Tìm Kiếm Sự Bình An Lâu Dài và Xây Đắp Gia Đình Vĩnh Cửu
Chính là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến nền móng mà chúng ta có thể dựa vào để tìm thấy được sự bình an lâu dài và xây đắp các đơn vị gia đình vĩnh cửu.
Cuộc hành trình trong cuộc sống của chúng ta có lúc tốt lúc xấu. Mỗi lúc như vậy đều có những thử thách khác nhau. Cách chúng ta học được để thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống đều tùy thuộc vào nền tảng chúng ta xây dựng trên đó. Phúc âm của Chúa và Đấng Cứu Rỗi cung cấp một nền tảng vững chắc và kiên cố. Phúc âm được tạo nên từ từng mảnh một khi chúng ta đạt được sự hiểu biết về kế hoạch vĩnh cửu của Chúa dành cho con cái của Ngài. Đấng Cứu Rỗi là Đức Thầy Đại Tài. Chúng ta noi theo Ngài.
Thánh thư làm chứng về Ngài và cung cấp một tấm gương về sự ngay chính hoàn hảo cho chúng ta noi theo. Tôi đã chia sẻ với các tín hữu của Giáo Hội tại một đại hội trước đây rằng tôi có một vài cuốn sổ ghi chép trong đó mẹ tôi đã ghi chép tài liệu bà sử dụng để chuẩn bị cho các bài học Hội Phụ Nữ của bà. Những điều ghi chép đó áp dụng cho ngày nay cũng như đã được áp dụng cho thời xưa. Một trong số những điều ghi chép này là một câu trích dẫn được Charles Edward Jefferson viết vào năm 1908 về đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Câu này viết rằng:
“Để làm một Ky Tô hữu là ngưỡng mộ Chúa Giê Su một cách chân thành và nồng nhiệt đến mức chúng ta dâng hết cuộc sống của mình lên Ngài với hy vọng được giống như Ngài.
“… Chúng ta có thể nhận được chứng ngôn về Ngài qua những lời Ngài phán, qua những hành động Ngài làm, và cũng qua những điều Ngài không phán. Chúng ta cũng có thể biết Ngài qua ấn tượng mà Ngài đã làm đầu tiên đối với bạn bè của Ngài và thứ hai đối với những kẻ thù của Ngài, và thứ ba đối với những người đang sống trong thời Ngài. …
“Một trong những khía cạnh của cuộc sống trong thế kỷ hai mươi là nỗi bất mãn [và phiền toái]. …
“… Người ta mong muốn một điều gì đó để làm cho họ hài lòng nhưng họ không biết đó là điều gì. Đã có sự giàu sang; … [và] thế giới được đầy dẫy các phát minh do kỹ năng và thiên tài của con người tạo ra, nhưng … chúng ta [vẫn] còn băn khoăn, không hài lòng [và] đầy hoang mang… . [Nếu mở] Kinh Tân Ước ra, [chúng ta có thể đọc những lời này]: ‘Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ, ta là bánh của sự sống, ta là sự sáng của thế gian, nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống, ta để sự bình an lại cho các ngươi; các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, lòng các ngươi vui mừng’” (The Character of Jesus [1908], 7, 11, 15–16).
Những người đàn ông và phụ nữ đã được ảnh hưởng một phần bởi những người mà họ chọn để sống theo. Những người mà họ kính trọng và cố gắng bắt chước theo cũng ảnh hưởng đến họ. Chúa Giê Su là Đấng gương mẫu hoàn hảo. Cách duy nhất để tìm thấy sự bình an lâu dài là chú tâm hướng về Ngài để sống.
Điều gì về Chúa Giê Su là xứng đáng để chúng ta học?
“Các tác giả Kinh Tân Ước không quan tâm đến tầm vóc của [Chúa Giê Su], quần áo Ngài mặc, hay nhà Ngài đang sống. Ngài sinh ra trong một chuồng gia súc, làm việc trong một xưởng của người thợ mộc, giảng dạy trong ba năm, và sau đó đã chết trên cây thập tự. Kinh Tân Ước được viết bởi những người đã quyết định rằng chúng ta tập trung vào [Ngài]” (The Character of Jesus, 21–22) với một sự bảo đảm rằng Ngài thực sự đã và chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian.
Tôi tin rằng một trong những chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi áp dụng đặc biệt cho thời kỳ hiện tại của chúng ta.
Chúng ta đọc trong chương 13 sách Ma Thi Ơ:
“Nhưng đang khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi.
“Đến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra.
“Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra?
“Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó. Các đầy tớ thưa rằng: Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng?
“Chủ rằng: Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng.
“Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta” (các câu 25–30).
