“Phước Thay Cho Những Kẻ Giải Hòa”
Hòa bình là ưu tiên hàng đầu mà chúng ta cần theo đuổi
Trong số những sinh hoạt gia đình đáng ghi nhớ nhất của gia đình chúng tôi là các chuyến đi viếng thăm Đất Thánh. Đối với chúng tôi, các chuyến đi viếng thăm phần đất đó của thế giới là sự thay đổi cuộc sống. Nhưng giờ đây, Đất Thánh là vạc dầu sôi lửa đỏ và nơi cấm lui tới đối với những người muốn đi đến đó để có được phần thuộc linh thêm phong phú. Thực sự tất cả các phần đất trên thế giới đều bị dày xéo bởi những hành động khủng bố mà trước đây không hề được biết đến. Sự hoang mang đến với nhiều người cầu xin được hòa bình nhưng e ngại chạm trán với kẻ thù khủng bố này.
Hòa Bình đối đầu với Sự Bất Hòa
Các thời kỳ đầy hiểm họa mà chúng ta đang sống đã được tiên tri trong thánh thư. Thời kỳ của chúng ta đã được thấy trước là một thời kỳ với “khói lửa, bão tố và sương mù trong những xứ ngoài; “… những cuộc chiến tranh, những tiếng đồn về chiến tranh, cùng các trận động đất ở nhiều nơi” “… sự ô nhiểm lớn lao lan tràn khắp mặt địa cầu;… cùng mọi hành vi khả ố.”1
Lời tiên tri đó lặp lại một đoạn tường thuật trong thánh thư trước đó về thế hệ thứ hai của cuộc sống 2 loài người trên thế gian: “Và trong những ngày đó Sa Tan có quyền thống trị rất lớn lao giữa loài người, và gây cuồng nộ trong tâm hồn họ; và từ đó có chiến tranh và đổ máu; và bàn tay của con người chống lại anh em của mình,… để tìm kiếm quyền hành.”3 Từ thời của Ca In và A Bên,4 Ê Sau và Gia Cốp,5 và Giô Sép mà bị đem bán sang Ai Cập,6 ngọn lửa thù địch đã bị châm thêm vào bởi sự thù hận trong gia đình.
Lòng căm thù giữa anh em và chòm xóm giờ đây đã thu hẹp những thành phố thiêng liêng thành những địa điểm đau buồn. Khi tôi nghĩ về cảnh ngộ khốn khổ của những nơi như thế, tôi nhớ đến câu châm ngôn xưa: “Kẻ nhạo báng châm lửa cho thành thiêu cháy; nhưng người khôn ngoan làm nguôi cơn giận.”7
Sự Hướng Dẫn của Giáo Lý
Thánh thư soi sáng sự hiểu biết về cả nguyên nhân lẫn phương thuốc cho bệnh căm thù của nhân loại: “Con người tự nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Thánh Linh, cởi bỏ con người tự nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô.”8
Hòa bình chỉ có thể chiếm ưu thế khi nào khuynh hướng tự nhiên của tính hiếu chiến được thay thế bằng một quyết tâm của cá nhân sống theo một trình độ cao hơn. Việc đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô là “Chúa Bình An”9 là con đường dẫn đến hòa bình trên thế gian và thiện ý giữa con người.10 Ngài đã hứa cùng chúng ta: “Phước thay cho những kẻ giải hòa, vì họ sẽ được là con cái của Thượng Đế.”11
Chúa Giê Su giảng dạy con người cách sống chung với nhau. Ngài tuyên phán hai giáo lệnh lớn: thứ nhất, hãy “hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi,”12 và thứ hai, hãy “yêu kẻ lân cận như mình.”13
Rồi Ngài thêm vào: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”14
Ngài đã dạy về Khuôn Vàng Thước Ngọc: “Ấy vậy hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ.”15 Nguyên tắc này được tìm thấy hầu như trong mọi tôn giáo lớn. Những nhà lãnh đạo tôn giáo khác như Khổng Tử và A Rít Tốt cũng đã giảng dạy điều này.16 Xét cho cùng, phúc âm không bắt đầu với sự giáng sinh của Hài Đồng Giê Su nơi Bết Lê Hem. Phúc âm là vĩnh cửu. Phúc âm được rao truyền từ lúc khởi thủy cho A Đam và Ê Va. Các phần của phúc âm đã được bảo tồn trong nhiều văn hóa. Ngay cả những chuyện thần thoại của người ngoại đạo cũng đã được thêm thắt vào với những phần của lẽ thật từ các gian kỳ xưa.
