Đại Hội Trung Ương
Các Giao Ước và Các Trách Nhiệm
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


15:11

Các Giao Ước và Các Trách Nhiệm

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được biết đến là một giáo hội chú trọng tới việc lập các giao ước với Thượng Đế.

“Giáo Hội của anh chị em khác như thế nào với các giáo hội khác?” Câu trả lời của tôi cho câu hỏi quan trọng này đã thay đổi khi tôi trở nên già dặn và khi Giáo Hội phát triển. Khi tôi sinh ra ở Utah vào năm 1932, số tín hữu Giáo Hội của chúng ta chỉ có khoảng 700.000 người, hầu hết tập trung ở Utah và các tiểu bang lân cận. Lúc đó, chúng ta chỉ có 7 đền thờ. Ngày nay con số tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô lên tới hơn 17 triệu người ở khoảng 170 quốc gia. Tính đến ngày 1 tháng Tư này, chúng ta có 189 đền thờ đã được làm lễ cung hiến ở nhiều quốc gia và 146 đền thờ khác đang trong các giai đoạn hoạch định và xây cất khác nhau. Tôi đã cảm thấy phải nói về mục đích của các đền thờ này cũng như lịch sử và vai trò của các giao ước trong sự thờ phượng của chúng ta. Điều này sẽ bổ sung cho những lời giảng dạy đầy soi dẫn của những người nói chuyện trước đây.

I.

Giao ước là sự cam kết làm tròn một số trách nhiệm nhất định. Những cam kết riêng tư rất cần thiết cho việc chỉnh đốn cuộc sống cá nhân của chúng ta và cho việc vận hành của xã hội. Quan niệm này hiện đang bị thử thách. Một nhóm thiểu số lớn tiếng phản đối thẩm quyền của tổ chức và nhấn mạnh rằng mọi người phải được tự do khỏi bất cứ hạn chế nào mà giới hạn quyền tự do cá nhân của họ. Tuy nhiên, chúng ta biết được từ hàng ngàn kinh nghiệm rằng những người từ bỏ một số quyền tự do cá nhân để đạt được lợi thế của việc sống trong các cộng đồng có tổ chức. Những sự từ bỏ như vậy đối với quyền tự do cá nhân chủ yếu dựa trên các cam kết hoặc giao ước, được thể hiện một cách công khai hoặc ngụ ý.

Quân nhân.
Nhân viên y tế.
Lính cứu hỏa.
Những người truyền giáo toàn thời gian.

Sau đây là một số ví dụ về các trách nhiệm theo giao ước trong xã hội của chúng ta: (1) thẩm phán, (2) quân nhân, (3) nhân viên y tế và (4) lính cứu hỏa. Tất cả những người tham gia vào những công việc quen thuộc này đều đưa ra cam kết—thường được chính thức hóa bằng một lời tuyên thệ hoặc thỏa ước—để thực hiện nhiệm vụ được giao cho mình. Điều này cũng giống như vậy với những người truyền giáo toàn thời gian của chúng ta. Quần áo hoặc thẻ tên đặc biệt nhằm cho biết rằng người mặc hoặc đeo các thứ đó đang tuân theo giao ước và do đó có nhiệm vụ phải giảng dạy và phục vụ cũng như cần phải được hỗ trợ trong sự phục vụ đó. Một mục đích có liên quan là nhắc nhở người mặc hoặc đeo các thứ đó về trách nhiệm đối với giao ước của họ. Không có thẩm quyền nào đến từ quần áo hoặc biểu tượng đặc biệt của họ, mà chỉ có một sự nhắc nhở cần thiết về những trách nhiệm đặc biệt mà người mặc hoặc đeo các thứ đó đã đảm nhận. Điều này cũng đúng với các biểu tượng của nhẫn đính hôn hoặc nhẫn cưới cùng vai trò truyền đạt của chúng đến những người quan sát hoặc nhắc nhở người đeo chúng về trách nhiệm của họ đối với giao ước.

Nhẫn cưới.

II.

Những gì tôi đã nói về các giao ước là nền tảng cho việc chỉnh đốn cuộc sống cá nhân mà đặc biệt áp dụng cho các giao ước tôn giáo. Nền tảng và lịch sử của nhiều tổ chức và những đòi hỏi của tôn giáo đều dựa trên các giao ước. Ví dụ, giao ước Áp Ra Ham là nền tảng cho một số truyền thống tôn giáo lớn. Giao ước này mở đầu cho ý tưởng tuyệt vời về những lời hứa giao ước của Thượng Đế với con cái của Ngài. Kinh Cựu Ước thường xuyên đề cập đến giao ước giữa Thượng Đế với Áp Ra Ham và dòng dõi của ông.

