Một Ngọn Lửa Đang Cháy Âm Ỉ
Thượng Đế lắng nghe từng lời cầu nguyện mà chúng ta dâng lên, và sẽ đáp lại mỗi lời đó tùy theo con đường Ngài đã vạch ra để giúp cho chúng ta được hoàn hảo.
Thưa anh chị em, tôi đã học được một bài học đau thương kể từ lần cuối tôi đứng tại bục nói chuyện này vào tháng Mười năm 2022. Bài học đó là: Nếu bài nói chuyện của tôi không hay, thì tôi có thể bị cấm nói chuyện trong mấy kỳ đại hội sau. Anh chị em có thể thấy là tôi đã được chỉ định để nói chuyện sớm trong phiên họp đầu tiên của đại hội này. Điều anh chị em không thể thấy, đó là tôi đang được đặt trên một cái cửa sập có chốt rất nhạy. Nếu nói chuyện không hay, thì tôi sẽ lại bị biến mất thêm vài đại hội nữa.
Trong tinh thần của bài thánh ca du dương đến từ ca đoàn tuyệt vời này, tôi thật sự đã học được một vài bài học gần đây, nên hôm nay, với sự giúp đỡ của Chúa, tôi muốn chia sẻ chúng với anh chị em. Bởi vì vậy, bài nói chuyện này sẽ khá là cá nhân.
Kinh nghiệm cá nhân nhất và đau thương nhất trong những kinh nghiệm gần đây của tôi chính là sự ra đi của Pat, người vợ yêu quý của tôi. Cô ấy là người phụ nữ tuyệt vời nhất mà tôi từng biết—là người vợ, người mẹ hoàn hảo, chưa kể đến sự thanh khiết, ân tứ diễn đạt, và phần thuộc linh vững mạnh của cô ấy. Cô ấy đã từng đưa ra bài nói chuyện “Làm Tròn Mục Đích mà bởi đó Anh Chị Em được Tạo Ra.” Dường như đối với tôi, cô ấy đã thành công làm tròn mục đích của sự sáng tạo ra mình hơn bất cứ ai có thể mơ ước. Cô ấy là một người con gái hoàn toàn trung tín với Thượng Đế, một nữ môn đồ gương mẫu của Đấng Ky Tô. Tôi là người may mắn nhất vì được sống 60 năm cuộc đời bên cô ấy. Nếu tôi chứng minh là mình xứng đáng, thì giáo lễ gắn bó của chúng tôi sẽ cho phép tôi sống bên cô ấy suốt thời vĩnh cửu.
Một kinh nghiệm học hỏi khác đã bắt đầu 48 tiếng sau tang lễ của vợ tôi. Lúc đó, tôi được mau chóng đưa tới bệnh viện trong tình trạng sức khỏe nguy cấp. Rồi tôi trải qua bốn tuần đầu tiên trong sáu tuần nhập viện để ra vào phòng chăm sóc đặc biệt, với ý thức lúc tỉnh, lúc mê.
Gần như toàn bộ những gì tôi đã trải qua trong bệnh viện trong giai đoạn đó đã bị xóa khỏi trí nhớ của tôi. Điều không bị xóa đi là ký ức của tôi về một giấc mơ tựa như một cuộc hành trình bên ngoài bệnh viện, dẫn đến nơi dường như là lằn ranh với cuộc sống vĩnh cửu. Tôi không thể kể hết về kinh nghiệm đó ở đây, nhưng tôi có thể nói rằng phần nào những gì tôi nhận được là một lời răn dạy tôi hãy trở về với giáo vụ của mình một cách cấp bách hơn, cống hiến nhiều hơn, tập trung hơn vào Đấng Cứu Rỗi, cùng nhiều đức tin hơn vào lời của Ngài.
Tôi cảm thấy mình như đang nhận được phiên bản riêng cho chính tôi từ điều mặc khải được ban cho Mười Hai Vị Sứ Đồ gần 200 năm trước:
“Ngươi phải làm chứng về danh ta … [và] phải phổ biến lời của ta đến các nơi tận cùng của trái đất. …
“… Hết buổi sáng này đến buổi sáng kia; và hết ngày này qua ngày khác, hãy để tiếng nói cảnh cáo của ngươi vang lên; và khi đêm đến, chớ để cho dân cư thế gian mê ngủ, nhờ lời diễn giảng của ngươi. …
“Hãy đứng lên[,] vác thập tự giá đi theo ta.”
Anh chị em thân mến, kể từ kinh nghiệm đó, tôi đã cố gắng vác cây thập tự của mình một cách sốt sắng hơn, với nhiều quyết tâm hơn để tìm được nơi tôi có thể cất cao tiếng nói của một sứ đồ, vừa khuyến khích vừa cảnh cáo từ buổi sáng, suốt cả ngày, cho đến đêm.
