2010
Hãy Có Sự Sáng!
Tháng Mười Một năm 2010


Hãy Có Sự Sáng!

Trong thế gian càng ngày càng bất chính thì điều thiết yếu là các giá trị đạo đức được dựa trên niềm tin tôn giáo phải là một phần của cuộc nói chuyện trước công chúng.

Elder Quentin L. Cook

Tôi ăn mừng sinh nhật tháng trước. Để làm quà sinh nhật, vợ tôi, Mary, tặng cho tôi một cái dĩa CD gồm có những bài ca về hy vọng và đức tin do một nữ ca sĩ nổi tiếng người Anh tên là Vera Lynn trình bày, là người đã soi dẫn cho các thính giả trong thời kỳ đen tối của Đệ Nhị Thế Chiến.

Có một lý do tại sao vợ tôi tặng cho tôi món quà này. Cuộc oanh tạc Luân Đôn vào tháng Chín năm 1940 bắt đầu từ trước khi tôi sinh ra.1 Mẹ tôi, khi lắng nghe câu chuyện kể về cuộc oanh tạc Luân Đôn trên đài phát thanh trong phòng bệnh viện của bà, đã quyết định đặt tên cho tôi theo người xướng ngôn viên trên đài có tên là Quentin.

Nữ ca sĩ Vera Lynn nay đã 93 tuổi. Năm ngoái một số bài ca trong thời chiến của bà được phát hành lại và ngay lập tức đứng hàng đầu của bản sắp hạng âm nhạc ở Anh. Các anh chị em nào lớn tuổi hơn một chút sẽ còn nhớ một số bài hát như “The White Cliffs of Dover.”

Một bài hát với tựa đề “When the Lights Go on Again All over the World” làm tôi cảm động vô cùng. Bài hát này mang đến hai ý nghĩ trong tâm trí tôi: trước hết, những lời tiên tri của một chính khách Anh: “Các ngọn đèn sắp tắt ở khắp Châu Âu. Chúng ta sẽ không thấy những ngọn đèn đó được thắp lại trong thời kỳ của mình”;2 và thứ nhì, cuộc oanh tạc bất ngờ trên các thành phố nước Anh như Luân Đôn. Để làm cho các máy bay oanh tạc tấn công khó tìm ra mục tiêu, người ta đã quy định mọi cảnh vật đều phải chìm trong bóng tối. Đèn đều được tắt và cửa sổ đều được che kín.

Bài ca trình bày một niềm hy vọng lạc quan rằng nền tự do và ánh sáng sẽ được phục hồi. Đối với chúng ta là những người hiểu biết vai trò của Đấng Cứu Rỗi và Ánh Sáng của Đấng Ky Tô3 trong một cuộc xung đột đang diễn ra giữa điều tốt với điều xấu, sự tương tự giữa cuộc chiến tranh đó với cuộc xung đột về mặt đạo đức ngày nay đều rất rõ ràng. Chính là qua ánh sáng của Đấng Ky Tô mà tất cả loài người mới “có thể biết phân biệt được thiện và ác.”4

Chưa bao giờ dễ dàng để đạt được hoặc duy trì nền tự do và ánh sáng. Kể từ khi Cuộc Chiến trên Thiên Thượng, những lực lượng tà ác đã sử dụng mọi phương tiện có thể có được để hủy diệt quyền tự quyết và dập tắt ánh sáng. Cuộc tấn công các nguyên tắc đạo đức và tự do tôn giáo chưa bao giờ dữ dội hơn.

Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta cần phải cố gắng hết sức mình để bảo tồn ánh sáng và bảo vệ gia đình cùng cộng đồng của mình khỏi cuộc tấn công này về mặt đạo đức và tự do tôn giáo.

