Tin Tưởng vào Giao Ước qua Chúa Giê Su Ky Tô
Khi chúng ta bước vào ngôi nhà của Chúa, chúng ta bước vào một cuộc hành trình học hỏi thiêng liêng để trở thành những môn đồ cao quý hơn và thánh thiện hơn của Đấng Ky Tô.
Các anh chị em thân mến, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ được đổi mới về phần thuộc linh qua các sứ điệp đầy soi dẫn từ các vị lãnh đạo vào dịp cuối tuần này và vui hưởng về điều mà tôi thích gọi là “tin tưởng vào giao ước qua Chúa Giê Su Ky Tô.” Sự tin tưởng này tuy thầm lặng nhưng đảm bảo chắc chắn về việc nhận được các phước lành mà Thượng Đế hứa cho những ai tuân giữ các giao ước mà họ đã lập, và sự tin tưởng này rất cần thiết trong những hoàn cảnh đầy thử thách của chúng ta ngày nay.
Việc xây dựng những ngôi nhà mới của Chúa trên khắp thế giới, dưới sự lãnh đạo đầy soi dẫn của Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã mang đến niềm vui lớn lao cho các tín hữu của Giáo Hội và phục vụ như một biểu tượng quan trọng của sự mở rộng vương quốc của Chúa.
Khi suy ngẫm về kinh nghiệm đầy soi dẫn của tôi tại lễ cung hiến của Đền Thờ Feather River California tháng Mười vừa qua, tôi tự hỏi liệu đôi khi chúng ta có lạc lối trong niềm phấn khích khi có được những đền thờ mới trong thành phố và cộng đồng của mình mà bỏ quên những mục đích thánh thiện hơn của các giao ước thiêng liêng lập trong đền thờ hay không.
Phía mặt trước của mỗi đền thờ đều được khắc một lời tuyên bố trang trọng: “Thánh cho Chúa.” Những từ đầy soi dẫn này là một lời mời gọi rõ ràng rằng khi chúng ta bước vào ngôi nhà của Chúa, chúng ta bước vào một cuộc hành trình học hỏi thiêng liêng để trở thành những môn đồ cao quý hơn và thánh thiện hơn của Đấng Ky Tô. Khi chúng ta lập các giao ước thánh thiện trước Thượng Đế và cam kết noi theo Đấng Cứu Rỗi, chúng ta nhận được quyền năng để thay đổi tấm lòng mình, làm mới tâm hồn chúng ta và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Một nỗ lực như vậy mang lại sự thánh hóa cho tâm hồn chúng ta và hình thành mối liên kết thiêng liêng với Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng hứa rằng chúng ta có thể thừa hưởng ân tứ về cuộc sống vĩnh cửu. Kết quả của cuộc hành trình thiêng liêng này là chúng ta đạt được một sự tin tưởng thánh thiện hơn và cao quý hơn cho cuộc sống hằng ngày của mình trong các giao ước đã được lập qua Chúa Giê Su Ky Tô.
Sự tin tưởng như vậy là giới hạn cao nhất của mối liên kết thiêng liêng giữa chúng ta với Thượng Đế và có thể giúp chúng ta gia tăng lòng tận tâm cũng như lòng biết ơn đối với Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Nó củng cố khả năng của chúng ta để yêu thương và phục vụ người khác, đồng thời củng cố tâm hồn chúng ta để sống trong một thế giới tội lỗi ngày càng tối tăm và chán nản. Nó tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta để vượt qua những mầm mống của sự nghi ngờ và tuyệt vọng, sự sợ hãi và thất vọng, sự đau lòng và tuyệt vọng mà kẻ nghịch thù cố gắng in sâu vào trái tim chúng ta, đặc biệt là khi cuộc sống trở nên khó khăn, thử thách kéo dài hay hoàn cảnh khắc nghiệt. Một câu thánh thư trong kinh thánh đưa ra lời khuyên đúng đắn cho mỗi người chúng ta khi đối mặt với những sóng gió của những thử thách trần tục ngày nay: “Vậy chớ bỏ lòng dạn dĩ mình.”
