Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con
Mức độ cải sửa trọn vẹn này [của chúng ta] cho những người nam và người nữ của Thượng Đế xảy ra tốt nhất qua sự lao nhọc của chúng ta trong vườn nho của Ngài.
Bài nói chuyện của tôi phát xuất từ một bài thánh ca mà đã soi dẫn các tôi tớ trung tín của Chúa trong nhiều thế hệ:
Nơi tôi đi có thể sông núi hiểm trở.
Cũng có thể biển cả bao la.
Và cũng có thể hào sâu hay trận tuyến
Chúa Thánh của tôi sẽ cần tôi.
Nếu Chúa kêu gọi tôi bằng một giọng nhẹ nhỏ,
Để bước trên những con đường không biết,
Thì tôi sẽ thưa, con xin giao phó trong tay Chúa:
Con sẽ đi đến nơi Chúa sai con.
(“Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46)
Được sáng tác bởi một nữ thi sĩ không phải là Thánh Hữu Ngày Sau, những lời này biểu lộ sự cam kết của những người con trung tín của Thượng Đế trong mọi thời đại.
Áp Ra Ham, là người dẫn Y Sác trong cuộc hành trình đau lòng đó đến Núi Mô Ri A, đã trung tín đi nơi mà Chúa muốn ông đi (xin xem Sáng Thế Ký 22). Cũng như Đa Vít khi ông bước ra khỏi đạo quân Y Sơ Ra Ên để đáp lại lời thách thức của người khổng lồ Gô Li Át (xin xem 1 Sa Mu Ên 17). Ê Xơ Tê, được soi dẫn để giải cứu dân mình, bước đi trên con đường đầy hiểm nguy để đối đầu với nhà vua tại nội viện của nhà vua (xin xem Ê Xơ Tê 4–5). “Thưa Chúa, con sẽ đi nơi nào Ngài sai con” là động cơ thúc đẩy Lê Hi rời bỏ Giê Ru Sa Lem (xin xem 1 Nê Phi 2) và con trai của ông là Nê Phi trở lại lấy các bản khắc quý báu (xin xem 1 Nê Phi 3). Còn có hằng trăm tấm gương khác trong thánh thư có thể được kể ra.
Tất cả những người trung tín này cho thấy sự vâng lời của mình đối với sự hướng dẫn của Chúa và đức tin của họ nơi quyền năng và lòng nhân từ của Ngài. Như Nê Phi đã giải thích: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa phán dạy, vì con biết, Chúa không bao giờ truyền dạy con cái loài người làm điều gì mà lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Chúa phán truyền” (1 Nê Phi 3:7).
Trong cuộc sống của chúng ta, và trong ký ức của chúng ta về thời gian thơ ấu, chúng ta đã có được những tấm gương về sự phục vụ khiêm tốn, trung tín của các Thánh Hữu Ngày Sau. Một trong những người nổi tiếng nhất là Chủ Tịch J. Reuben Clark. Sau hơn 16 năm làm đệ nhất cố vấn với nhiều ảnh hưởng phi thường, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn được tái tổ chức và ông được kêu gọi làm đệ nhị cố vấn. Ông đã nêu gương khiêm nhường và sẵn lòng phục vụ mà đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ khi ông nói cùng Giáo Hội: “Trong sự phục vụ Chúa, cách thức ta phục vụ thì quan trọng hơn nơi nào ta phục vụ. Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, một người chấp nhận bất cứ chức vụ kêu gọi nào đúng lúc, mà không hề tìm kiếm hay khước từ bất cứ chức vụ kêu gọi nào” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1951, 154).
Cũng quan trọng giống như vậy, mặc dù không thường nghe thấy, việc hằng triệu tín hữu giờ đây đang lao nhọc với đức tin và lòng tận tụy tương tự trong những xó xỉnh hẻo lánh của vườn nho của Chúa. Những người truyền giáo lớn tuổi trung tín của chúng ta cho thấy những tấm gương tốt nhất mà tôi biết.
