Sự Hy Sinh Mang Đến Các Phước Lành của Thiên Thượng
Nếu chúng ta có lòng quan tâm, nếu chúng ta có lòng bác ái, nếu chúng ta biết vâng lời Thượng Đế và tuân theo các tiên tri của Ngài, thì những hy sinh của chúng ta sẽ mang đến các phước lành của thiên thượng.
Những lời “sự hy sinh mang đến các phước lành của thiên thượng” từ thánh ca “Ca Khen Người,”1 luôn luôn làm tâm hồn tôi xúc động. Sự hy sinh được định nghĩa là “Hành động từ bỏ một điều gì có giá trị vì lợi ích của một điều gì đó có giá trị hay tầm quan trọng lớn lao hơn.”2 Các Thánh Hữu Ngày Sau lập giao ước với Chúa để hy sinh. Khi làm như vậy, chúng ta đặt ý muốn của mình tuân phục theo ý muốn của Ngài, hiến dâng cuộc sống của mình cho việc xây đắp vương quốc của Ngài và phục vụ các con cái của Ngài.
Đối với những người hy sinh một cách trung tín qua việc đóng tiền thập phân ngay thật, Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ mở các cửa sổ trên trời ra.3 Không những sự hy sinh ban phước cho cá nhân và gia đình, mà những số tiền tự nguyện dâng hiến đó còn cung ứng nguồn phương tiện giúp cho vương quốc của Chúa thực hiện được những phép lạ mỗi ngày. Vua Bên Gia Min đã nói: “… Các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần…”4 Sự đóng góp trung tín tiền thập phân và các của lễ là một sự bày tỏ bề ngoài của sự cam kết trong lòng để hy sinh.
Việc tuân theo luật nhịn ăn là một hình thức khác của sự hy sinh. Chúa đòi hỏi chúng ta dành riêng ra một ngày Chúa Nhật mỗi tháng để nhịn ăn trong hai bữa ăn. Chúng ta được mời đóng góp vào Giáo Hội tiền để dành từ chi phí của các bữa ăn đó để nó có thể giúp những người túng thiếu. Việc nhịn ăn và đóng góp một của lễ rộng rãi có một ảnh hưởng tốt lành đối với tâm hồn. Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Khi thực hành luật nhịn ăn, một người tìm thấy được một nguồn quyền năng dồi dào cá nhân để khắc phục sự buông thả và tính ích kỷ .”5
Công việc đền thờ và lịch sử gia đình là một sự hy sinh của tình yêu thương. Các Thánh Hữu trung tín đóng góp hằng triệu giờ dành cho lịch sử gia đình. Họ tra cứu các vi phim và nhật ký . Với bút viết và máy điện toán, họ ghi chép những ngày tháng và các sự kiện. Trong đền thờ họ thực hiện các giáo lễ thiêng liêng cho các tổ tiên yêu quý của họ. Giống như Đấng Cứu Rỗi, đây là một biểu hiệu của sự hy sinhọlàm một điều gì đó cho một người nào đó, mà người ấy không thể tự làm được cho mình.
Cách đây vài năm, trong khi đang công tác cho Giáo Hội ở Saint Petersburg, Nga, vợ tôi, Mary Jane và tôi, có một cơ hội độc đáo cảm nhận được các phước lành của sự hy sinh vị tha về công việc đền thờ và lịch sử gia đình,. Chúng tôi đến viếng văn khố lưu trữ hồ sơ hộ tịch để tự mình thấy kỳ công của Giáo Hội khi chụp bằng vi phim một số hồ sơ của miền Tây nước Nga. Trong khi tôi đang quan sát chuyên viên văn khố đang chụp hình các trang sách cũ mốc từ thành phố Pskov, thì các tên họ trở thành như những người thật. Họ dường như nhảy ra khỏi trang sách và nói: “Quý vị đã tìm thấy tôi. Tôi không còn bị bỏ quên nữa. Xin cám ơn. Tôi biết một ngày nào đó, một nơi nào đó, một người nào đó trong gia đình tôi sẽ mang tên tôi vào đền thờ và tôi sẽ được làm phép báp têm và nhận lễ thiên ân, và tôi sẽ được vợ con tôi làm lễ gắn bó với tôi. Xin cám ơn!”
