Đại Hội Trung Ương
Gọi Giúp Đỡ, Đừng Ngã
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


9:58

Gọi Giúp Đỡ, Đừng Ngã

Nếu chúng ta kêu cầu Thượng Đế, tôi làm chứng rằng chúng ta sẽ không bị ngã.

Hôm nay tôi muốn bắt đầu bằng việc làm chứng với sự tin chắc trong lòng rằng Chúa lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta và đáp lại theo một cách cá nhân hóa.

Trong một thế giới đang trải qua những thời gian bất ổn, đau đớn, thất vọng và đau thương, chúng ta có thể có xu hướng dựa dẫm nhiều hơn vào khả năng và sở thích cá nhân, cũng như kiến thức và sự an toàn đến từ thế gian. Điều này có thể khiến chúng ta không chú ý đến nguồn trợ giúp và hỗ trợ thực sự mà có thể chống lại những thử thách của cuộc sống trần thế này.

Phòng bệnh viện.

Tôi nhớ có lần tôi phải nhập viện vì bị bệnh và tôi rất khó ngủ. Khi tôi tắt đèn và căn phòng trở nên tối tăm, tôi nhìn thấy một tấm biển phản chiếu trên trần nhà trước mặt có nội dung: “Gọi Giúp Đỡ, Đừng Ngã.” Thật ngạc nhiên, ngày hôm sau tôi nhận thấy thông điệp tương tự được lặp lại ở nhiều nơi trong phòng.

Biển hiệu gọi giúp đỡ, đừng ngã.

Tại sao thông điệp đó lại quan trọng đến vậy? Khi tôi hỏi y tá về điều đó, chị ấy nói: “Đó là để phòng tránh va đập mạnh khiến cho cơn đau trở nên tệ hơn.”

Về bản chất, cuộc sống này mang lại những kinh nghiệm đau đớn, một số do cơ thể của chúng ta, một số do sự yếu đuối hoặc phiền não của chúng ta, một số do cách người khác sử dụng quyền tự quyết của họ, và một số do việc chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình.

Có lời hứa nào mạnh mẽ hơn lời mà chính Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra khi Ngài phán: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa” hoặc gọi “sẽ mở cho”?

Cầu nguyện là phương tiện giao tiếp với Cha Thiên Thượng mà cho phép chúng ta “gọi giúp đỡ và đừng ngã.” Tuy nhiên, có những trường hợp chúng ta có thể nghĩ rằng việc gọi giúp đỡ không được lắng nghe vì chúng ta không nhận được phản hồi ngay lập tức hoặc theo mong đợi của chúng ta.

Điều này đôi khi dẫn đến sự lo lắng, buồn bã hoặc thất vọng. Nhưng hãy nhớ việc Nê Phi bày tỏ đức tin nơi Chúa khi ông nói: “Lẽ nào Ngài lại không thể chỉ dẫn tôi đóng một chiếc tàu được?” Bây giờ, tôi xin hỏi các anh chị em: Lẽ nào Ngài lại không thể chỉ dẫn anh chị em, để chúng ta đừng ngã?

Việc tin tưởng vào những câu trả lời của Thượng Đế ngụ ý chấp nhận rằng đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta và rằng “mọi sự việc phải xảy ra vào thời kỳ của nó.”

Sự chắc chắn về việc biết được rằng chúng ta là con cái của Cha Thiên Thượng đầy yêu thương và nhân từ nên là động lực để “gọi giúp đỡ” trong lời cầu nguyện thành tâm với thái độ “cầu nguyện luôn luôn, và đừng chán nản; … ngõ hầu việc làm của [chúng ta] có thể giúp ích cho sự an lạc của tâm hồn [chúng ta].” Hãy tưởng tượng những cảm nghĩ của Cha Thiên Thượng khi trong mỗi lời cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện trong tôn danh Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi tin rằng quyền năng và sự dịu dàng lớn lao sẽ được thể hiện khi chúng ta làm như vậy!

