Việc Này Có Ích Lợi Gì cho Tôi?
Việc vác cây thập tự của mình và đi theo Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là khắc phục tính ích kỷ ; đó là sự cam kết phục vụ những người khác.
Tôi chân thành cầu xin cùng một Thánh Linh mà đã giúp đỡ những người nói chuyện sáng nay sẽ ở cùng tôi khi tôi ngỏ lời cùng các anh chị em.
Cách đây nhiều năm, tôi đã có một sự hợp tác nghề nghiệp với hai người lớn tuổi và kinh nghiệm nhiều hơn tôi. Chúng tôi đã là bạn với nhau trong nhiều năm và đã thấy ích lợi cho đôi bên khi chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau. Một ngày nọ, một người bạn đồng sự nhờ chúng tôi giúp đỡ về một vấn đề phức tạp. Ngay sau khi vấn đề này được giải thích xong, người bạn đồng sự kia nói ngay: “Việc này có ích lợi gì cho tôi?” Khi người bạn thân của ông trả lời một cách thật ích kỷ như thế, thì tôi thấy nỗi đau đớn và chán ngán hiện lên trên nét mặt của người đang nhờ chúng tôi giúp đỡ. Mối giao tình giữa hai người này không bao giờ trở lại được như xưa nữa sau sự việc đó. Người bạn ích kỷ của chúng tôi không được thành công bởi vì tính ích kỷ của ông đã sớm cản trở các ân tứ, tài năng, và đức tính đáng kể của ông. Đáng buồn thay, một trong số các tai họa của thế gian ngày nay được thâu tóm trong câu đáp: “Việc này có ích lợi gì cho tôi?”
Trong nghề nghiệp chuyên môn của tôi, tôi đã giúp những người thừa kế của một cặp vợ chồng quý tộc giải quyết vấn đề phân chia tài sản của họ. Tài sản của họ không nhiều nhưng nó là kết quả của nhiều năm lao nhọc và hy sinh. Con cái của họ đều là những người đứng đắn, biết kính sợ Thượng Đế và được giảng dạy sống theo những nguyên tắc cứu rỗi của Đấng Cứu Rỗi. Nhưng, khi đến lúc phân chia tài sản, thì họ đã tranh chấp lẫn nhau về việc ai sẽ nhận được gì. Mặc dù tài sản không có một giá trị lớn lao nào để đáng tranh chấp, nhưng lòng ích kỷ và tham lam đã tạo ra một mối bất hòa giữa một số người trong gia đình mà đã không bao giờ được hàn gắn và đã tiếp tục cho đến thế hệ kế tiếp. Thật là điều bi thảm khi gia tài mà hai cha mẹ tuyệt vời này để lại, lại trở nên phá hoại tình đoàn kết và yêu thương trong gia đình giữa con cái họ. Từ việc này tôi đã học biết rằng tính ích kỷ và tham lam gây ra nỗi đau khổ và sự tranh chấp; trái lại sự hy sinh và sự ban phát thì mang lại bình an và sự mãn nguyện.
Tại Đại Hội Đồng trên thiên thượng, khi kế hoạch cứu rỗi vĩ đại cho con cái của Thượng Đế được trình bày, Chúa Giê Su đã đáp: “Tôi đây. Xin phái tôi đi,”1 và “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”2 Và như thế Ngài đã trở thành Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Ngược lại, Sa Tan, được ngưỡng mộ là “con trai của ban mai,”3 thì đã chống lại khi nói rằng nó sẽ đến và “sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại, khiến cho không một linh hồn nào phải bị thất lạc.”4 Sa Tan đưa ra hai điều kiện: thứ nhất, chối bỏ quyền tự quyết, thứ hai, vinh dự sẽ thuộc về nó. Nói cách khác, có một điều gì đó phải có ích lợi cho nó. Và như thế, nó trở thành cha của mọi điều dối trá và tính ích kỷ .
Việc vác cây thập tự của mình và đi theo Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là khắc phục tính ích kỷ ; đó là sự cam kết phục vụ những người khác. Tính ích kỷ là một trong những tính xấu xa của loài người, mà cần phải khắc phục và đánh bại nó. Chúng ta hành hạ tâm hồn mình khi chúng ta tập trung vào việc nhận lấy thay vì ban phát. Thường thì chữ đầu tiên mà nhiều đứa trẻ nhỏ học nói là của tôi. Chúng nó phải được dạy về niềm vui trong việc chia sẻ. Tất nhiên, một trong những điều lớn lao nhất mà dạy người ta về việc khắc phục tính ích kỷ là vai trò làm cha mẹ. Những người mẹ phải trải qua nguy cơ của cái chết khi sinh nở. Cha mẹ lao nhọc và hy sinh thật nhiều để cung cấp chỗ ở, thức ăn, quần áo, sự bảo vệ và học vấn cho con cái mình.