Cuộc sống của Joseph Smith là một tấm gương của lòng hy sinh vị tha cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Mặc dù Tiên Tri Joseph chịu nhiều đau khổ, nhưng ông vẫn giữ được tính lạc quan và khắc phục nhiều cảnh ngược đãi. Parley P. Pratt kể về kinh nghiệm não lòng của việc sống với vị tiên tri ở Liberty, Missouri mùa đông các năm 1838–39. Sáu tháng đau khổ cùng cực và bị giam hãm đó đã trui rèn Vị Tiên Tri ưu việt và được tiền sắc phong này.
Trong nhà giam, Vị Tiên Tri và anh của ông đã nghe những lời khoác lác và lăng mạ tồi tệ mà những người lính canh gác đã làm giữa “những người Mặc Môn.” Cuối cùng Vị Tiên Tri không chịu đựng nổi lời nguyền rủa của họ nữa. Đột nhiên, ông đứng dậy và trong “một giọng nói lớn tiếng” đã nói: “’HÃY IM ĐI, các người tà ác từ hố sâu địa ngục. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi khiển trách các người và truyền cho các người hãy nín đi… .’
“Ông đứng thẳng trong vẻ uy nghi đầy khiếp sợ, bị xiềng và không vũ khí, điềm tĩnh và trang nghiêm như một thiên sứ… [Các lính canh run sợ], thu người vào trong góc nhà,” bỏ vũ khí họ xuống, “xin lỗi ông, và nín thinh cho đến khi đổi gác.”
Anh Pratt viết thêm: “Tôi đã trông thấy các quan tòa của công lý , khoác áo quan tòa …; Tôi đã chứng kiến một Đại Hội trong một phiên họp nghiêm trang…; Tôi đã cố gắng nhận thức về các vua, triều vua, ngai vàng mũ miện…; nhưng tôi chỉ mới trông thấy chân giá trị và vẻ uy nghi một lần mà thôi, thể hiện trong gông xiềng, nửa đêm, nơi ngục thất tại một ngôi làng tối tăm của Missouri.”6
Mấy tuần sau sự kiện đó, trong một lúc khó khăn khác, Joseph đã thành khẩn cầu nguyện lên Chúa xin được hướng dẫn. Chúa đã đáp: “Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn người; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi.”7 Rồi Chúa phán những lời đầy hứa hẹn này cùng với vị tiên tri: “Các nơi tận cùng của trái đất sẽ hỏi đến tên ngươi.”8
Năm năm sau, nhìn lại sự xây cất dở dang Đền Thờ Nauvoo, Joseph biết rằng ông đang ra đi “như một chiên con đến lò sát sinh” vậy mà ông “vẫn bình tĩnh như một sáng mùa hè.”9 Ông nạp mình cho thêm một lần bị bắt với sự bảo đảm rằng ông sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, sự tin cậy của ông đã không được tôn trọng. Ngày 27 tháng Sáu năm 1844, ông và anh của ông là Hyrum đã bị giết một cách dã man trong Ngục Thất Carthage.