Bất cứ nơi nào mà được tìm thấy và được bày tỏ bằng cách nào, thì Khuôn Vàng Thước Ngọc cũng chứa đựng đạo lý của vương quốc Thượng Đế. Nó nghiêm cấm người này vi phạm vào quyền hạn của người kia. Nó ràng buộc một cách đồng đều các quốc gia, các mối quan hệ và các cá nhân. Với lòng trắc ẩn và tính chịu đựng, nó thay thế phản ứng trả đũa của việc “mắt đền mắt, răng đền răng.”17 Nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống theo nguyên tắc cũ xưa và vô giá trị đó, thì chắc chúng ta đã bị mù mắt và mất hết răng.18
Khái niệm này của việc đối xử với những người khác giống như một người muốn được đối xử thì rất dễ hiểu. Và nó thừa nhận bản tính quý giá của mỗi người con trai và con gái của Thượng Đế.19 Thánh thư đòi hỏi cha mẹ phải dạy con cái không được “gây gổ, kình chống nhau, và thuần phục quỷ dữ, vốn là chủ của tội lỗi.” Thay vì thế, chúng ta “dạy chúng biết thương yêu nhau và phục vụ cho nhau.”20
Chúa Giê Su giảng dạy tầm quan trọng của việc hòa giải và giải quyết tranh chấp trên căn bản cá nhân. Ngài phán: “Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán…
“Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình,
“Thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ.”21
Đấng Thầy đã dạy chúng ta “nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, để Cha các ngươi ở trên trời cũng tha lỗi cho các ngươi.
“Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.”22
Chúa Giê Su đã phán rằng ngày phán xét sẽ đến. Tất cả mọi người sẽ phải khai trình về cuộc sống trần thế của mình và cách thức họ đã đối xử với người khác.23
Các Bổn Phận Công Dân
Các giáo lệnh về việc yêu mến Thượng Đế và người lân cận thì có liên hệ với nhau. Chúng ta không thể yêu mến Thượng Đế một cách trọn vẹn mà không yêu mến người lân cận của mình. Chúng ta không thể yêu mến người lân cận của mình một cách trọn vẹn mà không yêu mến Thượng Đế. Con người thực sự là anh [chị] em với nhau bởi vì Thượng Đế thực sự là Cha của chúng ta. Tuy nhiên, thánh thư có đầy dẫy những câu chuyện bất hòa và kình chống nhau. Thánh thư lên án nghiêm khắc những cuộc chiến xâm lược nhưng lại tán trợ các bổn phận công dân để bảo vệ gia đình và sự tự do của họ.24 Bởi vì “chúng tôi tin ở sự phục tùng các vua chúa, các tổng thống, các nhà cai trị và các pháp quan, cùng ở sự tuân theo, tôn trọng và tán trợ luật pháp,”25 nên các tín hữu của Giáo Hội này sẽ được kêu gọi nhập ngũ trong nhiều quốc gia. “Chúng tôi tin rằng các chính phủ được Thượng Đế lập ra vì lợi ích của loài người; và rằng Ngài làm cho loài người phải có trách nhiệm về những hành động của họ đối với các chính phủ của họ, cả trong việc làm ra các luật pháp lẫn việc thi hành những luật pháp đó, vì lợi ích và sự an toàn của xã hội.”26
Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến khi các tín hữu của Giáo Hội bị bắt buộc phải chiến đấu bên kia chiến tuyến, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã khẳng định rằng “Chính phủ có trách nhiệm điều khiển công dân hay thần dân của họ, vì sự bảo vệ chính trị của họ, và việc thi hành các chính sách chính trị, trong nước và ngoài nước… . Giáo Hội, theo đó, không có trách nhiệm nào đối với các chính sách này, [ngoài việc] khuyến khích các tín hữu Giáo Hội phục vụ trung thành xứ sở của mình.”27
Có Thể Có Được Hòa Bình
Bởi vì dòng lịch sử dài của lòng thù địch trên thế gian, nên nhiều người cảm thấy rằng hòa bình là điều vô vọng. Tôi không đồng ý . Có thể có hòa bình. Chúng ta có thể học hỏi yêu thương đồng loại của mình trên khắp thế gian. Dù họ là người đạo Do Thái, đạo Hồi hay là người đồng đạo Ky Tô hữu, dù họ theo đạo Ấn, là Phật tử, hay gì khác nữa, thì chúng ta cũng có thể sống chung với sự thán phục và kính trọng cho nhau, mà không cần phải từ bỏ tín ngưỡng của mình. Những điều mà chúng ta có chung thì lớn hơn những khác biệt của chúng ta. Hòa bình là ưu tiên hàng đầu mà chúng ta cần theo đuổi. Các vị tiên tri thời Cựu Ước có lòng tràn đầy hy vọng cho hòa bình thì chúng ta cũng cần như thế. Tác giả Thi Thiên đã nói: “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.”28 “Ngài dẹp yên giặc cho đến đầu cùng trái đất.”29
Tổ Phụ Áp Ra Ham là người độc nhất được gọi là “Bạn của Thượng Đế.”30 Hòa bình là một trong số các ưu tiên cao nhất của Áp Ra Ham. Ông đã tìm cách làm “vị hoàng tử bình an.”31 Ảnh hưởng của ông có thể tác động mạnh việc theo đuổi hòa bình của chúng ta hiện nay. Các con trai của ông, Ích Ma Ên và Y Sác, mặc dù sinh ra từ những bà mẹ khác nhau, đã khắc phục được những dị biệt khi dấn thân vào chính nghĩa chung. Sau khi cha của họ qua đời, họ đã cùng nhau làm việc để chôn cất thi hài của người cha được tôn cao của họ.32 Con cháu của họ có thể noi theo gương mẫu này.