Thưa các anh chị em, những người có được sự tin tưởng thực sự vào các giao ước được lập trong ngôi nhà của Chúa qua Chúa Giê Su Ky Tô đều sở hữu một trong những quyền năng mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể có được trong cuộc sống này.
Khi chúng ta học tập Sách Mặc Môn trong Hãy Đến Mà Theo Ta năm nay, chúng ta đã chứng kiến cách Nê Phi nêu gương một cách tuyệt vời về quyền năng của việc tin tưởng vào giao ước này qua lòng trung tín của ông khi ông đối mặt với những thất bại và thử thách, như việc đi lấy các bảng khắc như Chúa đã truyền lệnh. Nê Phi, mặc dù vô cùng đau buồn vì sự sợ hãi và thiếu đức tin của La Man và Lê Mu Ên, nhưng vẫn tin tưởng rằng Chúa sẽ giao các bảng khắc cho họ. Ông nói với các anh mình rằng: “Như Chúa là Đấng hằng sống, và cũng như chúng ta đang sống đây, chúng ta sẽ không bao giờ trở về với cha chúng ta trong vùng hoang dã cho đến khi chúng ta làm xong điều mà Chúa đã truyền lệnh.” Nhờ vào sự tin tưởng của Nê Phi nơi những lời hứa của Chúa nên ông đã có thể hoàn thành điều ông đã được truyền lệnh phải làm. Sau này, trong khải tượng của mình, Nê Phi đã nhận thấy ảnh hưởng của việc tin tưởng này, khi ông viết “Tôi, Nê Phi, thấy quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế giáng xuống trên các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con, và trên dân giao ước của Chúa, … và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.”
Tôi đã tận mắt chứng kiến những lời hứa đầy yêu thương và quyền năng của Chúa trút xuống cuộc sống của con cái của Thượng Đế, củng cố họ để đối mặt với những hoàn cảnh trong cuộc sống. Gần đây, vợ tôi về nhà sau buổi thờ phượng trong đền thờ và nói với tôi rằng cô ấy đã vô cùng cảm động trước những gì đã trải nghiệm ở đó. Khi bước vào ngôi nhà của Chúa, cô ấy đã thấy một người đàn ông ngồi xe lăn di chuyển rất chậm và một người phụ nữ chống gậy bước đi rất khó khăn, cả hai đều can đảm đến thờ phượng Chúa trong ngôi nhà của Ngài. Khi vợ tôi bước vào khu vực thực hiện giáo lễ mở đầu, cô ấy nhìn thấy một người chị em đáng mến bị mất một cánh tay—và cánh tay còn lại cũng chỉ còn một phần—đang thực hiện bất kỳ yêu cầu được giao nào một cách thánh thiện và tuyệt vời.
Khi vợ tôi và tôi nói về trải nghiệm đó, chúng tôi đã kết luận rằng chỉ có sự tin tưởng thuần khiết và chân thành vào những lời hứa vĩnh cửu mà Thượng Đế ban cho qua các giao ước thiêng liêng được lập với Ngài trong ngôi nhà của Ngài mới có thể khiến các môn đồ tuyệt vời đó của Đấng Ky Tô rời nhà của họ vào ngày lạnh giá đó, bất chấp hoàn cảnh cá nhân của họ.
Các anh chị em thân mến của tôi, nếu có một điều mà chúng ta có thể sở hữu—và một điều mà chúng ta có thể truyền lại cho con cháu mình để giúp đỡ mỗi người họ trong những thử thách và nghịch cảnh phía trước—thì đó chính là sự tin tưởng vào các giao ước được lập qua Chúa Giê Su Ky Tô. Việc có được sự sở hữu thiêng liêng như vậy sẽ giúp họ sống như Chúa đã hứa với những tín đồ trung tín của Ngài: “Các môn đồ của ta sẽ đứng vững tại những nơi thánh thiện, và sẽ không bị lay chuyển.”
