Mời Đấng Ky Tô Làm Tác Giả Câu Chuyện của Anh Chị Em
Hãy để cho cuốn tự truyện của anh chị em là về đức tin, noi theo Đấng Gương Mẫu của mình, Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi bắt đầu bằng cách đưa ra một vài câu hỏi, với mục đích tự nhìn nhận bản thân:
-
Anh chị em đang viết cuốn tự truyện nào cho cuộc đời mình?
-
Con đường mà anh chị em mô tả trong câu chuyện của mình có thẳng không?
-
Câu chuyện của anh chị em có kết thúc nơi nó bắt đầu, ở căn nhà thiên thượng của mình không?
-
Có tấm gương mẫu mực nào trong câu chuyện của anh chị em không—và đó có phải là Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô không?
Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi là “cội rễ và cuối cùng của đức tin chúng ta.” 1 Anh chị em sẽ mời Ngài làm cội rễ và cuối cùng cho câu chuyện cuộc đời của mình không?
Ngài biết sự cuối cùng từ lúc ban đầu. Ngài là Đấng Sáng Tạo ra trời và đất. Ngài muốn chúng ta trở về nhà với Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta. Ngài hiến dâng mọi thứ để giúp đỡ chúng ta và muốn chúng ta được thành công.
Anh chị em nghĩ điều gì ngăn cản chúng ta nhờ cậy vào Ngài?
Có lẽ ví dụ này sẽ giúp anh chị em tự đánh giá bản thân mình.
Một luật sư xét xử hiệu quả biết rằng trong lúc kiểm tra chéo, nên tránh hỏi nhân chứng một câu hỏi mà mình không biết câu trả lời. Câu hỏi như vậy mời nhân chứng cho biết—cả thẩm phán và bồi thẩm đoàn—điều gì đó mà mình chưa biết. Chúng ta có thể có được một câu trả lời gây ngạc nhiên và trái với phần tường thuật mà mình tạo ra cho vụ án.
Mặc dù đối với một luật sư xét xử, việc hỏi một nhân chứng câu hỏi mà mình không biết câu trả lời thường là thiếu khôn ngoan, nhưng điều trái ngược lại đúng với chúng ta. Chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi về Cha Thiên Thượng nhân từ của mình, trong danh của Đấng Cứu Rỗi đầy lòng thương xót, và nhân chứng trả lời câu hỏi của chúng ta chính là Đức Thánh Linh, là Đấng luôn luôn làm chứng về lẽ thật. 2 Vì Đức Thánh Linh hành động trong sự đoàn kết trọn vẹn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta biết rằng sự biểu hiện của Đức Thánh Linh là đáng tin cậy. Vậy thì tại sao đôi khi chúng ta kháng cự lại việc cầu xin sự giúp đỡ và lẽ thật này từ thiên thượng mà được bày tỏ cho chúng ta bởi Đức Thánh Linh? Tại sao chúng ta trì hoãn việc đặt ra một câu hỏi mà chúng ta không biết câu trả lời khi nhân chứng không chỉ rất thân thiện mà còn luôn luôn nói sự thật?
Có lẽ đó là vì chúng ta không có đức tin để chấp nhận câu trả lời mà chúng ta có thể nhận được. Có lẽ đó là vì con người thiên nhiên ở bên trong chúng ta kháng cự lại việc hoàn toàn nhờ cậy Ngài và tin cậy trọn vẹn nơi Ngài. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta chọn tiếp tục giữ cho cuốn tự truyện mà chúng ta viết cho chính mình, một phiên bản nhàn hạ của câu chuyện cuộc đời mình mà Đấng Thầy Tác Giả đã không chỉnh sửa. Chúng ta không muốn đặt ra một câu hỏi và nhận được câu trả lời mà không hoàn toàn phù hợp với câu chuyện mà chúng ta đang viết cho bản thân mình.
Thành thật mà nói, một số ít người sẽ thêm vào trong câu chuyện của mình những thử thách giúp rèn giũa bản thân. Nhưng chẳng phải chúng ta đều yêu thích phần cao trào đầy thú vị của một câu chuyện chúng ta đọc khi nhân vật chính vượt qua được thử thách sao? Những thử thách là các yếu tố quan trọng của cốt truyện mà làm cho câu chuyện yêu thích của chúng ta trở nên hấp dẫn, bất hủ, thúc đẩy đức tin, và đáng để kể lại. Những thử thách tuyệt vời được viết trong câu chuyện của chúng ta là điều mang chúng ta đến gần với Đấng Cứu Rỗi hơn và rèn giũa chúng ta, giúp chúng ta trở nên giống Ngài hơn.
