2008
Mối Quan Tâm cho Từng Cá Nhân
Tháng Năm năm 2008


“Mối Quan Tâm cho Từng Cá Nhân”

Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương quý báu nhất của chúng ta. Ngài được bao quanh bởi đám đông quần chúng và nói chuyện với hằng ngàn người, tuy nhiên Ngài luôn luôn có mối quan tâm cho từng cá nhân.

Elder Joseph B. Wirthlin

Tôi biết ơn cơ hội được hiện diện với các anh chị em trong ngày hôm nay tại Trung Tâm Đại Hội tráng lệ này. Dù giáo đoàn này có đông người, nhưng là điều khiêm nhường để nhận ra rằng nó chỉ là một phần rất nhỏ của hằng triệu người sẽ xem, nghe và đọc những lời nói ra tại đại hội này.

Dĩ nhiên, chúng ta sẽ nhớ Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều là những người tốt hơn nhờ vào ảnh hưởng của ông. Giáo Hội được vững mạnh hơn là nhờ vào sự hướng dẫn của ông. Quả thật thế giới là một nơi tốt hơn nhờ vào một vị lãnh đạo như Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.

Tôi muốn nói một vài lời về tân Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của chúng ta.

Tôi đã quen biết Chủ Tịch Monson trong một thời gian dài. Ông là một người mạnh dạn của Y Sơ Ra Ên đã được tiền sắc phong để chủ tọa Giáo Hội này. Ông được nhiều người biết đến về những câu chuyện lôi cuốn và các phép ẩn dụ rất hấp dẫn của ông, nhưng chúng tôi là những người biết ông rõ nhất thì hiểu rằng cuộc sống của ông là một mẫu mực thực tiễn và để nêu gương trong việc áp dụng những câu chuyện đó. Mặc dù đó là một lời khen đối với ông mà nhiều người cao trọng và quyền quý của thế giới này biết và kính trọng ông, nhưng có lẽ đó còn là một lời tri ân sâu xa hơn của nhiều người hèn mọn đã gọi ông là bạn.

Trong thâm tâm của mình, Chủ Tịch Monson là người nhân hậu và đầy lòng thương xót. Những lời nói và hành động của ông minh họa cho mối quan tâm của ông đối với từng cá nhân.

Chủ Tịch Eyring là một người khôn ngoan, thông thái, và có nếp sống thuộc linh. Ông được biết đến và được kính trọng không những trong Giáo Hội mà còn bởi những người không cùng tín ngưỡng với chúng ta. Ông là người mà khi nói thì mọi người lắng nghe. Ông đã thêm sự vĩ đại vào dòng họ Eyring.

Tôi biết Chủ Tịch Uchtdorf khi tôi phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Giáo Vùng ở Châu Âu. Từ lúc gặp ông, tôi đã nhận ra nơi ông một người có nếp sống thuộc linh tột bậc và khả năng lớn lao. Tôi biết Chúa quan tâm đến ông. Cách đây hai mươi ba năm, tôi đã hân hạnh đưa ra cho ông sự kêu gọi của Chúa để phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu ở Frankfurt, Đức. Khi nhìn lại những năm qua, tôi đã thấy rằng mọi việc dưới quyền hướng dẫn của ông đều thành công. Chúa ở với ông. Khi tôi nghĩ về Chủ Tịch Uchtdorf, thì hai từ đến với ý nghĩ của tôi: Alles wohl—tiếng Đức có nghĩa là “Tất cả mọi điều đều tốt đẹp.”

Các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn quan tâm đến từng cá nhân. Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương quý báu nhất của chúng ta. Ngài được bao quanh bởi đám đông quần chúng và nói chuyện với hằng ngàn người, tuy nhiên Ngài luôn luôn có mối quan tâm cho từng cá nhân. “Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất,”1 Ngài phán: “Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao?”2

Lời dạy này áp dụng cho tất cả những người đi theo Ngài. Chúng ta được truyền lệnh phải đi tìm những người bị lạc đường. Chúng ta phải là những người trông giữ anh em mình. Chúng ta không thể xao lãng nhiệm vụ này do Đấng Cứu Rỗi đưa ra. Chúng ta cần phải quan tâm đến từng cá nhân.

