2002
Tôi Tin Rằng Tôi Có Thể Làm Được, Tôi Đã Biết Là Tôi Có Thể Làm Được
Tháng Mười Một Năm 2002


Tôi Tin Rằng Tôi Có Thể Làm Được, Tôi Đã Biết Là Tôi Có Thể Làm Được

Tuy chúng ta không có đồng đều kinh nghiệm, khả năng và sức mạnh, … nhưng tất cả chúng ta đều sẽ chịu trách nhiệm cho việc sử dụng các ân tứ và cơ hội đã được ban cho chúng ta.

Thưa các anh em thân mến của tôi trong thánh chức tư tế, tôi cầu xin có được sự hiểu biết của các anh em khi tôi ngỏ lời cùng đám đông cử tọa này tối nay. Là Chủ Tịch của Giáo Hội, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã hoàn thành một số nhiệm vụ rất khó khăn. Vậy mà, ông cũng đã từng là một người trẻ nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn giống như nhiều người trong các anh em. Các em, những thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn, là những người lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. Buổi tối hôm nay tôi muốn được đưa ra những nhận xét của mình chủ yếu là cho các em. Các em cần hiểu rằng sự thành công—cho cá nhân các em và Giáo Hội—sẽ tùy thuộc vào quyết tâm của các em để hoàn thành công việc của Chúa. Mỗi em sẽ cần có đức tin và sự tin tưởng để tiến bước.

Mỗi người đàn ông và mỗi thiếu niên đang lắng nghe tối nay đã được giao phó cho quyền năng lớn lao nhất trên thế gianọthánh chức tư tế của Thượng Đế. Đó là quyền năng để hành động một cách ngay chính trong tôn danh của Chúa nhằm xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Tôi xin nhắc các anh em rằng “những quyền hạn của chức tư tế gắn liền với các quyền năng trên trời, và các quyền năng trên trời chỉ có thể kiểm soát hay điều khiển được bởi các nguyên tắc ngay chính.”1 Chức tư tế là thẩm quyền hành động trong danh của Thượng Đế và Chúa sẽ bắt chúng ta chịu trách nhiệm về việc chúng ta sử dụng thẩm quyền lớn lao này.

Lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện tuyệt vời về Cái Đầu Máy Xe Lửa Nhỏ Mà Đã Có Thể Làm Được khi tôi chừng khoảng 10 tuổi. Là một đứa trẻ, tôi rất thích câu chuyện này vì các toa xe lửa chở đầy đồ chơi hình các con vật, đồ chơi thằng hề, dao xếp, trò chơi ráp hình và sách cũng như những đồ ăn ngon lành. Tuy nhiên, cái đầu máy kéo xe lửa lên núi bị hư. Câu chuyện kể rằng một cái đầu máy xe lửa lớn chở hành khách đi ngang qua và được nhờ kéo các toa xe lửa lên núi, nhưng nó không chịu hạ mình để kéo chiếc xe lửa nhỏ. Một cái đầu máy xe lửa khác đi ngang qua, nhưng nó cũng không hạ mình để giúp kéo chiếc xe lửa nhỏ lên núi bởi vì nó là một đầu máy xe lửa chở hàng hóa. Một chiếc xe lửa cũ kỹ đi ngang qua, nhưng nó cũng không chịu giúp bởi vì nó nói: “Tôi mệt mỏi lắm … . tôi không thể giúp được. Tôi không thể giúp được. Tôi không thể giúp được.”

