Viện Giáo Lý
Bài học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chúa Giê Su Ky Tô: Đấng Cứu Chuộc Thiêng Liêng của Chúng Ta


“Bài học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chúa Giê Su Ky Tô: Đấng Cứu Chuộc Thiêng Liêng của Chúng Ta”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học (năm 2019)

“Bài học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Bài học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Chúa Giê Su Ky Tô: Đấng Cứu Chuộc Thiêng Liêng của Chúng Ta

Hình Ảnh
chi tiết từ bức tranh Christ and the Rich Young Ruler (Đấng Ky Tô và Người Trai Trẻ Giàu Có Quyền Quý), do Heinrich Hofmann họa

Một số người coi Chúa Giê Su Ky Tô chỉ là một tấm gương tốt để noi theo, một số coi Ngài là vị tiên tri thời xưa và một số coi Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Những niềm tin và thái độ phổ biến nhất về Chúa ở nơi các em sống là gì? Các em có niềm tin và sự tin chắc nào về Ngài? Khi các em học về những khải tượng, điều mặc khải và thánh thư mà Tiên Tri Joseph Smith nhận được về Chúa Giê Su Ky Tô, hãy cân nhắc làm thế nào những điều này có thể làm gia tăng đức tin và chứng ngôn của các em về Ngài với tư cách là Đấng Cứu Chuộc thiêng liêng của các em.

Phần 1

Joseph Smith và Sự Phục Hồi quan trọng như thế nào cho sự hiểu biết của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô?

Mối quan hệ cá nhân của Joseph Smith với Chúa bắt đầu từ thời niên thiếu của Joseph. Ông viết rằng, vào khoảng 12 tuổi, “tâm trí tôi trở nên buồn bã vô cùng vì tôi đã thấy rõ tội lỗi của mình. … Tôi cảm thấy phiền muộn vì tội lỗi của mình và tội lỗi của thế gian.”

Hình Ảnh
Joseph Đang Cầu Nguyện, tranh do Brian Call họa

Sau đó, thiếu niên Joseph “kêu cầu lên Chúa xin được thương xót” và Chúa đã phán với ông trong một khải tượng, rằng: “Joseph, con trai của ta, tội lỗi của ngươi đã được tha rồi. Hãy đi, tuân theo luật pháp ta, và tuân giữ các giáo lệnh của ta. Này, ta là Chúa của vinh quang. Ta bị đóng đinh trên thập tự giá vì thế gian, rằng tất cả những ai tin vào danh của ta có thể có cuộc sống vĩnh cửu.”

Qua kinh nghiệm về Khải Tượng Thứ Nhất này, Joseph đã tự mình biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng đầy lòng thương xót và vị tha. Sau khi nói chuyện với Chúa và được tha thứ cho các tội lỗi, Joseph làm chứng: “Linh hồn ta đầy dẫy tình yêu thương và ta có thể vui mừng với niềm vui lớn lao trong nhiều ngày. Chúa ở bên cạnh tôi” (“Joseph Smith’s Accounts of the First Vision,” Lịch Sử Circa Summer năm 1832, josephsmithpapers.org).

Hãy nghĩ về những lúc trong cuộc sống của các em khi các em cảm thấy những mối lo âu giống như của Joseph. Các em có thể liên hệ đến mong muốn để được tha thứ của ông và cũng là niềm vui của ông khi biết rằng Chúa đã ở cùng ông.

Vô số khải tượng của Joseph Smith về Đấng Cứu Rỗi cho phép ông phục vụ với tư cách là một nhân chứng hùng hồn ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Vào ngày 16 tháng Hai năm 1832, khi đang làm việc với các phiên bản hiệu đính của Kinh Thánh (được gọi là Bản dịch của Joseph Smith), Joseph Smith và Sidney Rigdon đã trông thấy một khải tượng trong đó họ đã “nhìn thấy vinh quang của Vị Nam Tử, bên tay phải của Đức Chúa Cha.” Nói về Chúa Giê Su Ky Tô, họ làm chứng: “Ngài hằng sống!” (Giáo Lý và Giao Ước 76:20, 22–23).

Lưu ý những lẽ thật khác về Chúa Giê Su Ky Tô mà Vị Tiên Tri đã được cho thấy trong khải tượng này.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 76:23-24.

Hình Ảnh
Chúa Hiện Đến trong Đền Thờ Kirtland, tranh do Del Parson họa

Bốn năm sau, một lần nữa, Vị Tiên Tri lại làm chứng về việc nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi trong Đền Thờ Kirtland và tuyên bố rằng “nét mặt Ngài sáng hơn cả ánh sáng mặt trời; và tiếng nói của Ngài tợ như tiếng nước lớn cuộn chảy” (Giáo Lý và Giao Ước 110:3).

Chúa đã dạy Các Thánh Hữu rằng khi họ học về những điều mặc khải được ban cho qua Thánh Linh, “các ngươi có thể làm chứng rằng các ngươi đã nghe tiếng nói của ta và biết những lời của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 18:36).

Suy nghĩ về những đóng góp của Joseph Smith cho sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô, Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã tuyên bố:

Qua sự giao tiếp cá nhân của ông với Chúa, công việc phiên dịch và xuất bản Sách Mặc Môn và sự đóng ấn chứng ngôn của ông bằng máu tuẫn đạo của ông, Joseph đã trở thành vị mặc khải ưu việt về Chúa Giê Su Ky Tô trong thiên tính thật của Ngài là Đấng Cứu Chuộc thiêng liêng. (D. Todd Christofferson, “Được Sinh Lại,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 79)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Vì những khải tượng, những điều mặc khải và thánh thư được ban cho Joseph Smith, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi.

