Đại Hội Trung Ương
“Hãy Yên Tâm, và Hiểu Rằng Ta Là Thượng Đế”
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


14:43

“Hãy Yên Tâm, và Hiểu Rằng Ta Là Thượng Đế”

Chúng ta có thể yên tâm và biết rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng, chúng ta là con cái của Ngài, và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Trong một buổi mở cửa cho công chúng vào tham quan và làm truyền thông gần đây cho ngôi nhà mới của Chúa, tôi đã dẫn một nhóm nhà báo đi tham quan công trình kiến trúc thiêng liêng này. Tôi đã diễn giải cho họ về mục đích của đền thờ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô cũng như trả lời nhiều câu hỏi tuyệt hay của họ.

Trước khi bước vào căn phòng thượng thiên, tôi giải thích rằng căn phòng đặc biệt này trong ngôi nhà của Chúa tượng trưng cho sự bình an và vẻ đẹp của ngôi nhà thiên thượng mà chúng ta có thể trở về sau cuộc sống này. Tôi cho các vị khách biết rằng chúng tôi sẽ không nói chuyện khi ở trong phòng thượng thiên, nhưng tôi sẽ sẵn lòng trả lời bất kỳ câu hỏi nào sau khi chúng tôi di chuyển đến điểm dừng tiếp theo trong chuyến tham quan.

Sau khi chúng tôi rời phòng thượng thiên và tập trung tại địa điểm tiếp theo, tôi hỏi các vị khách của mình xem họ có điều gì muốn chia sẻ không. Một nhà báo vô cùng xúc động nói: “Tôi chưa bao giờ được trải nghiệm một điều tuyệt diệu như vậy trong suốt cuộc đời mình. Tôi không hề biết trên thế gian này lại tồn tại một sự tĩnh lặng đến tột cùng như vậy; đơn giản là tôi không tin rằng trên đời này lại xuất hiện một sự tĩnh mịch đến như vậy.”

Tôi choáng ngợp trước sự chân thành và thẳng thắn trong lời phát biểu của vị nhà báo. Và phản ứng của nhà báo ấy đã nêu bật một khía cạnh quan trọng của sự tĩnh lặng – vượt qua và thoát ra khỏi sự huyên náo của môi trường vây quanh chúng ta.

Sau này, khi tôi suy ngẫm về lời nhận xét của vị nhà báo nọ và suy ngẫm về nhịp sống hối hả thường ngày trong xã hội hiện đại của chúng ta—sự bận rộn, ồn ào, lạc lối, xao lãng và luẩn quẩn, những thứ không ngừng hút cạn sự chú tâm của chúng ta—một câu thánh thư đã đến với tâm trí tôi: “Hãy yên tâm, và hiểu rằng ta là Thượng Đế.”

Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ soi sáng mỗi người chúng ta khi chúng ta xem xét một khoảng không tĩnh lặng cao hơn và thánh thiện hơn trong cuộc sống của mình—sự tĩnh lặng thuộc linh bên trong tâm hồn giúp chúng ta biết và nhớ rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng, chúng ta là con cái của Ngài, và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Phước lành phi thường này dành cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội đang cố gắng một cách trung tín để trở thành “dân giao ước của Chúa.”

Hãy Yên Tâm

Vào năm 1833, Các Thánh Hữu tại Missouri đã phải gánh chịu một cuộc đàn áp dữ dội. Đám đông khủng bố đã đuổi họ ra khỏi nhà của họ tại Hạt Jackson, và một số tín hữu Giáo Hội đã cố gắng xây dựng lại cơ nghiệp tại các hạt lân cận. Nhưng cuộc đàn áp vẫn tiếp tục và có rất nhiều lời đe dọa tước đoạt mạng sống. Trong những hoàn cảnh đầy thử thách này, Chúa đã mặc khải lời chỉ dẫn sau đây cho Tiên Tri Joseph Smith tại Kirtland, Ohio:

“Vậy nên, hãy để cho lòng mình được an ủi về Si Ôn; vì mọi xác thịt đều ở trong tay ta; hãy yên tâm và hiểu rằng ta là Thượng Đế.”

Tôi tin rằng lời khuyên “hãy yên tâm” của Chúa đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đơn thuần không nói chuyện hoặc không di chuyển. Có lẽ Ngài muốn chúng ta ghi nhớ và trông cậy vào Ngài cũng như quyền năng của Ngài “bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà [chúng ta] hiện diện.” Do đó, “hãy yên tâm” có thể là một cách để nhắc nhở chúng ta không ngừng tập trung vào Đấng Cứu Rỗi như là nguồn gốc tối cùng của sự tĩnh lặng thuộc linh cho linh hồn, củng cố chúng ta để thực hiện và vượt qua những điều khó khăn.