Rồi một cái đầu máy xe lửa màu xanh chạy xuống đường rầy, và nó được nhờ để kéo các toa xe lên núi cho các trẻ em ở bên kia sườn núi. Cái đầu máy nhỏ trả lời: “Tôi không lớn lắm… . Tôi chỉ được sử dụng để chuyển dịch trong xưởng. Tôi chưa bao giờ lên đến núi.” Nhưng nó quan tâm đến nỗi thất vọng của các em bên kia sườn núi nếu chúng không nhận được tất cả số bánh kẹo trong các toa xe. Nên nó nói: “Tôi nghĩ tôi có thể giúp được. Tôi nghĩ tôi có thể giúp được. Tôi nghĩ tôi có thể giúp được.” Và nó tự móc mình vào chiếc xe lửa nhỏ. “Phù phù, phụt phụt, xình xịch, xình xịch, Cái Đầu Máy Xe Lửa Nhỏ Màu Xanh chạy. ‘Tôi nghĩ là tôi có thể làm được— Tôi nghĩ là tôi có thể làm được— Tôi nghĩ là tôi có thể làm được— Tôi nghĩ là tôi có thể làm được— Tôi nghĩ là tôi có thể làm được— Tôi nghĩ là tôi có thể làm được— Tôi nghĩ là tôi có thể làm được.’” Với thái độ này, cái đầu xe lửa nhỏ chạy đến đỉnh núi và đi xuống bên kia sườn núi, rồi nó nói rằng: “Tôi đã nghĩ là tôi có thể làm được mà. Tôi đã nghĩ là tôi có thể làm được mà. Tôi đã nghĩ là tôi có thể làm được mà. Tôi đã nghĩ là tôi có thể làm được mà. Tôi đã nghĩ là tôi có thể làm được mà. Tôi đã nghĩ là tôi có thể làm được mà.”2

Đôi khi tất cả chúng ta được kêu gọi để cố gắng thêm và làm nhiều hơn điều mình nghĩ là mình có thể làm. Tôi nhớ lại lời nhận xét của Tổng Thống Theodore Roosevelt: “Tôi chỉ là một người trung bình, nhưng thế mà, tôi làm việc siêng năng hơn một người trung bình.”3 Chúng ta phát triển các tài năng của mình trước hết bằng cách nghĩ rằng chúng ta có thể làm được. Chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện ngụ ngôn về các ta lâng. Đấng Thầy đưa cho một người năm ta lâng, một người khác hai ta lâng và một người khác nữa một ta lâng, “tùy theo tài mỗi người… .

“Tức thì, người đã nhận năm ta lâng đi làm lợi ra, và được năm ta lâng khác.

“Người đã nhận hai ta lâng cũng vậy, làm lợi ra được hai ta lâng nữa.

“Song người chỉ nhận một thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ.”

Sau một thời gian dài, Đấng Thầy khiến họ tính sổ. Người đã nhận năm ta lâng báo cáo rằng mình đã làm lợi ra được năm ta lâng nữa và nhận được lời khen ngợi: “Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều.” Người đã nhận hai ta lâng đã làm lợi ra được hai ta lâng nữa và cũng nhận được lời hứa ban cho nhiều quyền hạn hơn. Nhưng người đã nhận được một ta lâng lại đem trả lại ta lâng độc nhất của mình và nói: “Lạy Chúa, tôi biết Chúa là người nghiêm nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm lặt trong chỗ mình không rải ra;

“Nên tôi sợ mà đi giấu ta lâng của Chúa ở dưới đất.”4

Trong lời giải thích về việc quản lý ta lâng của mình, người tôi tớ lười biếng này đã đổ tội yếu kém của mình cho chủ mình.5 Ít nhất, người ấy đã có thể bỏ tiền để sinh lời và nhận được tiền lời từ đó thay vì đem giấu nó ở dưới đất. Ta lâng của người ấy bị lấy lại và được đưa cho người đã có 10 ta lâng. Rồi Chúa phán bảo chúng ta: “Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì cũng cất luôn điều họ đã có nữa.”6

Chúng ta có thể tự hỏi có công bằng không để lấy ta lâng từ một người có ít nhất và đưa nó cho người có nhiều nhất. Tuy nhiên, từ lúc bắt đầu, Chúa đã giải thích rằng mỗi người có khả năng.

Một số người trong chúng ta quá mãn nguyện với những gì chúng ta có thể đang làm. Chúng ta lãng phí thời giờ theo lối “ăn, uống và vui chơi thỏa thích” trong khi có đầy dẫy các cơ hội để tăng trưởng và phát triển. Chúng ta bỏ lỡ các cơ hội để xây đắp vương quốc của Thượng Đế bởi vì chúng ta có ý nghĩ thụ động rằng một người nào khác sẽ làm việc đó. Chúa phán bảo chúng ta rằng Ngài sẽ ban thêm cho những người có sự sẵn lòng. Họ sẽ được làm cho vinh hiển trong các nỗ lực của họ, giống như cái đầu máy xe lửa màu xanh khi nó kéo chiếc xe lửa lên núi. Nhưng đối với những người mà nói: “Chúng tôi đã có đủ, thì ta sẽ lấy lại, ngay cả những gì chúng đã có.”8