Bảo Vệ Gia Đình

Một điều nguy hiểm luôn luôn xảy ra đối với gia đình là cuộc tấn công dữ dội của các lực lượng tà ác dường như đến từ mọi phía. Mặc dù nỗ lực chính của chúng ta cần phải là tìm kiếm ánh sáng và lẽ thật, nhưng chúng ta cũng cần phải khôn ngoan bảo vệ gia đình mình khỏi những điều tà ác của thế gian là những điều hủy diệt sự phát triển và tăng trưởng của phần thuộc linh. Đặc biệt là hình ảnh sách báo khiêu dâm là một vũ khí hủy diệt đạo đức hàng loạt. Ảnh hưởng hàng đầu của nó là xói mòn các giá trị đạo đức. Một số chương trình truyền hình và mạng Internet cũng đều gây chết người. Những lực lượng tà ác lấy đi ánh sáng và hy vọng khỏi thế gian. Mức suy đồi đang tăng nhanh.5 Nếu chúng ta không ngăn chặn điều ác khỏi mái gia đình và cuộc sống của mình, thì đừng ngạc nhiên nếu cơn nổ tàn phá đạo đức phá tan sự bình an mà đó là phần thưởng cho lối sống ngay chính. Trách nhiệm của chúng ta là sống trong thế gian nhưng không thuộc vào thế gian.

Ngoài ra, chúng ta cần phải càng ngày càng vâng lời và trung tín hơn đối với tôn giáo của mình trong mái gia đình. Buổi họp tối gia đình hằng tuần, cầu nguyện chung gia đình hằng ngày và học thánh thư chung gia đình hằng ngày đều là các yếu tố thiết yếu. Chúng ta cũng cần phải đưa vào mái gia đình của mình những phương tiện “đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen.”6 Nếu chúng ta làm cho mái gia đình của mình thành chốn thánh để che chở cho chúng ta khỏi điều tà ác, thì chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi những hậu quả nguy hại đã được thánh thư báo trước.

Bảo Vệ Cộng Đồng

Ngoài việc bảo vệ gia đình mình, chúng ta còn cần phải là một nguồn ánh sáng trong việc bảo vệ cộng đồng của mình nữa. Đấng Cứu Rỗi phán: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.”7

Thời kỳ của chúng ta đã được mô tả là “một thời kỳ sung túc và một thời đại đầy nghi ngờ.”8 Niềm tin cơ bản nơi quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế không những bị nghi ngờ mà còn bị phỉ báng. Làm thế nào dưới những hoàn cảnh này chúng ta có thể khuyến khích các giá trị đạo đức theo cách thức sẽ làm cho những kẻ không tin cũng như những kẻ thờ ơ trở nên thông cảm và giúp làm giảm bớt tốc độ của bạo lực và điều ác?

Câu hỏi này có một tầm quan trọng lớn lao. Hãy nghĩ đến tiên tri Mặc Môn và nỗi thống khổ của ông khi ông nói: “Sao các người lại chối bỏ Chúa Giê Su, là Đấng đã đứng dang tay tiếp nhận các người!”9 Nỗi thống khổ của Mặc Môn đã được chứng minh là đúng và con trai của ông, Mô Rô Ni, được sống sót để “viết lại thiên ký thuật buồn thảm về sự hủy diệt của dân [ông].”10

Kinh nghiệm sống và giao tiếp của cá nhân tôi với những người trên khắp thế giới đã làm cho tôi trở nên lạc quan. Tôi tin rằng ánh sáng và lẽ thật sẽ được bảo tồn trong thời kỳ chúng ta. Trong tất cả các quốc gia, có một số lớn những người thờ phượng Thượng Đế là những người cảm thấy chịu trách nhiệm đối với Ngài về hành vi của họ. Một số người quan sát và thật sự tin rằng đức tin đã được phục hồi trên toàn cầu.11 Là những người lãnh đạo Giáo Hội, chúng tôi đã nhóm họp với các vị lãnh đạo của các tôn giáo khác và thấy rằng có một nền tảng đạo đức chung vượt qua những dị biệt về thần học và đoàn kết chúng ta trong nguyện vọng của mình cho một xã hội tốt lành hơn.

