Giáo Hội Tổ Chức Chương Trình Xây Đắp Nhịp Cầu Thông Cảm
Khi Norman D. và Luana Shumway, giám đốc của văn phòng đăng cai tổ chức của Giáo Hội ở Thành Phố Salt Lake, gặp một vị mục sư Tin Lành nổi tiếng đến từ miền trung tây Hoa Kỳ, ông bảo họ rằng ông không biết chính xác lý do tại sao ông đã đến thăm viếng nơi đây. Anh Chị Shumway quyết định đưa ông đi tham quan Trung Tâm Phục Vụ Nhân Đạo của Thánh Hữu Ngày Sau và Khuôn Viên An Sinh để giúp ông tìm hiểu lý do.
Anh Shumway nhớ lại: “Trong hơn hai giờ đồng hồ chúng tôi dành ra cho ông ấy, những lời mà ông ấy nói đi nói lại là ‘thật khó tin,’ ‘không tưởng tượng được,’ ‘gây ngạc nhiên vô cùng.’ Và ông tiếp tục nói: ‘Ồ, có rất nhiều điều chúng tôi có thể học hỏi về cách thức để làm tín đồ của Đấng Ky Tô.’”
Từ các nhà sư Phật Giáo đến các giới chức quân nhân đến các viên chức chính phủ, hằng trăm nhà lãnh đạo trong thương trường, chính trường và tôn giáo đi thăm trụ sở chính của Giáo Hội ở Thành Phố Salt Lake mỗi năm. Họ được các vị giám đốc văn phòng đăng cai tổ chức của Giáo Hội chào đón và giảng dạy về lịch sử và giáo lý của Giáo Hội tại nhiều địa điểm như Khuôn Viên Đền Thờ, Thư Viện Lịch Sử Gia Đình, Trung Tâm Phục Vụ Nhân Đạo, Khuôn Viên An Sinh, Bảo Tàng Viện Lịch Sử và Nghệ Thuật Giáo Hội và Trung Tâm Đại Hội.
Anh Shumway nói: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể cho những vị khách này thấy những gì Giáo Hội làm và chúng tôi không cần phải giải thích nhiều.” Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đưa cho Lowell và Tamara Snow, nguyên giám đốc của văn phòng đăng cai tổ chức của Giáo Hội, những lời chỉ dẫn tương tự: “Đừng nói quá nhiều. Những thành quả của Giáo Hội mà họ thấy đã nói đủ rồi.”
Và thật vậy những thành quả của Giáo Hội đã nói đủ rồi. Tại Khuôn Viên An Sinh, những khách thăm viếng thấy những tín ngưỡng cơ bản của Giáo Hội trong việc làm trong khi họ đi tham quan những cơ sở an sinh. Mel Gardner, quản lý nhà kho của giám trợ tọa lạc tại Khuôn Viên An Sinh, giải thích: “Là các tín hữu của Giáo Hội, chúng ta đã lập giao ước và có bổn phận chăm sóc người nghèo và người túng thiếu. Nhưng mọi thứ chúng ta làm là nhằm giảng dạy sự tự túc. Đối lại, những người nhận được sự giúp đỡ có thể nâng đỡ những người khác qua sự phục vụ có ý nghĩa.”
Anh Gardner dẫn những khách thăm viếng đi qua một cửa hàng tạp phẩm mà không có máy tính tiền, nơi mà những người đang gặp cảnh hoạn nạn và được vị giám trợ của họ giới thiệu đến nhận thực phẩm. Ông khôi hài: “Chúng tôi nói rằng đây là thực phẩm tốt nhất mà tiền không thể mua được (hay không cần tiền để mua)”.
Những vị khách đi thăm viếng thường cảm kích bởi vô số người tình nguyện từ các giáo khu địa phương đang làm việc tại nhà kho, lò bánh, nhà máy đóng hộp, xưởng làm các sản phẩm từ sữa và cửa hàng bán đồ cũ Deseret Industries. Một lời trích dẫn được đóng khung của Tiên Tri Joseph Smith giải thích lý do tại sao tinh thần tình nguyện đó tràn ngập khắp Giáo Hội: “Một người với tình yêu thương của Thượng Đế, thì không hài lòng với phước lành cho gia đình mình mà thôi, mà còn đi khắp toàn thể thế gian, mong muốn ban phước cho toàn thể nhân loại” (Lịch Sử của Giáo Hội, 4:227).
“Đó là mục đích của chúng tôi”—ban phước và phục vụ, Anh Gardner nói vào lúc cuối cuộc tham quan, khi những vị khách thăm viếng được mời uống sữa sô cô la và ăn loại phó mát dầy do Deseret Dairy sản xuất.