Để Đa Vít thắng được Gô Li Át, ông đã phải sẵn sàng đối đầu với tên khổng lồ. Câu chuyện nhàn hạ cho Đa Vít đáng lẽ là trở về nhà chăn cừu. Nhưng thay vì thế, ông suy ngẫm về kinh nghiệm của mình khi đi cứu đàn cừu khỏi sư tử và gấu. Và dựa trên những chiến công anh hùng này, ông đã thu hết đức tin và lòng can đảm để cho Thượng Đế quyết định câu chuyện của cuộc đời ông, tuyên bố rằng: “Đức Giê Hô Va đã giải cứu tôi khỏi vấu sư tử và khỏi cẳng gấu, ắt sẽ giải cứu tôi khỏi tay người Phi Li Tin kia.” 3 Với một ước muốn để cho Thượng Đế ngự trị, với một đôi tai lắng nghe Đức Thánh Linh, và một sự sẵn lòng để cho Đấng Cứu Rỗi làm cội rễ và cuối cùng cho câu chuyện cuộc đời mình, thiếu niên Đa Vít đã đánh thắng Gô Li Át và cứu dân ông.
Dĩ nhiên, nguyên tắc siêu phàm của quyền tự quyết là cho phép chúng ta tự quyết định câu chuyện cuộc đời của riêng mình—Đa Vít lẽ ra đã có thể về nhà, trở về chăn cừu. Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô sẵn sàng sử dụng chúng ta làm những công cụ thiêng liêng, những ngòi bút sắc trong tay Ngài, để viết lên một kiệt tác! Ngài đầy lòng thương xót và sẵn sàng sử dụng tôi, một cây bút nguệch ngoạc, làm một công cụ trong tay Ngài, nếu tôi có đức tin để cho phép Ngài, nếu tôi để cho Ngài làm tác giả câu chuyện cuộc đời tôi.
Ê Xơ Tê là một tấm gương tuyệt vời khác về việc để cho Thượng Đế ngự trị. Thay vì tiếp tục với một câu chuyện kể thận trọng về việc gìn giữ bản thân, bà đã thực hành đức tin, hoàn toàn nhờ cậy Chúa. Ha Man đang âm mưu hủy diệt tất cả dân Giu Đa ở nước Phe Sơ Rơ. Mạc Đô Chê, người bà con của Ê Xơ Tê, biết về âm mưu đó và viết cho bà, khuyên bà nên thưa chuyện với nhà vua thay cho dân mình. Bà thuật lại cho ông là nếu một người đến gặp nhà vua mà không được triệu hồi thì sẽ phải chịu chết. Nhưng trong một hành động phi thường với đức tin, bà đã yêu cầu Mạc Đô Chê tập hợp dân Giu Đa lại và nhịn ăn cho bà. Bà nói: “Tôi và các nàng hầu tôi cũng sẽ kiêng cữ ăn nữa; như vậy tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết.” 4
Ê Xơ Tê đã sẵn lòng để cho Đấng Cứu Rỗi định đoạt cuộc đời bà, mặc dù theo quan điểm của người trần thế, kết cục có thể sẽ là bi kịch. Phước thay, nhà vua đã đón tiếp Ê Xơ Tê, và dân Giu Đa ở nước Phe Sơ Rơ đã được cứu.
Dĩ nhiên, chúng ta hiếm khi được đòi hỏi phải can đảm như Ê Xơ Tê. Nhưng việc để cho Thượng Đế ngự trị, để cho Ngài làm cội rễ và cuối cùng của câu chuyện cuộc đời mình, đòi hỏi chúng ta phải tuân giữ lệnh truyền của Ngài và các giao ước mình đã lập. Chính là việc chúng ta tuân giữ các lệnh truyền và giao ước mà đường dây truyền đạt mới được mở ra để cho chúng ta nhận được sự mặc khải qua Đức Thánh Linh. Và chính là qua sự biểu hiện của Thánh Linh mà chúng ta mới cảm nhận được bàn tay của Đấng Thầy đang ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
Vào tháng Tư năm 2021, vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã yêu cầu chúng ta cân nhắc điều gì chúng ta có thể làm nếu chúng ta có nhiều đức tin hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Với nhiều đức tin hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể đặt một câu hỏi mà chúng ta không biết câu trả lời—cầu xin Cha Thiên Thượng của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, gửi đến một câu trả lời qua Đức Thánh Linh, là Đấng làm chứng về lẽ thật. Nếu chúng ta có nhiều đức tin hơn, chúng ta sẽ đặt câu hỏi rồi sau đó sẵn lòng chấp nhận câu trả lời mình nhận được, thậm chí nếu nó không phù hợp với phiên bản tự truyện nhàn hạ của chúng ta. Và phước lành đã được hứa mà sẽ đến từ hành động trong đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là sự gia tăng trong đức tin nơi Ngài với tư cách là cội rễ và cuối cùng của chúng ta. Chủ Tịch Nelson đã tuyên bố rằng chúng ta “nhận nhiều đức tin hơn bằng cách làm một điều gì đó mà đòi hỏi nhiều đức tin hơn.” 5
Vậy thì, một cặp vợ chồng không có con đang đau khổ vì vô sinh có thể cầu vấn trong đức tin rằng liệu họ có nên nhận con nuôi và sẵn lòng chấp nhận sự đáp ứng hay không, mặc dù cuốn tự truyện mà họ viết gồm có một sự ra đời kỳ diệu.
