Đại Hội Trung Ương
Một Khuôn Khổ cho Sự Mặc Khải Cá Nhân
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2022


12:41

Một Khuôn Khổ cho Sự Mặc Khải Cá Nhân

Chúng ta cần phải hiểu khuôn khổ mà trong đó Đức Thánh Linh thực hiện chức năng. Khi chúng ta hoạt động trong phạm vi khuôn khổ đó, Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta phát huy khả năng hiểu biết sâu sắc đáng kinh ngạc.

Giống như nhiều anh chị em, tôi đã có được ảnh hưởng rất lớn từ Anh Cả Dieter F. Uchtdorf trong những năm qua. Điều đó lý giải ít nhất một phần nào đó cho những gì tôi sắp nói.1 Vì vậy, tôi chân thành gửi lời xin lỗi tới ông …

Các phi công đã được huấn luyện bài bản để điều khiển chiếc máy bay trong phạm vi giới hạn và làm theo chỉ dẫn của các nhân viên kiểm soát thông lưu về việc sử dụng đường băng và đường bay. Nói đơn giản, các phi công điều khiển máy bay trong phạm vi một khuôn khổ. Cho dù họ có thông minh hay tài giỏi đến mấy, chỉ bằng cách điều khiển máy bay bên trong khuôn khổ này thì các phi công mới có thể an toàn phát huy vận tốc cực đại của một chiếc máy bay để hoàn thành các mục tiêu tuyệt diệu của mình.

Tương tự như thế, chúng ta nhận được sự mặc khải cá nhân trong phạm vi một khuôn khổ. Sau phép báp têm, chúng ta được ban cho một ân tứ vĩ đại nhưng thực tế, đó là ân tứ Đức Thánh Linh.2 Khi chúng ta cố gắng ở trên con đường giao ước,3 thì chính “Đức Thánh Linh … [là Đấng] sẽ chỉ dẫn cho [chúng ta] tất cả mọi việc [chúng ta] phải nên làm.”4 Khi chúng ta cảm thấy thiếu tự tin hay bứt rứt, chúng ta có thể cầu xin Thượng Đế giúp đỡ.5 Lời hứa của Đấng Cứu Rỗi thật là rõ ràng: “Hãy xin, sẽ được; …vì, hễ ai xin thì được.”6 Với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể biến đổi thiên tính của mình thành số mệnh vĩnh cửu.7

Lời hứa về sự mặc khải cá nhân qua Đức Thánh Linh thật đáng kinh ngạc, gần giống như chiếc máy bay trên không trung. Và giống như các phi công, chúng ta cần phải hiểu khuôn khổ mà trong đó Đức Thánh Linh thực hiện chức năng để mang đến sự mặc khải cá nhân. Khi chúng ta hoạt động trong phạm vi khuôn khổ đó, Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta phát huy khả năng hiểu biết sâu sắc đáng kinh ngạc, sự hướng dẫn, và an ủi. Bên ngoài khuôn khổ đó, thì dù có thông minh hay có tài năng đến mấy, chúng ta cũng có thể bị lừa gạt, sa ngã dẫn đến đau khổ và tổn thương.

Thánh thư tạo thành yếu tố đầu tiên của khuôn khổ này cho sự mặc khải cá nhân.8 Việc nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, như được tìm thấy trong thánh thư, sẽ khuyến khích sự mặc khải cá nhân. Anh Cả Robert D. Hales đã nói: “Khi chúng ta muốn nói chuyện với Thượng Đế thì chúng ta cầu nguyện. Và khi muốn Ngài nói với chúng ta, thì chúng ta tìm hiểu thánh thư.”9

Thánh thư cũng dạy chúng ta cách nhận được sự mặc khải cá nhân.10 Và chúng ta cầu xin những điều ngay chính và điều thiện11 chứ không phải những điều trái với ý muốn của Thượng Đế.12 Chúng ta không “cầu xin trái lẽ,” với động cơ không chính đáng chỉ để cầu xin điều gì có lợi cho bản thân hoặc để thỏa mãn thú vui của riêng mình.13 Điều quan trọng nhất là chúng ta cầu xin Cha Thiên Thượng trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô,14 tin tưởng rằng chúng ta sẽ nhận được.15

Yếu tố thứ hai của khuôn khổ này là chúng ta chỉ nhận được sự mặc khải cá nhân cho bản thân mình và cho các lĩnh vực trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình chứ không phải cho người khác. Nói cách khác, chúng ta cất cánh và hạ cánh xuống đường băng đã được chỉ định cho mình. Chúng ta học về tầm quan trọng của việc chỉ nhận sự mặc khải cá nhân cho riêng mình trong thời kỳ đầu của Sự Phục Hồi. Hiram Page, một trong Tám Nhân Chứng về Sách Mặc Môn, đã khẳng định là nhận được những điều mặc khải cho toàn thể Giáo Hội. Vài tín hữu đã bị lừa gạt và chịu ảnh hưởng một cách sai lầm.

