Cùng Cộng Tác với Chúa
Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô tuyên bố nguyên tắc cộng tác trọn vẹn giữa người nữ và người nam, cả trong cuộc sống trần thế lẫn suốt thời vĩnh cửu.
Trong vài tháng đầu tiên của hôn nhân, người vợ yêu quý của tôi đã bày tỏ mong muốn được học nhạc. Với ý định làm hài lòng cô ấy, tôi quyết định tạo một bất ngờ lớn và chân thành cho người yêu của mình. Tôi đi đến một cửa hàng nhạc cụ và mua cho cô ấy một cây đàn piano làm quà. Tôi hào hứng đặt hóa đơn mua hàng vào một chiếc hộp với một chiếc nơ xinh xắn và trao cho cô ấy, mong đợi một phản ứng tràn đầy lòng biết ơn đối với người chồng vô cùng yêu thương và chu đáo của cô ấy.
Khi cô ấy mở chiếc hộp nhỏ đó ra và nhìn thấy bên trong, cô ấy âu yếm nhìn tôi và nói: “Ôi, anh yêu, anh thật tuyệt vời! Nhưng em muốn hỏi anh một câu: Đây là một món quà hay một món nợ?” Sau khi hội ý với nhau về điều bất ngờ này, chúng tôi quyết định hủy bỏ việc mua hàng. Chúng tôi đang sống theo một ngân sách dành cho sinh viên, giống như nhiều cặp vợ chồng trẻ mới cưới khác. Kinh nghiệm này đã giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của nguyên tắc cộng tác trọn vẹn trong một mối quan hệ hôn nhân và làm thế nào mà việc áp dụng nguyên tắc này có thể giúp vợ chồng tôi đồng tâm nhất trí.1
Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô tuyên bố nguyên tắc cộng tác trọn vẹn giữa người nữ và người nam, cả trong cuộc sống trần thế lẫn suốt thời vĩnh cửu. Mặc dù mỗi người đều có các đức tính và trách nhiệm cụ thể đã được Chúa quy định, nhưng người nữ và người nam đều làm tròn các vai trò quan trọng và thiết yếu như nhau trong kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài.2 Điều này hiển nhiên ngay từ lúc ban đầu khi Chúa phán “rằng người nam sống một mình thì không tốt; vậy nên ta sẽ làm nên một người phụ giúp cho hắn.”3
Trong kế hoạch của Chúa, “người phụ giúp” là một người bạn đồng hành sẽ sánh vai với A Đam trong sự cộng tác trọn vẹn.4 Thật ra, Ê Va là một phước lành thiêng liêng trong cuộc sống của A Đam. Qua thiên tính và các đức tính thuộc linh của mình, bà đã soi dẫn A Đam cùng cộng tác để đạt được kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế dành cho tất cả nhân loại.5
Chúng ta hãy xem xét hai nguyên tắc cơ bản mà củng cố sự cộng tác giữa người nam và người nữ. Nguyên tắc đầu tiên là “chúng ta đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”6 Theo giáo lý phúc âm, sự khác biệt giữa người nữ và người nam không vượt quá những lời hứa vĩnh cửu mà Thượng Đế dành cho các con trai và con gái của Ngài. Không ai có khả năng đạt được vinh quang thượng thiên hơn người còn lại trong thời kỳ vĩnh cửu.7 Chính Đấng Cứu Rỗi mời gọi tất cả chúng ta, con cái của Thượng Đế, “đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài, và Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài.”8 Do đó, trong văn cảnh này, tất cả chúng ta đều được xem là bình đẳng trước mặt Ngài.
Khi những người phối ngẫu hiểu và kết hợp được nguyên tắc này, thì họ không tự phong mình làm trưởng hoặc phó trong gia đình. Không có ai vượt trội hay thấp kém trong mối quan hệ hôn nhân, và cũng không có ai đi trước hoặc đi sau người kia. Họ đi cạnh nhau với tư cách là con cái thiêng liêng, bình đẳng của Thượng Đế. Họ hiệp một trong ý nghĩ, ước muốn và mục đích với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô,9 cùng nhau lãnh đạo và hướng dẫn gia đình.