Phần đầu tiên của Sách Mặc Môn, được viết trong thời kỳ Cựu Ước, cho thấy rõ vai trò của các giao ước trong lịch sử và sự thờ phượng của dân Y Sơ Ra Ên. Nê Phi được cho biết rằng những bài viết của dân Y Sơ Ra Ên về thời kỳ đó là “biên sử của người Do Thái chứa đựng các giao ước của Chúa, là những giao ước mà Ngài đã lập với gia tộc Y Sơ Ra Ên.” Các sách Nê Phi cũng thường xuyên đề cập đến giao ước Áp Ra Ham và đến Y Sơ Ra Ên như là “dân giao ước của Chúa.” Việc thực hành giao ước với Thượng Đế hoặc các vị lãnh đạo tôn giáo cũng được ghi lại trong các bài viết trong Sách Mặc Môn về Nê Phi, Giô Sép ở Ai Cập, Vua Bên Gia Min, An Ma, và Lãnh Binh Mô Rô Ni.

III.

Khi đến Thời Kỳ Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, Thượng Đế đã kêu gọi một vị tiên tri, Joseph Smith. Chúng ta không biết đầy đủ nội dung của những lời chỉ dẫn ban đầu của thiên sứ Mô Rô Ni dành cho vị tiên tri trẻ tuổi đang trưởng thành này. Nhưng chúng ta biết rằng ông đã nói với Joseph rằng “Thượng Đế có một công việc giao cho [ông] thực hiện” và rằng “Phúc Âm trọn vẹn vĩnh viễn” phải được phổ biến, kể cả “những lời hứa với các tổ phụ.” Chúng ta cũng biết rằng các thánh thư mà thiếu niên Joseph đã đọc rất nhiều—thậm chí trước khi ông được chỉ thị phải tổ chức một giáo hội—là nhiều lời giảng dạy về các giao ước mà ông đang phiên dịch trong Sách Mặc Môn. Sách Mặc Môn chính là nguồn chủ yếu của Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn kể cả kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài và Sách Mặc Môn nhắc rất nhiều tới các giao ước.

Là người đã đọc kỹ Kinh Thánh, Joseph chắc hẳn đã biết sách Hê Bơ Rơ đề cập đến ý định của Đấng Cứu Rỗi là “sẽ cùng nhà Y Sơ Ra Ên và nhà Giu Đa lập một ước mới.” Hê Bơ Rơ cũng đề cập đến Chúa Giê Su là “Đấng trung bảo của giao ước mới.” Điều đáng chú ý là câu chuyện trong Kinh Thánh về giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi có tựa đề là “Kinh Tân Ước,” một từ đồng nghĩa thực sự với “Giao Ước Mới.”

Các giao ước là nền tảng trong Sự Phục Hồi phúc âm. Điều này được cho thấy rõ trong những bước đầu tiên mà Chúa đã chỉ dẫn cho Vị Tiên Tri thực hiện trong việc tổ chức Giáo Hội của Ngài. Ngay sau khi Sách Mặc Môn được xuất bản, Chúa đã hướng dẫn việc tổ chức Giáo Hội phục hồi của Ngài, mà chẳng bao lâu sau được đặt tên là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều mặc khải được ghi lại vào tháng Tư năm 1830 chỉ dẫn rằng có những người “sẽ được thu nhận vào Giáo Hội của Ngài bằng phép báp têm” sau khi họ “làm chứng” (có nghĩa là long trọng làm chứng) “rằng họ đã thực sự hối cải tất cả tội lỗi của mình, và sẵn lòng mang danh Chúa Giê Su Ky Tô, quyết tâm phục vụ Ngài cho đến cùng.”

Cũng chính điều mặc khải này chỉ dẫn rằng Giáo Hội “phải thường xuyên nhóm họp để chia sẻ bánh và rượu [nước] hầu tưởng nhớ tới Chúa Giê Su.” Tầm quan trọng của giáo lễ này được thấy rõ trong những lời dành riêng cho anh cả hoặc thầy tư tế thực hiện giáo lễ. Người này ban phước các biểu tượng của bánh cho “linh hồn của tất cả những ai cùng chia sẻ bánh này …, để họ … được làm chứng cùng Cha, Hỡi Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, rằng họ tình nguyện mang danh Con của Cha, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho họ.”

Vai trò chính yếu của các giao ước trong Giáo Hội mới được phục hồi đã được tái khẳng định trong lời nói đầu mà Chúa ban ra cho lần xuất bản đầu tiên về những điều mặc khải của Ngài. Ở đó, Chúa phán rằng Ngài đã kêu gọi Joseph Smith vì các dân cư trên thế gian “đã đi lạc khỏi các giáo lễ của ta và đã vi phạm giao ước vĩnh viễn của ta.” Điều mặc khải này giải thích thêm rằng các lệnh truyền của Ngài đã được ban “để cho giao ước vĩnh viễn của ta có thể được thiết lập.”