Trung Tâm Phục Vụ Nhân đạo của Thánh Hữu Ngày Sau gần đấy cho thấy tầm vóc quốc tế của các dự án an sinh của Giáo Hội. Anh Cả Jerry Brown, một người trưởng truyền giáo trọn thời gian, khi dẫn những vị khách thăm viếng đi qua các căn phòng của nhà kho với những kiện hàng áo quần, giày dép, đồ tiếp liệu y khoa và những tài liệu giáo dục chất thành đống từ sàn nhà lên đến trần nhà và chờ được gửi đi, giải thích: “Chúng tôi là những tín đồ của Đấng Ky Tô và trong mọi điều chúng tôi làm, chúng tôi cố gắng nêu gương về những điều Ngài giảng dạy.” Đôi khi những vị thăm viếng gặp những người đang học nghề tham gia vào chương trình huấn luyện tại Trung Tâm Phục Vụ Nhân Đạo và Khuôn Viên An Sinh, một chương trình gồm có huấn luyện tìm việc làm và ngôn ngữ.
William D. Reynolds, quản lý Trung Tâm Phục Vụ Nhân Đạo, nói: “Thật là điều phấn khởi để thấy những kiện hàng áo quần, dụng cụ y khoa và những vật liệu cần thiết khác được gửi đi mỗi tuần cho những quốc gia thiếu thốn trên địa cầu. Nhưng cũng là điều phấn khởi để thấy niềm vui trong ánh mắt của những người đang học nghề khi họ đạt được thêm sự tự túc qua việc học hỏi và áp dụng kỹ năng làm việc.”
Tại Khuôn Viên Đền Thờ, các chị truyền giáo chia sẻ những sứ điệp cơ bản của phúc âm. Những vị khách thăm viếng của Khuôn Viên Đền Thờ thường có thể được đưa đi tham quan bởi các chị truyền giáo là những người nói tiếng mẹ đẻ của họ và thường thì sự lựa chọn những người hướng dẫn cuộc tham quan chứng tỏ có sự soi dẫn của Chúa. Chị Shumway nhớ lại một lần khi một vị khách thăm viếng đã cắc cớ hỏi các Thổ Dân Mỹ (người da đỏ) cảm thấy như thế nào về Sách Mặc Môn. Chị truyền giáo đang hướng dẫn cuộc tham quan đáp: “Vâng, tôi là một phần tử của bộ lạc Blackfoot và Shoshone đây.” Rồi chị cho biết về tình yêu thương của chị đối với Sách Mặc Môn.
Khi đội xe trượt băng từ Monaco đến dự Cuộc Thi Đấu Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002 ở Thành Phố Salt Lake, họ đã có một lời yêu cầuọmột cuộc viếng thăm Thư Viện Lịch Sử Gia Đình. Tại thư viện này, những vị khách thăm viếng học biết “gia đình có thể sống mãi mãi với nhau” có nghĩa là gì. Elaine Hasleton, giám thị sở ngoại vụ của thư viện , giải thích: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể sống với gia đình mình trong thời vĩnh cửu, và một phần của điều đó là nhận ra những người mà chúng tôi có thể sống với.”
Những vị khách thăm viếng thường bắt đầu cảm thấy phấn khởi về công việc lịch sử gia đình khi họ nhìn thấy hằng trăm người đến sưu tầm các hồ sơ gia phả nằm hết bốn tầng lầu. Trong một cuộc viếng thăm đáng nhớ, một vị khách thăm viếng thuộc dòng họ ở Đông Âu là những người đã cảm thấy thờ ơ đối với lịch sử gia đình được cho thấy giấy đăng ký và hồ sơ nhập cư của các tổ tiên của vị khách ấy. Chị Shumway nhớ lại: “Hai giờ rưởi đồng hồ sau, chúng tôi bảo ông ấy là chúng ta phải đi, và ông ấy nói: ‘Cứ đi đi. Tôi thì ở lại.’
Cuối cùng, những vị khách đi thăm viếng kết thúc cuộc tham quan và họ mang theo những ấn tượng lâu dài với họ. Anh Snow nói: “Những vị khách thăm viếng thường rời Salt Lake và nói: ‘Tôi đến mà không biết gì về Giáo Hội, nhưng tôi thấy được sự nhiệt tình, tình bằng hữu, tình yêu thương và mối quan tâm.’” Và Anh Shumway nói thêm: “Đó là điều chúng tôi cố gắng làm trước nhấtọlà tạo ra nhịp cầu thông cảm giữa thế giới và Giáo Hội.”