Để đáp lại, Chúa đã mặc khải rằng “ngoài tôi tớ Joseph Smith, … thì không một ai khác trong Giáo Hội này được chỉ định để nhận những giáo lệnh và những điều mặc khải cho đến khi nào Ta chỉ định … một người khác lên thay thế hắn.”16 Giáo lý, các lệnh truyền, và những điều mặc khải cho Giáo Hội là quyền năng của vị tiên tri tại thế, là người tiếp nhận chúng từ Chúa Giê Su Ky Tô.17 Đó là đường băng của vị tiên tri.

Cách đây nhiều năm, tôi nhận được điện thoại từ một người đã bị bắt giam vì tội xâm nhập vào khu vực cấm. Anh ta nói là đã được mặc khải rằng có thêm thánh thư đang được chôn giấu ở bên dưới tầng trệt của tòa nhà mà anh ta đã cố gắng xâm nhập vào. Anh ta khẳng định rằng có lần anh ta đã nhận được thêm thánh thư, anh ta biết là anh ta sẽ nhận được ân tứ phiên dịch, cho ra đời thánh thư mới, và định hướng giáo lý và hướng đi của Giáo Hội. Tôi nói với anh ta là anh ta đã nhầm lẫn, và anh ta nài xin tôi nên cầu nguyện về điều đó. Tôi nói với anh ta là tôi sẽ không làm thế. Anh ta bắt đầu nói những lời đay nghiến rồi cúp máy.18

Tôi không cần phải cầu nguyện về lời đề nghị này vì một lý do đơn giản nhưng sâu sắc: chỉ có vị tiên tri mới nhận được sự mặc khải cho Giáo Hội. Điều đó sẽ “trái ngược với quy luật của Thượng Đế”19 để người khác nhận được sự mặc khải như vậy, là điều thuộc về “đường băng” của vị tiên tri.

Sự mặc khải cá nhân thật sự là thuộc về cá nhân. Ví dụ, anh chị em có thể nhận được mặc khải để biết mình nên sống ở đâu, nên theo đuổi con đường sự nghiệp nào, hoặc nên kết hôn với ai.20 Các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể giảng dạy giáo lý và chia sẻ lời khuyên bảo đã được soi dẫn, nhưng trách nhiệm đối với những quyết định này là thuộc về anh chị em. Đó là sự mặc khải để anh chị em tiếp nhận; đó là “đường băng” của anh chị em.

Yếu tố thứ ba của khuôn khổ này là sự mặc khải cá nhân sẽ phù hợp với các giáo lệnh của Thượng Đế và các giao ước mà chúng ta đã lập với Ngài. Hãy xem một lời cầu nguyện có nội dung như sau: “Thưa Cha Thiên Thượng, các buổi lễ trong Giáo Hội thật là tẻ nhạt. Con có thể thờ phượng Ngài vào ngày Sa Bát ở trên núi hay ngoài bãi biển không? Con có được miễn đi nhà thờ và dự phần Tiệc Thánh nhưng vẫn có được các phước lành đã được hứa vì vẫn giữ ngày Sa Bát được thánh không?”21 Để đáp lại một lời cầu nguyện như thế, chúng ta có thể đoán trước được phản ứng của Thượng Đế: “Con của Ta, Ta đã mặc khải ý muốn của Ta về ngày Sa Bát rồi.”

Khi cầu xin sự mặc khải về điều gì đó mà Thượng Đế đã ban cho sự hướng dẫn rõ ràng rồi, thì chúng ta tự để cho mình hiểu sai những cảm nhận của chúng ta và nghe những gì mình muốn nghe. Một người đàn ông có lần đã kể cho tôi về những khó khăn của anh ta để ổn định tình cảnh tài chính của gia đình. Anh ta đã có ý tưởng biển thủ ngân quỹ như là một giải pháp, anh ta cầu nguyện về điều đó, và cảm thấy mình đã nhận được điều mặc khải xác nhận là nên làm thế. Tôi biết anh ta đã bị lừa gạt vì anh ta tìm kiếm sự mặc khải trái với một giáo lệnh của Thượng Đế. Tiên Tri Joseph Smith đã cảnh báo: “Không có điều gì nguy hại cho con cái của loài người bằng sống dưới ảnh hưởng của một thần linh giả mạo khi họ nghĩ rằng họ có được Thánh Linh của Thượng Đế.”22