Chúa giao phó cho tất cả các tôi tớ của Ngài, kể cả mọi người nắm giữ chức tư tế, những ta lâng thuộc linh. Chúa là Đấng ban cho chúng ta những ta lâng này phán bảo chúng ta: “Ta tin ngươi có thể làm được. Ta tin ngươi có thể làm được.” Tuy chúng ta không có đồng đều kinh nghiệm, khả năng và sức mạnh, nhưng chúng ta có các cơ hội khác nhau để sử dụng các ân tứ thuộc linh này và tất cả chúng ta đều sẽ chịu trách nhiệm cho việc sử dụng các ân tứ và cơ hội đã được ban cho chúng ta.

Lịch sử Giáo Hội gồm có các sự kiện về những người nắm giữ chức tư tế với khả năng lớn lao. Một ít người rất tài giỏi nhưng có tính khí thất thường và không đáng tin cậy và như vậy mất đi các ân tứ và ta lâng thuộc linh mà Chúa đã ban cho họ dồi dào. Tôi muốn kể cho các anh em nghe một người như thế.

Samuel Brannan dẫn một số Thánh Hữu đi vòng Cape Horn trên chiếc tàu Brooklyn. Họ ngừng lại trong một thời gian ngắn ở Hạ Uy Di trước khi tàu cặp bến ở Vịnh Cựu Kim Sơn. Ông tin rằng nhóm lãnh đạo các Tín Hữu không nên đến định cư ở Dãi Núi Rocky Mountains mà phải đi California. Vì vậy, ông đã hành trình về miền đông và gặp nhóm người di cư đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Brigham Young ở Green River, Wyoming. Ông đã dùng tất cả khả năng thuyết phục của mình để làm cho Brigham Young nghe theo là sẽ có lợi trong những cơ hội mà ông nghĩ là California mang đến cho. Brigham Young đã trả lời: “Nếu chúng ta đi California thì chúng ta không thể ở đó hơn năm năm; nhưng nếu chúng ta ở lại vùng núi này, thì chúng ta có thể trồng trọt khoai tây và ăn khoai tây; và tôi dự định là sẽ ở lại đây.”9 Brannan ở lại với nhóm lãnh đạo của các Thánh Hữu trong một vài ngày, nhưng rồi, bởi vì ông là một người bướng bỉnh và tự cho mình là quan trọng, vào tháng Tám năm 1847, ông trở về California.

Cũng giống như cái đầu máy xe lửa lớn mà không hạ mình để kéo các toa xe lên núi, Sam Brannan không chú tâm đến việc xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Thay vì thế, ông đã hướng về việc kinh doanh và làm ra tiền. Ông đã trở thành người triệu phú đầu tiên ở California với nhiều công việc kinh doanh mạo hiểm và đất đai tài sản mênh mông. Bởi vì ông là người lãnh đạo của nhóm Thánh Hữu đó, nên Chủ Tịch Young yêu cầu ông báo cáo về tiền thập phân mà ông đã thu góp từ các tín hữu của Giáo Hội ở California, kể cả những người tham gia trong việc đi tìm vàng, nhưng ông đã không làm theo. Ông cũng không dùng các quỹ đó để thiết lập Giáo Hội hay giúp đỡ những tín hữu ở nơi đó.

Trong một thời gian ngắn, Brannan rất được thành công trong việc thành lập những xí nghiệp và thu đạt được đất đai cho riêng mình, nhưng cuối cùng ông đã gặp khó khăn. Gia đình ông đổ vỡ. Khi ông chết ông là người cô đơn, suy sụp về phương diện thể chất, tinh thần và tài chính. Trong 16 tháng, ông vẫn là một cái xác vô thừa nhận. Cuối cùng ông được chôn cất trong Nghĩa Trang Mount Hope ở San Diego. Sam Brannan thành đạt nhiều trong cuộc sống của ông nhưng cuối cùng ông đã phải trả một cái giá khủng khiếp cho việc không tôn trọng vai trò quản lý chức tư tế của mình và đã không tuân theo vị tiên tri của Thượng Đế.10

Những người trong chúng ta mà giờ đây nắm giữ trách nhiệm chức tư tế của Giáo Hội này phải tuân theo và tán trợ vị tiên tri của chúng ta, là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.