Các nơi tận cùng của trái đất đã hỏi đến tên của Joseph Smith bởi vì ngày nay mặt trời đã rực chiếu vào các tín hữu trên khắp thế giới của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Những lời này về Abraham Lincoln khi bị ám sát cũng mô tả vẻ uy nghi của Tiên Tri Joseph Smith:
Đây là một người để so sánh với các vĩ nhân của thế gian,
Một người mà công trạng có thể tựa như vá biển lắp trời…
Và khi ông bị giết trong cảnh hỗn loạn, ông đã ngã xuống
Như một cây cổ thụ, cành hãy còn xanh tươi,
Ngã xuống với một tiếng thét mãnh liệt trên những ngọn đồi,
Và để lại một khoảng trống trơ trọi giữa bầu trời.”10
Không có sự hy sinh nào có thể lớn hơn sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô. Sự Chuộc Tội của Ngài, mặc dù chúng ta khó hiểu thấu và không có điều gì tương tự, là hành động cao quý nhất của sứ mệnh của Ngài trên thế gian. Với sự biết ơn, bởi vì nhờ vào lòng hy sinh bác ái bao la của Ngài, mà sẽ không còn nọc chết và mộ phần không còn chiến thắng nữa
Thử thách của chúng ta là hết lòng hy sinh tất cả những gì mà chúng ta được ban cho, kể cả ý muốn của mình. Anh Cả Neal A. Maxwell đã có lý khi nói: “sự tuân phục ý muốn của một người thực sự là một điều duy nhất cá nhân mà chúng ta đặt lên bàn thờ Thượng Đế. Có nhiều điều khác chúng ta ‘dâng lên’… thực sự là những điều mà Ngài đã ban cho chúng ta hay cho chúng ta vay mượn.”11
Cuối cùng, sự hy sinh là một vấn đề thuộc con tim—tâm hồn. “Này, Chúa đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí.”12 Nếu chúng ta có lòng quan tâm, nếu chúng ta có lòng bác ái, nếu chúng ta biết vâng lời Thượng Đế và tuân theo các tiên tri của Ngài, thì những hy sinh của chúng ta sẽ mang đến các phước lành của thiên thượng. “Và các ngươi phải hiến dâng cho ta một trái tim đau khổ và một tâm hồn thống hối làm vật hy sinh.”13
Trong một cách thức đặc biệt, tôi đã thoáng thấy sự hy sinh và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi cho tôi. Trong khi đang ở Giê Ru Sa Lem vào buổi tối trước lễ Giáng Sinh, vợ tôi và tôi đã viếng thăm vài địa điểm nơi mà Đấng Cứu Rỗi đã bước đi và giảng dạy. Nỗi thống khổ của Đấng Cứu Rỗi đã mang đến sự đau buồn sâu xa cho chúng tôi khi chúng tôi đứng trong nhà giam nằm dưới cung điện của Cai Phe. Chính nơi đó mà Chúa của chúng ta đã bị đánh roi và hành hạ. Chúng tôi trông thấy những cái hốc của xiềng xích trong vách đá. Chúng tôi đã hát trong nước mắt bài “Người Bộ Hành Khốn Khổ.” Ngài thật cô đơn giữa những kẻ hung ác xấu xa. Với tấm lòng trĩu nặng, chúng tôi cầu xin có lòng can đảm để làm các tôi tớ xứng đáng của Ngài.
Ngay sau đó, chúng tôi đi thăm Khu Mộ Trống. Những lời trong thánh thư: “Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi”15 vang dội trong lòng chúng tôi. Elisa R. Snow đã viết:
Mặc dù Ngài bị treo lên trong nỗi thống khổ,
Nhưng không có một lời kêu ca nào thốt ra từ miệng Ngài.
Nhiệm vụ cao quý của Ngài được làm tròn, …
Ngài làm vinh hiển ý muốn của Cha Ngài.
Ngài chết hy sinh cho tội lỗi,…
Để con người có thể sống và chiến thắng trong vinh quang.”16
Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là hành động bác ái cao quý nhất mà nhân loại biết được.
Chúng ta hát những lời này của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley:
Ngài sống, đá của đức tin vững chắc của tôi,
Hy vọng sáng lạn độc nhất của loài người trên thế gian,
Ngọn hải đăng soi rõ nẻo đường,
Ánh sáng vượt lên trên màn chết.17
Tôi đau khổ cho từng giọt máu của Ngài đổ xuống cho tôi. Tôi cầu nguyện rằng một ngày nào đó tôi sẽ được diện kiến Đấng Cứu Rỗi. Tôi sẽ quỳ xuống và hôn vào đôi tay và đôi chân bị thương của Ngài và Ngài sẽ lau sạch giọt lệ van xin của tôi. Tôi sẽ cám ơn Ngài cho tất cả những gì Ngài đã làm, và cầu nguyện rằng Ngài sẽ phán: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm.”18 Nhờ vào lòng thương xót của Ngài mà chúng ta có được hy vọng. Ngài là “nguồn gốc của mọi phước lành.”19 Tôi làm chứng những điều này trong thánh danh của tấm gương hy sinh cao quý nhất, chính là Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, A Men.