Chúng tôi cũng thấy rằng đa số người ta vẫn tôn trọng các giá trị đạo đức cơ bản. Nhưng xin đừng lầm lẫn: cũng có những người quyết tâm hủy diệt đức tin lẫn bác bỏ bất cứ ảnh hưởng tôn giáo nào trong xã hội. Những người tà ác khác bóc lột, thao túng cùng phá hoại xã hội với ma túy, hình ảnh sách báo khiêu dâm, khai thác tình dục, buôn người, trộm cướp và buôn bán bất lương. Khả năng và ảnh hưởng của những người này rất rộng lớn mặc dù họ chỉ tương đối là một số ít người.

Luôn luôn có một cuộc chiến đang xảy ra giữa những người có đức tin và những người loại bỏ tôn giáo và Thượng Đế khỏi cuộc sống công chúng.12 Ngày nay, nhiều người dẫn dắt dư luận bác bỏ quan điểm đạo đức của thế giới dựa trên các giá trị Do Thái giáo Judeo/Ky Tô giáo. Theo quan điểm của họ, thì không thể có tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối.13 Họ tin rằng không có ưu tiên nào cho các mục tiêu đạo đức.14

Tuy nhiên, đa số dân chúng mong muốn được là người tốt lành và đáng kính. Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, khác với Đức Thánh Linh, truyền đạt cho lương tâm của họ. Chúng ta biết được từ thánh thư rằng Ánh Sáng của Đấng Ky Tô là “Thánh Linh ban sự sáng cho mọi người bước vào thế gian.”15 Ánh sáng được ban cho “vì lợi ích của toàn thể thế gian.”16 Chủ Tịch Boyd K. Packer dạy rằng đây chính là “nguồn soi dẫn mà mỗi người chúng ta có được cùng với tất cả những người khác trong gia đình nhân loại.”17 Đây là lý do tại sao có nhiều người sẽ chấp nhận các giá trị đạo đức mặc dù các giá trị này được đặt trên những niềm tin tôn giáo mà cá nhân họ không ủng hộ. Như chúng ta đọc trong Mô Si A trong Sách Mặc Môn: “rất ít khi tiếng nói của dân chúng lại mong muốn những điều gì trái với lẽ công bình, mà thường thì thiểu số dân chúng lại muốn điều trái với lẽ công bình.” Rồi Mô Si A cảnh cáo: “nếu đến lúc mà tiếng nói của dân chúng lại chọn lựa điều bất chính, thì đó là lúc sự phán xét của Thượng Đế sẽ xảy đến.”18

Trong thế gian ngày càng bất chính thì điều thiết yếu là các giá trị đạo đức được dựa trên niềm tin tôn giáo phải là một phần của cuộc nói chuyện trước công chúng. Quan điểm về các vấn đề đạo đức dựa trên niềm tin tôn giáo hoặc dựa trên niềm tin không tôn giáo đều cần phải được xem như nhau trong cuộc thảo luận trước công chúng. Theo như những bản hiến pháp của đa số các quốc gia thì một lương tâm đặt trên tôn giáo có thể không được ưu tiên nhưng cũng không nên bị coi thường.19

Đức tin nơi tôn giáo là một nguồn ánh sáng, hiểu biết và thông sáng cùng giúp ích cho xã hội theo cách gây ấn tượng sâu sắc khi các môn đồ có được hành vi đạo đức vì họ cảm thấy chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế.20

Hai nguyên tắc tôn giáo sẽ minh họa cho quan điểm này.

Hành Vi Lương Thiện Được Thúc Đẩy bởi Trách Nhiệm Giải Trình với Thượng Đế

Tín điều thứ 13 bắt đầu: “Chúng tôi tin ở sự lương thiện.” Sự lương thiện là nguyên tắc được tìm thấy trong niềm tin tôn giáo và là một trong các luật pháp cơ bản của Thượng Đế.

