Chu Kỳ Đạo Đức Vững Mạnh trong Giáo lý của Đấng Ky Tô
Tôi mời anh chị em hãy sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô một cách tuần hoàn, liên tục, và có chủ ý đồng thời hãy giúp đỡ những người khác trên con đường của họ.
Cách đây nhiều năm, vợ tôi Ruth, con gái chúng tôi Ashley, và tôi đã cùng những du khách khác tham gia chuyến du ngoạn bằng thuyền kayak ở tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ. Thuyền kayak là một loại thuyền nhỏ, có boong sát mặt nước, người chèo thuyền ngồi hướng về phía trước và sử dụng mái chèo đối xứng để chèo luân phiên hai bên mạn thuyền. Kế hoạch là chèo thuyền đến hai hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Oahu và quay trở lại. Tôi cảm thấy tự tin vì khi còn trẻ, tôi đã từng chèo thuyền kayak băng qua các hồ trên núi. Sự tự mãn không bao giờ là điềm tốt, có phải vậy không?
Hướng dẫn viên của chúng tôi đã hướng dẫn và chỉ cho chúng tôi những chiếc thuyền kayak vượt biển mà chúng tôi sẽ sử dụng. Chúng khác với những cái tôi đã chèo trước đây. Đối với loại thuyền này, tôi phải ngồi lên trên thay vì bên trong thuyền. Khi tôi trèo lên loại thuyền kayak này, trọng tâm cơ thể tôi cao hơn loại thuyền mà tôi đã quen trước đó, nên tôi cảm thấy khó giữ thăng bằng trong nước hơn.
Khi chúng tôi bắt đầu, tôi chèo nhanh hơn Ruth và Ashley. Một lúc sau, tôi đã vượt xa họ. Dù tự hào về tốc độ phi thường của mình, tôi vẫn ngừng chèo và đợi họ đuổi kịp. Một cơn sóng lớn—khoảng 13 cm—đánh vào mạn thuyền của tôi và lật úp tôi xuống nước. Khi tôi lật ngược chiếc thuyền trở lại và cố gắng trèo lên thì Ruth và Ashley đã vượt qua tôi, nhưng tôi đã quá mệt để có thể tiếp tục chèo. Trước khi tôi kịp thở, thì một con sóng khác, con sóng này thực sự rất lớn—ít nhất phải 20 cm—đập vào chiếc thuyền của tôi và lật úp tôi lại lần nữa. Sau một lúc chật vật để lật lại chiếc thuyền kayak của mình, tôi đã hụt hơi khiến tôi sợ mình không thể leo lên trên thuyền được nữa.
Nhìn thấy tình trạng của tôi, người hướng dẫn viên đã chèo thuyền tới và giữ chiếc thuyền của tôi lại, giúp tôi leo lên trên dễ dàng hơn. Khi thấy tôi vẫn còn thở dốc đến mức không thể chèo thuyền một mình, cậu ấy đã móc một sợi dây kéo vào chiếc thuyền của tôi và bắt đầu chèo, kéo tôi theo phía sau. Chẳng mấy chốc, tôi đã lấy lại được hơi thở và bắt đầu hoàn toàn tự mình chèo. Cậu ấy thả sợi dây ra và tôi đã đến được hòn đảo đầu tiên mà không cần sự trợ giúp gì thêm. Khi đến nơi, tôi nằm phịch xuống trên cát, kiệt sức.
Sau khi cả nhóm nghỉ ngơi, người hướng dẫn viên nhẹ nhàng nói với tôi: “Thưa Bác Renlund, nếu bác cứ tiếp tục chèo và giữ cái đà của mình, cháu nghĩ bác sẽ ổn thôi.” Tôi làm theo lời khuyên của cậu ấy khi chúng tôi chèo thuyền đến hòn đảo thứ hai rồi quay lại điểm xuất phát. Hai lần liền, người hướng dẫn viên chèo thuyền ngang qua và nói với tôi rằng tôi đang chèo thuyền rất tốt. Những con sóng lớn hơn thậm chí còn đánh vào mạn thuyền của tôi, nhưng tôi không bị lật thuyền.
Bằng cách liên tục đẩy mái chèo, tôi đã duy trì đà của mình và tiến về phía trước, giảm thiểu tác động của sóng đánh vào tôi từ bên mạn thuyền. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng trong cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Chúng ta trở nên dễ bị tổn thương khi đi chậm lại và đặc biệt là khi dừng lại. Nếu duy trì cái đà thuộc linh bằng cách tiếp tục “chèo” về phía Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ được an toàn và chắc chắn hơn vì cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào đức tin của mình nơi Ngài.
