Đại Hội Trung Ương
Lời Nói rất Quan Trọng
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Lời Nói rất Quan Trọng

Lời nói thể hiện thái độ. Chúng nói lên những suy nghĩ, cảm nhận, lẫn kinh nghiệm của chúng ta, dù tốt hay xấu.

Thưa các anh chị em và bạn bè khắp thế giới, tôi lấy làm vinh dự được ngỏ lời với đông đảo các khán thính giả hôm nay, mà nhiều người là tín hữu của Giáo Hội, và nhiều người là bạn bè của chúng ta và lần đầu lắng nghe buổi phát sóng đại hội này. Xin chào mừng!

Các sứ điệp được chia sẻ từ bục nói chuyện này được truyền đạt bằng lời nói. Chúng được trình bày bằng tiếng Anh và được dịch sang gần 100 ngôn ngữ khác nhau. Nhưng cốt lõi thì như nhau. Dù là ngôn ngữ nào thì chúng vẫn là lời nói. Và lời nói thì rất quan trọng. Cho phép tôi lặp lại câu này. Lời nói rất quan trọng!

Chúng là nền tảng cho chúng ta kết nối; chúng tiêu biểu cho những niềm tin, đạo đức, và quan điểm của chúng ta. Đôi khi, chúng ta nói; và những lúc khác, chúng ta lắng nghe. Lời nói thể hiện thái độ. Chúng nói lên những suy nghĩ, cảm nhận, lẫn kinh nghiệm của chúng ta, dù tốt hay xấu.

Đáng tiếc thay, lời nói có thể trở nên thiếu suy nghĩ, vội vàng, và gây đau đớn. Một khi đã nói ra, thì chúng ta không thể rút chúng lại. Chúng có thể làm tổn thương, hành hạ, tàn phá, và thậm chí dẫn đến những hành động hủy hoại. Chúng có thể gây căng thẳng và buồn khổ cho chúng ta.

Mặt khác, lời nói có thể tôn vinh chiến thắng, mang lại hy vọng và sự khích lệ. Chúng có thể thôi thúc chúng ta suy xét lại, khởi động lại, và định hướng lại con đường của mình. Lời nói có thể mở mang tâm trí của chúng ta để thấy được lẽ thật.

Đó là lý do tại sao trước hết lời của Chúa rất quan trọng.

Trong Sách Mặc Môn, tiên tri An Ma và dân ông thời xưa tại Châu Mỹ đã bước vào xung đột liên miên với những người coi thường lời của Thượng Đế, cứng lòng, và làm bại hoại văn hóa của họ. Những người trung tín có thể tiến đánh họ, nhưng An Ma đã khuyên: “Và bấy giờ, vì việc giảng đạo có khuynh hướng dẫn dắt dân chúng làm điều chính đáng—phải, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn gươm đao, hay bất cứ điều gì khác, đã xảy đến cho họ—vậy nên, An Ma nghĩ rằng họ cần phải thử dùng tới hiệu năng của lời Thượng Đế.”

“Lời của Thượng Đế” vượt trội hơn mọi cách diễn đạt khác. Việc ấy đã là như vậy kể từ sự sáng tạo thế gian khi Chúa phán: “Phải có sự sáng; thì có sự sáng.”

Đấng Cứu Rỗi đã ban những lời trấn an này trong Kinh Tân Ước: “Trời đất sẽ qua, song lời ta nói sẽ không qua đâu.”

Và lời này nữa: “Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người.”

Và Ma Ri, mẹ của Chúa Giê Su đã khiêm nhường đưa ra lời chứng này: “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!”

Việc tin và nghe theo lời của Thượng Đế sẽ mang chúng ta đến gần Ngài hơn. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã hứa: “Nếu anh chị em học lời của Ngài, thì anh chị em sẽ gia tăng khả năng để trở nên giống Ngài hơn.”

Chẳng phải tất cả chúng ta đều muốn “thêm ơn phước thánh hóa con, giống Chúa hơn mỗi ngày” đó sao?

