2008
Vấn Đề Một Vài Độ
Tháng Năm năm 2008


Vấn Đề Một Vài Độ

Sự khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ … thường bắt đầu từ một sai lầm nhỏ.

President Dieter F. Uchtdorf

Các anh em thân mến, tôi cảm nhận được sức mạnh và lòng tốt của các anh em khi chúng ta tụ họp với tư cách là chức tư tế của Thượng Đế. Tôi yêu mến các anh em; tôi khâm phục các anh em. Xin cảm ơn về đức tin, những lời cầu nguyện, và sự sẵn lòng của các anh em để phục vụ Chúa.

Đã được hai tháng kể từ khi Chủ Tịch Thomas S. Monson kêu gọi tôi phục vụ với tư cách là Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội. Tôi chắc rằng điều này làm nhiều người ngạc nhiên, và điều đó cũng làm tôi ngạc nhiên. Thật ra, tôi có thể nói rằng có lẽ ngoài tôi ra, người ngạc nhiên nhiều nhất và trước nhất chính là vợ tôi.

Vào ngày mà Nhóm Túc Số Mười Hai họp mặt trong đền thờ để tán trợ Chủ Tịch Monson và sắc phong cùng phong nhiệm ông với tư cách là vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải và Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, thì tôi cảm thấy quá đỗi vui mừng có được cơ hội để giơ tay lên tán trợ người bạn yêu quý và người lãnh đạo của tôi.

Sau khi Chủ Tịch Monson được tán trợ, thì ông công bố tên hai cố vấn của ông.

Chủ Tịch Eyring, thì không có gì là ngạc nhiên. Ông là một người đầy tài năng và nghị lực—một lựa chọn tuyệt vời với tư cách là Vị Đệ Nhất Cố Vấn. Tôi yêu mến và khâm phục ông biết bao.

Rồi Chủ Tịch Monson công bố tên Vị Đệ Nhị Cố Vấn của ông. Đó là cái tên nghe quen quen một cách kỳ lạ. Đó là tên tôi.

Tôi nhìn khắp phòng, không chắc mình có nghe rõ không. Nhưng những nụ cười từ các anh em Thẩm Quyền Trung Ương và cái nhìn đầy trắc ẩn từ Chủ Tịch Monson đã trấn an tôi rằng cuộc đời tôi lại sắp thay đổi một lần nữa.

Tất cả chúng ta đều thấy nhớ Chủ Tịch Hinckley. Ông tiếp tục ban phước cho cuộc sống của chúng ta.

Chủ tịch Monson là vị tiên tri của Thượng Đế trong thời chúng ta; tôi kính trọng ông và sẽ dành hết tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh cho công việc vĩ đại này.

Vào năm 1979, một chiếc máy bay phản lực lớn chở 257 hành khách đã rời New Zealand cho một chuyến bay đi tham quan Nam Cực và trở về. Tuy nhiên, các phi công không hề biết rằng có ai đó đã thay đổi tọa độ của đường bay chỉ vào khoảng hai độ. Sai lầm này làm cho chiếc máy bay bị lệch sang hướng đông 45 cây số so với vị trí mà các phi công nghĩ rằng họ đang hướng đến. Khi họ đến gần Nam Cực, các phi công bay thấp hơn để hành khách có thể ngắm phong cảnh được rõ hơn. Mặc dù cả hai đều là các phi công giàu kinh nghiệm, nhưng họ đều chưa bao giờ bay một chuyến bay ngoại lệ như thế này, họ không hề biết rằng tọa độ sai lệch đã đặt họ thẳng đến đường vào Núi Erebus, một ngọn núi lửa đang hoạt động và sừng sững đứng vượt lên trên quang cảnh băng giá cao hơn 3.700 mét.

Khi các phi công bay về phía trước, mầu trắng của tuyết băng bao phủ ngọn núi lửa kết hợp với mầu trắng của mây trên trời, làm cho nó giống như họ đang bay trên mặt đất bằng phẳng. Đến khi các thiết bị kêu vang báo động rằng mặt đất đang tiến nhanh đến họ, thì đã quá muộn. Chiếc máy bay đâm vào sườn núi lửa, làm thiệt mạng tất cả hành khách trên đó.