Điều đó đưa đến lẽ thật thứ ba mà đã đến trong những tháng mất mát, bệnh tật, và phiền muộn. Lẽ thật đó là một lời chứng mới mẻ cùng lòng biết ơn vô tận dành cho hiệu quả của những lời cầu nguyện kiên định, chính là những lời cầu nguyện của anh chị em dành cho tôi. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn lời khẩn cầu của hàng ngàn người, mà giống như người đàn bà góa phiền nhiễu, đã liên tục nài xin sự can thiệp của thiên thượng thay cho tôi. Tôi đã nhận được các phước lành chức tư tế và thấy những người bạn cùng lớp thời trung học, cũng như nhiều tiểu giáo khu khắp Giáo Hội, nhịn ăn và cầu nguyện cho tôi. Và tên của tôi hẳn đã được ghi vào danh sách cầu nguyện của hầu hết mọi đền thờ trong Giáo Hội.
Với lòng biết ơn sâu sắc, tôi đồng tình với G. K. Chesterton, là người từng nói rằng: “Tri ân là hình thức cao thượng nhất của ý nghĩ; và … lòng biết ơn là niềm hạnh phúc được nhân đôi cách diệu kỳ.” Với “niềm hạnh phúc được nhân đôi cách diệu kỳ” của chính mình, tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em và tạ ơn Cha tôi trên Trời, là Đấng đã nhậm lời cầu nguyện của anh chị em và giữ gìn mạng sống cho tôi.
Thưa anh chị em, tôi làm chứng rằng Thượng Đế lắng nghe từng lời cầu nguyện mà chúng ta dâng lên, và sẽ đáp ứng từng lời đó thể theo con đường Ngài đã vạch ra cho sự hoàn hảo của chúng ta. Tôi nhận ra rằng gần như vào lúc mà rất nhiều người đang cầu nguyện cho sức khỏe của tôi được hồi phục, thì cũng có một số lượng tương đương—bao gồm cả tôi—cũng đang cầu xin cho sức khỏe của vợ tôi được phục hồi. Tôi làm chứng rằng tất cả những lời cầu nguyện đó đều được nghe thấu và được đáp ứng bằng lòng thương xót thiêng liêng của Cha Thiên Thượng, kể cả khi những lời cầu nguyện cho Pat không được đáp ứng theo như tôi đã cầu xin. Chỉ có Thượng Đế mới biết lý do tại sao những lời cầu nguyện được đáp ứng khác với điều chúng ta hy vọng—nhưng tôi hứa với anh chị em rằng chúng đều được lắng nghe, và chúng đều được đáp ứng thể theo tình yêu thương không lay chuyển và kỳ định chi phối cả vũ trụ của Ngài.
Nếu chúng ta “không cầu xin điều gì bất chính”, thì không có hạn chế nào về thời gian, địa điểm, hay điều mà chúng ta có thể cầu xin. Theo những điều mặc khải, chúng ta cần phải “luôn … cầu nguyện.” Chúng ta cần cầu nguyện, như A Mu Léc đã nói, cho “những người chung quanh mình,” với niềm tin rằng khi “lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều.” Những lời cầu nguyện của chúng ta cần được nói thành tiếng khi chúng ta ở nơi kín đáo, riêng tư để cầu nguyện. Nếu không thể làm như vậy thì chúng ta hãy cầu nguyện thầm trong lòng mình. Chúng ta hát rằng những lời cầu nguyện của mình như “một ngọn lửa đang cháy âm ỉ,” luôn được dâng lên, theo lời của chính Đấng Cứu Rỗi, cho Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu trong danh Con Độc Sinh của Ngài.
Các bạn thân mến của tôi, những lời cầu nguyện của chúng ta là giờ phút ngọt ngào nhất, là “ước muốn chân thành” nhất, và là hình thức thờ phượng đơn giản nhất và thuần khiết nhất của chúng ta. Chúng ta nên cầu nguyện cá nhân, trong gia đình, trong các giáo đoàn dù lớn hay nhỏ. Chúng ta cần sử dụng lời cầu nguyện như một cái khiên chống lại cám dỗ, và nếu có bất kỳ lúc nào chúng ta cảm thấy không muốn cầu nguyện, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng sự ngập ngừng đó không đến từ Thượng Đế, là Đấng mong được trò chuyện với con cái của Ngài vào mọi lúc. Quả thật, một số nỗ lực trực tiếp ngăn cản chúng ta cầu nguyện đến từ kẻ nghịch thù. Khi không biết phải cầu nguyện như thế nào hoặc cho điều cụ thể gì, chúng ta vẫn nên bắt đầu, và cứ tiếp tục cho đến khi Đức Thánh Linh hướng dẫn cho lời cầu nguyện mà chúng ta cần dâng lên. Đây có thể là cách thức chúng ta cần làm theo khi cầu xin cho kẻ thù của mình và cho những người có ác ý với chúng ta.