Làm thế nào chúng ta có được sự tin tưởng như vậy qua Chúa Giê Su Ky Tô? Điều đó đến qua sự khiêm nhường, tập trung cuộc sống của chúng ta vào Đấng Cứu Rỗi, sống theo các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao, cũng như tôn trọng các giao ước chúng ta lập với Thượng Đế trong ngôi nhà thánh của Ngài.
Trong lời bế mạc tại đại hội trung ương tháng Mười năm 2019, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta đã nhắc nhở chúng ta về một bước quan trọng trong việc đạt được sự tin tưởng vào giao ước, ông nói rằng: “Sự xứng đáng cá nhân để vào nhà của Chúa đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị thuộc linh của cá nhân. … Sự xứng đáng cá nhân đòi hỏi một sự cải sửa hoàn toàn về tâm trí và tâm hồn để được giống như Chúa hơn, làm một công dân lương thiện, làm một tấm gương tốt hơn và làm một người thánh thiện hơn.” Vì vậy, nếu chúng ta thay đổi sự chuẩn bị của mình để bước vào đền thờ, thì chúng ta sẽ thay đổi kinh nghiệm của mình trong đền thờ, mà điều đó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta ở bên ngoài đền thờ. “Rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế; và giáo lý của chức tư tế sẽ nhỏ giọt xuống tâm hồn ngươi như những hạt sương từ thiên thượng.”
Một vị giám trợ mà tôi biết nhắc đến lớp học gồm các em lớn tuổi nhất trong Hội Thiếu Nhi không phải là lớp “Hội Thiếu Nhi” mà là lớp “chuẩn bị đi đền thờ”. Vào tháng Một, vị giám trợ đó yêu cầu các em trong lớp và giảng viên đến văn phòng của ông để nói về việc họ sẽ dành cả năm để chuẩn bị bước vào đền thờ như thế nào. Vị giám trợ dành thời gian để xem qua các câu hỏi phỏng vấn giấy giới thiệu đi đền thờ thích hợp, sau đó được đưa vào các bài học Hội Thiếu Nhi của các em. Ông mời các em hãy chuẩn bị để khi chúng đến văn phòng giám trợ trong một năm nữa, chúng sẽ tự tin, tin tưởng vào giao ước, sẵn sàng nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ và bước vào ngôi nhà của Chúa. Năm nay vị giám trợ đó có bốn bé gái rất hào hứng, đã chuẩn bị và tự tin đi đền thờ đến nỗi các em muốn ông in giấy giới thiệu đền thờ của các em vào Ngày Đầu Năm Mới lúc 12:01 sáng.
Sự chuẩn bị không chỉ dành cho những người đi đền thờ lần đầu tiên. Tất cả chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị để đi đến ngôi nhà của Chúa. Một giáo khu mà tôi biết đã áp dụng phương châm “Tập trung vào gia đình, được Giáo Hội hỗ trợ, và gắn bó với đền thờ.” Gắn bó là một từ rất thú vị ở chỗ nó có nghĩa là tập trung vào một hướng, nhưng nó cũng có nghĩa là buộc chặt vào hoặc được bảo đảm, đã giải quyết và đã xác định, chắc chắn. Vậy, việc gắn bó với đền thờ sẽ bảo đảm chúng ta được gắn bó với Đấng Cứu Rỗi, mang đến cho chúng ta sự chỉ dẫn đúng đắn và sự ổn định, đồng thời đảm bảo rằng chúng ta có được sự tin tưởng vào giao ước qua Chúa Giê Su Ky Tô. Vậy nên, tất cả chúng ta nên có chủ đích nâng cao sự gắn bó đó bằng cách sắp xếp cuộc hẹn tiếp theo của mình với Chúa trong ngôi nhà thánh của Ngài, cho dù đền thờ ở gần hay xa.