Ngày hôm nay, tôi muốn nói về những người bị hư mất—Một số người đi lạc vì họ khác biệt, một số khác vì họ mệt mỏi, và một số khác nữa vì họ đi lạc.

Một số người bị hư mất vì họ khác biệt. Họ cảm thấy thể như họ không thuộc vào những người chung quanh họ. Có lẽ vì họ khác biệt, họ tự thấy dần dần xa rời khỏi bầy. Họ có thể trông khác, hành động, suy nghĩ và nói năng khác với những người chung quanh họ và rằng đôi khi khiến họ cho rằng họ không thích hợp với những người chung quanh họ. Họ kết luận rằng họ không được cần đến.

Song song với nhận thức sai này là sự tin tưởng sai lầm rằng tất cả các tín hữu của Giáo Hội cần phải trông giống nhau, nói năng và là người giống nhau. Chúa không làm cho trái đất đầy dẫy với một dàn nhạc sống động toàn những người với cá tính chỉ coi trọng vật chất thế gian. Mỗi nhạc cụ đều quý báu và thêm vào vẻ xinh đẹp đa dạng của dàn nhạc. Tất cả con cái của Cha Thiên Thượng đều khác biệt trong một mức độ nào đó, tuy nhiên mỗi người đều có cá tính riêng của mình mà thêm vào sự sâu sắc và phong phú của toàn thể.

Sự sáng tạo đa dạng này tự nó là bằng chứng về cách Chúa quý trọng tất cả con cái của Ngài. Ngài không xem trọng người này hơn người kia mà Ngài “kêu gọi mọi người hãy đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ… . tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”3

Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, có một đứa con trai lớn hơn bị khuyết tật về thể xác và tâm thần. Nó có vấn đề trong khả năng nói và đi đứng rất khó khăn. Mấy đứa con trai khác thường chế nhạo nó. Chúng chọc ghẹo và chế nhạo nó cho đến nỗi đôi khi nó phải khóc.

Tôi còn có thể nghe tiếng nó nói: “Các bạn không tử tế với tôi.” Và chúng vẫn nhạo báng nó, xô đẩy nó và kể chuyện chọc đùa về nó.

Một ngày nọ, tôi không thể chịu nổi nữa. Mặc dù tôi mới chỉ bảy tuổi, Chúa cũng ban cho tôi lòng can đảm để đối mặt với những đứa bạn của tôi.

Tôi nói với chúng: “Đừng rờ vào người nó. Hãy ngừng trêu chọc nó. Hãy tử tế với nó. Nó là một đứa con của Thượng Đế!”

Mấy đứa bạn của tôi ngừng lại và lảng ra xa.

Tôi tự hỏi vào lúc ấy sự bạo dạn của tôi có làm hại mối quan hệ của tôi với chúng không. Nhưng điều xảy ra trái lại. Từ ngày đó trở đi, những người bạn của tôi và tôi lại trở nên thân hơn. Chúng cho thấy lòng trắc ẩn đối với đứa bé đó. Chúng trở nên những người tốt hơn. Theo tôi biết, thì chúng không còn trêu chọc nó nữa.

Thưa các anh chị em, nếu chúng ta có thêm lòng trắc ẩn đối với những người khác biệt với chúng ta thì nhiều vấn đề và nỗi đau khổ trên thế giới ngày nay chắc hẳn đã được vơi nhẹ. Chắc chắn là nó sẽ làm cho gia đình chúng ta và Giáo Hội thành một nơi thánh thiện và thiêng liêng hơn.

Một số người bị hư mất vì họ mệt mỏi. Rất dễ để cảm thấy bị dồn nén bận bịu. Với tất cả mọi áp lực và đòi hỏi cấp bách về thời giờ và sự căng thẳng mà chúng ta đối phó mỗi ngày, thì chẳng ngạc nhiên gì khi chúng ta mệt mỏi. Nhiều người cảm thấy chán nản vì họ đã không đạt đến tiềm năng của mình. Những người khác cảm thấy hoàn toàn quá kém cỏi để đóng góp. Và như vậy, khi đàn chiên đi tới trước thì dần dần, hầu như không thể nhận thấy được, một số con bị bỏ lại.

