2002
Để Họ Cũng Hiệp Làm Một Như Chúng Ta Vậy
Tháng Mười Một Năm 2002


Để Họ Cũng Hiệp Làm Một Như Chúng Ta Vậy

Chúng ta sẽ không hiệp một với Thượng Đế và Đấng Ky Tô cho đến khi nào chúng ta làm ý muốn và mối quan tâm của các Ngài thành ước muốn lớn lao nhất của chúng ta.

Khi giáo vụ trên trần thế của Ngài gần kết thúc, và biết rằng “giờ mình đã đến” (Giăng 13:1), Chúa Giê Su tụ họp các sứ đồ của Ngài lại trong căn phòng trên gác ở Giê Ru Sa Lem. Tiếp theo bữa ăn tối của họ và sau khi Ngài đã rửa chân cho họ và giảng dạy họ, Chúa Giê Su dâng lên một lời cầu nguyện thiêng liêng thay cho các sứ đồ này và tất cả những người nào tin nơi Ngài. Ngài khẩn cầu Đức Chúa Cha bằng những lời này:

“Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa:

“Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến.

“Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con để hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một:

“Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một (Giăng 17:20–23).

Thật là vinh quang biết bao để suy ngẫm rằng chúng ta đã được mời gọi làm một phần tử trong sự kết hợp toàn vẹn đó với sự hiện hữu của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Làm thế nào điều này có thể xảy ra được?

Khi suy ngẫm câu hỏi này, thì rõ ràng là chúng ta phải bắt đầu bằng cách trở nên một với chính bản thân mình. Chúng ta là sự kết hợp của phần xác và phần hồn và đôi khi chúng ta cảm thấy không có sự hòa thuận hoặc còn có sự xung đột. Phần hồn của chúng ta được soi sáng bởi lương tâm, ánh sáng của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 7:16; GLGƯ 93:2), và đương nhiên đáp ứng những lời mách bảo của Đức Thánh Linh và mong muốn tuân theo lẽ thật. Nhưng lòng ham muốn và cám dỗ mà phần xác phải chịu thì có thể, nếu cho phép nó, lấn áp và chi phối phần hồn. Phao Lô đã nói:

“Vậy tôi thấy có luật này trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi.

“Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng;

“Nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy (Rô Ma 7:21–23).

Nê Phi cũng bày tỏ những cảm nghĩ tương tự.

“Tuy nhiên, mặc dù với tấm lòng nhân từ bao la của Chúa, khi cho tôi thấy công việc vĩ đại và kỳ diệu của Ngài, nhưng tôi cũng không khỏi thốt nên lời: Ôi, khốn thay cho thân tôi! Phải, lòng tôi đau khổ vì xác thịt của tôi; linh hồn tôi phiền não vì tội lỗi của tôi.

“Tôi bị bao vây bởi những cám dỗ và những tội lỗi, chúng đã quấy nhiễu tôi một cách quá dễ dàng (2 Nê Phi 4:17–18).

Nhưng rồi, khi nhớ đến Đấng Cứu Rỗi, Nê Phi đã phát biểu lời kết luận đầy hy vọng này: “Tuy nhiên, tôi biết mình đã đặt hết lòng tin cậy nơi ai rồi” (2 Nê Phi 4:19). Ông có ý nói gì?

Chúa Giê Su cũng là một Đấng có thể xác và linh hồn nhưng Ngài đã không nhượng bộ cám dỗ. (xin xem Mô Si A 15:5.) Chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ từ Ngài trong khi chúng ta tìm kiếm sự đồng nhất và hòa thuận trong bản thân mình bởi vì Ngài hiểu rõ. Ngài hiểu rõ cuộc xung đột đó và Ngài cũng hiểu rõ cách thức để thắng cuộc xung đột đó. Như Phao Lô đã nói: “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê Bơ Rơ 4:15).

Quan trọng hơn hết, chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ từ Chúa Giê Su để giúp khôi phục sự hòa hợp của phần hồn chúng ta khi chúng ta không nhượng bộ tội lỗi và hủy hoại sự bình an của chúng ta. Chẳng bao lâu sau lời cầu nguyện thay của Ngài để chúng ta có thể trở thành “toàn vẹn hiệp làm một,” Chúa Giê Su đã chịu đau khổ và phó mạng sống của Ngài để chuộc trả tội lỗi. Quyền năng của Sự Chuộc Tội có thể xóa bỏ hậu quả của tội lỗi. Khi chúng ta hối cải, ân điển chuộc tội của Ngài biện minh và tẩy sạch chúng ta. (xin xem 3 Nê Phi 27:16–20.) Điều đó thể như chúng ta chưa hề chịu thua, thể như chúng ta chưa hề nhượng bộ cám dỗ.

Khi chúng ta cố gắng hằng ngày và hằng tuần để đi theo đường lối của Đấng Ky Tô, phần hồn của chúng ta vùng lên đòi quyền chi phối, cuộc chiến nội tâm lắng đọng và các cám dỗ ngừng quấy nhiễu. Sẽ có một sự hòa hợp càng ngày càng thắm thiết hơn giữa phần hồn và phần xác cho đến khi thể xác của chúng ta được biến đổi, theo như lời của Phao Lô, từ “đồ dùng gian ác” thành “đồ dùng về sự công bình cho Thượng Đế” (xin xem Rô Ma 6:13.)

