2010
Ngài Dạy Chúng Ta Phải Cởi Bỏ Con Người Thiên Nhiên
Tháng Mười Một năm 2010


Ngài Dạy Chúng Ta Phải Cởi Bỏ Con Người Thiên Nhiên

Tôi làm chứng về lẽ xác thật và quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi để thanh tẩy, làm cho thanh khiết, cùng thánh hóa chúng ta và mái gia đình của mình.

Elder Juan A. Uceda

Một buổi sáng nọ, một gia đình tụ họp lại để học thánh thư như thường lệ. Khi họ tụ họp lại, người cha cảm thấy một bầu không khí không được thuận lợi: một số người trong gia đình không thấy phấn khởi để tham dự. Họ cùng cầu nguyện chung gia đình và khi họ bắt đầu đọc thánh thư, người cha thấy rằng một đứa con đã không có bộ thánh thư của nó. Người cha bảo con gái mình đi vào phòng và mang thánh thư của nó ra. Nó miễn cưỡng làm theo và sau một lúc rất lâu, nó trở lại, ngồi xuống và nói: “Chúng ta thật sự phải làm điều này bây giờ sao?”

Người cha tự nghĩ rằng kẻ thù của tất cả mọi điều ngay chính muốn gây ra vấn đề để ngăn không cho họ học thánh thư. Người cha cố gắng bình tĩnh nói: “Đúng vậy, chúng ta phải làm điều này bây giờ; vì đây là điều Chúa muốn chúng ta phải làm.”

Đứa con gái đáp: “Con thật sự không muốn làm điều này bây giờ!”

Rồi người cha mất kiên nhẫn, cao giọng, và nói: “Đây là nhà của cha và chúng ta sẽ luôn luôn đọc thánh thư trong nhà của cha!”

Giọng điệu và âm lượng của lời người cha làm tổn thương đứa con gái và với quyển thánh thư trong tay, nó bỏ gia đình ngồi lại và bước đi, chạy vào phòng ngủ của nó rồi đóng sầm cửa lại. Như vậy kết thúc việc học thánh thư của gia đình—không có hòa thuận và tình yêu thương trong nhà nữa.

Người cha biết rằng mình đã làm sai, nên đi vào phòng ngủ của mình và quỳ xuống cầu nguyện. Người ấy khẩn cầu với Chúa giúp đỡ, vì biết rằng mình đã làm tổn thương một trong số con cái của Ngài, một đứa con gái mà mình thật sự yêu thương. Người ấy khẩn nài Chúa phục hồi lại tinh thần yêu thương và hòa thuận ở nhà cũng như làm cho họ có thể tiếp tục học thánh thư chung gia đình. Trong khi người ấy cầu nguyện, một ý nghĩ chợt đến với tâm trí của người ấy: “Hãy đi nói ‘Cha xin lỗi.’” Người cha tiếp tục cầu nguyện khẩn thiết, cầu xin Thánh Linh của Chúa trở lại nhà mình. Một lần nữa ý nghĩ lại đến: “Hãy đi nói ‘Cha xin lỗi.’”

Người ấy thật sự muốn làm một người cha tốt và làm điều đúng, nên người ấy đứng dậy và đi vào phòng ngủ của con gái mình. Người ấy gõ nhẹ vào cửa vài lần và đứa con gái không trả lời. Vậy nên, người ấy từ từ mở cửa ra và thấy đứa con gái của mình đang nức nở khóc trên giường. Người ấy quỳ xuống cạnh bên nó rồi nói với một giọng nhỏ nhẹ và dịu dàng: “Cha xin lỗi. Cha xin lỗi về điều cha đã làm.” Người ấy lặp lại: “Cha xin lỗi, cha thương con và cha không muốn làm tổn thương con.” Và rồi từ cửa miệng của một đứa trẻ là bài học mà Chúa muốn dạy cho người ấy.

Đứa con gái ngừng khóc và sau một lúc im lặng, nó cầm quyển thánh thư lên và bắt đầu tìm một số câu thánh thư. Người cha nhìn theo trong khi đôi bàn tay thanh tú của đứa con giở các trang thánh thư, trang này đến trang kia. Nó giở đến các câu thánh thư mà nó tìm kiếm và bắt đầu đọc rất chậm với một giọng nhỏ nhẹ: “Vì con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”1

Trong khi vẫn quỳ xuống cạnh giường của nó, người cha cảm thấy lòng đầy khiêm nhường khi ông tự nghĩ: “Câu thánh thư đó viết cho tôi. Con gái tôi đã dạy cho tôi một bài học quan trọng.”

Rồi nó nhìn cha nó và nói: “Con xin lỗi. Con xin lỗi Cha.”

