“Bài học 19 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Cứu Chuộc Người Chết”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)
“Bài học 19 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Bài học 19 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Sự Cứu Chuộc Người Chết
Hãy nghĩ về một lần khi ai đó làm điều gì đó cho anh chị em mà anh chị em không thể làm một mình. Anh chị em đã cảm thấy như thế nào về người này? Khi anh chị em học, hãy suy ngẫm xem những người đã qua đời trong gia đình của anh chị em có thể cảm thấy như thế nào về anh chị em khi anh chị em làm cho họ những điều họ không thể làm cho bản thân—thực hiện các giáo lễ thiết yếu cho sự cứu rỗi của họ.
Phần 1
Điều gì xảy ra đối với những người chết mà không biết phúc âm?
Lúc 17 tuổi, Joseph Smith rất đau lòng trước cái chết bất ngờ của anh trai Alvin, người mà ông vô cùng yêu thương và ngưỡng mộ. Gia đình Smith “đã yêu cầu một mục sư đạo Presbyterian ở Palmyra, New York, làm lễ tại tang lễ của Alvin. Vì Alvin chưa phải là tín hữu trong giáo đoàn của vị mục sư này, người giáo sĩ này đã quả quyết trong bài giảng của ông rằng Alvin không thể được cứu. William Smith, em trai của Joseph, thuật lại: “[Vị mục sư] … cho biết rất rõ ràng rằng [Alvin] đã đi xuống ngục giới” vì Alvin chưa chịu phép báp têm (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [Năm 2007], trang 431).
Phản ứng của người giáo sĩ này về cái chết của Alvin có vẻ khó nghe. Tuy nhiên, việc giảng dạy của ông dựa trên lẽ thật rằng tất cả mọi người phải chấp nhận Đấng Ky Tô và chịu phép báp têm để được cứu (xin xem Giăng 3:5).
Vào tháng Một năm 1836, hơn 12 năm sau cái chết của Alvin, Tiên Tri Joseph Smith đã quy tụ với cha mình và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội trong một căn phòng trên lầu của Đền Thờ Kirtland sắp được hoàn thành. Trong buổi họp, Tiên Tri đã nhận được một khải tượng về tương lai, giờ đây được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 137.
Joseph “đã kinh ngạc” khi thấy anh trai Alvin ở thượng thiên giới vì Alvin chưa chịu phép báp têm. Bốn năm sau, vào tháng Tám năm 1840, Vị Tiên Tri bắt đầu dạy cho Các Thánh Hữu giáo lý về phép báp têm cho người chết. Sứ đồ Phao Lô đã dạy giáo lý này trong Kinh Tân Ước trước khi Chúa phục hồi giáo lý này trong thời chúng ta (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:29).
Trong một lá thư gửi cho chồng mình, Vilate Kimball đã viết về sự phấn khởi của Các Thánh Hữu đối với giáo lý mới được phục hồi này:
Chủ Tịch Smith đã nói về một đề tài mới và vinh quang. … Ông nói rằng đó là đặc ân của Giáo Hội này để được chịu phép báp têm cho tất cả tổ tiên của họ đã chết trước khi phúc âm này được mặc khải. … Khi làm như vậy, chúng ta hành động thay cho họ và mang đến cho họ đặc ân để được bước ra trong lần phục sinh thứ nhất. Ông nói rằng những người chết sẽ có Phúc Âm được thuyết giảng cho họ trong Ngục Thất. … Kể từ khi thể chế này đã được thuyết giảng ở đây, vùng nước liên tục bị làm đục. Trong đại hội, đôi khi có từ tám đến mười anh cả trên sông cùng lúc làm phép báp têm. … Đó không phải là một giáo lý vinh quang sao? (Vilate Kimball, trong Janiece Johnson và Jennifer Reeder, The Witness of Women: Firsthand Experiences and Testimonies from the Restoration [Năm 2016], trang 181)
Gia đình Smith chắc chắn đã cảm thấy niềm vui lớn lao khi Hyrum chịu phép báp têm thay cho anh trai Alvin.
Năm sau, vào năm 1841, Chúa đã phán rằng “giáo lễ này thuộc về nhà của ta” và sau khi hồ nước báp têm của đền thờ đã sẵn sàng, Các Thánh Hữu phải ngừng thực hiện phép báp têm thay cho người chết trên sông (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 124:29–34). Joseph Smith đã cung cấp thêm những chỉ dẫn về việc cứu chuộc người chết trong hai lá thư mà ông viết cho Các Thánh Hữu khi đang ở ẩn do bị vu cáo. Nội dung của các lá thư này hiện có trong Giáo Lý và Giao Ước 127 và 128. Vị Tiên Tri đã dạy rằng chỉ khi một giáo lễ phúc âm, như phép báp têm cho người chết, được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế và một biên sử thích hợp được ghi chép thì giáo lễ sẽ được ràng buộc trên thế gian và trên thiên thượng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 127:5–7; 128:1–9).