Tôi đã học biết rằng tính ích kỷ được căn cứ trên những cảm nghĩ của chúng ta về tài sản của mình, chứ không phải căn cứ nơi việc chúng ta có được bao nhiêu tài sản. Thi sĩ Wordsworth nói: “Chúng ta nghĩ quá nhiều về những sự việc của thế gian; luôn luôn, / Khi nhận được và tiêu xài thì chúng ta đã lãng phí hay hủy diệt quyền năng của mình.”5 Một người nghèo có thể ích kỷ 6 và một người giàu có thể rộng lượng, nhưng một người bị ám ảnh với việc chỉ nhận lấy thì sẽ khó kiếm được bình an trong đời này.
Anh Cả William R. Bradford có lần đã nói: “Trong tất cả những ảnh hưởng khiến người ta chọn sai, chắc chắn tính ích kỷ là mạnh mẽ nhất. Nơi nào có tính ích kỷ , thì không có Thánh Linh của Chúa. Những tài năng không được chia sẻ, nhu cầu của người nghèo khó không được đáp ứng, người yếu đuối không được củng cố, người dốt nát không được dạy dỗ, và người đi lạc lối không được giải cứu.”7
Tôi mới vừa nói chuyện với một trong số những người rộng lượng nhất tôi từng biết. Tôi yêu cầu ông diễn tả những cảm giác toại nguyện mà đã có nhờ vào tính rộng lượng của ông. Ông đã nói về cảm giác vui vẻ và hạnh phúc trong lòng ông từ việc ông chia sẻ với những người khác kém may mắn hơn. Ông nói rằng thực sự không có gì thuộc về ông cảọtất cả đều do Chúa mà raọchúng ta chỉ là những người quản lý những thứ mà Ngài ban cho chúng ta. Như Chúa đã phán cùng Tiên Tri Joseph Smith: “Tất cả mọi sự việc này đều thuộc về ta, còn các ngươi là những quản gia của ta.”8
Đôi khi thật là điều dễ dàng cho chúng ta quên rằng “thế gian và những kẻ ở trong đó đều thuộc về Đức Giê Hô Va.”9 Đấng Cứu Rỗi đã cảnh cáo chúng ta, như được ghi lại trong Sách Lu Ca, “Hãy giữ cẩn thận chớ hà tiện gì hết; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu.
“Ngài lại phán cùng chúng lời ví dụ nầy: Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm
“Người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật.
“Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: Ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó;
“Rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ.
“Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?
“Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy.”10
Cách đây mấy năm, Anh Cả Elray L. Christiansen đã kể về một người bà con xa dân Scandinavian của ông mà đã gia nhập Giáo Hội. Ông là người khá giàu có, và đã bán đất đai và gia súc ở nước Đan Mạch để đi đến Utah cùng gia đình ông. Trong một thời gian, ông đã làm tròn những trách nhiệm trong Giáo Hội và những sinh hoạt khác của mình, và ông được giàu có về mặt tài chính. Tuy nhiên, ông đã quan tâm đến tài sản của mình đến nỗi ông quên mục đích chính của ông trong việc đến Mỹ. Vị giám trợ đến thăm ông và khẩn nài ông trở lại hoạt động tích cực như hồi trước. Nhiều năm trôi qua và một số anh em của ông trong Giáo Hội đến thăm ông và nói cùng ông: “Này, Lars, Chúa đã rất nhân từ với anh khi anh còn ở Đan Mạch. Ngài rất nhân từ với anh kể từ khi anh đến đây… . Giờ đây, chúng tôi nghĩ rằng, bởi vì anh đã thêm một ít tuổi rồi, thì điều tốt cho anh là dành một số thời giờ của mình vào việc phục vụ Giáo Hội. Xét cho cùng, anh không thể đem những thứ này theo anh khi anh qua đời.”
Phẫn nộ bởi lời nói này, người ấy trả lời: “Vậy, thì, tôi sẽ không qua đời.”11 Nhưng rồi người ấy cũng qua đời. Và tất cả chúng ta cũng sẽ như vậy.
Thật là điều dễ dàng cho một số người trở nên ám ảnh với những gì mình sở hữu và mất đi viễn ảnh vĩnh cửu của mình. Khi Áp Ra Ham rời khỏi Ai Cập, cháu trai của ông là Lót đi với ông đến Bê Tên. Cả Áp Ra Ham lẫn Lót có những đàn chiên, bầy gia súc, và lều vải, “Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được.”12 Sau một số xích mích giữa bọn chăn chiên của Áp Ra Ham và Lót, Áp Ra Ham đã đề nghị cùng Lót: “Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa.
“… Nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu ta sẽ qua bên tả.”13
Lót thấy “việc này có ích lợi lớn cho mình” khi ông nhìn thấy đồng bằng Giô Đanh màu mỡ và chọn xứ đó ở gần bên Sô Đôm, một nơi sa đọa thuộc về thế gian.14 Áp Ra Ham hài lòng dẫn bầy chiên mình vào một xứ cằn cỗi hơn, xứ Ca Na An, nhưng tại đó ông đã tích lũy nhiều của cải hơn.
Tuy nhiên, Áp Ra Ham được nhớ đến nhiều hơn với tư cách là vị tộc trưởng cao quý của dân giao ước của Chúa. Một trong số những sự đề cập đầu tiên mà chúng ta có về việc đóng tiền thập phân là khi Áp Ra Ham đóng một phần mười của tất cả những gì ông sở hữu cho Mên Chi Xê Đéc.15 Áp Ra Ham đã có sự tin tưởng của Chúa, là Đấng đã chỉ cho ông thấy những thực thể tri thức trong tiền dương thế, việc chọn lựa một Đấng Cứu Chuộc, và sự sáng tạo.16 Áp Ra Ham cũng được biết đến về việc ông sẵn lòng hy sinh con trai mình, là Y Sác. Hành động cao quý với đức tin này là biểu tượng cho hành động vị tha tột bực trong suốt lịch sử, khi Đấng Cứu Rỗi đã phó mạng sống của Ngài cho mọi người chúng ta để chuộc tội lỗi của chúng ta.
Cách đây mấy năm, một “thiếu niên Đại Hàn lấy tiền tiêu vặt hằng tuần của mình để mua những tờ nhật báo. Rồi, em và một số bạn của em đi bán những tờ báo này trên đường phố của Seoul, Đại Hàn để kiếm tiền giúp một bạn học mà không có đủ tiền để được đi học. Người thiếu niên này cũng tặng một phần thức ăn trưa của mình cho đứa bé trai này mỗi ngày để nó không bị đói. Tại sao em ấy làm những điều này? Bởi vì em ấy đã học được câu chuyện về người Sa Ma Ri Nhân Lành17 và em ấy không những muốn học biết về người Sa Ma Ri Nhân Lành mà còn muốn biết mình cảm thấy như thế nào khi là một người đang làm theo điều mà người Sa Ma Ri Nhân Lành đã làm… . Chỉ sau khi bị cha em chất vấn cặn kẽ về việc làm của em”18, em mới thú nhận rằng: “Cha ơi, mỗi khi con giúp bạn con, thì con cảm thấy trở thành giống như người Sa Ma Ri Nhân Lành hơn. Ngoài điều đó ra, con còn muốn giúp các bạn cùng lớp với con là những người không được may mắn như con. Đó không phải là việc lớn lao gì mà con đang làm. Con đã đọc về câu chuyện đó trong sách học của lớp giáo lý của con và con cảm thấy đó là điều mà con phải làm.”19 Người thiếu niên không tự hỏi: “Việc này có ích lợi gì cho tôi” trươc khi em thực hiện lòng nhân từ này. Thật ra, em đã làm việc này mà không hề nghĩ đến phần thưởng hay sự ghi nhận nào.
Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, đôi tháp của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại thành phố Nữu Ước bị hai phi cơ do đám khủng bố điều khiển đâm vào khiến cả hai tòa tháp này sụp đổ. Hằng ngàn người chết. Từ thảm kịch này đã có hằng trăm câu chuyện về những hành động dũng cảm và vị tha. Một bài tường thuật thật cảm động và anh hùng là câu chuyện đăng trên báo Washington Post về một Đại Tá Về Hưu Cyril “Rick” Rescorla, là người đang làm việc với tư cách là phó chủ tịch phụ trách an ninh tại Ngân Hàng Morgan Stanley Dean Witter.
Rick là một cựu chỉ huy đánh trận có rất nhiều kinh nghiệm. Ông đang ở trong văn phòng của mình khi “Chiếc phi cơ đầu tiên đâm vào tòa tháp phía bắc vào lúc 8 giờ 48 phút sáng … Ông nhận được một cú điện thoại từ tầng thứ 71 báo cáo về cảnh bốc cháy nơi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới Số Một, và tức thì ông ra lệnh di tản tất cả 2.700 nhân viên trong Tòa Nhà Số Hai,” cũng như hơn 1.000 nhân viên khác trong Tòa Nhà Số Năm. Vừa sử dụng chiếc loa phóng thanh của mình, ông vừa đi lên các tầng lầu, len lỏi qua dãi hành lang hẹp ở tầng lầu thứ 44 và đi đến tầng thứ 72, giúp di tản những người ra khỏi mọi tầng lầu. Một người bạn đã thấy Rick đang trấn an những người ở cầu thang của tầng lầu thứ 10 và bảo ông: “Rick, anh cũng cần phải ra khỏi đây luôn.”
