2010
Có Những Người, Ta Phải Đem Lòng Thương Xót, Tức Là Những Kẻ Do Dự
Tháng Mười Một năm 2010


Có Những Người, Ta Phải Đem Lòng Thương Xót, Tức Là Những Kẻ Do Dự

Điều tuyệt vời của công việc thăm viếng giảng dạy là nhìn thấy các cuộc sống thay đổi, nước mắt được lau khô, chứng ngôn tăng trưởng, mọi người được yêu thương, gia đình được củng cố.

Barbara Thompson

Các chị em thân mến, thật là một phước lành trong cuộc sống của tôi để được có mặt với các chị em, cảm nhận được sức mạnh của lòng tận tụy và tình yêu thương của các chị em dành cho Chúa. Xin cám ơn về tình yêu thương và lòng trắc ẩn các chị em chia sẻ với những người khác hằng ngày.

Trong những thời kỳ đầu tiên của Hội Phụ Nữ ở Nauvoo, chúng ta biết rằng các chị em phụ nữ đã đi đến từng nhà, phục sự lẫn nhau, xác định những nhu cầu, mang đến thức ăn, chăm sóc người bệnh, cũng như cho thấy lòng trắc ẩn đối với mỗi phụ nữ và gia đình họ.1 Điều này mang đến tâm trí tôi câu thánh thư trong Giu Đe: “Có những người, ta phải đem lòng thương xót, tức là những kẻ do dự.”2 Khi tôi suy ngẫm câu thánh thư này và ý nghĩa của nó, thì ý nghĩ của tôi hướng đến Đấng Cứu Rỗi và biết bao lần thánh thư nói về tình yêu thương và lòng trắc ẩn của Đấng Ky Tô dành cho mọi người.

Trong Kinh Tân Ước, chúng ta thường đọc rằng Đấng Ky Tô đã “động lòng thương xót”3 đối với dân chúng khi Ngài đáp ứng những nhu cầu của họ. Ngài có lòng trắc ẩn khi Ngài thấy họ đói và Ngài cho họ ăn, hoặc khi họ bệnh thì Ngài đã chữa lành họ, hoặc khi họ đang cần phần thuộc linh được phong phú thì Ngài đã giảng dạy họ.

Lòng trắc ẩn có nghĩa là cảm nhận tình yêu thương và lòng thương xót đối với một người khác. Lòng trắc ẩn có nghĩa là có mối đồng cảm và ước muốn làm vơi nhẹ nỗi đau khổ của những người khác. Lòng trắc ẩn có nghĩa là cho thấy sự tử tế và dịu dàng đối với người khác.

Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo chúng ta phải làm những điều mà Ngài đã làm,4 mang gánh nặng cho nhau, an ủi những người cần an ủi, than khóc với những người đang than khóc,5 cho kẻ đói ăn, thăm viếng người bị bệnh,6 cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi,7 và “giảng dạy lẫn nhau về giáo lý của vương quốc.”8 Đối với tôi, những lời và hành động này mô tả các giảng viên thăm viếng—những người phục sự những người khác.

Việc thăm viếng giảng dạy mang đến cho các phụ nữ cơ hội trông nom, củng cố và giảng dạy lẫn nhau. Giống như một thầy giảng trong Chức Tư Tế A Rôn được giao trách nhiệm phải “luôn luôn trông coi giáo hội cũng như sát cánh và củng cố họ,”9 một giảng viên thăm viếng cho thấy tình yêu thương của mình bằng cách thành tâm quan tâm đến mỗi phụ nữ mà mình được kêu gọi phục vụ.

Chị Julie B. Beck đã nhắc nhở chúng ta: “Vì chúng ta noi theo tấm gương và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta quý trọng nhiệm vụ thiêng liêng này để yêu thương, nhận biết, phục vụ, thấu hiểu, giảng dạy và phục sự thay cho Ngài.”10

Hôm nay, tôi muốn nói về hai điều:

  • Những phước lành các chị em mang đến cho những người khác khi phục vụ với tư cách là một giảng viên thăm viếng.

  • Và những phước lành các chị em nhận được khi phục vụ những người khác.