Đó là một thảm kịch khủng khiếp gây ra bởi một sai lầm nhỏ—vấn đề là chỉ một vài độ thôi.1

Qua bao nhiêu năm phục vụ Chúa và trong vô số buổi phỏng vấn, tôi học biết được rằng sự khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ nơi các cá nhân, hôn nhân, và gia đình thường bắt đầu từ một sai lầm nhỏ.

Sau Lơ, Vị Vua của Y Sơ Ra Ên

Câu chuyện về Sau Lơ, vị vua của Y Sơ Ra Ên, minh họa điều này. Cuộc đời của Sau Lơ bắt đầu với nhiều hứa hẹn lớn lao, nhưng nó có một kết cục bất hạnh và thảm thương. Vào lúc đầu, Sau Lơ “còn trẻ và lịch sự, … Trong dân Y Sơ Ra Ên chẳng ai lịch sự bằng người.”2 Sau Lơ được chính Thượng Đế chọn làm vua.3 Ông có tất cả mọi lợi thế—ông có thân hình cao ráo,4 và xuất thân từ một gia đình có thế lực.5

Dĩ nhiên là Sau Lơ có nhiều nhược điểm, nhưng Chúa hứa sẽ ban phước, gìn giữ và làm cho ông thịnh vượng. Thánh thư cho chúng ta biết rằng Thượng Đế hứa sẽ luôn ở cùng ông,6 đổi lòng ông ra khác,7 và ông sẽ hóa ra một người khác.8

Khi ông có được sự giúp đỡ của Chúa, Sau Lơ là một vị vua tài giỏi. Ông đoàn kết dân Y Sơ Ra Ên và đánh bại dân Am Môn, là những người đã xâm chiếm đất của họ.9 Chẳng bao lâu thì một vấn đề lớn lao hơn đến với ông—dân Phi Li Tin, có đội quân khủng khiếp với cỗ xe và lính kỵ và “quân lính đông như cát trên bờ biển”10 Dân Y Sơ Ra Ên quá đỗi sợ hãi dân Phi Li Tin đến nỗi họ “bèn trốn ẩn trong hang đá, trong bụi bờ, trong gành đá.”11

Vị vua trẻ cần được giúp đỡ. Tiên tri Sa Mu Ên gửi lời nhắn nhà vua phải chờ và rằng vị tiên tri sẽ đến và dâng của lễ rồi tìm kiếm lời khuyên bảo từ Chúa. Sau Lơ chờ đợi bảy ngày mà Sa Mu Ên vẫn không đến. Cuối cùng, Sau Lơ cảm thấy không thể chờ lâu hơn nữa. Ông tụ tập dân chúng lại và làm điều mà ông không có thẩm quyền tư tế để làm—ông tự mình dâng của lễ.

Khi Sa Mu Ên đến, ông rất đau khổ. “Ngươi thật có làm ngu dại”, ông nói với Sau Lơ. Giá như vị vua trẻ chờ lâu hơn một chút nữa và không đi sai lạc khỏi con đường của Chúa, giá như ông tuân theo trật tự đã được mặc khải của chức tư tế, thì Chúa hẳn đã củng cố vương quốc của ông mãi mãi. “Nhưng bây giờ,” Sa Mu Ên nói, “nước ngươi sẽ không bền lâu”12

Vào ngày hôm đó, tiên tri Sa Mu Ên nhận ra nhược điểm trầm trọng trong cá tính của Sau Lơ. Khi bị áp lực bởi các ảnh hưởng bên ngoài, Sau Lơ không có kỷ luật tự giác để đứng vững trên con đường, tin cậy nơi Chúa và vị tiên tri của Ngài, và tuân theo mẫu mực mà Thượng Đế đã thiết lập.

Những Sai Lầm Nhỏ Có Thể Có Ảnh Hưởng Lớn trong Cuộc Đời Chúng Ta

Sự chênh lệch một vài độ, như với chuyến bay Nam Cực, hay việc Sau Lơ không kiên quyết tiếp tục tuân theo lời khuyên của vị tiên tri chỉ lâu hơn một chút, có vẻ như là nhỏ nhặt. Nhưng ngay cả những sai lầm nhỏ, với thời gian, cũng có thể tạo ra sự khác biệt bi thảm trong cuộc sống chúng ta.