Xây dựng trên Nền Đá

Đức tin chân thật là luôn tập trung vào và nơi Chúa Giê Su Ky Tô—vào Ngài là Con Trai Độc Sinh và Thiêng Liêng của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và nơi Ngài cùng sứ mệnh cứu chuộc mà Ngài đã hoàn tất.

“Vì Ngài đã đáp ứng cho mục đích của luật pháp, và Ngài tuyên nhận tất cả những ai có đức tin nơi Ngài; và những ai có đức tin nơi Ngài đều sẽ gắn bó với mọi điều tốt lành; vậy nên Ngài biện hộ cho chính nghĩa của con cái loài người.”

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc, Đấng Trung Gian, và Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và là tảng đá mà trên đó chúng ta nên xây dựng nền tảng thuộc linh cho cuộc sống của mình.

Hê La Man đã giải thích: “Hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được.”

Biểu tượng Đấng Ky Tô được ví như một “tảng đá” mà chúng ta nên xây dựng nền tảng cuộc sống của mình trên đó mang đậm tính chỉ dẫn. Xin lưu ý trong câu thánh thư này rằng Đấng Cứu Rỗi không phải là nền tảng. Đúng hơn, chúng ta được răn dạy phải xây dựng nền tảng thuộc linh cá nhân của mình trên Ngài.

Nền móng là một phần giúp gắn kết một công trình với mặt đất. Một nền móng vững chắc sẽ bảo vệ công trình khỏi thiên tai và nhiều thế lực phá hoại khác. Một nền móng vững chắc cũng giúp phân bổ trọng lượng của công trình trên một diện tích lớn để tránh làm quá tải lớp đất bên dưới và cung cấp một mặt phẳng cho việc xây dựng.

Ngôi nhà trên nền móng vững chắc.

Một sự gắn kết chắc chắn và đáng tin cậy giữa mặt đất và nền móng là điều cần thiết nếu một công trình muốn duy trì sự vững chắc và ổn định theo thời gian. Và đối với một vài loại công trình cụ thể, các chốt neo và thanh thép có thể được sử dụng để gắn nền móng của một công trình vào “đá nền,” một lớp đá cứng, rắn chắc bên dưới các vật liệu bề mặt như đất và sỏi.

Ngôi nhà bám chắc vào lớp đá nền.

Tương tự như vậy, nền tảng cuộc sống của chúng ta phải được gắn kết với tảng đá của Đấng Ky Tô nếu chúng ta muốn duy trì sự vững mạnh và kiên trì trong đức tin. Các giao ước và giáo lễ thiêng liêng của phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi có thể được so sánh với những chiếc chốt neo và những thanh thép được sử dụng để gắn kết một công trình với lớp đá nền. Mỗi khi chúng ta tiếp nhận, xem xét, tưởng nhớ và tái lập các giao ước thiêng liêng một cách trung tín, thì những chiếc neo thuộc linh của chúng ta sẽ được gắn chặt hơn bao giờ hết vào “tảng đá” của Chúa Giê Su Ky Tô.

“Vậy nên, người nào tin Thượng Đế thì chắc chắn hy vọng sẽ được một thế giới tốt đẹp hơn, phải, một chỗ bên tay phải của Thượng Đế. Niềm hy vọng này do đức tin mà có, và là một chiếc neo đối với linh hồn loài người, làm cho họ được chắc chắn vững vàng, luôn luôn dồi dào những việc làm tốt đẹp và được dẫn dắt để tôn vinh Thượng Đế.”

Thịnh vượng và tăng trưởng chỉ trong “ít lâu sau,” “đức hạnh [sẽ] làm đẹp tư tưởng của [chúng ta] luôn luôn;” niềm tin của chúng ta “sẽ [ngày càng vững mạnh] trong sự hiện diện của Thượng Đế,” và “Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên [chúng ta].” Chúng ta trở nên vừng vàng, vững chắc, chắc chắn và ổn định hơn. Khi nền móng của cuộc sống của chúng ta được xây dựng trên Đấng Cứu Rỗi, chúng ta được phước để “yên tâm”—để có một sự đảm bảo thuộc linh rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta, chúng ta là con cái của Ngài, và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Thời Gian Thiêng Liêng, Những Nơi Thánh Thiện và Mái Gia Đình

Chúa ban cho chúng ta thời gian thiêng liêng và những nơi thánh thiện để giúp chúng ta trải nghiệm và học hỏi về sự tĩnh lặng nội tâm trong tâm hồn mình.