Trong một mối quan hệ cộng tác bình đẳng, “tình yêu thương không phải là sự sở hữu mà là sự đóng góp … một phần của sự đồng sáng tạo đó tức là sự kêu gọi của con người chúng ta.”10 “Với sự đóng góp chân thành, vợ và chồng hiệp một hiệp trong ‘quyền thống trị vĩnh cửu’ mà ‘không có phương tiện bắt buộc’ sẽ đem lại cuộc sống thuộc linh cho họ và con cháu của họ ‘mãi mãi và đời đời.’”11
Nguyên tắc liên quan thứ hai là Quy Tắc Vàng, được Đấng Cứu Rỗi giảng dạy trong Bài Giảng trên Núi: “Các ngươi muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy.”12 Nguyên tắc này cho thấy một thái độ tương hỗ, hiệp thuận, đoàn kết, và phụ thuộc lẫn nhau và dựa trên giáo lệnh lớn thứ hai: “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”13 Nó kết hợp với các thuộc tính Ky Tô hữu khác như sự nhịn nhục lâu dài, hiền lành, nhu mì, và nhân từ.
Để hiểu rõ hơn việc áp dụng nguyên tắc này, chúng ta có thể nhìn vào mối ràng buộc thiêng liêng và vĩnh cửu do Thượng Đế thiết lập giữa cha mẹ đầu tiên của chúng ta, A Đam và Ê Va. Họ trở nên một thịt,14 tạo ra chiều hướng hiệp một mà cho phép họ cùng nhau bước đi với sự tôn trọng, lòng biết ơn, và tình yêu thương, quên đi bản thân họ và tìm kiếm sự an lạc của nhau trong cuộc hành trình đến vĩnh cửu.
Những đặc tính đó là những điều chúng ta cố gắng đạt được trong một cuộc hôn nhân hiệp nhất ngày nay. Qua lễ gắn bó trong đền thờ, một người nữ và một người nam bước vào thánh ban của hôn nhân trong giao ước mới và vĩnh viễn. Theo thể chế này của chức tư tế, họ được ban cho các phước lành vĩnh cửu và quyền năng thiêng liêng để hướng dẫn các công việc gia đình khi họ sống theo các giao ước mà họ đã lập. Từ thời điểm đó trở đi, họ tiến bước trong sự hỗ trợ lẫn nhau và cộng tác trọn vẹn với Chúa, đặc biệt là về mỗi trách nhiệm thiêng liêng đã được chỉ định để nuôi dưỡng và chủ tọa trong gia đình của họ.15 Các trách nhiệm nuôi dưỡng và chủ tọa có liên quan và đan xen nhau, có nghĩa là những người cha và người mẹ “có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng”16 và cân bằng quyền lãnh đạo trong nhà của họ.
“Nuôi dưỡng có nghĩa là nuôi nấng, giảng dạy và hỗ trợ” những người trong gia đình, mà được thực hiện bằng cách giúp họ “học hỏi các lẽ thật phúc âm và phát triển đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô” trong một môi trường yêu thương. Chủ tọa có nghĩa là “giúp hướng dẫn những người trong gia đình trở về sống nơi hiện diện của Thượng Đế. Điều này được thực hiện bằng cách phục vụ và giảng dạy một cách dịu dàng, nhu mì và với tình yêu thương thanh khiết.” Nó cũng bao gồm việc “hướng dẫn những người trong gia đình thường xuyên cầu nguyện, học phúc âm, và các khía cạnh khác của sự thờ phượng. Cha mẹ làm việc trong tình đoàn kết,” noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô, “để làm tròn hai trách nhiệm lớn lao này.”17
Điều quan trọng là phải quan sát rằng sự quản trị trong gia đình tuân theo mẫu mực tộc trưởng, khác biệt về một số khía cạnh với sự lãnh đạo chức tư tế trong Giáo Hội.18 Mẫu mực tộc trưởng gồm có việc những người vợ và người chồng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với Thượng Đế về việc làm tròn các trách nhiệm thiêng liêng của họ trong gia đình. Nó đòi hỏi một sự cộng tác trọn vẹn—sẵn lòng tuân thủ mọi nguyên tắc ngay chính và có trách nhiệm giải trình—và tạo cơ hội để phát triển trong một môi trường yêu thương và hữu ích cho nhau.19 Các trách nhiệm đặc biệt này không ngụ ý đến sự phân cấp và hoàn toàn loại trừ bất kỳ hình thức lạm dụng hoặc sử dụng thẩm quyền không đúng đắn nào.