Cách đây nhiều năm, khi tôi đang hành nghề luật sư ở California, một người bạn cũng là khách hàng của tôi và không phải là tín hữu của tôn giáo chúng ta đến gặp tôi rồi nhiệt tình cho tôi xem một bức thư ông nhận được từ một giám trợ Thánh Hữu Ngày Sau ở tiểu giáo khu gần đó. Vị giám trợ viết rằng một tín hữu trong giáo đoàn của mình, từng là nhân viên của khách hàng của tôi, đã lấy những vật liệu từ sở làm của khách hàng của tôi và lập luận rằng những vật liệu này đều là đồ thặng dư. Nhưng sau khi trở thành một Thánh Hữu Ngày Sau đầy cam kết và cố gắng tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô, người nhân viên này nhận biết rằng điều mình đã làm là không lương thiện. Kèm theo với bức thư là một số tiền để trang trải không những cho những vật liệu mà còn cho tiền lời nữa. Khách hàng của tôi rất lấy làm cảm kích rằng qua giới lãnh đạo thế tục Giáo Hội đã giúp đỡ người nhân viên này trong nỗ lực của người ấy để được hòa hiệp với Thượng Đế.

Hãy nghĩ về ánh sáng và lẽ thật cùng chia sẻ giá trị của tính lương thiện trong thế giới Do Thái Judeo/Ky Tô hữu. Hãy nghĩ về ảnh hưởng đến xã hội nếu giới trẻ không gian lận trong trường học, người lớn lương thiện nơi sở làm và trung thành với lời thệ nguyện hôn nhân của họ. Đối với chúng ta, quan niệm về tính lương thiện cơ bản được dựa trên cuộc sống và những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Tính lương thiện cũng là một thuộc tính được quý trọng trong nhiều tôn giáo khác và trong lịch sử văn học. Thi sĩ Robert Burns nói: “Một người lương thiện là công việc cao quý nhất của Thượng Đế.”21 Trong hầu hết mọi trường hợp, những người có đức tin cảm thấy có trách nhiệm giải trình với Thượng Đế về việc phải sống lương thiện. Đây là lý do mà người đàn ông đó ở California đã hối cải về hành động không lương thiện của mình trước kia.

Năm ngoái, trong một bài diễn văn tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, Clayton Christensen, một giáo sư trường Harvard và một vị lãnh đạo Giáo Hội, chia sẻ câu chuyện có thật về một người bạn đồng nghiệp từ một quốc gia khác đã nghiên cứu về chế độ dân chủ. Người bạn này rất ngạc nhiên khi thấy tôn giáo cực kỳ quan trọng như thế nào đối với chế độ dân chủ. Người này nêu ra rằng trong những xã hội nơi các công dân được giảng dạy từ lúc còn thơ ấu để cảm thấy có trách nhiệm giải trình với Thượng Đế về tính lương thiện và liêm khiết, thì họ sẽ tuân theo các quy tắc và thực hành mà thúc đẩy lý tưởng dân chủ cho dù không thể thi hành được. Trong xã hội mà không có điều này thì không thể nào có đủ cảnh sát để bắt phải tuân theo hành vi lương thiện.22

Rõ ràng là các giá trị đạo đức về tính lương thiện có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập ánh sáng và lẽ thật cùng cải tiến xã hội cũng như cần phải được quý trọng bởi những người không có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Đối Xử với Tất Cả Con Cái của Thượng Đế Như là Anh Chị Em

Một ví dụ thứ nhì về cách đức tin tôn giáo giúp ích cho xã hội và đóng góp ánh sáng cho thế gian là vai trò của tôn giáo trong việc đối xử với tất cả con cái của Thượng Đế như là anh chị em.