Kẻ thù muôn thủa của nhân loại đã tìm ra nhiều chiến lược mà nó có thể nghĩ ra được để gieo rắc cỏ lùng ở khắp nơi. Nó đã tìm ra những cách để chúng lọt vào ngay cả ngôi nhà thiêng liêng của chúng ta. Những cách thức tà ác và của thế gian đã trở nên quá phổ biến đến nỗi dường như không có cách nào thực sự để diệt chúng. Những cách thức tà ác đó đến bằng các phương tiện kỹ thuật vào chính các thiết bị mà chúng ta đã phát triển để giáo dục và giải trí cho mình. Lúa mì và cỏ lùng đã cùng mọc lên gần nhau. Một người quản lý có trách nhiệm đối với cánh đồng, với tất cả khả năng của mình, cần phải nuôi dưỡng điều gì là tốt và làm cho nó mạnh mẽ và đẹp đẽ để cỏ lùng sẽ không có sức hấp dẫn cho mắt thấy hay tai nghe. Chúng ta được ban phước biết bao với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Chúa để có được phúc âm quý giá của Chúa và Đấng Cứu Rỗi làm nền tảng để chúng ta có thể xây đắp cuộc sống của mình trên đó.
Từ 2 Nê Phi trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc: “Vì này, một lần nữa, tôi nói cho các người hay rằng, nếu các người đi vào bằng đường lối ấy, và nhận được Đức Thánh Linh thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các người tất cả mọi việc các người phải nên làm” (2 Nê Phi 32:5).
Chúng ta đừng bao giờ để tiếng ồn ào của thế gian chế ngự và áp đảo tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái đó.
Chúng ta chắc chắn đã được cảnh báo về các sự kiện mà chúng ta sẽ phải đối phó trong thời kỳ của mình. Thử thách của chúng ta sẽ là cách chúng ta chuẩn bị cho các sự kiện mà Chúa đã phán chắc chắn vẫn còn xảy tới.
Nhiều người trong xã hội đáng lo ngại của chúng ta hiểu rằng việc gia đình tan vỡ sẽ chỉ mang lại nỗi buồn và tuyệt vọng vào một thế giới đầy rắc rối. Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta có trách nhiệm để giữ gìn và bảo vệ gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội và thời vĩnh cửu. Các vị tiên tri đã cảnh báo và báo trước về hậu quả không thể tránh khỏi và đầy sức hủy diệt của các giá trị gia đình đang suy giảm.
Khi thế gian tiếp tục quan sát chúng ta, thì chúng ta hãy chắc chắn rằng tấm gương của mình sẽ duy trì và hỗ trợ kế hoạch Chúa đã dành cho con cái của Ngài trên trần thế này. Việc giảng dạy quan trọng nhất hơn hết phải được thực hiện bằng tấm gương ngay chính. Ngôi nhà của chúng ta phải là nơi thiêng liêng để có thể chống lại những áp lực của thế gian. Hãy nhớ rằng phước lành lớn hơn hết của Chúa được ban cho các gia đình ngay chính.
Chúng ta phải cẩn thận tiếp tục đánh giá việc làm của mình với tư cách là cha mẹ. Việc dạy dỗ một đứa con một cách hiệu quả nhất sẽ đến từ các bậc cha mẹ đầy quan tâm và ngay chính. Trước hết chúng ta hãy xem xét vai trò của người mẹ. Hãy nghe câu trích dẫn này từ Chủ Tịch Gordon B. Hinckley:
“Những người phụ nữ làm cho một ngôi nhà thành một tổ ấm đều đóng góp rất nhiều cho xã hội hơn là những người chỉ huy các đạo quân đông đảo hoặc đứng lãnh đạo các công ty kinh doanh tầm cỡ. Ai có thể đánh giá được ảnh hưởng của một người mẹ đối với con cái của mình, một người bà đối với con cháu của mình, hoặc người cô người dì đối với gia đình thân quyến của họ?
“Chúng ta không thể bắt đầu đo lường hoặc tính toán ảnh hưởng của phụ nữ, là những người xây dựng cuộc sống gia đình ổn định và nuôi dưỡng điều tốt lành cho các thế hệ tương lai, theo cách riêng của họ. Các quyết định của phụ nữ trong thế hệ này sẽ có những kết quả vĩnh cửu. Tôi cho rằng những người mẹ ngày nay không có cơ hội nào lớn hơn và không có thử thách nào nghiêm trọng hơn là việc làm hết sức mình để củng cố [gia đình]” (Standing for Something: 10 Neglected Virtues That Will Heal Our Hearts and Homes [2000], 152).
Bây giờ chúng ta hãy xem xét vai trò của một người cha trong cuộc sống của chúng ta:
Người cha ban phước lành và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng cho con cái của mình. Những điều này sẽ trở thành các điểm nổi bật thuộc linh trong cuộc sống của họ.