Ngày nay, chúng ta hiểu được vai trò của các giao ước trong Giáo Hội phục hồi và sự thờ phượng của các tín hữu Giáo Hội. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã đưa ra phần tóm tắt này về tác dụng của phép báp têm và việc dự phần Tiệc Thánh hằng tuần của chúng ta: “Mọi tín hữu của giáo hội này mà bước vào nước báp têm đều đã lập một giao ước thiêng liêng. Mỗi lần dự phần Tiệc Thánh của Chúa, chúng ta đều tái lập giao ước đó.”

Chúng ta đã được nhiều người nói chuyện tại đại hội này nhắc nhở rằng Chủ Tịch Russell M. Nelson, thường xuyên đề cập đến kế hoạch cứu rỗi là “con đường giao ước” mà “dẫn chúng ta trở lại với [Thượng Đế]” và “mục đích chính là về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế.” Ông dạy về ý nghĩa của các giao ước trong các nghi lễ đền thờ của chúng ta và khuyên nhủ chúng ta phải nhìn thấy kết quả cuối cùng trước khi bắt đầu và “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên.”

IV.

Giờ đây, tôi nói thêm về các giao ước đền thờ. Để làm tròn trách nhiệm của mình nhằm phục hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, Tiên Tri Joseph Smith đã dành phần lớn những năm cuối đời của mình để hướng dẫn việc xây cất một đền thờ ở Nauvoo, Illinois. Qua ông, Chúa đã mặc khải những lời giảng dạy, giáo lý và giao ước thiêng liêng cho những người kế nhiệm ông để thực hiện trong đền thờ. Ở đó những người được làm lễ thiên ân phải được giảng dạy về kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế và được mời lập các giao ước thiêng liêng. Những người nào sống thành tín với các giao ước đó đều được hứa ban cho cuộc sống vĩnh cửu, trong đó “mọi sự là của họ” và họ “sẽ được ở trong chốn hiện diện của Thượng Đế và Đấng Ky Tô của Ngài mãi mãi và đời đời.”

Các lễ thiên ân trong Đền Thờ Nauvoo đã được thực hiện ngay trước khi những người tiền phong đầu tiên của chúng ta bị trục xuất để bắt đầu cuộc hành trình lịch sử của họ đến những vùng núi non ở miền Tây. Chúng ta có những chứng ngôn của nhiều người tiền phong rằng quyền năng mà họ nhận được khi được gắn kết với Đấng Ky Tô trong lễ thiên ân trong Đền Thờ Nauvoo đã mang lại cho họ sức mạnh để thực hiện cuộc hành trình hùng tráng của họ và định cư lập nghiệp ở miền Tây.

Những người nào đã được làm lễ thiên ân trong một đền thờ đều có trách nhiệm mặc trang phục đền thờ, một bộ quần áo không thể nhìn thấy được vì nó được mặc bên dưới lớp áo quần bên ngoài. Nó nhắc nhở các tín hữu đã được làm lễ thiên ân về các giao ước thiêng liêng mà họ đã lập và các phước lành mà họ đã được hứa trong đền thờ thánh. Để đạt được các mục đích thiêng liêng đó, chúng ta được chỉ thị phải liên tục mặc trang phục đền thờ, với những trường hợp ngoại lệ hiển nhiên là cần thiết. Vì các giao ước không có ngày nghỉ nên việc một người cởi bỏ trang phục của họ có thể được hiểu là từ chối các trách nhiệm và phước lành liên quan đến giao ước mặc trang phục. Ngược lại, những người nào mặc trang phục của họ một cách thành tín và tuân giữ các giao ước đền thờ đều tiếp tục khẳng định vai trò của họ là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Bản đồ các đền thờ.

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang xây cất các đền thờ trên khắp thế giới. Mục đích của họ là ban phước cho các con cái giao ước của Thượng Đế bằng việc thờ phượng trong đền thờ cũng như với những trách nhiệm và quyền năng thiêng liêng cùng các phước lành độc nhất vô nhị được ràng buộc với Đấng Ky Tô mà họ nhận được qua giao ước.

Đền Thờ São Paulo Brazil.

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được biết đến là một giáo hội chú trọng tới việc lập các giao ước với Thượng Đế. Các giao ước vốn có trong mỗi một giáo lễ cứu rỗi và tôn cao mà Giáo Hội phục hồi này thực hiện. Giáo lễ báp têm và các giao ước có liên quan với giáo lễ đó là những điều kiện để bước vào thượng thiên giới. Các giáo lễ và các giao ước có liên quan của đền thờ là những điều kiện để được tôn cao trong thượng thiên giới, tức là cuộc sống vĩnh cửu, là “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.” Đó là trọng tâm của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đứng đầu Giáo Hội đó, và cầu xin các phước lành của Ngài cho tất cả những ai cố gắng tuân giữ các giao ước thiêng liêng của họ. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.