắt ở đây:
Brigham Young nói rằng, khi biết về tục đa hôn thì “đây là lần đầu tiên trong đời mà tôi cảm thấy muốn chết.” “Tôi phải cầu nguyện không ngừng,” ông nói, “và tôi phải thực hành đức tin và Chúa đã mặc khải cho tôi biết lẽ thật của nó và điều đó làm tôi hài lòng.” …
Lucy Walker nhớ lại cảm giác náo loạn bên trong khi Joseph Smith mời bà trở thành vợ ông. Bà viết: “Mọi cảm nghĩ trong tâm trí tôi đều chống lại điều đó”. Mặc dù vậy, sau một vài đêm không ngủ quỳ gối cầu nguyện, bà đã được nhẹ lòng khi căn phòng bà “tràn đầy ảnh hưởng thiêng liêng” giống như “ánh sáng mặt trời rực rỡ.” Bà nói: “Tâm can tôi tràn đầy một cảm giác bình an ngọt ngào mà tôi chưa từng biết đến,” và “niềm hạnh phúc khôn xiết ngự khắp châu thân tôi.”
Không phải tất cả mọi người đều có kinh nghiệm như vậy. Một số Thánh Hữu Ngày Sau đã chối bỏ nguyên tắc đa hôn và rời bỏ Giáo Hội, trong khi những người khác thì từ chối tham gia lối thực hành đó nhưng vẫn trung tín. Tuy nhiên, đối với nhiều người nữ và người nam, ban đầu họ cảm thấy nỗi khiếp sợ và đau khổ, tiếp theo là sự đấu tranh, quyết tâm và cuối cùng là ánh sáng và sự bình an. Các kinh nghiệm thiêng liêng cho phép Các Thánh Hữu tiến bước trong đức tin. (“Plural Marriage in Kirtland and Nauvoo,” topics.ChurchofJesusChrist.org)
Phần 4
Việc thực hành tục đa hôn trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chấm dứt như thế nào?
Không lâu sau cái chết của Tiên Tri Joseph Smith vào năm 1844, Các Thánh Hữu di cư đến Thung Lũng Salt Lake ở miền tây Hoa Kỳ, nơi các tín hữu Giáo Hội cuối cùng cũng đã thực hành tục đa hôn công khai. Từ những năm 1860 đến những năm 1880, chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua luật chống lại việc thực hành tục này và cuối cùng đưa ra những hình phạt khắc nghiệt đối với những người không tuân theo luật, bao gồm cả việc cầm tù. Sau khi tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa và nhận được chỉ dẫn của Ngài, Chủ Tịch Wilford Woodruff đã chuẩn bị một lời phát biểu vào tháng Chín năm 1890, được gọi là Bản Tuyên Ngôn (Tuyên Ngôn Chính Thức 1), mà cuối cùng đã dẫn đến sự chấm dứt việc thực hành tục đa hôn của các tín hữu Giáo hội.
Một số ít tín hữu Giáo Hội tiếp tục thực hành tục đa hôn mới sau khi Bản Tuyên Ngôn ra đời. Trong đại hội trung ương vào tháng Tư năm 1904, Chủ Tịch Joseph F. Smith đã ban hành một bản tuyên ngôn thứ hai và tuyên bố rằng “tất cả các cuộc [đa] hôn đều bị cấm, và nếu bất kỳ chức sắc hay tín hữu nào của Giáo Hội biết đến tổ chức hôn lễ như vậy hoặc gia nhập vào hôn nhân như vậy, người đó sẽ bị … khai trừ (trong Conference Report, tháng Tư năm 1904, trang 75). Chính sách này vẫn tiếp tục ngày nay.
Phần 5
Tục đa hôn có bắt buộc cho sự tôn cao không?
Anh Cả Marcus B. Nash thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:
Một số [hiểu sai thánh thư] để nói rằng tục đa hôn là cần thiết cho sự tôn cao. … Tuy nhiên, điều này không được hỗ trợ trong các điều mặc khải. … Cuộc sống vĩnh cửu được hứa cho một cặp vợ chồng một vợ một chồng, đã được làm lễ gắn bó bởi thẩm quyền của chức tư tế và tuân theo giao ước—không có điều kiện hay yêu cầu bổ sung nào khác [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:19]. … Giáo Hội xác nhận rằng chế độ một vợ một chồng là tiêu chuẩn của Thượng Đế cho hôn nhân trừ khi Ngài cho phép hoặc truyền lệnh khác qua vị tiên tri của Ngài. Giáo Hội không dạy rằng việc tham gia vào tục đa hôn là cần thiết cho sự tôn cao. (“The New and Everlasting Covenant,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2015, trang 44, 46)
Một lần nữa, chúng ta không hiểu hết tất cả các mục đích của Thượng Đế khi giới thiệu tục đa hôn trong thời kỳ đầu của Giáo Hội. Nhưng Các Thánh Hữu Ngày Sau tôn trọng sự hy sinh và nỗ lực tận tụy của những người thực hành tục đa hôn để tuân theo giáo lệnh của Thượng Đế.