2002
Lòng Bác Ái: Mỗi Lần, Một Gia Đình, Một Mái Nhà
Tháng Mười Một Năm 2002


Lòng Bác Ái: Mỗi Lần, Một Gia Đình, Một Mái Nhà

Là các phụ nữ đã lập giao ước với Thượng Đế, … chúng ta có thể thay đổi bộ mặt thế giới mỗi lần, một gia đình và một mái nhà qua lòng bác ái, các hành động nhỏ nhặt và tầm thường của tình yêu thương thuần túy của chúng ta.

Cách đây mấy năm, chồng tôi và tôi đã đi thăm khu vực phía đông Bá Linh, nước Đức. Những viên gạch lớn của cái đã từng là bức tường ô nhục chia rẻ những công dân của thành phố đó thì đang nằm rải rác—được lưu giữ với tính cách là một kỷ niệm về chiến thắng của tự do đối với vòng nô lệ. Những dòng chữ này được viết trên một mảnh tường bằng các mẫu tự đậm, không đồng đều, màu đỏ: “Nhiều người yếu đuối trong nhiều chỗ thấp hèn đang làm nhiều điều nhỏ nhặt mà có thể thay đổi thế giới.” Đối với tôi, cụm từ đó nói đến những gì mà mỗi người chúng ta—là các phụ nữ đã lập giao ước với Thượng Đếọcó thể làm để tạo ra sự khác biệt khi chúng ta tiến bước để dâng lên tấm lòng và đôi tay của mình cho Chúa bằng cách nâng đỡ và yêu thương những người khác.

Việc chúng ta là người mới cải đạo hay là tín hữu lâu đời, độc thân, có gia đình, ly dị, hay góa bụa, dù giàu, nghèo, có học, ít học, sống trong một thành phố hiện đại, hay trong một vùng nông thôn, rừng rú hẻo lánh nhất thì không quan trọng. Chúng ta, là các phụ nữ đã lập giao ước với Thượng Đế, đang hết lòng tận tâm với chính nghĩa của Đấng Ky Tô qua các giao ước báp têm và đền thờ của mình. Chúng ta có thể thay đổi bộ mặt thế giới mỗi lần, một gia đình và một mái nhà qua lòng bác ái, các hành động nhỏ nhặt và tầm thường của tình yêu thương thuần túy của chúng ta.

Lòng bác ái, tình yêu thương thuần túy của Đấng Cứu Rỗi, là “loại tình thương cao thượng, cao quý và mãnh liệt nhất”1 mà chúng ta “cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình”2 để có được. Anh Cả Dallin H. Oaks dạy chúng ta rằng lòng bác ái “ không phải là một hành động, mà là một điều kiện hay một trạng thái [mà một người trở thành]”.3 Sự dâng hiến từng ngày một lòng bác ái của mình “chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống;… trên bảng thịt, tức là trên lòng [của chúng ta].”4 Dần dần những hành động bác ái của chúng ta thay đổi các bản tính của chúng ta, và cuối cùng, làm cho chúng ta là những phụ nữ đầy lòng can đảm và sự cam kết thưa cùng Chúa rằng: “Con đây, xin phái con đi.”

Là Đấng Gương Mẫu của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi đã cho chúng ta thấy lòng bác ái có nghĩa là gì qua chính các việc làm của Ngài. Ngoài việc phục sự các đám đông dân chúng, Chúa Giê Su còn chứng tỏ tình yêu thương và mối quan tâm sâu xa của Ngài đối với gia đình Ngài. Ngay cả trong khi chịu đựng nỗi thống khổ khủng khiếp trên cây thập tự, Ngài cũng nghĩ đến mẹ Ngài và các nhu cầu của bà:

“Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Giê Su, có mẹ Ngài… .

“Đức Chúa Giê Su thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi!

“Đoạn Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình.”5

Tôi thấy thật cảm động khi đoạn thánh thư này cho thấy sự tận tâm đầy chân tình của Giăng đối với Ma Ri khi nói rằng ông “rước người về nhà mình.” Tôi tin rằng những hành động bác ái quan trọng nhất thì nhỏ nhặt và tầm thường trong tính chất, vĩnh cửu trong kết quả, và được thực hiện trong vòng các bức tường của nhà mình.

Mỗi ngày khi chúng ta cố gắng đối xử một cách nhẫn nại và yêu thương với các em bé ưa quấy rầy, các thiếu niên khó dạy, các bạn cùng phòng khó tính, người phối ngẫu kém tích cực, hoặc cha mẹ già yếu, tật nguyền, thì chúng ta có thể tự hỏi: “Những gì tôi đang làm có thực sự quan trọng không? Nó có ý nghĩa hay tạo ra sự khác biệt không? Thưa các chị em thân mến, những gì các chị em đang làm cho gia đình mình thì rất quan trọng! Nó quan trọng nhiều, rất nhiều. Mỗi ngày, mỗi người chúng ta học đi và học lại tại nhà rằng lòng bác ái, tình yêu thương thuần túy của Đấng Cứu Rỗi thì chẳng hề hư mất.” Có rất nhiều chị em Hội Phụ Nữ thực hiện sự phục vụ tốt lành trong gia đình họ. Các phụ nữ trung tín này không nhận được lời khen ngợi của thế gian—họ cũng chẳng tìm kiếm điều đó—nhưng “có lòng trắc ẩn đối với một số người, tạo ra một sự khác biệt.”6

Các phụ nữ này là ai mà đang tạo ra một sự khác biệt? Tại Nauvoo, các chị em trong Hội Phụ Nữ thời xưa của chúng ta trong cảnh nghèo khó cùng cực, đã mở rộng lòng mình và đón chào vào nhà mình nhiều người mới cải đạo đang đổ xô đến Nauvoo. Họ chia sẻ thức ăn, áo quần và quan trọng hơn hết, họ chia sẻ đức tin của mình nơi tình yêu thương cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi.