Vị tiên tri yêu dấu, Chủ Tịch Russell M. Nelson, nhắc nhở chúng ta về những nguyên tắc thiết yếu này khi ông nói: “Đền thờ là phần quan trọng nhất trong việc củng cố đức tin và sức mạnh thuộc linh của chúng ta vì Đấng Cứu Rỗi và giáo lý của Ngài chính là trọng tâm của đền thờ. Mọi điều được giảng dạy trong đền thờ, qua sự chỉ dẫn và qua Thánh Linh, gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Các giáo lễ thiết yếu của Ngài kết nối chúng ta với Ngài qua các giao ước của chức tư tế thiêng liêng. Rồi khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng chữa lành và củng cố của Ngài. Và ôi, chúng ta sẽ cần quyền năng của Ngài biết bao trong những ngày sắp tới.”
Đấng Cứu Rỗi mong muốn chúng ta trở nên sẵn sàng để hiểu một cách rõ ràng chính xác cách hành động khi chúng ta lập giao ước với Cha Thiên Thượng trong danh Ngài. Ngài muốn chúng ta sẵn sàng để trải nghiệm những đặc ân, lời hứa và trách nhiệm của mình; để sẵn sàng có được những hiểu biết sâu sắc và thức tỉnh về mặt thuộc linh mà chúng ta cần trong cuộc sống này. Tôi biết rằng khi Chúa thấy dù chỉ một tia khao khát hoặc một chút nỗ lực ngay chính trong sự sẵn lòng của chúng ta để tập trung cuộc sống của mình vào Ngài cũng như vào các giáo lễ và giao ước mà chúng ta lập trong ngôi nhà của Ngài, thì Ngài sẽ ban phước cho chúng ta, theo cách hoàn hảo của Ngài, với những phép lạ và lòng thương xót dịu dàng mà chúng ta cần.
Ngôi nhà của Chúa là nơi chúng ta có thể được biến đổi theo những cách cao quý hơn và thánh thiện hơn. Vậy nên, khi chúng ta bước ra khỏi đền thờ, được biến đổi bởi niềm hy vọng nơi những lời hứa của các giao ước, được trang bị với quyền năng từ trên cao, thì chúng ta mang đền thờ vào nhà và cuộc sống của mình. Tôi đảm bảo với anh chị em rằng việc có thánh linh của ngôi nhà của Chúa trong chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi chúng ta.
Từ kinh nghiệm trong đền thờ, chúng ta cũng biết rằng nếu muốn Thánh Linh của Chúa không bị kiềm chế trong cuộc sống của mình thì chúng ta không thể và không được có những cảm nghĩ không tử tế đối với bất cứ ai. Việc dành chỗ trong lòng hoặc tâm trí của chúng ta cho những cảm xúc hoặc ý nghĩ không tử tế sẽ tạo ra những lời nói và hành động thiếu nhã nhặn, cho dù là trên mạng xã hội hay trong nhà của chúng ta, khiến cho Thánh Linh của Chúa rút lui khỏi lòng chúng ta. Vậy nên, xin đừng đánh mất sự tin tưởng của anh chị em mà thay vào đó, hãy để nó trở nên mạnh mẽ hơn.
Việc xây dựng đền thờ đang được diễn ra và đẩy nhanh sẽ tiếp tục làm chúng ta phấn khởi, soi dẫn và ban phước cho chúng ta. Tuy nhiên, quan trọng hơn, khi chúng ta thay đổi sự chuẩn bị của mình để bước vào đền thờ, thì chúng ta sẽ thay đổi kinh nghiệm của mình trong đền thờ, mà điều đó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta ở bên ngoài đền thờ. Cầu xin cho sự biến đổi này làm cho chúng ta tràn đầy sự tin tưởng vào các giao ước thiêng liêng mà chúng ta đã lập với Thượng Đế qua Chúa Giê Su Ky Tô. Thượng Đế hằng sống, Chúa Giê Su là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, và đây là Giáo Hội được phục hồi của Ngài trên thế gian này. Tôi trang nghiêm tuyên bố những lẽ thật này trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.