Giống như “Cái Đầu Máy Xe Lửa Nhỏ Mà Có Thể Làm Được,” chúng ta cần phải ở trên con đường đúng và phát triển các tài năng của mình. Chúng ta phải ghi nhớ rằng chức tư tế chỉ có thể được sử dụng cho những mục đích ngay chính. Khi nào được sử dụng “với bất cứ mức độ bất chính nào, thì này, thiên thượng sẽ rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay quyền uy của người ấy.”11

Để ở trên con đường đúng, chúng ta phải tôn trọng và tán trợ những người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế chủ tọa. Chúng ta được nhắc nhở rằng có nhiều người “được gọi, nhưng ít người được chọn.”12 Chúng ta được chọn khi nào? Chúng ta được Chúa chọn chỉ khi nào chúng ta đã làm hết khả năng của mình để đẩy mạnh công việc thiêng liêng này tiến lên qua các nỗ lực và tài năng mà chúng ta hiến dâng lên Chúa. Các nỗ lực của chúng ta phải luôn luôn được hướng dẫn bởi những nguyên tắc ngay chính đã được Chúa đề ra trong tiết 121 của Giáo Lý và Giao Ước:

“Uy quyền hay ảnh hưởng không thể có được qua danh nghĩa chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, kiên trì chịu đựng, nhu mì hiền dịu, và tình thương yêu chân thật.

“Nhờ lòng nhân từ và sự hiểu biết thuần túy, là những điều sẽ làm nẩy nở tâm hồn con người một cách không giả dối và không gian xảo.”13

Chức tư tế đã được ban cho để ban phước cho cuộc sống của những người khác. Chủ Tịch David O. McKay đã nói: “Thực chất chính của Chức Tư Tế là vĩnh cửu. Nó biểu hiện quyền năng trong cuộc sống. Chúng ta có thể tưởng tượng quyền năng của Chức Tư Tế như một cái hồ chứa nước có tiềm năng lớn lao. Tiềm năng như thế trở nên năng động và hữu ích chỉ khi nào sức mạnh được tháo ra và tuôn tràn vào thung lũng, đồng ruộng, vườn và các mái gia đình vui vẻ; do đó nguyên tắc của quyền năng chỉ được biểu lộ khi nó trở nên tích cực trong cuộc sống của loài người, hướng tâm hồn và ước muốn của họ lên Thượng Đế và nhắc nhở họ phục vụ đồng bào của họ.”14 Nếu chúng ta không phục vụ những người khác, thì chức tư tế thực sự không ích lợi gì cho chúng ta bởi vì nó không phải là một quyền năng thụ động. Thưa các anh em, hãy rộng rãi với quyền năng của phước lành phát sinh từ chức tư tế, nhất là cho những người trong gia đình của các anh em. Hãy nhớ rằng Chúa đã phán: “Bất cứ người nào được ngươi ban phước lành thì ta cũng sẽ ban phước lành cho người đó.”15

Trong khi chuẩn bị cho lúc mà chúng ta sẽ tường trình với Chúa về vai trò quản lý chức tư tế của cá nhân mình, thì chúng ta sẽ ở nơi đâu? Hãy nhớ rằng “người giữ cổng là Đấng Chí Thánh của Y Sơ Ra Ên; và Ngài không thu dụng tôi tớ nào ở đó cả.”16

Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không giống như cái đầu máy xe lửa lớn chở hành khách, quá kiêu hãnh không chấp nhận những công việc mà chúng ta được chỉ định. Tôi cầu xin rằng chúng ta sẽ không giống như người trong bài thơ nổi tiếng mà đã nói rằng:

Thưa Cha, hôm nay con sẽ làm việc nơi đâu?

Lòng con tràn đầy yêu thương và nồng ấm.

Rồi Ngài chỉ vào một nơi nhỏ bé tầm thường

Và nói: “Hãy trông coi nó cho ta.”