Người cha đích thân tham gia vào việc hướng dẫn cầu nguyện chung gia đình, đọc thánh thư hàng ngày, và các buổi họp tối gia đình hàng tuần.
Người cha xây dựng truyền thống gia đình bằng cách tham gia vào việc giúp hoạch định các chuyến đi nghỉ hè và đi chơi xa mà sẽ gồm có tất cả những người trong gia đình. Con cái sẽ không bao giờ quên những ký ức về những lần đi chơi đặc biệt này.
Người cha nói chuyện riêng với từng đứa con một và giảng dạy cho chúng các nguyên tắc phúc âm.
Người cha dạy các con trai và con gái về giá trị của sự làm việc và giúp thiết lập các mục tiêu xứng đáng trong cuộc sống của chúng.
Người cha nêu gương phục vụ phúc âm một cách trung tín.
Thưa các anh em, xin nhớ rằng, sự kêu gọi thiêng liêng của các anh em là làm một người cha trong Y Sơ Ra Ên—đó là sự kêu gọi quan trọng nhất của các anh em trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu—các anh em không bao giờ được giải nhiệm khỏi sự kêu gọi đó.
Cách đây nhiều năm tại các đại hội giáo khu, chúng tôi đã cho chiếu một đoạn phim để minh họa cho chủ đề của sứ điệp mà chúng tôi trình bày. Trong thời gian một năm, khi đi khắp nơi trong Giáo Hội để đến dự đại hội của giáo khu tôi được chỉ định, chúng tôi đã trở nên rất quen thuộc với nội dung của cuốn phim đó. Chúng tôi hầu như có thể trích dẫn cuốn phim đó một cách thuộc lòng. Chúng tôi nhớ mãi sứ điệp trong cuốn phim đó suốt những năm qua. Cuốn phim đó được Chủ Tịch Harold B. Lee thuyết minh và nói về một sự kiện xảy ra trong nhà của con gái ông. Câu chuyện đó là như sau:
Một buổi tối nọ, người mẹ của gia đình hối hả cố gắng làm xong công việc đóng chai một số trái cây. Cuối cùng mấy đứa con sửa soạn đi ngủ. Bây giờ là lúc để làm công việc đóng chai trái cây. Khi người mẹ ấy bắt đầu lột vỏ và lấy hột ra khỏi trái cây, thì hai đứa bé trai xuất hiện trong nhà bếp và nói rằng chúng đã sẵn sàng để cầu nguyện trước khi đi ngủ.
Vì không muốn bị gián đoạn công việc làm, nên người mẹ nói nhanh với hai đứa bé: “Hai con có thể cầu nguyện một mình tối nay để Mẹ tiếp tục làm mấy trái cây này được không?”
Đứa con trai lớn nhất không chịu bỏ đi và hỏi: “Điều gì là quan trọng nhất, cầu nguyện hay trái cây?” (Xin xem Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [2000], 143–44).
Đôi khi chúng ta thấy mình ở trong những tình huống khi chúng ta có cơ hội để dạy cho con cái một bài học mà sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống thời thơ ấu của nó. Tất nhiên, những lời cầu nguyện quan trọng hơn trái cây. Một người cha hay mẹ thành công đừng bao giờ quá bận rộn để nắm lấy cơ hội giảng dạy một bài học cho đứa con trong cuộc sống của nó.
Tôi tin chắc rằng chưa bao giờ có thời gian nào trong cuộc đời tôi mà Cha Thiên Thượng cần bàn tay hướng dẫn đầy trung tín, tận tâm của cha mẹ hơn lúc này. Chúng ta có một di sản tuyệt vời và cao quý của các bậc cha mẹ đã từ bỏ gần như tất cả mọi thứ họ có để tìm kiếm một nơi mà họ có thể nuôi dạy gia đình của họ với đức tin và lòng can đảm để thế hệ kế tiếp có được cơ hội lớn lao hơn cơ hội của họ. Chúng ta phải tìm kiếm bên trong lòng mình tinh thần quyết tâm như vậy và khắc phục những thử thách mà chúng ta đối phó với cùng một tinh thần hy sinh như vậy. Chúng ta phải dạy dỗ cho các thế hệ tương lai luôn luôn phụ thuộc mạnh mẽ vào những lời dạy của Chúa và Đấng Cứu Rỗi.
“Và giờ đây, hỡi các con trai của cha, hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Hê La Man 5:12).
Chính là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến nền móng mà chúng ta có thể dựa vào để tìm thấy được sự bình an lâu dài và xây đắp các đơn vị gia đình vĩnh cửu. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.