Hậu duệ của Áp Ra Ham có một tiềm năng thiêng liêng đã được quy định trước. Chúa phán rằng Ích Ma Ên sẽ trở thành một dân tộc hùng mạnh33 và dòng dõi Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp sẽ ban phước cho tất cả mọi dân tộc trên thế gian.34
Như thế con cháu của Áp Ra Ham—được giao phó với những lời hứa lớn lao về ảnh hưởng vô tận—nắm giữ vị trí then chốt nổi bật với tư cách là những người hòa giải. Được Đấng Toàn Năng chọn lựa, họ có thể hướng tiềm năng mạnh mẽ của mình về hòa bình.
Việc giải quyết các vấn đề chính trị hiện nay sẽ đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và dàn xếp. Tiến trình này sẽ được gia tăng lớn lao nếu được thành tâm theo đuổi.
Ê Sai đã tiên tri về sự hy vọng cho thời kỳ chúng ta. Khi nói về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên và sự phục hồi của Giáo Hội qua Tiên Tri Joseph Smith, Ê Sai đã viết: “Trong ngày đó, Chúa còn đặt tay một lần nữa đặng chuộc dân sót của Ngài, …
“Chúa sẽ dựng một cây cờ cho các nước; nhóm những người Y Sơ Ra Ên bị đuổi, thâu những người Giu Đa lưu lạc, từ bốn góc đất.”35
Những lời tiên tri này về sự hy vọng có thể được ứng nghiệm nếu những nhà lãnh đạo và công dân của các quốc gia chịu áp dụng những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi thì gian kỳ của chúng ta có thể là một thời kỳ hòa bình và tiến bộ chưa từng có. Hành động dã man của quá khứ sẽ bị chôn vùi. Chiến tranh với những cảnh khủng khiếp của nó sẽ lùi sâu vào ký ức đau buồn. Mục tiêu của các quốc gia sẽ là sự giúp đỡ hỗ tương. Những người hòa giải có thể lãnh đạo trong nghệ thuật dàn xếp, cứu giúp người túng thiếu và mang hy vọng đến cho những người sợ hãi. Các thế hệ mai sau sẽ ca ngợi những nhà ái quốc như thế và Thượng Đế Vĩnh Cửu sẽ tuyên dương họ.
Hy vọng của thế gian là Hoàng Tử Bình An—Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Rỗi, Đức Giê Hô Va và Đấng Phán Xét của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp, cuộc sống dư dật, và cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống bình an—ngay cả thịnh vượng—có thể đến với những người tuân theo những lời giáo huấn của Ngài 36 và noi theo con đường của Ngài dẫn đến hòa bình. Tôi xin tuyên bố điều này cùng toàn thế giới.
Các Tín Hữu Giáo Hội
Giờ đây, với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa trông mong điều gì nơi chúng ta? Với tư cách là một Giáo Hội, chúng ta phải “từ bỏ chiến tranh và rao truyền hòa bình.”37 Là những cá nhân , chúng ta phải “tìm cách làm nên hòa thuận.”38 Chúng ta phải là những người hòa giải trong cuộc sống của mình. Chúng ta phải sống hòa bình—với tư cách là vợ chồng, gia đình và người lân cận. Chúng ta phải sống theo Khuôn Vàng Thước Ngọc. Chúng ta có những điều ghi chép của các con cháu Giu Đa mà giờ đây được kết hợp với những điều ghi chép của các con cháu Ép Ra Im.39 Chúng ta phải sử dụng những điều ghi chép này và kết hợp những người chúng ta yêu thương với cả gia đình nhân loại. Chúng ta phải mang tình yêu thương thiêng liêng và các giáo lý được mặc khải của tôn giáo được phục hồi đến cho những người lân cận và bạn bè của mình. Chúng ta phải phục vụ họ tùy theo các khả năng và cơ hội của mình. Chúng ta phải tuân giữ các nguyên tắc của chúng ta theo mức độ cao và bênh vực cho lẽ phải. Chúng ta phải tiếp tục quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán từ bốn phương trời và mang cho họ các giáo lễ và các giao ước gắn bó những gia đình với nhau mãi mãi. Các phước lành này chúng ta phải mang đến cho dân tộc của mọi quốc gia.
Bằng cách sống như thế, Đấng Thầy của chúng ta sẽ ban phước cho chúng ta. Ngài đã ban cho lời hứa này: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ người, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi.”40
Chính nghĩa của chúng ta là chính nghĩa thiêng liêng của Ngài. Chính nghĩa của chúng ta là chính nghĩa của vinh quang vĩnh cửu cho tất cả nhân loại. Và với tư cách là những người giải hòa, chúng ta sẽ được gọi là con cái của Thượng Đế. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.