Tôi hình dung Joseph Smith trẻ tuổi đang quỳ gối lắng nghe những lời đến từ Cha Thiên Thượng của ông: “[Joseph,] Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy Nghe Lời Người!”

Chúng ta “nghe lời Ngài” qua những lời trong thánh thư, nhưng chúng ta có xem chúng chỉ là những con chữ trên trang giấy, hay là chúng ta biết nhận ra lời mà Ngài đang phán bảo chúng ta? Chúng ta có thay đổi không?

Chúng ta “nghe lời Ngài” trong sự mặc khải cá nhân và những sự thúc giục từ Đức Thánh Linh, trong sự đáp ứng cho lời cầu nguyện, và trong những giây phút khi chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô, qua quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài, mới có thể lấy đi gánh nặng của chúng ta, ban cho chúng ta sự tha thứ và bình an, và ôm chúng ta “trong vòng tay thương yêu của Ngài.”

Thứ hai, lời của các vị tiên tri cũng quan trọng.

Nhiều vị tiên tri làm chứng về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ giảng dạy phúc âm của Ngài và cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho tất cả mọi người. Tôi làm chứng rằng vị tiên tri tại thế của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, luôn nghe và nói lời của Chúa.

Chủ Tịch Nelson rất tài tình trong việc sử dụng lời nói. Ông luôn kêu gọi “Hãy tiếp tục ở trên con đường giao ước,” “Hãy quy tụ Y Sơ Ra Ên,” “Hãy để cho Thượng Đế ngự trị,” “Hãy xây những nhịp cầu thấu hiểu,” “Hãy tạ ơn,” “Hãy gia tăng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô,” “Hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của anh chị em,” và “Hãy trở thành người giải hòa.”

Gần đây nhất, ông đã yêu cầu chúng ta “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của Thượng Thiên.” Ông nói: “Khi anh chị em gặp phải một vấn đề nan giải, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên! Khi bị sự cám dỗ thử thách, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên! Khi cuộc sống hoặc những người thân yêu làm anh chị em thất vọng, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên! Khi ai đó chết “sớm”, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên. …Khi những áp lực của cuộc sống đè nặng lên anh chị em, thì hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên! … Khi nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên thì tâm hồn của anh chị em sẽ dần dần thay đổi, … anh chị em sẽ nhìn những thử thách và sự tương phản dưới một khía cạnh mới, … [và] đức tin của anh chị em sẽ gia tăng.”

Khi nghĩ tới những điều vĩnh cửu của Thượng Thiên, chúng ta thấy được “những điều đúng với sự thật hiện hữu, và đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có.” Trong thế giới chất đầy hỗn loạn và tranh chấp này, tất cả chúng ta đều cần góc nhìn đó.

Anh Cả George Albert Smith, từ lâu trước khi trở thành Chủ Tịch Giáo Hội, đã nói về việc tán trợ vị tiên tri và nghe theo lời của ông ấy. Ông nói: “Bổn phận mà chúng ta làm khi giơ tay lên … là một bổn phận thiêng liêng nhất. … Nó có nghĩa … là chúng ta sẽ đứng phía sau ủng hộ ông; chúng ta sẽ cầu nguyện cho ông; … và chúng ta sẽ cố gắng để làm theo những chỉ dẫn của ông thể như Chúa đang hướng dẫn vậy.” Nói cách khác, chúng ta sẽ chuyên tâm thực hiện theo lời vị tiên tri của mình.

Khi từng người trong số 15 vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải được Giáo Hội toàn cầu của chúng ta tán trợ ngày hôm qua, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về một trong những kinh nghiệm của tôi khi tán trợ vị tiên tri và đón nhận lời của ông. Đối với tôi, kinh nghiệm đó khá giống với điều tiên tri Gia Cốp từng kể lại: “tôi … được nghe cả tiếng nói của Chúa phán với tôi bằng chính giọng nói của Ngài.”

Hình Ảnh
Anh Cả và Chị Rasband tại Thái Lan.