Đà thuộc linh được tạo ra “trong suốt cuộc đời khi chúng ta chấp nhận đi chấp nhận lại giáo lý của Đấng Ky Tô.” Làm như vậy, như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy, sẽ tạo ra một “chu kỳ đạo đức vững mạnh.” Quả thật, các yếu tố trong giáo lý của Đấng Ky Tô—chẳng hạn như đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, lập mối quan hệ giao ước với Chúa qua phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng—không nhằm mục đích chỉ để trải nghiệm một lần, đánh dấu là đã xong. Cụ thể, “kiên trì đến cùng” không thật sự là một bước riêng biệt trong giáo lý của Đấng Ky Tô—như thể chúng ta hoàn tất bốn bước đầu tiên và sau đó thu mình lại, nghiến răng, và chờ chết. Không, kiên trì đến cùng là áp dụng một cách tuần hoàn, liên tục các yếu tố khác trong giáo lý của Đấng Ky Tô, tạo ra “vòng tròn đạo đức vững mạnh” mà Chủ Tịch Nelson đã mô tả.
Áp dụng tuần hoàn có nghĩa là chúng ta trải nghiệm đi trải nghiệm lại các yếu tố trong giáo lý của Đấng Ky Tô trong suốt cuộc sống của mình. Áp dụng liên tục có nghĩa là chúng ta xây đắp và cải thiện sau mỗi lần lặp lại. Tuy lặp lại các yếu tố đó nhưng chúng ta không chỉ quay theo vòng tròn mà không tiến về phía trước. Thay vào đó, chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn sau mỗi lần lặp lại chu kỳ.
Đà thúc đẩy đòi hỏi phải có cả tốc độ lẫn hướng đi. Nếu tôi cật lực chèo thuyền kayak mà đi sai hướng, thì tôi có thể đã tạo ra một cái đà đáng kể nhưng không thể tới được đích đến mong muốn. Tương tự như vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần phải “chèo” về phía Đấng Cứu Rỗi để đến cùng Ngài.
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô cần phải được nuôi dưỡng hằng ngày. Đức tin đó được nuôi dưỡng khi chúng ta cầu nguyện hằng ngày, học thánh thư hằng ngày, suy ngẫm về lòng nhân từ của Thượng Đế hằng ngày, hối cải hằng ngày và tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh hằng ngày. Cũng giống như việc nhịn không ăn cho đến ngày Chủ Nhật rồi hả hê ăn uống khẩu phần dinh dưỡng của cả tuần là điều không lành mạnh, thì việc hạn chế hành vi nuôi dưỡng chứng ngôn của chúng ta chỉ trong một ngày trong tuần cũng không lành mạnh về mặt thuộc linh.
Khi nhận trách nhiệm về chứng ngôn của riêng mình, chúng ta có được cái đà thuộc linh và dần dần phát triển đức tin nền tảng nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và giáo lý của Đấng Ky Tô trở thành trọng tâm cho mục đích của cuộc sống. Tương tự như vậy, chúng ta sẽ có được đà thúc đẩy khi cố gắng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và hối cải. Sự hối cải mang lại niềm vui và cho phép chúng ta học hỏi từ những lỗi lầm của mình, cũng là cách chúng ta tiến triển mãi mãi. Chắc chắn chúng ta sẽ có lúc bị lật thuyền và thấy mình đang ở vùng nước sâu. Qua sự hối cải, chúng ta có thể lật lại thuyền và tiếp tục, bất kể chúng ta đã sa ngã bao nhiêu lần. Điều quan trọng là chúng ta không bỏ cuộc.
Yếu tố tiếp theo trong giáo lý của Đấng Ky Tô là phép báp têm, bao gồm phép báp têm bằng nước và qua lễ xác nhận, phép báp têm bằng Đức Thánh Linh. Mặc dù phép báp têm là một sự kiện đặc biệt nhưng chúng ta tái lập giao ước báp têm của mình nhiều lần khi dự phần Tiệc Thánh. Tiệc Thánh không thay thế phép báp têm, nhưng nó liên kết các yếu tố đầu tiên trong giáo lý của Đấng Ky Tô—đức tin và sự hối cải—với việc tiếp nhận Đức Thánh Linh. Khi dự phần Tiệc Thánh một cách tận tâm, chúng ta mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của mình, cũng giống như khi chúng ta chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận. Khi chúng ta tuân giữ giao ước được mô tả trong những lời cầu nguyện Tiệc Thánh, Đức Thánh Linh sẽ trở thành người bạn đồng hành của chúng ta.
Khi Đức Thánh Linh có ảnh hưởng lớn hơn trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ dần dần và liên tục phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Tấm lòng chúng ta sẽ thay đổi. Ý định làm điều ác của chúng ta sẽ giảm đi. Khuynh hướng làm điều tốt của chúng ta sẽ gia tăng cho đến khi chúng ta chỉ muốn “liên tục làm điều tốt.” Và nhờ đó chúng ta có được sức mạnh từ thiên thượng mà cần thiết để kiên trì đến cùng. Đức tin của chúng ta đã tăng trưởng và chúng ta sẵn sàng lặp lại vòng tròn đạo đức vững mạnh này một lần nữa.