Mọi người cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vào lúc này hoặc lúc khác. Dường như tôi cảm thấy mệt mỏi bây giờ hơn là khi tôi còn trẻ. Joseph Smith, Brigham Young ngay cả Chúa Giê Su Ky Tô biết ý nghĩa của việc bị mệt mỏi. Tôi không muốn đánh giá thấp sức nặng mà các tín hữu của Giáo Hội đang gánh trên vai họ cũng như tôi không muốn lượng định không đúng mức những thử thách về mặt tình cảm và tinh thần mà họ đang đối phó. Những thử thách này có thể nặng nề và thường rất khó để mang.

Tuy nhiên, tôi có một chứng ngôn về quyền năng đổi mới của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tiên tri Ê Sai đã rao giảng rằng Chúa “ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức.”4 Khi cảm thấy mệt mỏi, tôi nhớ đến những lời của Tiên Tri Joseph Smith:

“Lẽ nào chúng ta không tiếp tục chính nghĩa cao quý như vậy? Hãy tiến lên và chớ lùi bước. Hãy can đảm, hỡi các anh em; hãy tiến bước mãi cho đến khi chiến thắng! Hãy để cho tâm hồn mình được hân hoan và hết sức vui vẻ. Thế gian hãy vang lên tiếng hát… .

“Cánh rừng và mọi cây ngoài đồng hãy ca ngợi Chúa … và tất cả các con trai của Thượng Đế hãy reo mừng!”5

Đối với các anh chị em là các tín hữu của Giáo Hội đang do dự vì cảm thấy không thích đáng, thì tôi khẩn nài với các anh chị em hãy tiến lên, ghé vai vào giúp đỡ. Mặc dù các anh chị em cảm thấy rằng sức mạnh của mình chỉ thêm vào rất ít, nhưng Giáo Hội vẫn cần các anh chị em. Hãy nhớ rằng Chúa thường chọn “những điều yếu kém của thế gian” để hoàn thành các mục tiêu của Ngài.6

Đối với những người đang mệt mỏi, hãy để những lời khuyên giải của Đấng Cứu Rỗi an ủi các anh chị em: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các nguời được yên nghỉ.”7 Chúng ta hãy trông cậy vào lời hứa đó. Quyền năng của Thượng Đế có thể truyền vào tinh thần và thể xác của chúng ta nghị lực và sự hăng hái. Tôi khuyến khích các anh chị em hãy tìm kiếm phước lành này từ Chúa.

Hãy lại gần Ngài, rồi Ngài sẽ đến gần các anh chị em vì Ngài đã hứa rằng “những ai trông đợi Đức Giê Hô Va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.”8

Khi chúng ta cho thấy mối quan tâm đối với những người mệt mỏi, thì chúng ta “hãy cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”9 Các vị lãnh đạo Giáo Hội chu đáo có lòng quan tâm đến những giới hạn của cá nhân, tuy nhiên vẫn thiết tha sử dụng các tín hữu tới hết sức mạnh và khả năng của họ. Các vị lãnh đạo giảng dạy và hỗ trợ chứ không mang đến áp lực để “chạy nhanh hơn hoặc làm nhiều hơn” sức mình.10

Hãy nhớ rằng đôi khi những người bắt đầu chậm nhất thì cuối cùng là những người đi xa nhất.

Một số người bị hư mất vì họ đi lạc đường. Ngoại trừ Chúa, chúng ta đều làm điều lầm lỗi. Câu hỏi không phải là chúng ta sẽ trượt chân và ngã hay không mà thay vì thế là chúng ta sẽ đáp ứng như thế nào? Một số người sau khi làm điều lầm lỗi thì rời xa đàn chiên. Điều này thật là đáng tiếc. Các anh chị em không biết rằng Giáo Hội là một chỗ cho những người không toàn hảo để quy tụ lại—mặc dù với tất cả những khiếm khuyết về thể chất của họ—và trở nên là những người tốt hơn sao? Mỗi Chúa Nhật trong mọi nhà hội trên khắp thế giới, chúng ta thấy những người nam, những người nữ, và trẻ em hữu diệt, không hoàn hảo cùng họp lại trong tình huynh đệ và lòng bác ái để cố gắng trở nên những người tốt hơn, để học hỏi về Thánh Linh, và cho nhau lời khuyến khích và sự hỗ trợ. Tôi không biết có tấm bảng nào trên cửa của các nhà hội của chúng ta có ghi rằng: “Lối Vào Giới Hạn: Chỉ Dành Cho Những Người Toàn Hảo Mà Thôi.”