Chính lúc đó, người cha nhận thấy rằng nó đã không đọc câu thánh thư đó lên để áp dụng câu đó cho cha nó, mà nó đọc câu thánh thư đó lên để áp dụng câu đó cho nó. Người cha dang rộng vòng tay ôm lấy con gái. Tình yêu thương và sự hòa thuận đã được phục hồi trong giây phút giải hòa tuyệt diệu từ Thượng Đế và từ Đức Thánh Linh mà đến. Câu thánh thư đó, mà đứa con gái của người ấy đã ghi nhớ từ việc học thánh thư riêng của nó, đã cảm động lòng ông với lửa của Đức Thánh Linh.

Thưa các anh em, nhà của chúng ta phải là một nơi mà Đức Thánh Linh có thể trú ngụ. “Chỉ có sự thiêng liêng của nhà chúng ta mới có thể so sánh với sự thiêng liêng của đền thờ.”2 Không có chỗ cho con người thiên nhiên trong nhà của chúng ta. Con người thiên nhiên có khuynh hướng “che giấu những tội lỗi của mình, hay làm thỏa mãn tính kiêu ngạo, lòng ham muốn vô bổ của chúng ta, hoặc muốn kiểm soát, hay thống trị, hoặc xúi giục tâm hồn con cái loài người, với bất cứ mức độ bất chính nào, này, thiên thượng sẽ tự rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay thẩm quyền của người ấy.”3

Chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế A Rôn hoặc Mên Chi Xê Đéc phải luôn luôn nhớ rằng “Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật; Nhờ lòng nhân từ, và sự hiểu biết thuần túy, là những điều sẽ mở rộng tâm hồn con người một cách không giả dối và không gian xảo.”4

Cảnh bất hòa rời khỏi nhà chúng ta và cuộc sống của chúng ta khi chúng ta cố gắng thi hành những thuộc tính này giống như Đấng Ky Tô. “Và các ngươi cũng phải tha thứ cho nhau về những điều các ngươi xúc phạm lẫn nhau; vì quả thật ta nói cho ngươi hay, kẻ nào không biết tha thứ những lầm lỗi của người lân cận khi người này nói mình đã biết hối cải, thì chính kẻ đó đã tự chuốc lấy sự kết tội vậy.”5 “Cha xin lỗi. Con xin lỗi Cha.”

Chúa Giê Su Ky Tô, là Hoàng Tử Bình An, dạy chúng ta cách thiết lập bình an trong nhà mình.

Ngài dạy chúng ta phải tuân phục, hay nói cách khác, phục tùng ý muốn hoặc quyền năng của Chúa. “Hãy đi nói ‘xin lỗi.’”

Ngài dạy chúng ta phải nhu mì, hay nói cách khác, phải “có tính tình hòa nhã; ôn hòa; dịu dàng; không dễ bị khiêu khích hoặc tức tối; chịu đựng khi bị tổn thương.”6

Ngài dạy chúng ta phải khiêm nhường, hay nói cách khác “khiêm tốn, nhún nhường; nhu mì; phục tùng; ngược lại với tính kiêu căng, ngạo mạn, kiêu kỳ, hoặc kiêu ngạo.7

“Cha xin lỗi. Cha xin lỗi về điều cha đã làm.”

Ngài dạy chúng ta phải kiên nhẫn, hay nói cách khác: “Có đức tính chịu đựng những điều xấu xa mà không than vãn hoặc cáu kỉnh” hoặc “bình tĩnh khi chịu đựng sự tổn thương hoặc xúc phạm.”8

Ngài dạy chúng ta phải tràn đầy tình yêu thương. “Cha thương con và cha không muốn làm tổn thương con.”

Vâng, các anh em thân mến, Ngài dạy chúng ta phải cởi bỏ con người thiên nhiên, giống như người cha trong câu chuyện này đã khẩn nài xin Chúa giúp đỡ. Vâng, giống như người cha đã ôm con gái mình vào vòng tay yêu thương, Đấng Cứu Rỗi cũng dang tay Ngài ra để ôm chúng ta trong những lúc chúng ta thật sự hối cải.

Ngài dạy chúng ta phải trở nên “một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Chúa Ky Tô.” Và rồi chúng ta sẽ hòa hiệp với Thượng Đế và chúng ta sẽ trở thành bạn của Thượng Đế. Tôi làm chứng về lẽ xác thật cũng như quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi để thanh tẩy, làm cho thanh khiết, cùng thánh hóa chúng ta và mái gia đình của mình, khi chúng ta cố gắng cởi bỏ con người thiên nhiên và noi theo Ngài.

Ngài là “Chiên Con của Thượng Đế,”9 Ngài là “Đấng Thánh và Ngay Chính,”10 “Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An.”11 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.