Tôi mới vừa duyệt xét các giấy tờ xin đi truyền giáo của hơn 50 cặp vợ chồng lớn tuổi. Tất cả những người này đã đi phục vụ truyền giáo ít nhất là ba lần khi họ nộp giấy tờ cho một sự kêu gọi khác nữa. Nhà của họ thì ở khắp nơi từ Úc Đại Lợi đến Arizona, California đến Missouri. Tuổi của họ khoảng từ 60, 70 đến—thôi, đừng để ý đến tuổi của họ. Một cặp vợ chồng, đang tự nguyện xin đi truyền giáo lần thứ bảy, đã phục vụ tại Khuôn Viên Đền Thờ, ở Alaska, Tân Tây Lan, Kenya và Ghana. Họ đã được gửi đi Phi Luật Tân. Có rất nhiều tấm gương tương tự có thể được tuyên dương.
Những nhận xét của các vị lãnh đạo trên đơn của những cặp vợ chồng này là chứng ngôn về sự phục vụ và hy sinh. Tôi xin trích ra một vài đoạn như sau:
“Sẵn lòng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cho bất cứ thời gian đòi hỏi bao lâu.”
“[Đây] là những tấm gương cao quý của các tín hữu Giáo Hội mà đã dâng hiến cuộc sống của họ lên Chúa.”
Một cặp vợ chồng khác ghi: “Sẽ đi nơi nào mà Chúa muốn [chúng tôi] đi. Chúng tôi cầu nguyện là chúng tôi sẽ được gửi đến nơi mà chúng tôi được cần đến.”
Những nhận xét của vị lãnh đạo chức tư tế về khả năng và tư cách của những cặp vợ chồng này cung ứng một bản sơ lược tốt về công việc mà những người truyền giáo lớn tuổi của chúng ta đã làm một cách thật hữu hiệu.
“Anh ấy có khả năng trong việc xúc tiến các chương trình được hiệu quả và [trong] vai trò lãnh đạo.”
“Niềm vui nhất của họ là khi họ được yêu cầu ‘xây dựng’ và phát triển; vì thế một sự chỉ định trong một khu vực đang phát triển của Giáo Hội có thể sẽ thích hợp cho họ. Sẵn lòng phục vụ trong bất cứ sự kêu gọi nào.”
“Có lẽ họ sẽ thành công hơn khi làm việc với [những tín hữu kém tích cực] và những người cải đạo hơn là trong văn phòng.”
“Họ yêu mến giới trẻ và có được ân tứ để làm việc với giới trẻ.”
“Họ cảm thấy hữu hiệu nhất và thích giúp đỡ trong công việc ủng hộ giới lãnh đạo và kết tình thân hữu.”
“Họ có phần suy yếu về phương diện thể xác, nhưng không suy yếu về những vấn đề thuộc linh hay nhiệt huyết trong công việc truyền giáo.”
“Anh ấy là một người truyền giáo chân chính. Tên của anh ấy là Nê Phi và anh ấy noi gương của người mà trùng tên với anh ấy. Chị ấy là một người phụ nữ phi thường, luôn là một tấm gương tuyệt hảo. Họ sẽ thành công bất cứ nơi nào được kêu gọi phục vụ. Đây là lần truyền giáo thứ năm của họ. (Trước đây họ đã từng phục vụ tại Guam, Nigeria, Việt Nam, Pakistan, Tân Gia Ba và Mã Lai. Để cho họ có được sự nghỉ ngơi sau thời gian phục vụ tại những nơi gian khổ ấy, các tôi tớ của Chúa đã kêu gọi cặp vợ chồng đó đi phục vụ ở đền thờ Nauvoo.)
Một cặp vợ chồng khác đã nói thay cho tất cả các cặp vợ chồng anh hùng này khi họ viết: “Sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm những gì được yêu cầu. Đây không phải là một sự hy sinh; mà là một đặc ân.”