Một số người có thể chỉ ra rằng Nê Phi đã vi phạm một giáo lệnh khi ông giết chết La Ban. Tuy nhiên, ngoại lệ này không phủ định quy tắc này—quy tắc mà sự mặc khải cá nhân sẽ phù hợp với các giáo lệnh của Thượng Đế. Không có lời giải thích đơn giản nào về sự kiện này là hoàn toàn thỏa đáng, nhưng tôi xin nêu bật một số luận chứng. Sự kiện đó không bắt đầu với việc Nê Phi cầu xin liệu ông có thể giết chết La Ban hay không. Đó không phải là điều mà ông muốn làm. Việc giết chết La Ban không phải là vì lợi ích riêng của Nê Phi mà là để mang thánh thư đến cho một quốc gia trong tương lai và một dân giao ước. Và Nê Phi chắc chắn rằng đó là điều mặc khải—thật ra, trong bối cảnh này, đó là một lệnh truyền từ Thượng Đế.23

Yếu tố thứ tư của khuôn khổ này là nhận ra được những gì Thượng Đế đã mặc khải riêng cho anh chị em, đồng thời vẫn sẵn sàng nhận được thêm điều mặc khải từ Ngài. Nếu Thượng Đế đã trả lời một câu hỏi và hoàn cảnh vẫn không thay đổi, thì tại sao chúng ta mong đợi câu trả lời sẽ khác đi? Joseph Smith đã vướng vào tình thế nan giải này vào năm 1828. Khi phần đầu của Sách Mặc Môn mới được phiên dịch xong thì Martin Harris, một nhà tài trợ và cũng là người ghi chép đầu tiên, đã xin phép Joseph mang các trang đã được dịch cho vợ ông ta xem. Không biết phải làm gì, Joseph đã cầu nguyện để được hướng dẫn. Chúa phán bảo ông không được cho Martin lấy đi các trang đó.

Martin yêu cầu Joseph cầu vấn Thượng Đế một lần nữa. Joseph đã làm thế, và câu trả lời dĩ nhiên là vẫn không thay đổi. Nhưng Martin nài xin Joseph cầu vấn lần thứ ba và Joseph đã làm thế. Lần này Thượng Đế đã không phán là không được. Thay vào đó, thể như Thượng Đế đã phán: “Joseph, ngươi biết Ta cảm thấy như thế nào về việc này rồi, nhưng ngươi có quyền tự quyết để lựa chọn.” Cảm thấy mình không còn bị hạn chế nữa, Joseph đã quyết định cho phép Martin mang 116 trang bản thảo đi để cho một vài người trong gia đình xem. Các trang được dịch đã bị mất và không bao giờ tìm lại được nữa. Chúa đã nghiêm khắc quở trách Joseph.24

Joseph đã học được, giống như tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn đã dạy: “Chớ tìm cách khuyên dạy Chúa, mà phải nhận lãnh những lời khuyên dạy từ Ngài. Vì này … Ngài khuyên dạy với sự khôn ngoan.”25 Gia Cốp cảnh báo rằng những điều rủi ro sẽ xảy ra khi chúng ta cầu xin những điều mà mình không nên cầu xin. Ông tiên đoán rằng dân chúng ở Giê Ru Sa Lem sẽ “tìm kiếm những điều mà họ [không thể] hiểu được,” nhìn “xa quá điểm nhắm,” hoàn toàn làm ngơ trước Đấng Cứu Rỗi của thế gian.26 Họ vấp ngã vì họ cầu xin những điều họ không hiểu và không thể hiểu được.

Nếu chúng ta đã nhận được sự mặc khải cá nhân phù hợp với tình huống của mình, và tình cảnh vẫn chưa thay đổi, thì Thượng Đế đã trả lời câu hỏi của chúng ta rồi đó.27 Ví dụ như đôi khi chúng ta hỏi đi hỏi lại nhiều lần liệu chúng ta đã được tha thứ hay không. Nếu chúng ta đã hối cải, đã cảm thấy tràn ngập niềm vui và sự yên ổn trong lương tâm, và nhận được sự xá miễn tội lỗi, thì chúng ta không cần phải cầu khẩn thêm nữa mà có thể tin cậy vào câu trả lời mà Thượng Đế đã ban cho.28