Những Phước Lành Các Chị Em Mang Đến cho Những Người Khác Khi Phục Vụ với Tư Cách Là Một Giảng Viên Thăm Viếng

Cách đây không lâu, tôi đã đi thăm một nhóm các phụ nữ ở Anchorage, Alaska. Có khoảng 12 phụ nữ trong căn phòng và 6 người nữa tham gia với họ bằng cách dùng loa điện thoại từ các thành phố và thị trấn ở khắp Alaska. Nhiều phụ nữ trong số này sống hằng trăm dặm cách xa nhà thờ. Những người phụ nữ này đã dạy tôi về việc thăm viếng giảng dạy.

Việc một người đi thăm tất cả các phụ nữ này đòi hỏi phải đi máy bay, đi bằng tàu thủy, hoặc lái xe đi rất xa. Hiển nhiên, thời giờ và chi phí để đến thăm viếng tận nhà thì không thể nào thực hiện được. Tuy nhiên, các chị phụ nữ này cảm thấy liên kết gần gũi với nhau vì họ đang khẩn thiết cầu nguyện cho nhau và tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để biết điều mà các chị em phụ nữ của họ cần, mặc dù họ đã không đích thân thường trực có mặt ở đó. Họ xoay sở để liên lạc bằng điện thoại, mạng Internet và bằng thư từ. Họ đã phục vụ với tình yêu thương vì họ đã lập giao ước với Chúa cùng mong muốn ban phước và củng cố các chị em phụ nữ của họ.

Một cặp giảng viên thăm viếng tận tụy khác ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo đã đi bộ rất xa để thăm một phụ nữ và con sơ sinh của chị ấy. Hai chị em phụ nữ này đã thành tâm chuẩn bị một sứ điệp và muốn biết làm thế nào họ có thể tạo ra điều khác biệt trong cuộc sống của người phụ nữ đáng mến mà họ đến thăm. Người phụ nữ này đã cảm động khi được họ đến thăm. Đối với chị, việc họ đến thăm là một sứ điệp từ thiên thượng gửi đến chỉ cho mình chị. Khi các giảng viên thăm viếng họp mặt trong căn nhà khiêm tốn của chị ấy, thì chị ấy, gia đình của chị ấy và hai người giảng viên thăm viếng đều được nâng cao tinh thần và được phước. Đường xa dường như không phải là một sự hy sinh. Hai giảng viên thăm viếng đó đã có lòng trắc ẩn, tạo ra điều khác biệt tốt lành và ban phước cuộc sống của chị phụ nữ này.

Những vấn đề về đường xa, phí tổn và an toàn làm cho việc đích thân liên lạc hằng tháng khó có thể thực hiện được trong một số khu vực của Giáo Hội, nhưng qua quyền năng của sự mặc khải cá nhân, các chị em phụ nữ đã thật sự cố gắng yêu thương nhau và trông nom cùng củng cố lẫn nhau, tìm ra những cách đầy ý nghĩa để hoàn thành sự kêu gọi này từ Chúa.

Các chủ tịch Hội Phụ Nữ đầy soi dẫn bàn thảo với vị giám trợ của họ và thành tâm thực hiện công việc thăm viếng giảng dạy để phụ giúp ông trong việc trông nom và chăm sóc mỗi phụ nữ trong tiểu giáo khu. Khi hiểu được tiến trình bàn thảo và mặc khải này, thì chúng ta cũng hiểu rõ hơn trách nhiệm quan trọng của mình để phục sự và có thể trông cậy một cách chắc chắn hơn vào Thánh Linh để hướng dẫn những nỗ lực của mình.

Tôi chính là người đã đi thăm một vài phụ nữ mỗi tháng và rồi tự hào tuyên bố với một tiếng thở dài nhẹ nhõm rằng công việc thăm viếng giảng dạy của tôi đã hoàn tất! Vâng, phần tôi báo cáo thì có thể hoàn tất rồi đấy, nhưng nếu đó chỉ là lý do duy nhất để tôi làm thì thật là xấu hổ.

Điều tuyệt vời của công việc thăm viếng giảng dạy không phải để thấy tỷ lệ 100 phần trăm trên bản báo cáo hằng tháng; điều tuyệt vời của công việc thăm viếng giảng dạy là nhìn thấy các cuộc sống thay đổi, nước mắt được lau khô, chứng ngôn tăng trưởng, mọi người được yêu thương, gia đình được củng cố, mọi người được cổ vũ, người đói được cho ăn, người bệnh được thăm viếng, và những người đang than khóc được an ủi. Thật ra, công việc thăm viếng giảng dạy không bao giờ được hoàn tất vì chúng ta vẫn phải luôn luôn trông nom và củng cố.