Nhiều cơ quan dựa trên tôn giáo trong hai thế kỷ qua đã đứng hàng đầu trong việc tìm kiếm và giải cứu những người lâm vào hoàn cảnh khắc nghiệt vì họ tin rằng tất cả mọi người đều được tạo ra theo hình ảnh giống như Thượng Đế.23 William Wilberforce, nhà chính khách người Anh đã có công trong việc cấm buôn bán nô lệ ở nước Anh, là một tấm gương xuất sắc.24 Bài thánh ca đầy cảm động, Amazing Grace (Ân Điển Kỳ Diệu), và cuốn phim cùng tên đầy soi dẫn, đã chiếm được cảm tình đầu thập niên 1800 và mô tả câu chuyện về nỗ lực anh hùng của ông. Các nỗ lực liên tục của Wilberforce là những bước đầu tiên trong việc loại bỏ lối thực hành tồi tệ, áp bức, tàn ác và thối nát này. Là một phần của nỗ lực đó, ông đã cùng với các vị lãnh đạo khác, bắt đầu cải tổ đạo lý công chúng. Ông tin rằng giáo dục và chính quyền cần phải được dựa trên cơ sở đạo đức.25 “Tầm nhìn của ông về vẻ phong phú của phương diện đạo đức và tinh thần chính là điều mà ông đã sống theo, cho dù trong việc chống giữ định chế hôn nhân, tấn công những lối thực hành buôn bán nô lệ hoặc dứt khoát ủng hộ ngày Sa Bát.”26 Với nghị lực lớn lao, ông đã giúp động viên những nhà lãnh đạo đạo đức và xã hội của quốc gia trong một cuộc đấu tranh toàn quốc chống lại cảnh trụy lạc.27

Trong lịch sử ban đầu của Giáo Hội, đa số các tín hữu của chúng ta bị chống đối vì chế độ nô lệ.28 Đây là một lý do quan trọng, cùng với niềm tin tôn giáo của chúng ta, về thái độ thù địch và bạo lực của đám đông khủng bố họ đã trải qua đến cực điểm với lệnh tiêu diệt do Thống Đốc Boggs đưa ra ở Missouri.29 Năm 1833 Joseph Smith nhận được một điều mặc khải nói rằng: “Việc bất cứ một người nào phải làm nô lệ cho một người khác là điều không đúng.”30 Lòng cam kết của chúng ta đối với nền tự do tôn giáo và đối xử với tất cả mọi người như là các con trai và con gái của Thượng Đế là chính yếu cho giáo lý của chúng ta.

Đây chỉ là hai ví dụ về cách các giá trị đạo đức dựa trên đức tin làm nền tảng cho các nguyên tắc đã ban phước dồi dào cho xã hội. Còn có nhiều ví dụ khác nữa. Chúng ta cần phải tự mình tham gia lẫn hỗ trợ những người có chí khí và tính liêm khiết để giúp thiết lập lại các giá trị đạo đức mà sẽ ban phước cho toàn thể cộng đồng.

Tôi xin được nói rõ rằng mọi tiếng nói cần phải được cất lên trong cuộc thảo luận trước công chúng. Mọi tiếng nói của tôn giáo lẫn của thế tục đều cần thiết. Ngoài ra, chúng ta không nên kỳ vọng rằng vì một số quan điểm của mình bắt nguồn từ các nguyên tắc tôn giáo, thì đều sẽ tự động được chấp thuận hoặc được ưu tiên. Nhưng cũng rõ ràng là những quan điểm và các giá trị đạo đức như vậy cần phải được xem xét lại về phẩm chất của chúng.

Nền tảng đạo đức của giáo lý chúng ta có thể là một ngọn hải đăng chiếu sáng cho thế gian và có thể là một lực lượng thống nhất về đạo lý lẫn đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần phải bảo vệ gia đình mình và cùng đứng ở hàng đầu cùng với tất cả những người có thiện chí trong việc làm hết khả năng của mình để bảo tồn ánh sáng, hy vọng và đạo đức trong cộng đồng của chúng ta.

Nếu chúng ta vừa sống theo lẫn rao giảng các nguyên tắc này, thì chúng ta sẽ tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô là Ánh Sáng Đích Thật của Thế Gian. Chúng ta có thể là một lực lượng ngay chính chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta trông chờ ngày tuyệt đẹp đó khi “những tâm hồn tự do sẽ hát lên khi ánh sáng được chiếu lên lần nữa trên khắp thế gian.”31 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Richard Hough và Denis Richards, The Battle of Britain: The Greatest Air Battle of World War II (1989), 264.