Ngay cả chúng ta tin tưởng vào những câu trả lời trước đó của Thượng Đế, chúng ta vẫn cần phải sẵn sàng để nhận được thêm điều mặc khải cá nhân. Dầu sao đi nữa, ít khi nào mà chúng ta đạt được mục tiêu của cuộc đời mà không trải qua những thăng trầm. Chúng ta cần nhận thấy rằng sự mặc khải cá nhân có thể được tiếp nhận “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một,”29 mà sự hướng dẫn đã được mặc khải có thể ngày càng gia tăng.30

Các yếu tố này của khuôn khổ cho sự mặc khải cá nhân là trùng lặp và hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng trong phạm vi khuôn khổ đó, Đức Thánh Linh có thể và sẽ mặc khải tất cả mọi điều chúng ta cần để tiến triển và tiếp tục trên con đường giao ước. Vậy nên chúng ta có thể được ban phước nhờ quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô để trở thành người mà Cha Thiên Thượng muốn chúng ta trở thành. Tôi mời anh chị em hãy có đủ tin tưởng để tiếp nhận sự mặc khải cá nhân cho bản thân mình, hiểu những gì Thượng Đế đã mặc khải, phù hợp với thánh thư và các lệnh truyền mà Ngài ban cho qua các vị tiên tri đã được chỉ định của Ngài, và trong phạm vi trách nhiệm quản lý và quyền tự quyết của mình. Tôi biết rằng Đức Thánh Linh có thể và sẽ cho anh chị em biết tất cả những gì anh chị em phải nên làm.31 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf các phép so sánh liên quan đến máy bay một cách kiên định và hiệu quả để giảng dạy các nguyên tắc phúc âm quan trọng. Ví dụ, gần đây ông đã liên kết danh sách kiểm tra trước chuyến bay của các phi công với việc giảng dạy giống như Đấng Cứu Rỗi trong “Danh Sách Các Mục Cần Kiểm Tra của Giảng Viên” ([buổi phát sóng dành cho giảng viên, ngày 12 tháng Sáu năm 2022], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org).

  2. Đức Thánh Linh là nhân vật thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, thường được gọi là Thánh Linh hoặc Thánh Linh của Thượng Đế, và thực hiện các vai trò quan trọng trong kế hoạch cứu rỗi. Ngài làm chứng về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, tiết lộ lẽ thật của tất cả mọi điều, thánh hóa những ai đã hối cải và chịu phép báp têm, và là Đức Thánh Linh Hứa Hẹn (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đức Thánh Linh,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

  3. Xin xem 2 Nê Phi 31:19–21; Mô Si A 4:8. Không có cách nào khác mà nhờ đó chúng ta “có thể được cứu vào vương quốc của Thượng Đế.” Nếu không thì sẽ không tạo ra một con đường thay thế.

  4. 2 Nê Phi 32:5; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 84:43–44.

  5. Xin xem 2 Nê Phi 32:4; Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 93–96.

  6. Ma Thi Ơ 7:7–8.

  7. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”; “Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ”; Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 27.0; 27.2, ChurchofJesusChrist.org.

  8. Xin xem 2 Nê Phi 32:3.

  9. Robert D. Hales, “Thánh Thư: Quyền Năng của Thượng Đế cho Sự Cứu Rỗi của Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 26–27.

  10. Thánh thư dạy rằng tiếng nói của Đức Thánh Linh thì êm dịu và nhỏ nhẹ, giống như một lời thì thầm—không lớn tiếng hay ồn ào; nó giản dị, yên tĩnh và minh bạch; nó có thể xuyên thấu và hừng hực; nó ảnh hưởng đến cả tâm trí lẫn tâm hồn; nó mang đến sự bình an, niềm vui, và hy vọng—không sợ hãi, lo âu, và lo lắng; nó mời gọi chúng ta làm điều thiện—chứ không phải điều ác; và đó là sự soi sáng và hấp dẫn—chứ không khó hiểu. Xin xem 1 Các Vua 19:11–12; Ôm Ni 1:25; An Ma 32:28; Hê La Man 5:30–33; 3 Nê Phi 11:3; Mô Rô Ni 7:16–17; Giáo Lý và Giao Ước 6:22–24; 8:2–3; 9:8–9; 11:12–14; 85:6; Boyd K. Packer, “The Candle of the Lord,” Ensign, tháng Một năm 1983, trang 51–56; Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 88–92; Russell M. Nelson, “Đón Nhận Tương Lai bằng Đức Tin,” Liahona, tháng Mười Một năm. 2020, trang 73–76; Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” trang 93–96.