Đà thuộc linh hướng về phía trước cũng thúc đẩy chúng ta lập thêm các giao ước với Thượng Đế trong nhà của Chúa. Nhiều giao ước mang chúng ta đến gần Đấng Ky Tô hơn và kết nối chúng ta với Ngài một cách mạnh mẽ hơn. Thông qua các giao ước này, chúng ta có thể tiếp cận được quyền năng của Ngài nhiều hơn. Nói rõ hơn, bản thân các giao ước báp têm và giao ước đền thờ không phải là nguồn sức mạnh. Nguồn sức mạnh chính là Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng của chúng ta. Việc lập và tuân giữ các giao ước tạo ra một cầu nối cho quyền năng của hai Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Khi sống theo những giao ước này, cuối cùng chúng ta trở thành người thừa kế tất cả những gì Cha Thiên Thượng có. Đà thúc đẩy có được nhờ việc sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô không chỉ tạo ra sức mạnh cho sự biến đổi thiên tính của chúng ta thành số mệnh vĩnh cửu của mình mà còn thúc đẩy chúng ta giúp đỡ người khác theo những cách thức thích hợp.
Hãy xem xét cách người hướng dẫn viên thám hiểm đã giúp đỡ tôi sau khi tôi bị lật thuyền. Cậu ấy đã không hét lên từ xa một câu hỏi vô ích, như là “Bác Renlund, bác đang làm gì dưới nước thế?” Cậu ấy không chèo thuyền lại gần và khiển trách tôi rằng: “Bác Renlund, bác sẽ không rơi vào hoàn cảnh này nếu bác có cơ thể khỏe mạnh hơn.” Cậu ấy đã không bắt đầu kéo chiếc thuyền của tôi trong khi tôi đang tìm cách trèo lên thuyền. Và cậu ấy cũng đã không khiển trách tôi trước mặt cả nhóm. Thay vào đó, cậu ấy đã giúp đỡ tôi vào lúc tôi cần. Cậu ấy đã cho tôi lời khuyên khi tôi chịu lắng nghe. Và cậu ấy đã cố gắng hết sức để động viên tôi.
Khi phục sự người khác, chúng ta không cần hỏi những câu hỏi vô ích hoặc nêu ra những điều hiển nhiên. Hầu hết những người đang gặp khó khăn biết rằng họ đang gặp khó khăn. Chúng ta không nên phán xét; phán đoán của chúng ta không mang lại lợi ích gì hoặc không được hoan nghênh và thường thiếu thông tin.
Việc so sánh bản thân mình với người khác có thể khiến chúng ta mắc những sai lầm nguy hiểm, đặc biệt nếu chúng ta kết luận rằng mình ngay chính hơn những người đang gặp khó khăn. So sánh như vậy giống như việc một người bị đuối nước trong vô vọng ở mực nước sâu ba mét, nhìn thấy người quen của mình bị đuối nước ở mực nước sâu bốn mét, phán đoán rằng người ấy mắc tội nặng hơn, và cảm thấy hài lòng về bản thân. Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều đang gặp khó khăn theo cách riêng của mình. Không ai trong chúng ta tự mình đạt được sự cứu rỗi. Chúng ta không bao giờ có thể. Gia Cốp trong Sách Mặc Môn đã dạy: “Xin ghi nhớ rằng, sau khi [chúng ta] đã hòa hiệp với Thượng Đế, chỉ trong và qua ân điển của Thượng Đế [chúng ta] mới được cứu mà thôi.” Tất cả chúng ta đều cần đến Sự Chuộc Tội vô hạn của Đấng Cứu Rỗi, chứ không chỉ là một phần trong đó.
Tất cả chúng ta đều cần đến lòng trắc ẩn, sự cảm thông, và tình yêu thương khi tương tác với những người xung quanh. Những người đang gặp khó khăn “cần cảm nhận tình yêu thương thanh khiết của Chúa Giê Su Ky Tô mà được phản ảnh qua lời nói và hành động của [chúng ta].” Khi phục sự, chúng ta thường xuyên khuyến khích người khác và tình nguyện giúp đỡ. Ngay cả khi có ai đó không hoan nghênh, chúng ta vẫn tiếp tục phục sự khi họ cho phép. Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng “đối với những kẻ như vậy các ngươi cần phải tiếp tục phục sự; bởi vì các ngươi không biết lúc nào những kẻ ấy sẽ trở lại và hối cải, và đến cùng ta với một tấm lòng cương quyết, và ta sẽ chữa lành cho họ; và các ngươi sẽ là phương tiện để đem lại sự cứu rỗi cho họ.” Công việc của Đấng Cứu Rỗi là chữa lành. Công việc của chúng ta là yêu thương—yêu thương và phục sự theo cách mà những người khác sẽ được thu hút đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Đây là một trong những kết quả của chu kỳ đạo đức vững mạnh trong giáo lý của Đấng Ky Tô.
Tôi mời anh chị em hãy sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô một cách tuần hoàn, liên tục, và có chủ ý đồng thời hãy giúp đỡ những người khác trên con đường của họ. Tôi làm chứng rằng giáo lý của Đấng Ky Tô là trọng tâm trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng; xét cho cùng thì đó là giáo lý của Ngài. Khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta được thúc đẩy đi theo con đường giao ước và được thúc đẩy để giúp những người khác trở thành môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể trở thành những người thừa kế vương quốc của Cha Thiên Thượng, đó là đỉnh điểm của việc trung thành sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.