Tôi xin chia sẻ với các anh em cách tôi dạy cùng nguyên tắc đó cho các phi công trẻ.

Giả sử các anh em đang chuẩn bị cất cánh từ một sân bay ở xích đạo, với ý định đi vòng quanh trái đất, nhưng đường bay của các anh em bị chệch đi chỉ một độ thôi. Đến khi các anh em trở về cùng một kinh độ, thì đường bay của các anh em sẽ bị chệch đi bao xa? Một vài cây số? Một trăm cây số? Câu trả lời có thể làm các anh em ngạc nhiên. Sự sai lầm chỉ một độ thôi sẽ đặt các anh em vào vị trí gần 800 cây số chệch khỏi đường bay, hay là một giờ bay đối với một chiếc máy bay phản lực.

Không ai muốn kết thúc cuộc đời mình trong thảm kịch. Nhưng nhiều khi, giống như các phi công và hành khách của chuyến bay đi tham quan, chúng ta ra đi với điều mà chúng ta hy vọng sẽ là một cuộc hành trình đầy hứng thú chỉ để nhận ra, lúc đó đã quá muộn, rằng sự sai lầm chỉ một vài độ thôi sẽ đặt chúng ta vào con đường dành cho tai họa thuộc linh.

Có Bài Học Nào cho Cuộc Sống Chúng Ta trong Những Ví Dụ Này Không?

Những sai lầm nhỏ và việc đi chệch đường một chút khỏi giáo lý phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang lại những hậu quả đáng buồn vào cuộc sống chúng ta. Chính vì thế rất quan trọng cho chúng ta trở nên kỷ luật tự giác đủ để có những sự sửa đổi sớm và kiên quyết nhằm trở về con đường ngay chính và không chờ đợi hay hy vọng rằng bằng cách nào đó những sai lầm đó sẽ tự sửa chữa.

Chúng ta càng trì hoãn việc sửa đổi của mình càng lâu, thì càng cần nhiều thay đổi, và sẽ cần thời gian lâu hơn để trở về con đường ngay chính—ngay cả đến mức mà một tai họa có thể xảy đến.

Các anh em mang chức tư tế đã được giao phó với một trách nhiệm trọng đại. Hãy nghĩ đến điều đó: Cha Thiên Thượng của chúng ta tin tưởng vào các em là các thầy trợ tế, thầy giảng, và thầy tư tế trẻ tuổi với “chìa khóa của sự phù trợ của các thiên sứ và phúc âm dự bị”13 Các anh em mang Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đã nhận được lời thề và giao ước mà trong đó các anh em được hứa sẽ có tất cả những gì Đức Chúa Cha có nếu các anh em làm vinh hiển chức tư tế của mình.14

Chúa nhắc nhở chúng ta rằng “kẻ nào được ban cho nhiều thì sẽ được đòi hỏi nhiều.”15 Những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế có một trách nhiệm trọng đại để làm gương tốt cho thế gian. Chúng ta sống theo những kỳ vọng này khi chúng ta nhanh chóng nhận ra những nguy hiểm và ảnh hưởng mà cám dỗ chúng ta đi chệch khỏi con đường của Chúa và khi chúng ta can đảm tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh để thực hiện sự sửa đổi dứt khoát mà sẽ mang chúng ta trở lại con đường.

Đại hội này đang được phiên dịch ra 92 ngôn ngữ và phát thanh truyền hình đến 96 quốc gia nhờ vào phép lạ của kỹ thuật tân tiến. Nhiều người trong các anh em tham dự đại hội trung ương qua mạng Internet. Các kỹ thuật mới mẻ như vậy làm cho sứ điệp của phúc âm có thể được rao giảng trên khắp thế giới. Các trang mạng của Giáo Hội là những ví dụ hay về cách mà các anh em có thể sử dụng kỹ thuật này làm một nguồn soi dẫn, trợ giúp, và học hỏi tuyệt vời. Chúng có thể là một phước lành đối với các anh em mang chức tư tế, gia đình mình và Giáo Hội.