  11. Xin xem 3 Nê Phi 18:20; Mô Rô Ni 7:26; Giáo Lý và Giao Ước 88:64–65.

  12. Xin xem Hê La Man 10:5; Giáo Lý và Giao Ước 46:30.

  13. Gia Cơ 4:3; xin xem Gia Cơ 4:3, phiên bản New International Version; 2 Nê Phi 4:35; Giáo Lý và Giao Ước 8:10; 46:7; 88:64–65.

  14. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:64–65; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cầu Nguyện,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

  15. Xin xem 3 Nê Phi 18:20; Mô Rô Ni 7:26.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 28:2, 7.

  17. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 21:4–5.

  18. May mắn thay, anh ta đã được thu xếp để nhận được sự giúp đỡ và điều trị mà anh ta thực sự cần.

  19. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 197.

  20. Xin xem Thomas S. Monson, “Whom Shall I Marry?,” New Era, tháng Mười năm 2004, trang 4.

  21. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:9–16.

  22. Joseph Smith, trong Times and Seasons, ngày 1 tháng Tư năm 1842, trang 744, josephsmithpapers.org.

  23. Chúa thường thay đổi, sửa đổi, hoặc ngoại lệ đối với các giáo lệnh đã được mặc khải của Ngài, nhưng những điều này được thực hiện qua sự mặc khải của vị tiên tri chứ không phải sự mặc khải cá nhân. Sự mặc khải của vị tiên tri đến qua vị tiên tri được chỉ định hợp thức của Thượng Đế theo sự thông sáng và sự hiểu biết của Thượng Đế. Những ngoại lệ này bao gồm cả điều mặc khải của Chúa cho Môi Se và Giô Suê để giết những dân trong xứ Ca Na An bất chấp lệnh truyền của Ngài là “Ngươi chớ giết người” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:13). Chúa, qua vị tiên tri của Ngài, có thể và sẽ sửa đổi các lệnh truyền của Ngài vì các mục đích của Ngài. Tuy nhiên, qua sự mặc khải cá nhân, chúng ta không được tự do để thay đổi hoặc làm ngơ các lệnh truyền đã được thiết lập mà Thượng Đế đã mặc khải cho Giáo Hội của Ngài qua vị tiên tri.

    Xin xem 1 Nê Phi 4:12–18; để có bài thảo luận đầy đủ hơn, xin xem Joseph Spencer, 1st Nephi: A Brief Theological Introduction (năm 2020) trang 66–80.

  24. Để có bài tường thuật đầy đủ về 116 trang bản thảo, xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 (năm 2018), trang 44–53; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 3:5–15; 10:1–5.

  25. Gia Cốp 4:10.

  26. Xin xem Gia Cốp 4:14–16.

  27. Joseph Smith đã dạy: “Chúng ta đừng bao giờ cầu xin Thượng Đế cho điều mặc khải đặc biệt chỉ vì chưa bao giờ nhận được điều mặc khải phù hợp với tình cảnh của mình” (trong History, 1838–1856 [Manuscript History of the Church], quyển A-1, trang 286–287, josephsmithpapers.org).

  28. Xin xem Mô Si A 4:3. Khi chúng ta tiếp tục có cảm giác tội lỗi và hối hận sau khi đã hối cải chân thành và có chủ ý, thường đó là bởi vì chúng ta thiếu đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi khả năng của Ngài để hoàn toàn tha thứ và chữa lành chúng ta. Đôi khi chúng ta tin rằng sự tha thứ là dành cho người khác nhưng không hoàn toàn áp dụng cho chúng ta. Điều đó chỉ là do thiếu đức tin vào những gì Đấng Cứu Rỗi có thể thực hiện được nhờ Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài.

  29. Xin xem Ê Sai 28:10; 2 Nê Phi 28:30; David A. Bednar, “Line upon Line, Precept upon Precept,” New Era, tháng Chín năm 2010, trang 3–7.

  30. Nhưng nếu Thượng Đế chưa ban cho anh chị em sự mặc khải, thì hãy tiếp tục cầu xin. Như Anh Cả Richard G. Scott đã dạy: “Hãy tiến hành với sự tin tưởng. … Khi các anh chị em sống ngay chính và hành động với sự tin tưởng, thì Thượng Đế sẽ không để cho các anh chị em tiến hành quá xa mà không ban cho một ấn tượng cảnh giác nếu các anh chị em đã chọn quyết định sai” (“Sử Dụng Ân Tứ Cầu Nguyện Thiêng Liêng,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 10).

  31. Xin xem 2 Nê Phi 32:5.