Sau cùng, chúng ta có thể noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện rất, rất thường xuyên. Nhưng điều khiến tôi tò mò là Chúa Giê Su có cảm thấy cần phải cầu nguyện hay không. Chẳng phải Ngài đã toàn hảo rồi sao? Và Ngài cần cầu xin điều gì? Vâng, tôi dần nhận ra rằng Ngài, cũng như chúng ta, muốn “kiếm [Chúa Cha] ở mọi nơi, tin tưởng Kinh Thánh, trông cậy ơn Ngài.” Hết lần này đến lần khác, Ngài lui ra khỏi đám đông để được một mình trước khi dâng lên lời cầu nguyện thấu tận các tầng trời. Những dịp khác, Ngài cầu nguyện cùng với một vài người bạn. Rồi Ngài tìm kiếm thiên thượng thay mặt cho đám đông dân chúng sẽ ngồi kín cả một sườn đồi. Đôi khi, lời cầu nguyện làm y phục Ngài trắng ngời. Có lúc, nó làm gương mặt Ngài sáng lòa. Đôi khi, Ngài đứng cầu nguyện, có lúc, Ngài quỳ xuống, và có ít nhất một lần, Ngài sấp mình xuống trong khi cầu nguyện.
Lu Ca đã mô tả nỗi đau đớn của Ngài khi thực hiện Sự Chuộc Tội đã khiến cho Ngài phải cầu nguyện “càng thiết.” Làm thế nào mà Đấng toàn hảo lại cầu nguyện càng thiết tha như vậy? Chúng ta giả định rằng mọi lời cầu nguyện của Ngài đều tha thiết, nhưng khi thực hiện sự hy sinh chuộc tội và qua nỗi đau gánh thay cho toàn thể nhân loại, Ngài đã cảm thấy phải cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa, bởi nỗi thống khổ mà Ngài phải dâng hiến, cuối cùng đã khiến máu chảy ra từ mọi lỗ chân lông.
Khi nói về chiến thắng của Đấng Ky Tô trước cái chết và món quà mà Ngài vừa ban cho tôi khi kéo dài cuộc sống hữu diệt của tôi thêm vài tuần hoặc vài tháng, tôi xin long trọng làm chứng rằng cuộc sống vĩnh cửu là có thật, và chúng ta thật sự cần phải nghiêm túc trong kế hoạch để đạt được cuộc sống đó.
Tôi làm chứng rằng khi Đấng Ky Tô đến, Ngài cần nhận ra chúng ta—không phải là những tín hữu chỉ có tên trên hồ sơ báp têm đã phai mờ, mà là các môn đồ biết tuân giữ giao ước, thành tín tin tưởng, có lòng cam kết triệt để. Đây là một vấn đề cấp bách với tất cả chúng ta, ít nhất là để chúng ta không phải hối tiếc tột cùng khi nghe: “Ta chẳng biết các ngươi bao giờ,” hoặc như Joseph Smith đã dịch: “Các ngươi chưa từng biết Ta.”
May mắn thay, chúng ta nhận được sự giúp đỡ, rất nhiều sự giúp đỡ, cho bổn phận này. Chúng ta cần tin vào các thiên sứ và phép lạ, và những lời hứa của thánh chức tư tế. Chúng ta cần tin vào ân tứ Đức Thánh Linh, vào ảnh hưởng của các gia đình nề nếp và bạn bè tử tế cùng quyền năng đến từ tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô. Chúng ta cần tin vào các thiên sứ và phép lạ, và những lời hứa của thánh chức tư tế. Chúng ta cần tin rằng bằng lời cầu nguyện, sự khẩn nài, và sự ngay chính cá nhân của mình, chúng ta thật sự có thể lên được “Núi Si Ôn, … thành phố của Thượng Đế hằng sống, là nơi thiên thượng, chốn thánh thiện nhất.”
Thưa anh chị em, khi chúng ta hối cải những tội lỗi của mình, và mạnh dạn đến gần “ngôi ơn phước,” dâng lên Ngài những việc làm tốt cùng những lời nài xin chân thành của mình, chúng ta sẽ có được lòng thương xót và tìm thấy sự tha thứ từ đôi tay nhân từ của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, và từ Vị Nam Tử vâng lời, thanh khiết và toàn hảo của Ngài. Rồi, cùng với Gióp và tất cả những người trung tín đã được tinh luyện, chúng ta sẽ trông thấy được một thế giới quá “lạ lùng” để hiểu. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.