Trong thời chúng ta, Chị Knell, một phụ nữ đã lập giao ước với Thượng Đế, đã tạo ra một sự khác biệt. Chị là một góa phụ khoảng 80 tuổi với một người con trai 47 tuổi mà trí óc và thể xác bị tật nguyền từ lúc mới sinh ra. Cách đây một vài năm, người chị em yêu dấu này đã quyết tâm làm một điều mà dường như đối với người khác không thể nào làm được—đó là dạy cho con mình là Keith biết đọc. Việc tập đọc là ước muốn lớn nhất của anh, nhưng các bác sĩ đã nói rằng Keith không có đủ khả năng để đọc. Với đức tin trong lòng mình và với ước muốn ban phước cho cuộc sống của con trai mình, người góa phụ khiêm nhường này đã nói cùng con mình: “Mẹ biết Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho con, để con có thể đọc được Sách Mặc Môn.”

Chị Knell đã viết như sau: “Đó là công việc khó khăn cho Keith và cũng không phải dễ dàng cho tôi. Thoạt tiên, có một số ngày thật vất vả, bởi vì tôi cảm thấy khó chịu. Đó là sự vật lộn mất thời giờ với từng chữ một. Tôi ngồi cạnh bên nó mỗi sáng. Tôi chỉ vào từng chữ với một cây bút chì để giúp nó theo đúng.” Sau bảy năm dài và một tháng, cuối cùng Keith đã hoàn tất việc đọc Sách Mặc Môn. Mẹ của anh nói: “Nghe nó đọc một câu mà không cần giúp thật là một xúc động mà tôi không thể nào thốt ra thành lời.” Chị làm chứng: “Tôi biết các phép lạ thực sự xảy ra khi chúng ta đặt sự tin cậy của mình nơi Chúa.”7

Khắp nơi trên thế giới ở Phi Châu, Á Châu, Thái Bình Dương, Bắc và Nam Mỹ Châu và Âu Châu, các phụ nữ nhân đức, kết hợp với gia đình mình, cũng tạo ra một sự khác biệt trong cộng đồng của họ. Trên một hòn đảo nhỏ bé Trinidad, Chị Ramoutar, một chị chủ tịch Hội Phụ Nữ trong một chi nhánh thật bận rộn và gia đình chị đang giúp đỡ các trẻ em trong xóm. Gia đình Ramoutar sống trong một ngôi làng là một “ổ ma túy” nơi mà nhiều cha mẹ và người lớn bị nghiện rượu hoặc mua bán ma túy. Các trẻ em đang sống trong môi trường nhiều nguy hiểm và thường không được trông nom. Nhiều em không đi học.

Mỗi tối thứ Năm, có khi nhiều đến 30 em, từ 3 đến 19 tuổi, ngồi dưới một chỗ có mái che bên ngoài sân nhà của gia đình Ramoutar hăng hái tham gia vào một nhóm có tên là “Một Đại Gia Đình Hạnh Phúc của Chúng Ta.” Những lời cầu nguyện, các bài thánh ca, những bài hát vui, và sự chia sẻ những việc làm tốt lành do các trẻ em thực hiện mỗi tuần là một phần của các sinh hoạt. Đôi khi, các bác sĩ, các người lính cảnh sát, các giáo viên hay những người truyền giáo của chúng ta chia sẻ các bài học hữu ích như bài nói chuyện của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley về sáu điều mà giới trẻ phải sống theo. Gia đình Ramoutar cứu vớt các trẻ em qua các hành động bác ái nhỏ nhặt và tầm thường của họ. Trong khi họ chia sẻ phúc âm trong “Một Đại Gia Đình Hạnh Phúc”, thì những người khác đã gia nhập Giáo Hội.

Thưa các chị em yêu quý của Hội Phụ Nữ, tôi biết rằng bất cứ nơi nào mình sống, trong bất cứ hoàn cảnh nào mình gặp phải, thì chúng ta, với tư cách là các phụ nữ đã lập giao ước với Thượng Đế, đoàn kết trong sự ngay chính, có thể thay đổi bộ mặt của thế gian. Tôi làm chứng như An Ma đã làm chứng rằng “chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà chuyện lớn mới thành được.”8 Trong nhà của chúng ta, những điều nhỏ nhặt và tầm thường đó—các hành động bác ái hằng ngày của chúng ta—nói lên lòng tin chắc của chúng ta: “Tôi đây, xin phái tôi đi.”

Tôi để lại lời chứng của mình rằng hành động bác ái lớn lao nhất trong thời này và suốt vĩnh cửu là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài đã sẵn lòng phó mạng sống của Ngài để chuộc các tội lỗi của tôi và của các chị em. Tôi bày tỏ sự tận tâm của mình cho chính nghĩa của Ngài và ước muốn của tôi để luôn phục vụ Ngài bất cứ nơi đâu Ngài kêu gọi tôi đi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Bible Dictionary, 632.

  2. Mô Rô Ni 7:48.

  3. “Sự Thử Thách để Trở Nên,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 42.

  4. 2 Cô Rinh Tô 3:3.

  5. Giăng 19:25õ27.

  6. Giu Đe 1:22.

  7. Bức thư lưu trong hồ sơ của văn phòng Hội Phụ Nữ.

  8. An Ma 37:6.