Những người truyền giáo lớn tuổi này dâng hiến một mức độ hy sinh và cam kết đặc biệt. Cũng như thế đối với các chủ tịch phái bộ truyền giáo và các chủ tịch đền thờ và những người bạn đời trung tín của họ. Tất cả họ đã bỏ lại nhà cửa và gia đình để đi phục vụ trọn thời gian trong một thời hạn. Việc đó cũng đúng với đoàn người truyền giáo trẻ mà đã hoãn ngưng mọi sinh hoạt trong cuộc sống của họ và nói lời giã từ cùng gia đình và bạn bè và ra đi (thường thì phải tự túc tài chính của mình) để phục vụ bất cứ nơi đâu mà họ được Chúa chỉ định, phán qua các tôi tớ của Ngài.
Con sẽ đi nơi nào Ngài sai con, hỡi Chúa,
Qua sông sâu, đồng bằng hay đồi núi.
Và con sẽ nói những gì Chúa muốn con nói.
Sẽ làm những gì Ngài bảo con làm.
(Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46)
Hằng triệu người khác phục vụ từ nhà của họ trên căn bản phục vụ Giáo Hội có thời hạn. Điều đó cũng giống như vậy với 26.000 giám trợ đoàn và chủ tịch đoàn chi nhánh và các chủ tịch đoàn trung tín của các nhóm túc số và Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nhi và Hội Thiếu Nữ là những người phục vụ chung với họ và dưới sự hướng dẫn của họ. Điều đó cũng giống như vậy với hàng triệu người khác—các giảng viên trung tín trong các tiểu giáo khu, chi nhánh, giáo khu và giáo hạt. Hãy nghĩ về hằng trăm ngàn thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng là những người làm tròn lệnh truyền của Chúa phải “luôn luôn chăm sóc giáo dân cũng như sát cánh và củng cố đức tin cho họ” (GLGƯ 20:53). Tất cả những người này có thể cùng nhau hát câu thánh ca đầy soi dẫn này:
Có lẽ có những lời yêu thương lo lắng
Đấng Christ muốn tôi nói nên lời;
Giờ đây trên nẽo tội lỗi của cuộc sống,
Có kẻ lang thang tôi phải tìm.
Ôi nếu Chúa trở nên người chăn dắt của con,
Dẫn con trên con đường tăm tối,
Thì con sẽ nhắc đến lời con hứa với Chúa:
Sẽ nói lời Ngài bảo con tỏ bày.
(Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46)
Như nhà vua tiên tri Bên Gia Min đã dạy: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17). Ông cũng cảnh giác chúng ta phải “để tâm làm những việc ấy một cách sáng suốt và có trật tự; vì không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được” (Mô Si A 4:27).
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô khuyến khích chúng ta phải được cải sửa. Phúc âm dạy chúng ta những gì chúng ta nên làm, và cung ứng cho chúng ta các cơ hội để trở thành người mà Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn chúng ta trở thành. Mức độ cải sửa trọn vẹn này cho những người nam và người nữ của Thượng Đế xảy ra tốt nhất qua sự lao nhọc của chúng ta trong vườn nho của Ngài.
Chúng ta có một truyền thống cao quý phục vụ vô vị kỷ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Thật vậy, một trong nét đặc trưng riêng biệt của Giáo Hội này là sự kiện chúng ta không lãnh lương hoặc có giáo sĩ chuyên môn trong hằng ngàn giáo đoàn địa phương của chúng ta và trong các giáo khu, giáo hạt và phái bộ truyền giáo địa phương mà trông nom các giáo đoàn đó. Là một phần cốt yếu trong kế hoạch của Thượng Đế dành cho các con cái của Ngài, sự lãnh đạo và công việc của Giáo Hội của Ngài do con cái của Ngài cung ứng là những người tự nguyện hiến tặng thời giờ của mình cho việc phục vụ Thượng Đế và đồng bào mình. Họ tuân theo lệnh truyền của Chúa là yêu mến Ngài và phục vụ Ngài (xin xem Giăng 14:15; GLGƯ 20:19, 42:29, 59:5). Đây là cách thức mà những người nam và những người nữ chuẩn bị cho phước lành tột bực của cuộc sống vĩnh cửu.