  2. Do Sir Edward Grey phát biểu. Xin xem “When the Lights Go On Again (All over the World),” wikipedia.org.

  3. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:11–13. Ánh Sáng của Đấng Ky Tô là “ánh sáng mà nó ở trong tất cả mọi vật, nó đem sự sống cho tất cả mọi vật, nó là luật pháp mà qua đó tất cả mọi vật được chi phối” (câu 13). Để am hiểu Ánh Sáng của Đấng Ky Tô và sự khác biệt giữa Ánh Sáng của Đấng Ky Tô với Đức Thánh Linh, xin xem Boyd K. Packer, “Ánh Sáng của Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Tư năm 2005, 8–14.

  4. Mô Rô Ni 7:19.

  5. Xin xem Jacques Barzun, From Dawn to Decadence: 500 Years of Western Cultural Life (2000), 798.

  6. Những Tín Điều 1:13.

  7. Ma Thi Ơ 5:16.

  8. Roger B. Porter, “Seek Ye First the Kingdom of God” (bài nói chuyện được đưa ra tại Tiểu Giáo Khu Cambridge University, Giáo Khu Cambridge Massachusetts, ngày 13 tháng Chín năm 2009).

  9. Mặc Môn 6:17.

  10. Mặc Môn 8:3.

  11. Xin xem John Micklethwait và Adrian Wooldridge, God Is Back: How the Global Revival of Faith Is Changing the World (2009).

  12. Xin xem Diana Butler Bass, “Peace, Love and Understanding” (bài điểm sách God Is Back, của John Micklethwait và Adrian Wooldridge), Washington Post National Weekly Edition, ngày 27 tháng Bảy–tháng Tám. 2, 2009, 39.

  13. Xin xem David D. Kirkpatrick, “The Right Hand of the Fathers,” New York Times Magazine, ngày 20 tháng Mười Hai năm 2009, 27.

  14. Xin xem Kirkpatrick, “The Right Hand of the Fathers,” 27. Robert P. George dạy rằng chúng ta có lý do đạo đức và sự lựa chọn tự do hoặc chúng ta có sự vô luân và thuyết quyết định.

  15. Giáo Lý và Giao Ước 84:46.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 84:48.

  17. Boyd K. Packer, Liahona, tháng Tư năm 2005, 8.

  18. Mô Si A 29:26–27.

  19. Xin xem Margaret Somerville, “Should Religion Influence Policy?” www.themarknews.com/articles/1535-should-religion-influence-policy.

  20. Xin xem Zhao Xiao, “Market Economies with Churches and Market Economies without Churches,” 2002, www.danwei.org/business/churches_and_the_market_econom.php. Nhà kinh tế học này của chính quyền Trung Quốc chứng minh rằng một nền tảng đạo đức là cần thiết để ngăn ngừa người ta không dối trá và và làm tổn thương người khác.

  21. “The Cotter’s Saturday Night,” trong Poems by Robert Burns (1811), 191.

  22. Xin xem Clayton M. Christensen, “The Importance of Asking the Right Questions” (bài diễn văn trong lễ phát bằng, Southern New Hampshire University, Manchester, N.H., ngày 16 tháng Năm năm 2009).

  23. Xin xem Sáng Thế Ký 1:26.

  24. Xin xem William Hague, William Wilberforce: The Life of the Great Anti-Slave Trade Campaigner (2007), 352–56.

  25. Xin xem Hague, William Wilberforce, 104–5.

  26. Hague, William Wilberforce, 513.

  27. Xin xem Hague, William Wilberforce, 107–8.

  28. Xin xem James B. Allen and Glen M. Leonard, The Story of the Latter-day Saints, xuất bản lần thứ nhì (1992), 93, 120, 202.

  29. Xin xem Leonard J. Arrington và Davis Bitton, The Mormon Experience: A History of the Latter-day Saints, xuất bản lần thứ nhì (1992), 48–51; xin xem thêm Clyde A. Milner and others, The Oxford History of the American West (1994), 362: “Proslavery settlers and politicians persecuted them mercilessly.”

  30. Giáo Lý và Giao Ước 101:79.

  31. Câu cuối trong bài ca “When the Lights Go On Again (All Over the World).”