Phần 2
Chúa đã mặc khải thêm điều gì về sự cứu chuộc người chết trong khải tượng mà Ngài ban cho Chủ Tịch Joseph F. Smith?
Sau cái chết của Tiên Tri Joseph Smith, Chúa vẫn tiếp tục mặc khải các lẽ thật “từng hàng chữ một” về kế hoạch của Ngài để cứu chuộc người chết (Giáo Lý và Giao Ước 98:12). Vào năm 1918, Chủ Tịch Joseph F. Smith nhận được một khải tượng mặc khải thêm các lẽ thật về sự cứu chuộc người chết. Khải tượng của ông được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 138.
Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích Chủ Tịch Joseph F. Smith đã được chuẩn bị như thế nào để được nhận khải tượng quan trọng này:
Trong suốt cả cuộc đời của mình, Chủ Tịch Smith đã mất cha [lúc 5 tuổi], mẹ [lúc 13 tuổi], một anh trai, hai chị gái, hai người vợ và mười ba người con. Ông khá từng trải sự sầu khổ và mất đi người thân. …
[Năm 1918] là một năm đặc biệt đau khổ đối với ông. Ông thương tiếc những người chết trong Đại Thế Chiến với con số tử vong tiếp tục tăng lên đến hơn 20 triệu người. Thêm vào đó, một dịch cúm càn quét khắp thế giới, cướp đi mạng sống của khoảng 100 triệu người.
Cũng trong năm đó, Chủ Tịch Smith đã mất đi thêm ba … người thân quý báu trong gia đình. Anh Cả Hyrum Mack Smith thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, con trai đầu lòng của ông và ông ngoại của tôi, đột ngột qua đời vì vỡ ruột thừa.
Chủ Tịch Smith đã viết: “Tôi nín lặng—[chết lặng] trong sự sầu khổ! … Con tim tôi tan nát; và run rẩy không còn sức sống! … Ôi! Tôi yêu thương con trai của tôi! … Từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi, tôi tạ ơn Thượng Đế về con trai tôi! Nhưng … Ôi! Tôi cần con trai tôi! Tất cả chúng ta đều cần con trai tôi! Con trai tôi có ích nhất cho Giáo Hội. … Và giờ đây, … Ôi! Tôi có thể làm được gì! … Ôi! Xin Thượng Đế hãy giúp đỡ tôi! …”
Và rồi, vào ngày 3 tháng Mười năm 1918, vì đã cảm nhận được nỗi sầu khổ mãnh liệt cho hàng triệu người chết trên thế giới vì chiến tranh và bệnh dịch cũng như cái chết của những người trong chính gia đình mình nên Chủ Tịch Smith nhận được điều mặc khải từ thiên thượng được biết đến là “khải tượng về sự cứu chuộc người chết.” (M. Russell Ballard, “Khải Tượng về Sự Cứu Chuộc Người Chết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 72)
Joseph F. Smith đã nhận được khải tượng thiêng liêng của mình khi đang suy ngẫm về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi và đọc bản miêu tả của Sứ Đồ Phi E Rơ về giáo vụ của Chúa trong thế giới linh hồn sau Sự Đóng Đinh của Ngài Trên Thập Tự Giá (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:1–11).
Trong một bối cảnh khác, Chủ Tịch Smith đã dạy rằng những người phụ nữ trung tín cũng được kêu gọi để thuyết giảng phúc âm trong thế giới linh hồn (xin xem Gospel Doctrine, biên soạn lần thứ 5 [năm 1939], trang 461).
Phần 3
Làm thế nào việc tham gia vào công việc cứu chuộc người chết có thể giúp tôi đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn?
Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy:
Chủ tịch Gordon B. Hinckley đã bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng công việc làm thay cho người chết tiếp cận gần hơn sự hy sinh làm thay của chính Đấng Cứu Rỗi hơn bất kỳ công việc nào khác mà tôi được biết. …” [“Excerpts from Recent Addresses of President Gordon B. Hinckley,” Ensign, tháng Một năm 1998, trang 73]
Mối quan tâm của chúng ta về việc cứu chuộc người chết và thời gian cùng những nguồn phương tiện mà chúng ta dành cho sự cam kết ấy, thì, trên tất cả, là một sự bày tỏ lời chứng của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Nó tạo ra một lời tuyên bố cũng mạnh mẽ như điều chúng ta có thể đưa ra về thiên tính và sứ mệnh của Ngài. …
Khi chúng ta tìm ra tổ tiên của mình và thực hiện cho họ các giáo lễ cứu rỗi mà họ không thể tự mình thực hiện được thì chúng ta đang làm chứng về ảnh hưởng vô hạn của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. (D. Todd Christofferson, “The Redemption of the Dead and the Testimony of Jesus,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 10)