  • Sẽ thiếu sự hiểu biết nào về Đấng Cứu Rỗi nếu không có Tiên Tri Joseph Smith? Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các em nếu thiếu sự hiểu biết đó? (Ghi nhớ những câu hỏi này khi các em tiếp tục học.)

Phần 2

Lẽ thật phục hồi nào về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi có thể làm gia tăng đức tin của tôi nơi Ngài?

Xin lưu ý: Khi các em đọc các đoạn thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri, hãy cân nhắc việc đánh dấu các lẽ thật liên quan đến Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi mà nổi bật đối với các em.

Nhiều lẽ thật minh bạch và quý báu về phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội đã được phục hồi qua bản dịch Sách Mặc Môn của Joseph Smith (xin xem 1 Nê Phi 13:34, 40).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc An Ma 34:10, 12, tìm kiếm xem tiên tri A Mu Léc trong Sách Mặc Môn đã dạy gì cho một nhóm dân Giô Ram về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi.

Chủ Tịch Russell M. Nelson giải thích điều gì làm cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là vô hạn:

Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn—không bao giờ kết thúc [xin xem 2 Nê Phi 9:7; 25:16; An Ma 34:10, 12, 14]. Sự Chuộc Tội này cũng vô hạn trong ý nghĩa rằng tất cả nhân loại sẽ được cứu rỗi khỏi cái chết không bao giờ kết thúc. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về phương diện nỗi đau khổ mãnh liệt của Ngài. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về thời gian, trong việc chấm dứt tục dâng của lễ thiêu con vật trước đó. Sự Chuộc Tội này là vô hạn trong phạm vi—Sự Chuộc Tội được thực hiện một lần cho tất cả mọi người [xin xem Hê Bơ Rơ 10:10]. Và lòng thương xót của Sự Chuộc Tội không những dành cho vô số người, mà còn cho vô số thế giới do Ngài tạo ra nữa [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:24; Môi Se 1:33]. Sự Chuộc Tội là vô hạn vượt quá bất cứ thang đo lường nào của nhân loại hoặc sự thấu hiểu nào của người trần thế.

Chúa Giê Su là Đấng duy nhất có thể ban cho một sự chuộc tội vô hạn như vậy, vì Ngài được sinh ra bởi một người mẹ trần thế và một Đức Chúa Cha bất diệt. Vì quyền thừa kế độc nhất vô nhị này nên Chúa Giê Su là một Đấng vô hạn. (Russell M. Nelson, “The Atonement,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 35)

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tiên tri Alma cũng đã dạy những lẽ thật quan trọng cho người dân Ghê Đê Ôn về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Đọc An Ma 7:11–13.

Sau khi trích từ An Ma 7, Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Không có nỗi đau đớn thể xác nào, nỗi thống khổ nào của tâm hồn, nỗi đau khổ nào của tinh thần hoặc nỗi đau lòng nào, sự đau ốm hay yếu đuối nào mà các anh chị em hay tôi đối phó trên trần thế mà Đấng Cứu Rỗi đã không trải qua trước. Trong một giây phút yếu đuối, chúng ta có thể kêu lên: “Không một ai hiểu nỗi niềm này cả. Không một ai biết cả.″ Nhưng Vị Nam Tử của Thượng Đế hoàn toàn hiểu, vì Ngài đã cảm nhận và mang lấy gánh nặng của riêng chúng ta. Và vì sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu của Ngài (xin xem An Ma 34:14), nên Ngài có thể hoàn toàn thấu cảm và có thể ban cho chúng ta vòng tay thương xót của Ngài. Ngài có thể tìm đến, ảnh hưởng, giúp đỡ, chữa lành và củng cố chúng ta. (David A. Bednar, “Mang Những Gánh Nặng của Họ Một Cách Dễ Dàng,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 90)

Joseph Smith đã nhận được một điều mặc khải liên kết nỗi đau khổ không thể thấu hiểu nổi của Chúa với giá trị của con người. Sau khi kêu gọi Oliver Cowdery và David Whitmer đi rao truyền sự hối cải, Chúa đã chỉ dạy họ.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 18:10–11, 13.

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô quỳ xuống trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Chúa tiếp tục giải thích về sự hy sinh chuộc tội của Ngài trong một điều mặc khải được ban cho Martin Harris. Martin gặp khó khăn với khả năng đánh mất nông trại của mình để trả tiền cho việc xuất bản Sách Mặc Môn. Trong điều mặc khải, Chúa truyền lệnh cho Martin hối cải và sau đó tiết lộ một lời tường thuật độc nhất vô nhị về chính nỗi đau khổ của Ngài.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 19:16–19.

Khi các em suy ngẫm về nỗi đau khổ mà Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng thay cho các em, hãy cân nhắc việc đọc hoặc nghe những lời của bài thánh ca “Lòng Cảm Kích Vô Cùng” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 22).

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Làm thế nào tôi có thể biết Chúa Giê Su Ky Tô rõ hơn?

Trong nhật ký ghi chép của các em hoặc chỗ trống, hãy viết một vài lẽ thật nổi bật với các em từ các đoạn thánh thư và những lời giảng dạy trong phần này, cũng như bất kỳ suy nghĩ và câu hỏi nào khác mà các em có về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Chuẩn bị chia sẻ một số lẽ thật mà các em nhận ra và mọi hiểu biết sâu sắc với cả lớp.