Nhưng hãy cẩn thận. Các kỹ thuật tương tự có thể cho phép những ảnh hưởng xấu xa xâm nhập vào nhà các anh em. Những cái bẫy nguy hiểm này chỉ là một vài cái nhấn chuột trên máy vi tính thôi. Hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, sự bất nhân, và sự không tin kính phá hại gia đình, hôn nhân, và cuộc sống cá nhân. Những nguy hiểm này được phân phối qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả các tạp chí, sách báo, truyền hình, phim ảnh, và âm nhạc, cũng như mạng Internet. Chúa sẽ giúp các anh em nhận ra và tránh xa những điều xấu xa này. Chính là việc nhận ra sớm sự nguy hiểm và một đường lối rõ ràng cho sự sửa đổi mà sẽ giữ các anh em ở trong ánh sáng của phúc âm. Những quyết định không quan trọng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Việc vào phòng chat xa lạ và nguy hiểm để nói chuyện qua mạng Internet có thể đưa các anh em đến những vấn đề làm hủy hoại cuộc đời mình. Việc để máy vi tính trong một phòng riêng mà những người khác trong gia đình không ai vào được có thể là điểm khởi đầu của một con đường dối trá đầy nguy hiểm.

Nhưng Chúa không những đòi hỏi hành động bên ngoài, mà còn tư tưởng và cảm giác bên trong của các anh em phải gần gũi với tinh thần luật pháp.16 Thượng Đế “đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí.”17

Chúng ta, chức tư tế của Thượng Đế, có trách nhiệm và quyền năng để tự điều khiển. Chúa phán: “Điều không đúng cho ta khi phải ra lệnh về mọi việc. Con người phải biết thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa, và làm được nhiều việc theo ý muốn của mình, và thực hiện nhiều điều ngay chính. Vì quyền năng ở trong họ, mà qua đó họ có quyền năng quản lý chính mình.”18

Cha Thiên Thượng của chúng ta đã biết trước khi chúng ta đến cuộc sống trần gian rằng những ảnh hưởng tiêu cực sẽ cám dỗ chúng ta đi sai đường, “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”19 Đó là lý do tại sao Ngài chuẩn bị một con đường cho chúng ta sửa đổi. Thông qua tiến trình đầy thương xót của sự hối cải thật sự và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tội lỗi của chúng ta có thể được tha thứ và chúng ta sẽ “không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.”20

Sự sẵn lòng của chúng ta để hối cải cho thấy lòng biết ơn của chúng ta đối với ân tứ của Thượng Đế và tình yêu thương và sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta. Các lệnh truyền và các giao ước chức tư tế cung ứng một sự trắc nghiệm về đức tin, sự vâng lời, và tình yêu thương đối với Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng quan trọng hơn cả, những điều này tạo ra một cơ hội để kinh nghiệm được tình yêu thương từ Thượng Đế và để nhận được niềm hân hoan trọn vẹn trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau.

Các lệnh truyền và giao ước này của Thượng Đế giống như những chỉ dẫn lái máy bay từ thiên thượng và sẽ hướng dẫn chúng ta một cách an toàn tới điểm đến vĩnh cửu. Điểm đến vĩnh cửu của chúng ta là một vẻ đẹp và vinh quang vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Điều đó thật đáng bõ công. Điều đó thật đáng để thực hiện những sự sửa đổi dứt khoát bây giờ và rồi ở trên con đường đó.

Hãy nhớ rằng: các tầng trời không phải sẽ đầy những người không bao giờ làm điều lầm lỗi, mà là những người nhận ra rằng mình đã đi sai đường và những người đã tự sửa đổi để quay trở về trong ánh sáng của lẽ thật phúc âm.

Chúng ta càng trân quý những lời của các vị tiên tri và áp dụng những lời đó, thì chúng ta sẽ càng dễ nhận ra khi chúng ta đi sai đường—ngay cả chỉ là vấn đề một vài độ thôi.

Nếu Chúng Ta Đi Quá Xa Khỏi Con Đường Thì Sao?