Ví dụ, ngày Sa Bát là ngày của Thượng Đế, một thời gian thiêng liêng được biệt riêng để tưởng nhớ và thờ phượng Đức Chúa Cha trong danh Con của Ngài, tham gia vào các giáo lễ của chức tư tế, cũng như tiếp nhận và tái lập các giao ước thiêng liêng. Mỗi tuần, chúng ta có cơ hội thờ phượng Chúa trong thời gian học tập tại nhà cũng như với tư cách là “người đồng quốc với các thánh đồ” trong lễ Tiệc Thánh và các buổi họp khác của chúng ta. Trong ngày thánh của Ngài, những ý nghĩ, hành động, và cử chỉ của chúng ta là các dấu hiệu để dâng lên Thượng Đế và là một dấu chỉ cho tình yêu thương chúng ta dành cho Ngài. Mỗi Chủ Nhật, thể theo ước muốn cá nhân, chúng ta có thể yên tâm và biết rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng, chúng ta là con cái của Ngài, và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Một đặc tính trọng tâm trong sự thờ phượng vào ngày Sa Bát của chúng ta là “phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh [của chúng ta] vào ngày thánh [của Chúa].” “[Các] nhà nguyện” mà trong đó chúng ta quy tụ vào ngày Sa Bát là những nhà hội và những cơ sở vật chất khác đã được chấp thuận—những nơi thánh thiện để tôn kính, thờ phượng và học hỏi. Mỗi nhà hội và cơ sở vật chất đều đã được thẩm quyền chức tư tế làm lễ cung hiến là nơi mà Thánh Linh của Chúa có thể ngự và là nơi mà con cái của Thượng Đế có thể có được “sự hiểu biết về Đấng Cứu Chuộc của họ.” Thể theo ước muốn cá nhân, chúng ta có thể “yên tâm” trong những nơi thờ phượng thánh thiện của mình và biết chắc chắn hơn bao giờ hết rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng, chúng ta là con cái của Ngài, và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Đền thờ là một nơi thánh thiện khác được biệt riêng để thờ phượng, phục vụ Thượng Đế và học hỏi về các lẽ thật vĩnh cửu. Chúng ta suy nghĩ, hành động, và ăn mặc một cách khác biệt khi ở trong ngôi nhà của Chúa so với bất kỳ nơi nào khác mà chúng ta hay lui tới. Trong ngôi nhà thánh của Ngài, thể theo ước muốn cá nhân, chúng ta có thể yên tâm và biết rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng, chúng ta là con cái của Ngài, và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Các mục đích chính của thời gian thiêng liêng và những nơi thánh thiện là hoàn toàn giống nhau: để liên tục tập trung sự chú ý của chúng ta vào Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, quyền năng gây dựng của Đức Thánh Linh, và các phước lành gắn liền với các giáo lễ và giao ước thiêng liêng của phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi.

Hôm nay, tôi xin nhắc lại một nguyên tắc mà tôi đã từng nhấn mạnh trước đây. Mái gia đình của chúng ta phải là sự kết hợp tối thượng của cả thời gian thiêng liêng lẫn nơi thánh thiện mà trong đó các cá nhân và gia đình có thể “yên tâm” và hiểu rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng, chúng ta là con cái của Ngài, và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Dĩ nhiên việc rời khỏi nhà để thờ phượng vào ngày Sa Bát và trong nhà của Chúa là một bổn phận thiết yếu. Nhưng chỉ khi chúng ta trở về nhà với quan điểm thuộc linh và sức mạnh có được tại những nơi và trong các sinh hoạt thánh thiện đó, lúc ấy chúng ta mới có thể duy trì sự tập trung của mình vào các mục tiêu chính yếu của cuộc sống trần thế và vượt qua những cám dỗ rất phổ biến trong thế giới sa ngã của chúng ta.

Những kinh nghiệm liên tục về Ngày Sa Bát, đền thờ và mái gia đình sẽ củng cố chúng ta với quyền năng của Đức Thánh Linh, với mối liên hệ giao ước liên tục và sâu sắc theo Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và với “một hy vọng hết sức xán lạn” nơi những lời hứa vĩnh cửu của Thượng Đế.

Khi mái gia đình và Giáo Hội hiệp làm một trong Đấng Ky Tô, chúng ta có thể gặp khó khăn mọi đàng, nhưng chúng ta sẽ không cảm thấy đau khổ trong tâm trí và tấm lòng mình. Chúng ta có thể bị bối rối trước hoàn cảnh và thử thách của mình, nhưng chúng ta sẽ không tuyệt vọng. Chúng ta có thể bị bách hại, nhưng chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng chúng ta không bao giờ đơn độc một mình. Chúng ta có thể nhận được sức mạnh thuộc linh để trở nên vững chắc, kiên định và chân thật.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Tôi hứa rằng khi chúng ta xây dựng nền tảng cuộc sống của mình trên “tảng đá” của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được Đức Thánh Linh ban phước để nhận được sự tĩnh lặng thuộc linh và cá nhân để giúp chúng ta biết và ghi nhớ rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta, chúng ta là con cái của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, và chúng ta có thể được ban phước để thực hiện và vượt qua những điều khó khăn.

Tôi hân hoan làm chứng rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng, chúng ta là con cái của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta và là “tảng đá” cứu rỗi của chúng ta. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.