Thánh thư có đầy dẫy tấm gương của những người cầu nguyện lên Đức Chúa Trời để khỏi sa ngã. Trong khi đối mặt với những nỗi đau khổ, Hê La Man và quân đội của ông đã kêu cầu Thượng Đế, dốc hết tâm hồn để cầu nguyện. Họ nhận được sự bảo đảm, bình an, đức tin và hy vọng, có được lòng can đảm và quyết tâm cho đến khi đạt được mục tiêu của mình.

Hãy tưởng tượng xem Môi Se sẽ gọi giúp đỡ và kêu cầu Thượng Đế như thế nào khi bị kẹt giữa Biển Đỏ và người Ai Cập đang tiến đến tấn công, hay Áp Ra Ham khi tuân theo mệnh lệnh hy sinh con trai mình là Y Sác.

Tôi chắc chắn rằng mỗi người trong số các anh chị em đã và sẽ có những kinh nghiệm mà việc gọi giúp đỡ sẽ có câu trả lời để không bị ngã.

Cách đây ba mươi năm, trong khi vợ tôi và tôi đang chuẩn bị cho lễ kết hôn dân sự và hôn lễ đền thờ, chúng tôi nhận được một cuộc gọi thông báo rằng lễ kết hôn dân sự đã bị hủy bỏ do một cuộc đình công. Chúng tôi nhận được cuộc gọi ba ngày trước buổi lễ. Sau nhiều lần đặt lịch hẹn với các văn phòng khác mà không được, chúng tôi bắt đầu cảm thấy đau khổ và nghi ngờ liệu mình thực sự có thể kết hôn theo dự định hay không.

Vợ sắp cưới của tôi và tôi đã “gọi giúp đỡ”, dâng tâm hồn mình lên Thượng Đế trong lời cầu nguyện. Cuối cùng, có người chỉ cho chúng tôi biết về một văn phòng tại một thị trấn nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố, nơi có một người quen là thị trưởng. Không ngần ngại, chúng tôi đến gặp và hỏi ông ấy liệu có thể làm lễ kết hôn cho chúng tôi không. Ông ấy đã đồng ý trước sự vui mừng của chúng tôi. Thư ký của ông ấy nhấn mạnh với chúng tôi rằng chúng tôi phải lấy được chứng nhận ở thành phố đó và nộp tất cả tài liệu trước buổi trưa ngày hôm sau.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi đến thị trấn nhỏ và đến đồn cảnh sát để xin giấy tờ cần thiết. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, người cảnh sát nói rằng anh ta sẽ không đưa nó cho chúng tôi, bởi vì nhiều cặp vợ chồng trẻ đã trốn gia đình để bí mật kết hôn ở thị trấn đó, tất nhiên đó không phải là trường hợp của chúng tôi. Một lần nữa, nỗi sợ hãi và nỗi buồn lại xâm chiếm chúng tôi.

Tôi nhớ mình đã âm thầm kêu cầu Cha Thiên Thượng để không bị ngã. Tôi đã nhận được một ấn tượng rõ ràng trong tâm trí mình, liên tục nói: “Giấy giới thiệu đi đền thờ, giấy giới thiệu đi đền thờ.” Tôi lập tức lấy giấy giới thiệu đi đền thờ đưa cho người cảnh sát, trước sự bối rối của vợ sắp cưới.

Thật ngạc nhiên khi chúng tôi nghe người cảnh sát nói: “Tại sao anh không cho tôi biết rằng anh đến từ Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô? Tôi biết rõ nhà thờ của anh.” Anh ấy lập tức chuẩn bị tài liệu. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi người cảnh sát đó rời khỏi đồn mà không nói một lời.

Năm mươi phút trôi qua, anh ấy không quay lại. Lúc đó đã là 11 giờ 55 phút sáng và chúng tôi chỉ còn thời gian đến trưa để giao giấy tờ. Đột nhiên anh ấy xuất hiện cùng một chú chó con xinh đẹp và nói với chúng tôi rằng đó là quà cưới và trao nó cho chúng tôi cùng với tài liệu.