Giờ đây, thưa các anh em, có những người còn sao lãng việc thực hiện những sửa đổi thích đáng và là những người hiện đang nghĩ rằng mình đang đi quá xa khỏi con đường của Chúa để có thể quay trở lại. Đối với họ, chúng ta tuyên bố một tin mừng đó chính là phúc âm của sự cứu chuộc và cứu rỗi. Bất kể các anh em đi sai đường tồi tệ đến mức nào, bất kể các anh em đi xa đến đâu, con đường trở lại thì chắc chắn và rõ ràng. Hãy đến, học hỏi về Đức Chúa Cha, dâng lên một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh. Có đức tin, và tin tưởng nơi quyền năng tẩy sạch của Sự Chuộc Tội vô hạn của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu chúng ta thú tội và hối cải tội lỗi của mình, thì Thượng Đế sẽ trung thành và công bằng tha thứ và làm chúng ta sạch khỏi mọi điều gian ác.21 “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết.”22

Đây có lẽ không phải là một con đường dễ dàng và nó đòi hỏi sự kỷ luật tự giác và quyết tâm, nhưng kết cục thì vinh quang khó tả. Các anh em không bị đẩy vào một kết cục đầy bi thảm. Nhiều người tha thiết muốn giúp đỡ các anh em—gia đình, các vị giám trợ và chủ tịch giáo khu, những người lãnh đạo nhóm túc số và các thầy giảng tại gia. Dĩ nhiên, người bạn tốt nhất của các anh em là Đấng Sáng Tạo toàn năng của vũ trụ. Chính là chức tư tế của Ngài mà các anh em đang nắm giữ. Ngài hiểu nỗi đau khổ của các anh em. Ngài biết nỗi buồn phiền của các anh em. Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ ban phước, an ủi, và củng cố các anh em; Hai Ngài sẽ đi bên cạnh các anh em và nâng đỡ các anh em khi các anh em cố gắng đi đúng đường.

Thưa các anh em yêu quý của tôi, các anh em là những người con trai chọn lọc và quý báu thật sự của Cha Thiên Thượng. Ngài đã giao phó cho các anh em quyền năng thiêng liêng của chức tư tế. Xin đừng đi sai đường, dù chỉ một vài độ thôi. Hãy lắng nghe Chúa Thượng Đế của các anh em và Ngài sẽ làm cho các anh em điều mà Ngài đã hứa sẽ làm cho Sau Lơ: Ngài sẽ ban cho các anh em một tấm lòng mới, một con người mới, và luôn luôn ở cùng các anh em.

Tôi làm chứng về Cha Thiên Thượng là Đấng biết và yêu thương các anh em. Tôi xin chia sẻ lời chứng về Chúa Giê Su Ky Tô Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là Đấng đứng đầu Giáo Hội này. Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri của Thượng Đế ngày nay. Tôi xin bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn của tôi đối với các anh em, những người bạn yêu quý và các anh em của tôi trong chức tư tế. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Arthur Marcel, “Mount Erebus Plane Crash,” www.abc.net.au/rn/ockhams razor/stories/2007/1814952.htm.

  2. 1 Sa Mu Ên 9:2.

  3. Xin xem 1 Sa Mu Ên 9:17.

  4. Xin xem 1 Sa Mu Ên 10:23.

  5. Xin xem 1 Sa Mu Ên 9:1.

  6. Xin xem 1 Sa Mu Ên 10:7.

  7. Xin xem 1 Sa Mu Ên 10:9.

  8. Xin xem 1 Sa Mu Ên 10:6.

  9. Xin xem 1 Sa Mu Ên 11:11.

  10. 1 Sa Mu Ên 13:5.

  11. 1 Sa Mu Ên 13:6.

  12. 1 Sa Mu Ên 13:13–14.

  13. GLGƯ 84:26.

  14. Xin xem GLGƯ 84:38–39.

  15. GLGƯ 82:3.

  16. Xin xem An Ma 12:12–14; GLGƯ 88:109.

  17. GLGƯ 64:34.

  18. GLGƯ 58:26–28.

  19. Rô Ma 3:23.

  20. Giăng 3:16.

  21. Xin xem 1 Giăng 1:9.

  22. Ê Sai 1:18.