Một phước lành khác của công việc thăm viếng giảng dạy là gia tăng tình đoàn kết và yêu thương. Thánh thư dạy chúng ta cách thực hiện điều này: “Và ông ra lệnh cho họ … phải nhìn thấy những sự việc một cách giống nhau, phải có một đức tin và một phép báp têm, phải đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau.”11

Nhiều phụ nữ đã kể rằng lý do họ trở lại sinh hoạt tích cực trong Giáo Hội là nhờ vào một giảng viên thăm viếng trung tín đã đến thăm tháng này qua tháng khác và phục sự, giải cứu, yêu thương, ban phước cho họ.

Đôi khi sứ điệp thăm viếng sẽ là điều quan trọng nhất các chị em chia sẻ vào một lần thăm viếng đặc biệt nào đó. Một số phụ nữ ít được làm cho phong phú về mặt thuộc linh trong cuộc sống của họ trừ phi có được sứ điệp mà các chị em sẽ mang đến cho họ. Những sứ điệp trong các tạp chí Liahona là các sứ điệp về phúc âm giúp mỗi phụ nữ gia tăng đức tin, củng cố gia đình của mình hoặc nhấn mạnh đến sự phục vụ với lòng bác ái.

Đôi khi phước lành quan trọng nhất về cuộc thăm viếng của các chị em sẽ chỉ là lắng nghe. Việc lắng nghe mang đến niềm an ủi, thông cảm và chữa lành. Tuy nhiên, có lúc khác các chị em có thể cần phải xắn tay áo lên và đi làm việc trong nhà hoặc giúp vỗ về một đứa trẻ đang khóc.

Những Phước Lành Các Chị Em Nhận Được Khi Phục Vụ Những Người Khác

Những phước lành các chị em nhận được khi phục vụ những người khác thì rất nhiều. Đôi khi tôi nói: “Ôi, tôi cần phải làm xong công việc thăm viếng giảng dạy!” (Đó là những lúc tôi quên rằng tôi phải đi thăm và giảng dạy các phụ nữ. Đó là những lúc tôi xem đó như là một gánh nặng thay vì là một phước lành.) Tôi có thể nói thật rằng khi tôi đi thăm viếng giảng dạy, tôi luôn luôn cảm thấy vui hơn trong lòng. Tôi được nâng cao tinh thần, được yêu thương và được ban phước, thường thường còn nhiều hơn cả chị phụ nữ tôi đang thăm viếng. Tình yêu thương của tôi gia tăng. Ước muốn phục vụ của tôi gia tăng. Và tôi có thể thấy Cha Thiên Thượng đã hoạch định cho chúng ta một cách tuyệt vời để trông nom và chăm sóc lẫn nhau.

Các phước lành khác của việc làm một giảng viên thăm viếng là chúng ta làm quen và làm bạn với những người chúng ta có thể không biết rõ nếu chúng ta không phải là giảng viên thăm viếng của họ. Đôi khi, điều đó cho phép chúng ta trở thành giải đáp cho lời cầu nguyện của một người nào đó. Ngoài ra, sự mặc khải cá nhân và kinh nghiệm thuộc linh cũng liên hệ mật thiết với công việc thăm viếng giảng dạy.

Tôi đã trải qua một số kinh nghiệm khiêm nhường, vui vẻ và đầy thuộc linh nhất trong cuộc sống của mình khi tôi ngồi trong nhà của các phụ nữ trong tiểu giáo khu của tôi và ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đã giảng dạy cho nhau về phúc âm, chúng tôi đã cùng khóc, cùng cười, cùng giải quyết vấn đề với nhau, và tôi đã được nâng cao tinh thần cũng như được ban phước.