Chúng tôi chạy về phía văn phòng thị trưởng, mang theo tài liệu và chú chó mới của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi nhìn thấy một chiếc xe của văn phòng thị trưởng đang tiến về phía chúng tôi. Tôi dừng lại trước chiếc xe. Chiếc xe dừng lại, chúng tôi nhìn thấy người thư ký ở bên trong. Chị ấy nhìn chúng tôi và nói: “Tôi rất tiếc, tôi đã nói với anh là vào buổi trưa. Tôi phải đi làm việc khác.”

Tôi khiêm nhường trong im lặng, hết lòng kêu cầu Cha Thiên Thượng, cầu xin sự giúp đỡ một lần nữa để “không bị ngã.” Đột nhiên, phép lạ đã xảy ra. Người thư ký nói với chúng tôi: “Anh có một con chó thật đẹp. Tôi có thể tìm ở đâu một con như thế cho con trai tôi?”

“Nó dành cho chị,” chúng tôi trả lời ngay lập tức.

Chị thư ký ngạc nhiên nhìn chúng tôi và nói: “Được rồi, chúng ta hãy đến văn phòng và sắp xếp mọi việc.”

Hai ngày sau, Carol và tôi kết hôn theo nghi thức dân sự như đã định, và rồi chúng tôi được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Lima Peru.

Tất nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng việc gọi giúp đỡ là vấn đề về đức tin và hành động—đức tin để nhận ra rằng chúng ta có Cha Thiên Thượng là Đấng đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta theo sự thông sáng vô hạn của Ngài, và sau đó, hành động phù hợp với điều chúng ta cầu xin. Việc cầu nguyện—gọi giúp đỡ—có thể là dấu hiệu cho niềm hy vọng của chúng ta. Nhưng hành động sau khi cầu nguyện là dấu hiệu cho thấy đức tin của chúng ta là có thật, đức tin được thử thách trong những lúc đau đớn, sợ hãi hoặc thất vọng.

Tôi đề nghị anh chị em suy ngẫm những điều sau:

  1. Hãy luôn nghĩ đến Chúa là lựa chọn đầu tiên của anh chị em để được giúp đỡ.

  2. Gọi giúp đỡ, đừng ngã. Hướng về Thượng Đế trong lời cầu nguyện chân thành.

  3. Sau khi cầu nguyện, hãy làm tất cả những gì có thể để nhận được những phước lành mà anh chị em đã cầu nguyện.

  4. Hãy hạ mình để chấp nhận câu trả lời theo kỳ định và cách thức của Ngài.

  5. Xin đừng dừng lại! Hãy tiếp tục tiến bước trên con đường giao ước trong khi chờ đợi câu trả lời.

Có lẽ ngay bây giờ, do hoàn cảnh, có một người nào đó cảm thấy như sắp ngã và muốn “gọi giúp đỡ” giống như Joseph Smith đã làm khi ông thốt lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? … Tay của Ngài còn dừng lại bao lâu nữa?”

Ngay cả trong những hoàn cảnh như vậy, hãy cầu nguyện với “đà thúc đẩy phần thuộc linh,” như Chủ tịch Russell M. Nelson đã dạy, vì những lời cầu nguyện của anh chị em luôn được lắng nghe!

Hãy ghi nhớ bài thánh ca này:

Khi thức giấc ban mai trên giường êm,

Ta có nhớ nguyện cầu?

Trong danh Giê Su Christ là Cứu Chúa,

Ta có nhớ xin Cha ban hồng ân

Làm mộc che suốt ngày?

Ôi êm ái thay lời ta khẩn cầu!

Làm tan biến tối tăm chập chùng.

Nên khi đám mây đen vây đời ta,

Cầu nguyện luôn chớ quên.9

Khi cầu nguyện, chúng ta có thể cảm nhận được vòng tay của Cha Thiên Thượng, là Đấng đã gửi Con Độc Sinh của Ngài đến để giảm bớt gánh nặng cho chúng ta, bởi nếu chúng ta kêu cầu Thượng Đế, tôi làm chứng rằng chúng ta sẽ không ngã. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.