Tôi trả lời ngay: “Ồ không đâu; không phải chỗ đó đâu!

Sao, không ai có thể trông thấy nó được,

Cho dù con có làm việc giỏi như thế nào đi nữa;

Chỗ nhỏ bé tầm thường đó không phải là chỗ của con.”

Và lời Ngài phán, không chút nghiêm khắc;

Ngài đáp lời tôi một cách dịu dàng:

“À, con ơi, hãy suy xét lòng con.

Con làm việc cho những người khác hay cho ta?

Na Xa Rét là một nơi chốn nhỏ bé tầm thường,

Và Ga Li Lê cũng vậy.”17

Tôi cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ không giống như cái đầu máy xe lửa chở hàng hóa, không sẵn lòng nỗ lực thêm trong sự phục vụ. Đấng Thầy đã dạy chúng ta rằng “kẻ nào muốn bắt các ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với kẻ đó.”18 Một số thời gian đáng bõ công nhất trong cuộc sống của chúng ta là “nỗ lực thêm” cho những giờ phục vụ khi cơ thể nói rằng nó muốn được nghỉ ngơi, nhưng con người tốt hơn của chúng ta trổi dậy và nói: “Có tôi đây, xin hãy sai tôi đi.”19

Hoặc, giống như cái đầu máy xe lửa cũ kỹ, chúng ta nói rằng chúng ta quá mệt mỏi—hay quá lớn tuổi chăng? Tôi nhắc cho các anh em nhớ rằng Chủ Tịch Hinckley đã 92 tuổi và vẫn còn khỏe đấy!

Tôi hy vọng chúng ta đều có thể giống như “Cái Đầu Máy Xe Lửa Nhỏ Mà Có Thể Làm Được.” Nó không lớn lắm, chỉ được dùng để chuyển dịch các toa xe, và chưa bao giờ lên núi, nhưng nó có sự sẵn lòng. Cái đầu máy xe lửa nhỏ đó móc vào chiếc xe lửa bị hư máy, chạy xình xịch lên đỉnh núi, và chạy phì phò xuống núi, và nói: “Tôi đã nghĩ tôi có thể làm được mà.” Mỗi người chúng ta phải trèo lên ngọn núi mà chúng ta chưa từng trèo trước đây.

Thưa các anh em, công việc của chúng ta thì quan trọng và các trách nhiệm chức tư tế của chúng ta thì nặng nề. Tôi hy vọng và cầu xin cho chúng ta có thể tiến lên với công việc thiêng liêng này một cách khiêm nhường, thành tâm và đoàn kết dưới sự chỉ đạo của Thánh Linh của Chúa và sự hướng dẫn của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. GLGƯ 121:36.

  2. “The Little Engine That Could,” (“Cái Đầu Máy Xe Lửa Mà Có Thể Làm Được”) do Watty Piper kể lại, từ Mabel C. Bragg, The Pony Engine (1930).

  3. Evan Esar, xuất bản, Dictionary of Humorous Quotations (1964), 151.

  4. Ma Thi Ơ 25:15, 16õ18, 21, 24õ25.

  5. Xin xem James E. Talmage, Jesus the Christ, xuất bản lần thứ ba (1916), 582.

  6. Ma Thi Ơ 25:29.

  7. Xin xem Ma Thi Ơ 25:15.

  8. 2 Nê Phi 28:30.

  9. Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe (1954) tuyển chọn, 475.

  10. Xin xem John K. Carmack, “California: What Went Right and What Went Wrong,” Nauvoo Journal, mùa xuân năm 1998; Paul Bailey, “Sam Brannan and the Sad Years,” Improvement Era, tháng Tư năm 1951, 232õ34, 282õ87.

  11. GLGƯ 121:37.

  12. GLGƯ 121:34.

  13. GLGƯ 121:41õ42.

  14. Pathways to Happiness (1957), 230.

  15. GLGƯ 132:47.

  16. 2 Nê Phi 9:41.

  17. Meade McGuire, được trích dẫn trong Thomas S. Monson, “The Call of Duty,” Ensign, tháng Năm năm 1986, 39.

  18. 3 Nê Phi 12:41.

  19. 2 Nê Phi 16:8.