Ông đã trả lời: “Ngay sau khi tôi biết chắc rằng mọi người khác đã ra khỏi đây.”
“Ông không hề hốt hoảng. Ông đã đặt mạng sống của những người bạn đồng nghiệp của mình lên trên mạng sống của mình.” Ông đã điện thoại cho trụ sở chính báo cho họ biết rằng ông sẽ trở lên lại để tìm kiếm những người tụt hậu.
Vợ ông đã xem trên truyền hình cảnh phi cơ của hãng United Airlines đâm vào tháp của ông. “Một lúc sau, máy điện thoại reo. Chính là Rick.
“Ông nói: ‘Anh không muốn em khóc, bây giờ anh phải giúp người ta di tản.’”
“Bà vẫn tiếp tục khóc.
“ ‘Nếu có điều gì xảy ra cho anh, thì anh muốn em biết rằng em đã mang hạnh phúc lại cho đời anh.”
“Điện thoại bị cắt ngang.” Rick không đi ra kịp.
“Công Ty Morgan Stanley chỉ mất sáu trong số 2.700 nhân viên trong tòa tháp phía nam vào ngày 11 tháng Chín, một phép lạ độc nhất giữa cảnh máu đổ thịt rơi. Và các viên chức của công ty ấy nói rằng Rick xứng đáng nhận lãnh phần lớn danh dự đó. Ông đã lập ra một kế hoạch di tản. Ông xoay xở cho những bạn đồng nghiệp của mình đến nơi an toàn. Và rồi rõ ràng ông đã trở lại cảnh địa ngục đó để tìm kiếm những người đi tụt hậu. Ông là người cuối cùng ra khỏi tòa tháp phía nam khi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới bị đặt bom vào năm 1993 và không ai có thể nghi ngờ rằng ông lại có thể là người cuối cùng đi ra khỏi tòa tháp đó nếu tòa nhà chọc trời ấy đã không sụp đổ lên ông trước.”
Giữa sự tà ác và cảnh máu đổ thịt rơi của ngày 11 tháng 9 năm 2001, Rick không tìm kiếm những việc có ích lợi cho ông; thay vì thế ông đã suy nghĩ một cách bác ái về những người khác và cảnh nguy hiểm mà họ đang trải qua. Rick Rescorla là một biểu trưng “đúng người ở đúng chỗ vào đúng lúc.” Rick, “một người đàn ông to lớn 62 tuổi đã điềm tĩnh [hy sinh] mạng sống của mình cho những người khác.”20 Như Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu phó sự sống mình.”21
Đa số chúng ta không bày tỏ lòng vị tha của mình bằng một cách bi thảm như thế, nhưng đối với mọi người chúng ta, lòng vị tha có thể có nghĩa là đúng người vào đúng lúc ở đúng nơi để phục vụ. Hầu như mọi ngày đều mang đến cho các cơ hội để thực hiện những hành động đối với những người khác. Những hành động như thế thì không giới hạn và có thể được giản dị như lời nói tử tế, bàn tay giúp đở, hay một nụ cười nhân từ.
Đấng Cứu Rỗi nhắc nhở chúng ta: “Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.”22 Một trong số những nghịch lý của cuộc sống là nếu một người định làm mọi điều với thái độ “việc này có ích lợi gì cho tôi” thì có thể thu đạt tiền của, tài sản, và đất đai, nhưng cuối cùng người ấy sẽ mất đi sự mãn nguyện và hạnh phúc của một người mà vui lòng chia sẻ tài năng và ân tứ của mình một cách rộng rãi với những kẻ khác.
Tôi muốn làm chứng rằng sự phục vụ làm mãn nguyện nhất được bất cứ người nào trong chúng ta thi hành là nằm trong sự phục vụ Đấng Thầy. Trong những mưu cầu khác nhau của cuộc sống của tôi, không có điều gì mà có phần thưởng hay ích lợi lớn bằng việc đáp ứng những sự kêu gọi phục vụ trong Giáo Hội này. Mỗi sự kêu gọi đều khác nhau. Mỗi một chức vụ đã mang lại một phước lành riêng. Sự mãn nguyện nhất trong đời đến từ việc phục vụ người khác, chứ không phải qua ám ảnh của thái độ “việc này có ích lợi gì cho tôi.” Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.