Vì những sự không hoàn hảo của mình, nên chúng ta cần Giáo Hội của Chúa. Chính nơi đó mà các giáo lý cứu chuộc của Ngài được giảng dạy và những giáo lễ cứu rỗi của Ngài được thực hiện. Giáo Hội khuyến khích và thúc đẩy chúng ta trở nên những người tốt hơn và hạnh phúc hơn. Đó cũng là chỗ mà chúng ta có thể hy sinh mạng mình để phục vụ những người khác.

Chúa biết là chúng ta sẽ làm những điều lầm lỗi. Chính vì thế mà Ngài gánh chịu các tội lỗi của chúng ta. Ngài muốn chúng ta cố gắng lần nữa và nỗ lực làm hay hơn. Có niềm vui nơi hiện diện của các thiên sứ của Thượng Đế cho kẻ phạm tội biết hối cải.

Đối với các anh chị em đang đi lạc đường vì các anh chị em đã bị phật lòng, các anh chị em có thể nào dẹp bỏ lòng tự ái và tức giận của mình không? Các anh chị em không thể nào làm tràn đầy tâm hồn mình với tình yêu thương sao? Có một chỗ cho các anh chị em nơi đây. Hãy đến, hãy gia nhập đàn chiên, hiến dâng khả năng, tài năng và kỹ năng của các anh chị em. Các anh chị em sẽ tốt lành hơn vì điều đó, và những người khác sẽ được ban phước bởi tấm gương của các anh chị em.

Đối với những người đã đi lạc vì những mối quan tâm về giáo lý , thì chúng ta không thể xin lỗi vì lẽ thật. Chúng ta không thể chối bỏ giáo lý đã được chính Chúa ban cho chúng ta. Theo nguyên tắc, chúng ta không thể thỏa hiệp.

Tôi hiểu rằng đôi khi người ta không đồng ý với giáo lý . Họ còn đi xa đến mức gọi đó là điều rồ dại. Nhưng tôi xin lặp lại lời của Sứ Đồ Phao Lô là người đã nói rằng đôi khi những sự việc thuộc linh có thể dường như là sự rồ dại cho loài người. Tuy nhiên, “sự rồ dại của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.”11

Thật ra, những sự việc của Thánh Linh được mặc khải qua Thánh Linh. “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.”12

Chúng ta làm chứng rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô hiện đang ở đây trên thế gian ngày nay. Ngài giảng dạy giáo lý của Cha Ngài: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.”13

Tôi biết rằng mỗi anh chị em đều có mối quan tâm đối với một người thân. Hãy khuyến khích, phục vụ và hỗ trợ họ. Hãy yêu thương họ. Hãy tử tế với họ. Trong một số trường hợp, họ sẽ trở lại. Trong những trường hợp khác, họ sẽ không trở lại. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì chúng ta hãy luôn xứng đáng với danh mà chúng ta đang mang, đó chính là Chúa Giê Su Ky Tô.

Đối với tất cả những dân cư trên thế gian tuyệt đẹp này, tôi xin cất cao tiếng nói của mình và long trọng làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống và rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Vua của chúng ta! Ngài phục hồi lẽ thật và phúc âm của Ngài qua Tiên Tri Joseph Smith. Ngài phán cùng các vị tiên tri và các sứ đồ của Ngài. Chủ Tịch Thomas S. Monson là tôi tớ được xức dầu của Chúa và hướng dẫn Giáo Hội của Ngài ngày nay, tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 18:11.

  2. Lu Ca 15:4.

  3. 2 Nê Phi 26:33.

  4. Ê Sai 40:29.

  5. GLGƯ 128:22–23.

  6. Xin xem GLGƯ 1:19.

  7. Ma Thi Ơ 11:28.

  8. Ê Sai 40:31.

  9. GLGƯ 81:5.

  10. Xin xem GLGƯ 10:4.

  11. 1 Cô Rinh Tô 1:25; xin xem thêm câu 18, 25.

  12. 1 Cô Rinh Tô 2:14.

  13. Giăng 7:17.