Vào tháng Mười năm ngoái, tôi cùng với vợ tôi là Melanie đến Bangkok, Thái Lan, khi tôi chuẩn bị cho buổi lễ cung hiến ngôi đền thờ thứ 185 của Giáo Hội. Đối với tôi, chỉ định này vừa khó tin, vừa khiến tôi cảm thấy khiêm nhường. Đây là đền thờ đầu tiên ở bán đảo Đông Nam Á. Nó mang một thiết kế kỳ vĩ—với sáu tầng, chín ngọn tháp, tất cả được “sắp đặt” hoàn hảo để trở thành một ngôi nhà của Chúa. Tôi đã suy ngẫm về buổi lễ cung hiến trong nhiều tháng. Điều đọng lại trong tấm lòng và tâm trí của tôi là đất nước này và ngôi đền thờ này đã được chăm sóc, nâng niu trong vòng tay của các vị tiên tri và sứ đồ. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã loan báo về việc xây cất ngôi đền thờ này và Chủ Tịch Nelson là người thông báo lễ cung hiến.

Hình Ảnh
Đền Thờ Bangkok Thailand.

Tôi đã chuẩn bị cho lời cầu nguyện cung hiến suốt nhiều tháng trước đó. Những lời thiêng liêng này đã được dịch sang 12 ngôn ngữ. Chúng tôi đã sẵn sàng. Hoặc là tôi đã nghĩ vậy.

Buổi tối trước lễ cung hiến, tôi chợt tỉnh giấc với một cảm giác bất an, khẩn trương về lời cầu nguyện cung hiến. Tôi cố gắng bỏ qua sự thúc giục, vì nghĩ rằng lời cầu nguyện đã được chuẩn bị xong xuôi rồi. Nhưng Thánh Linh không để yên cho tôi. Tôi cảm nhận được chắc chắn lời cầu nguyện đó đang thiếu một số câu chữ, và bởi kế hoạch thiêng liêng mà chúng đến với tôi trong sự mặc khải, và tôi đã thêm phần đó vào gần cuối lời cầu nguyện: “Cầu xin cho chúng con có thể nghĩ tới những điều vĩnh cửu của Thượng Thiên, biết để cho Thánh Linh của Ngài ngự trị trong cuộc sống của chúng con, và luôn cố gắng trở thành những người hòa giải.” Chúa đang nhắc nhở tôi nghe theo những lời nói của vị tiên tri tại thế của chúng ta: “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của Thượng Thiên,” “để cho Thánh Linh ngự trị,” “cố gắng trở thành những người hòa giải.” Lời nói của vị tiên tri quan trọng đối với Chúa và đối với chúng ta.

Thứ ba, và cực kỳ quan trọng, là lời nói của chính chúng ta. Hãy tin tôi đi, trong thế giới tràn ngập các biểu tượng cảm xúc, lời nói của chúng ta rất quan trọng.

Lời nói của chúng ta có thể mang tính ủng hộ hay giận dữ, vui vẻ hay thô lỗ, giàu thương xót hay vô tâm. Trong giây phút mất bình tĩnh, lời nói có thể như nọc độc, đau đớn và cắm sâu vào tâm hồn—rồi ở lại đó. Lời nói của chúng ta trên mạng, trong tin nhắn, mạng xã hội, hoặc các dòng tweet cũng có ảnh hưởng vượt ra khỏi dự định ban đầu của chúng ta. Vì vậy hãy cẩn thận với điều mà anh chị em nói và cách mà anh chị em nói. Trong gia đình của chúng ta, đặc biệt là với vợ, chồng, và con cái, lời nói của chúng ta có thể giúp gắn kết mọi người, hoặc là gây chia rẽ.

Tôi xin đề nghị ba câu đơn giản mà chúng ta có thể sử dụng để lấy đi cái nọc của những khó khăn và khác biệt, để nâng đỡ, và để làm vững lòng nhau.

“Cảm ơn.”

“Xin lỗi.”

Và những lời yêu thương.