Tuy nhiên, cũng có một số người cần phải cải tiến sự cam kết của mình. Khi tôi yêu cầu các chủ tịch giáo khu đề nghị các đề tài tôi nên đề cập đến tại các đại hội giáo khu, tôi thường nghe về các tín hữu đã từ chối những sự kêu gọi của Giáo Hội hoặc chấp nhận những sự kêu gọi và rồi không làm tròn trách nhiệm của mình. Một số đã không có sự cam kết và trung tín. Lúc nào thì cũng như vậy. Nhưng điều này phải chịu những hậu quả.
Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo về sự đối nghịch giữa người trung tín và kẻ không trung tín trong ba câu chuyện ngụ ngôn quan trọng đã được chép trong chương 25 của Ma Thi Ơ. Một nửa số khách mời đã bị loại ra khỏi bữa yến tiệc bởi vì họ đã không chuẩn bị khi chú rể đến (xin xem Ma Thi Ơ 25:1–13). Các tôi tớ vô dụng mà đã không sử dụng các ta lâng được Đấng Thầy ban cho họ đã không được phép đến hưởng sự vui mừng của Chúa (xin xem Ma Thi Ơ 25:14–30). Và khi Chúa đến trong vinh quang của Ngài, Ngài đã lựa những con cừu mà đã phục vụ Ngài và đồng loại ra khỏi những con dê mà đã không làm như thế. Chỉ những người mà “đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta” (Ma Thi Ơ 25:40) mới được đặt ngồi bên tay phải của Ngài để thừa hưởng vương quốc đã được chuẩn bị sẵn từ lúc tạo dựng thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 25:31–46).
Thưa các anh chị em của tôi, nếu các anh chị em chểnh mảng trong sự cam kết, thì xin hãy suy nghĩ ai là những người mà các anh chị em từ chối hay sao lãng phục vụ khi các anh chị em khước từ một sự kêu gọi hoặc khi các anh chị em chấp nhận, hứa hẹn và rồi không làm tròn. Tôi cầu xin rằng mỗi người chúng ta sẽ tuân theo lời đầy soi dẫn này:
Chắc hẵn sẽ có một nơi trên dương thế
Trên cánh đồng rộng lớn thênh thang
Nơi tôi có thể gặt hái suốt cuộc sống
Cho Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.
(Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46)
Chúa Giê Su đã chỉ lối. Mặc dù Ngài đã muốn khỏi phải đi trên con đường đau đớn dẫn qua Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Calvary (xin xem GLGƯ 19:18), nhưng Ngài đã ngoan ngoãn thưa cùng Đức Chúa Cha rằng: “Dầu vậy, xin ý cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu Ca 22:42).
Trước đó Ngài đã dạy:
“Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.
“Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại.
“Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma Thi Ơ 16:24–26).
Chúng ta cần ghi nhớ mục đích của sự phục vụ của mình cho nhau. Như Chúa Giê Su đã dạy trong một dịp khác rằng nếu chỉ cần hoàn thành một số công việc của Ngài, Thượng Đế có thể gửi đến gấp cả “đạo thiên sứ” (xin xem Ma Thi Ơ 26:53). Nhưng điều đó sẽ không hoàn tất mục đích phục vụ mà Ngài đã ấn định. Chúng ta phục vụ Thượng Đế và đồng bào mình ngõ hầu trở thành những người con mà có thể trở về sống với cha mẹ thiên thượng của mình.
Tôi tin cậy vào sự che chở của Chúa
Tôi biết Ngài thương yêu tôi lắm,
Vậy nên tôi sẽ hết lòng làm theo ý Chúa:
Sẽ làm những gì Ngài bảo tôi làm.
(Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46)
Cách đây gần một thập niên, tôi có đọc một bức thư từ một người truyền giáo đã được giải nhiệm mô tả tiến trình này trong cuộc sống của anh. Anh đã viết thư cám ơn những người hướng dẫn công việc truyền giáo “đã dám gửi tôi đi nơi mà Chúa đòi hỏi thay vì nơi mà tôi tưởng là thích hợp cho tôi.” Anh nói anh đã xuất thân “từ một gia đình đáng hãnh diện, đầy tranh đua trong giới trí thức.” Trước khi đi truyền giáo, anh là một sinh viên tại một trường đại học có uy tín ở miền đông Hoa Kỳ. Trích dẫn:
“Tôi đoán tại vì bổn phận và truyền thống trong gia đình, nên tôi đã điền đơn của tôi [xin đi truyền giáo] và gửi đơn đi, và đã rất cẩn thận đánh dấu vào cột chữ cho biết ước muốn lớn nhất của mình là phục vụ ở ngoại quốc và nói tiếng ngoại quốc. Tôi đã cẩn thận ghi rõ rằng tôi là một sinh viên giỏi tiếng Nga và có khả năng trọn vẹn để sống hai năm giữa những người Nga. Tôi tin rằng không ủy ban nào có thể cưỡng lại sự đầy đủ điều kiện như thế, tôi chờ đợi lòng đầy tin tưởng rằng tôi sẽ nhận hưởng một kinh nghiệm học hỏi trong một văn hóa khác.”
Anh ấy sửng sốt khi nhận được sự kêu gọi đi phục vụ truyền giáo ở Hoa Kỳ. Anh không biết một điều gì về tiểu bang mà anh sẽ đi phục vụ, ngoại trừ nó nằm trong xứ sở của anh, nói tiếng Anh thay vì ở ngoại quốc nói thứ tiếng mà anh đã học, và anh nói: “Tôi sẽ làm việc với những người có lẽ là thiếu học thức.” Anh tiếp tục: “Tôi gần như từ chối không chấp nhận sự kêu gọi, cảm thấy rằng tôi sẽ mãn nguyện hơn bằng cách đăng vào tổ chức Peace Corps hay một tổ chức nào khác.”
May thay, người thanh niên kiêu ngạo này tìm được can đảm và đức tin để chấp nhận sự kêu gọi và tuân theo sự hướng dẫn và lời khuyên dạy của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo tài giỏi của mình. Rồi phép lạ của sự tăng trưởng thuộc linh bắt đầu. Anh mô tả điều đó như sau:
“Khi tôi bắt đầu phục vụ giữa những người kém học của [tiểu bang này], tôi đã tranh đấu một cách mãnh liệt trong vài tháng, nhưng dần dần ảnh hưởng dịu dàng của Thánh Linh bắt đầu xô ngã những bức tường kiêu ngạo và hoài nghi mà đã cuốn thật chặt tâm hồn tôi. Phép lạ cải sửa theo Đấng Ky Tô bắt đầu. Ý thức về sự xác thực của Thượng Đế và tình huynh đệ vĩnh cửu của tất cả mọi người hiện đến càng ngày càng mãnh liệt vào tâm trí hoang mang của tôi.”
Anh nhìn nhận không phải là điều dễ dàng nhưng với ảnh hưởng của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo tài giỏi của anh và với tình yêu thương đang tăng trưởng đối với những người anh phục vụ, thì điều này có thể thực hiện được và nó đã thực sự xảy ra.
“Ước muốn của tôi để yêu thương và phục vụ những người này là những người trong thành phần thấp kém lại là những người ngang hàng với tôi, hầu như là những người khá hơn tôi, trở nên càng ngày càng mãnh liệt hơn. Tôi học biết được lòng khiêm nhường lần đầu tiên trong đời tôi; tôi học biết được ý nghĩa của việc đánh giá người khác mà không dựa vào những chi tiết trong cuộc sống mà không liên quan gì đến giá trị của con người. Tôi bắt đầu cảm thấy trong lòng mình nẩy nở một tình yêu mến linh hồn của những người đã đến thế gian này với tôi” (thư gửi Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tháng Hai năm 1994).
Đó chính là phép lạ của sự phục vụ. Như người nữ thi sĩ đã viết:
Nếu Chúa kêu gọi tôi bằng một giọng nhẹ nhỏ,
Để bước trên những con đường không biết,
Thì tôi sẽ thưa, con xin giao phó trong tay Chúa:
Con sẽ đi đến nơi Chúa sai con.
(Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46)
Tôi xin làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã vẫy gọi chúng ta đi theo lối Ngài và sự phục vụ Ngài, và cầu xin cho chúng ta sẽ có đức tin và sự cam kết để tuân theo và quyền năng để làm người mà Ngài muốn chúng ta trở thành, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.