Kinh nghiệm của A Đam và Ê Va, sau khi họ rời khỏi Vườn Ê Đen, minh họa một cách tuyệt vời khái niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa một người mẹ và người cha trong việc nuôi dưỡng và chủ tọa gia đình của họ. Như đã được dạy trong sách Môi Se, họ đã cùng nhau cày cấy đất đến đổ mồ hôi trán để lo liệu cho sự an lạc thể chất của gia đình họ;20 họ mang con cái đến thế gian;21 họ cùng nhau kêu cầu danh của Chúa và nghe tiếng nói của Ngài “từ hướng Vườn Ê Đen”;22 Họ chấp nhận các lệnh truyền Chúa đã ban và cùng nhau cố gắng tuân theo các lệnh truyền đó.23 Rồi họ “bày tỏ tất cả mọi điều cho các con trai và các con gái của họ biết”24 và cùng nhau “không ngớt kêu cầu Thượng Đế” thể theo nhu cầu của họ.25
Các anh chị em thân mến, việc nuôi dưỡng và chủ tọa là những cơ hội chứ không phải là giới hạn riêng. Một người có thể có trách nhiệm về một điều gì đó nhưng có thể không phải là người duy nhất làm điều đó. Khi những người cha mẹ yêu quý hiểu rõ hai trách nhiệm quan trọng này, thì họ sẽ cùng nhau cố gắng bảo vệ và chăm sóc sự an lạc về thể chất và cảm xúc của con cái họ. Họ cũng giúp con cái họ đối phó với những mối nguy hiểm thuộc linh trong thời kỳ của chúng ta bằng cách nuôi dưỡng chúng bằng lời nói tốt lành của Chúa như đã được mặc khải cho các vị tiên tri của Ngài.
Mặc dù vợ chồng hỗ trợ lẫn nhau trong các trách nhiệm đã được Chúa quy định, nhưng “bệnh tật, chết chóc hay những hoàn cảnh khác có thể đòi hỏi sự thích ứng của cá nhân.”26 Đôi khi một người phối ngẫu hoặc người kia sẽ có trách nhiệm để thực hiện đồng thời cả hai vai trò, cho dù tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Gần đây tôi đã gặp một người nữ và một người nam đều đang sống trong tình trạng này. Là cha mẹ đơn thân, mỗi người trong số họ, trong phạm vi gia đình của họ và trong sự cộng tác với Chúa, đã quyết định dành cuộc đời cho việc chăm sóc thuộc linh và vật chất của con cái họ. Họ đã không quên các giao ước đền thờ của họ đã lập với Chúa và những lời hứa vĩnh cửu của Ngài mặc dù họ đã ly hôn. Cả hai đều đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa trong tất cả mọi việc khi họ tiếp tục cố gắng chịu đựng những thử thách của mình và bước đi trên con đường giao ước. Họ tin tưởng rằng Chúa sẽ chăm sóc các nhu cầu của họ, không những trong cuộc sống này mà còn trong suốt thời vĩnh cửu. Cả hai đều đã nuôi dưỡng con cái của mình bằng cách giảng dạy chúng với sự dịu dàng, nhu mì, và tình yêu thương thanh khiết, ngay cả trong khi trải qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Theo những gì tôi biết, hai người cha mẹ đơn thân này không đổ lỗi cho Thượng Đế về những bất hạnh của họ. Thay vì thế, họ trông đợi với một niềm hy vọng hết sức xán lạn và sự tin tưởng vào các phước lành mà Chúa dành cho họ.27
Các anh chị em thân mến, Đấng Cứu Rỗi nêu tấm gương hoàn hảo về tình đoàn kết và sự hòa hợp của mục đích và giáo lý với Cha Thiên Thượng. Ngài cầu nguyện thay cho các môn đồ của Ngài rằng: “Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta: … để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy.”28
Tôi làm chứng với anh chị em rằng khi chúng ta—những người nam và người nữ—cùng làm việc với nhau trong một mối quan hệ cộng tác chân thành và bình đẳng, thì chúng ta sẽ vui hưởng tình đoàn kết đã được Đấng Cứu Rỗi giảng dạy khi chúng ta làm tròn các trách nhiệm thiêng liêng trong các mối quan hệ hôn nhân của mình. Tôi hứa với anh chị em, trong tôn danh của Đấng Ky Tô, rằng tâm hồn sẽ “đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau,”29 chúng ta sẽ tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong cuộc hành trình đến cuộc sống vĩnh cửu, và khả năng của chúng ta để phục vụ lẫn nhau và với nhau sẽ gia tăng đáng kể.30 Tôi làm chứng về những lẽ thật này trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.