Đừng để dành những câu nói khiêm nhường này cho một dịp đặc biệt hoặc một biến cố. Hãy sử dụng chúng thường xuyên và chân thành, bởi vì chúng cho thấy sự quan tâm đến người khác. Lời nói đang trở nên mất giá trị; xin đừng đi theo con đường đó.

Chúng ta có thể nói “cảm ơn” trên thang cuốn, ở bãi đỗ xe, trong chợ, tại văn phòng làm việc, khi đang xếp hàng, hoặc với hàng xóm hay bạn bè của mình. Chúng ta có thể nói “xin lỗi” khi làm điều sai, khi lỡ một buổi họp, quên ngày sinh nhật của ai đó, hoặc nói lời xót thương khi thấy ai đó bị đau đớn. Chúng ta có thể nói lời yêu thương và những gì mang thông điệp “Tôi đang nghĩ về bạn,” “Tôi quan tâm đến bạn,” “Tôi ở đây vì bạn,” hoặc “Bạn rất có ý nghĩa đối với tôi.”

Tôi xin chia sẻ một ví dụ cá nhân. Các anh em đã có vợ, xin nghe cho kỹ. Các chị em phụ nữ, câu chuyện này cũng sẽ giúp ích cho các chị em đấy. Trước khi nhận được sự chỉ định toàn thời gian trong Giáo Hội, tôi đã đi công tác rất nhiều cho công ty của mình. Tôi vắng nhà khá lâu khi phải đi đến những nơi xa xôi trên thế giới. Và vào cuối ngày, cho dù đang ở đâu đi nữa, tôi vẫn luôn luôn gọi điện thoại về nhà. Khi Melanie, vợ tôi, trả lời điện thoại, và tôi thuật lại công việc của mình, cuộc trò chuyện của chúng tôi luôn luôn dẫn đến lời tỏ bày “anh yêu em” và “em yêu anh”. Mỗi ngày, những lời nói đó trở thành một cái mỏ neo cho tâm hồn và cách hành xử của tôi; chúng là một sự bảo vệ tôi trước những kế hoạch của quỷ dữ. “Melanie, anh yêu em” là minh chứng cho niềm tin quý giá giữa hai chúng tôi.

Chủ Tịch Thomas S. Monson từng nói rằng: “Có những bàn chân cần được củng cố, những bàn tay cần được nắm chặt, những ý nghĩ cần được khích lệ, những tấm lòng cần được soi dẫn, và những người cần được cứu vớt.” Việc nói “cảm ơn”, “xin lỗi” và những lời yêu thương sẽ làm được những điều đó.

Thưa các anh chị em, lời nói thật sự rất quan trọng.

Tôi hứa rằng nếu chúng ta “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô” mà dẫn đến sự cứu rỗi, cùng những lời của các vị tiên tri của chúng ta mà chỉ dẫn và khích lệ chúng ta, cùng chính những lời nói của mình, mà cho thấy con người và tiêu chuẩn của chúng ta, thì quyền năng của thiên thượng sẽ đổ xuống trên chúng ta. “Những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm.” Chúng ta là con cái của Cha Thiên Thượng, và Ngài là Thượng Đế của chúng ta, và Ngài mong mỏi chúng ta nói chuyện bằng “ngôn ngữ của các thiên thần” bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

Tôi yêu thương Chúa Giê Su Ky Tô. Theo những lời của tiên tri Ê Sai trong Kinh Cựu Ước, Ngài là “Đấng Kỳ Diệu, Đấng Mưu Luận, Thượng Đế Toàn Năng, Cha Vĩnh Viễn, Hoàng Tử Bình An.” Và như Sứ Đồ Giăng đã khẳng định, chính Chúa Giê Su Ky Tô là “Ngôi Lời.”

Tôi làm chứng như vậy với tư cách là một Sứ Đồ được kêu gọi vào công việc phục sự thiêng liêng của Chúa, để rao truyền lời của Ngài, và để làm một nhân chứng đặc biệt cho Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In