Việc hiệp thành một trong bản thân mình chuẩn bị chúng ta cho phước lành lớn lao hơn để hiệp thành một với Thượng Đế và Đấng Ky Tô.

Chúa Giê Su đạt được sự đồng nhất toàn vẹn với Đức Chúa Cha bằng cách đặt Ngài, phần xác và phần hồn, tuân phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Giáo vụ của Ngài luôn được tập trung vào một cách rõ ràng bởi vì không có những ý tưởng hay ước muốn mà không hòa hợp với Đức Chúa Cha để làm xao lãng mục đích của Ngài. Khi nhắc đến Cha Ngài, Chúa Giê Su đã phán: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29).

Bởi vì đó là ý muốn của Đức Chúa Cha, nên Chúa Giê Su ngay cả đã tuân phục chịu chết, “ý muốn của Đức Chúa Con lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha” (Mô Si A 15:7).

Điều này chắc chắn không phải là nhỏ nhặt. Ngài đã phán về nỗi cam chịu đó: “khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, phải rớm máu từng lỗ chân lông, phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn và làm cho ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy để khỏi phải co rúm—

“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người” (GLGƯ 19:18–19).

Những lời phán này cho thấy rằng hoài bão trên hết của Đấng Cứu Rỗi là tôn vinh Đức Chúa Cha. Đức Chúa Cha ở “trong” Vị Nam Tử có nghĩa là vinh quang của Đức Chúa Cha và ý muốn của Đức Chúa Cha là mối bận tâm độc nhất của Vị Nam Tử.

Trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng đó với các sứ đồ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã phán:

“Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho.

“Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn” (Giăng 15:1–2).

Sự tỉa sửa đó có thể thực hiện dưới hình thức nào, những hy sinh nào nó có thể đòi hỏi, có lẽ chúng ta không thể biết trước được. Nhưng nếu là người thanh niên giàu có quyền quý , thì chúng ta đã phải hỏi: “Còn thiếu chi cho tôi nữa?” (Ma Thi Ơ 19:20), câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi thì cũng sẽ tương tự: “Hãy đến mà theo ta” (Ma Thi Ơ 19:21); hãy là môn đồ của ta cũng như ta là môn đồ của Đức Chúa Cha; trở thành “như trẻ nhỏ, dễ dạy, nhu mì, khiêm tốn, kiên nhẫn, đầy sự trìu mến, sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì Chúa thấy cần gán cho [các anh chị em], chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy” (Mô Si A 3:19).

Chủ Tịch Brigham Young đã thông cảm với thử thách của chúng ta khi ông nói:

“Xét cho cùng điều đó đã được nói và thực hiện, sau khi Ngài đã hướng dẫn dân Ngài lâu như thế, các anh chị em không cảm thấy có một sự thiếu sót tin tưởng nơi Thượng Đế của chúng ta sao? Các anh chị em có thể cảm thấy điều đó trong lòng mình không? Các anh chị em có thể hỏi: ‘Thưa Anh Brigham, anh có cảm thấy điều đó trong lòng anh không?’ Có, tôi có thể thấy rằng tôi vẫn còn thiếu sự tin tưởng, ở một mức độ nào đó, nơi Ngài là Đấng mà tôi tin cậy—Tại sao? Bởi vì tôi không có quyền năng, vì sự sa ngã mà ra… .

“… Đôi khi, một điều gì đó dâng lên trong lòng tôi [,]… vạch ra một đường ranh giữa ý muốn của tôi với ý muốn của Cha trên trời của tôi—đôi khi điều đó làm cho ý muốn của tôi và ý muốn của Cha trên trời của tôi không được hiệp một.

“…Chúng ta phải cảm thấy và hiểu biết, càng nhiều càng tốt, đến mức mà trạng thái tự nhiên sa ngã cho phép chúng ta, đến mức mà chúng ta có thể thu đạt được đức tin và kiến thức để hiểu mình, thì ý muốn của Thượng Đế là Đấng mà chúng ta phục vụ sẽ là ý muốn của chúng ta, và chúng ta không còn ý muốn nào khác, cũng chẳng nơi thời tại thế hay thời vĩnh cửu (Deseret News, ngày 10 tháng Chín năm 1856, 212).

Chắc chắn là chúng ta sẽ không hiệp một với Thượng Đế và Đấng Ky Tô cho đến khi nào chúng ta làm ý muốn và mối quan tâm của các Ngài thành ước muốn lớn lao nhất của chúng ta. Sự tuân phục như thế không phải đạt được trong một ngày mà phải qua Đức Thánh Linh, Chúa sẽ giảng dạy chúng ta nếu chúng ta sẵn lòng cho đến khi, đến kỳ định, để có thể nói một cách chính xác rằng Ngài ở trong chúng ta cũng như Đức Chúa Cha ở trong Ngài. Đôi lúc, tôi sợ hãi khi suy xét những gì có thể được đòi hỏi để đạt đến điều đó, nhưng tôi biết rằng chỉ trong sự đồng nhất toàn vẹn thì mới có thể tìm thấy được một niềm vui trọn vẹn. Lòng tôi tràn đầy sự biết ơn không tả xiết khi tôi được mời gọi hiệp một với Các Đấng Thiêng Liêng đó mà tôi tôn kính và thờ phượng là Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Chuộc của tôi.

Cầu xin Thượng Đế nghe lời cầu nguyện của Đấng Cứu Rỗi và hướng dẫn tất cả chúng ta để hiệp một với Các Ngài là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.