Một cặp vợ chồng cao niên có thể cầu vấn liệu đây có phải là lúc để họ phục vụ truyền giáo và sẵn lòng để đi hay không, mặc dù cuốn tự truyện mà họ viết gồm có cần làm việc lâu hơn. Hoặc có lẽ câu trả lời sẽ là “chưa đến lúc,” và họ sẽ biết được trong các chương sau của câu chuyện cuộc đời mình lý do họ cần nán lại ở nhà lâu hơn một chút.
Một thiếu niên hoặc thiếu nữ có thể cầu vấn trong đức tin liệu việc theo đuổi những mục tiêu thể thao hay học vấn hoặc âm nhạc có phải là đáng giá nhất và sẵn lòng tuân theo những thúc giục của nhân chứng hoàn hảo hay không, là Đức Thánh Linh.
Tại sao chúng ta muốn Đấng Cứu Rỗi làm cội rễ và cuối cùng của câu chuyện cuộc đời mình? Bởi vì Ngài biết rất rõ tiềm năng của chúng ta, Ngài sẽ mang chúng ta đến những nơi mà chúng ta không bao giờ tự mình tưởng tượng được. Ngài có thể khiến chúng ta trở thành một Đa Vít hay là một Ê Xơ Tê. Ngài sẽ giúp chúng ta tăng trưởng và rèn giũa chúng ta để trở nên giống như Ngài hơn. Những gì chúng ta sẽ đạt được khi chúng ta hành động với nhiều đức tin hơn sẽ gia tăng đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Thưa anh chị em, chỉ cách đây một năm, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta đã hỏi: “Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống mình không? … Anh chị em có sẵn lòng để cho bất cứ điều gì Ngài cần anh chị em làm phải quan trọng hơn mọi tham vọng khác không?” 6 Tôi khiêm nhường thêm vào những lời yêu cầu tiên tri này: “Anh chị em có để cho Thượng Đế làm cội rễ và cuối cùng của câu chuyện cuộc đời mình không?”
Trong sách Khải Huyền, chúng ta học được rằng chúng ta sẽ đứng trước Thượng Đế và được phán xét theo sách sự sống, tùy theo những việc làm của chúng ta. 7
Chúng ta sẽ được phán xét theo sách sự sống của mình. Chúng ta có thể chọn viết một câu chuyện nhàn hạ cho bản thân mình. Hoặc chúng ta có thể cho phép Đấng Thầy Cội Rễ và Cuối Cùng viết câu chuyện cuộc đời cùng với chúng ta, để cho vai trò mà Ngài cần chúng ta làm phải quan trọng hơn mọi tham vọng khác.
Hãy để cho Đấng Ky Tô làm cội rễ và cuối cùng của câu chuyện cuộc đời của anh chị em!
Hãy để cho Đức Thánh Linh là nhân chứng của anh chị em!
Hãy viết một câu chuyện cuộc đời mà trong đó con đường anh chị em đang đi là thẳng, và trên con đường dẫn anh chị em trở về căn nhà thiên thượng của mình để sống trong sự hiện diện của Thượng Đế.
Hãy để cho nghịch cảnh và hoạn nạn, vốn là một phần của mỗi câu chuyện hay, trở thành phương tiện mà nhờ đó anh chị em đến gần và trở nên giống Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
Hãy kể một câu chuyện mà trong đó anh chị em nhận thấy các tầng trời đang mở ra. Hãy đặt ra những câu hỏi mà anh chị em không biết câu trả lời, hiểu biết rằng Thượng Đế sẵn sàng cho biết về ý muốn của Ngài dành cho anh chị em qua Đức Thánh Linh.
Hãy để cho cuốn tự truyện của anh chị em là về đức tin, noi theo Đấng Gương Mẫu của mình, Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.