Một đêm nọ, gần cuối tháng, tôi đang chuẩn bị đi xa mà vẫn chưa đi thăm một trong số các chị em phụ nữ mà tôi là giảng viên thăm viếng của họ. Lúc đó cũng tối rồi. Tôi không có hẹn. Tôi không gọi điện thoại. Tôi không có bạn đồng hành. Nhưng tôi quyết định rằng việc đi thăm bạn tôi, Julie, là điều quan trọng. Con gái của Julie là Ashley sinh ra với chứng bệnh xương giòn. Mặc dù Ashley đã gần sáu tuổi, nhưng cơ thể nó vẫn còn rất nhỏ và nó không thể làm gì nhiều ngoài việc cử động đôi cánh tay và nói chuyện. Nó nằm suốt ngày trên một tấm chăn làm bằng da cừu. Ashley là một đứa trẻ vui vẻ, hớn hở và tôi thích được ở gần nó.

Vào buổi tối đặc biệt này, khi tôi đến nhà của họ, Julie mời tôi vào rồi Ashley gọi và muốn chỉ cho tôi thấy một điều gì đó. Tôi đi vào và quỳ xuống trên sàn nhà ở một bên của Ashley và mẹ nó thì ở bên kia. Ashley nói: “Hãy xem điều cháu có thể làm nè!” Rồi được mẹ nó giúp đỡ một chút, Ashley đã có thể lăn qua một bên và lăn lại. Nó phải mất gần sáu năm để hoàn thành mục tiêu tuyệt diệu này. Trong khi chúng tôi cùng nhau vỗ tay, cỗ vũ, cuời và khóc với nhau về dịp đặc biệt này, thì tôi cảm tạ Cha Thiên Thượng rằng tôi đã đến thăm viếng giảng dạy và đã không bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này. Mặc dù cuộc thăm viếng đó đã xảy ra cách đây nhiều năm và bé Ashley dễ mến đã qua đời, nhưng tôi sẽ vĩnh viễn biết ơn rằng tôi đã có được kinh nghiệm đặc biệt đó với nó.

Người mẹ yêu quý của tôi là một giảng viên thăm viếng tuyệt vời và tận tâm trong nhiều năm. Bà liên tục suy nghĩ về việc làm thế nào bà có thể ban phước cho gia đình mà bà đến thăm. Bà đặc biệt lưu tâm đến con cái của các phụ nữ bà thăm viếng với hy vọng củng cố các gia đình. Tôi có thể nhớ một đứa bé năm tuổi chạy đến mẹ tôi ở nhà thờ và nói: “Bà là giảng viên thăm viếng của cháu. Cháu mến bà lắm!” Việc dự phần vào cuộc sống của các phụ nữ tuyệt vời và của gia đình họ là một phước lành đối với mẹ tôi.

Không phải tất cả mọi kinh nghiệm liên quan đến việc thăm viếng giảng dạy đều làm ấm lòng và tuyệt diệu đâu. Đôi khi, là điều khó, như đến thăm một căn nhà mà ta không thật sự được chào đón hoặc khi hẹn gặp một chị phụ nữ có thời khóa biểu rất bận rộn. Việc xây đắp một mối quan hệ tốt với một số chị phụ nữ có thể mất một thời gian lâu hơn. Nhưng khi chúng ta thật sự cố gắng yêu thương, chăm sóc và cầu nguyện cho các chị phụ nữ đó thì Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta tìm ra cách để trông nom và củng cố họ.

Chủ Tịch Thomas S. Monson là một người rất thành thạo trong việc phục sự như Đấng Cứu Rỗi đã làm. Ông thường xuyên được thấy đi thăm và giúp đỡ những người khác. Ông đã nói: “Chúng ta sống ở giữa những người đang cần được chú ý, cần được khích lệ, hỗ trợ, an ủi và có được lòng nhân từ của chúng ta… Chúng ta là công cụ của Chúa nơi đây trên thế gian, với lệnh truyền phải phục vụ và nâng đỡ các con cái của Ngài. Ngài trông cậy vào mỗi người chúng ta.”12

“Và chẳng ai có thể giúp đỡ trong công việc này trừ phi kẻ đó có lòng khiêm nhường và đầy tình yêu thương, có đức tin, hy vọng, và lòng bác ái, ôn hòa trong mọi sự việc mà mình đã được giao phó cho.”13

Các phụ nữ chúng ta thăm viếng giảng dạy đã được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Chúng ta hãy có tình yêu thương và lòng trắc ẩn, do đó tạo ra điều khác biệt nơi cuộc sống của những người đã được giao phó cho chúng ta chăm sóc.

Thưa các chị em, tôi yêu thương các chị em. Tôi cầu nguyện rằng các chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng với các chị em rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.