2010
Những Tấm Kính Đền Thờ Chiếu Rọi đến Suốt Vĩnh Cửu: Chứng Ngôn về Gia Đình
Tháng Mười Một năm 2010


Những Tấm Kính Đền Thờ Chiếu Rọi đến Suốt Vĩnh Cửu: Chứng Ngôn về Gia Đình

Với lòng biết ơn, tôi làm chứng rằng một triển vọng vĩnh cửu của sự cải đạo theo phúc âm và các giao ước đền thờ có thể giúp chúng ta thấy được các phước lành dồi dào trong mỗi thế hệ của gia đình vĩnh cửu của mình.

Elder Gerrit W. Gong

Các anh chị em thân mến, khi con trai của chúng tôi ở trong Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo Provo, thì Chị Gong đã gửi bánh mì mới nướng bằng đường bưu điện cho nó và những người bạn đồng hành truyền giáo của nó. Đây là một số lá thư ngắn cám ơn của người truyền giáo mà Chị Gong nhận được. “Thưa Chị Gong, ổ bánh mì đó ngon y như bánh mì tôi thường ăn ở nhà.” “Thưa Chị Gong, tôi chỉ có thể nói, ối chào, ngon quá. Ổ bánh mì đó là món ăn ngon nhất mà tôi từng ăn kể từ khi tôi ăn enchilada của mẹ tôi.” Nhưng đây là lá thư tôi thích nhất: “Thưa Chị Gong, ổ bánh mì thật là tuyệt vời.” Rồi người ấy giễu cợt nói tiếp: “Xin hãy nhớ đến tôi nếu bà có con gái làm bánh mì ngon như vậy.”

Chúng tôi yêu thương những người truyền giáo—mỗi chị truyền giáo, anh cả, cặp vợ chồng truyền giáo lớn tuổi. Chúng tôi vĩnh viễn biết ơn người truyền giáo đặc biệt là người đầu tiên mang phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đến với gia đình chúng tôi. Với lòng biết ơn, tôi làm chứng rằng một triển vọng vĩnh cửu của sự cải đạo theo phúc âm và các giao ước đền thờ có thể giúp chúng ta thấy được các phước lành dồi dào trong mỗi thế hệ của gia đình vĩnh cửu của mình.

Người cải đạo đầu tiên trong gia đình họ Gong của chúng tôi để vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là mẹ của tôi, Jean Gong. Khi còn là một thiếu nữ sống ở Honolulu, Hawaii, bà đã lắng nghe; bà đã biết; bà đã chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận; bà tiếp tục trong đức tin. Các tín hữu trung thành của Giáo Hội đã giúp mẹ tôi để bà có bạn bè trong phúc âm, có những sự kêu gọi trong Giáo Hội và tiếp tục nuôi dưỡng lời nói tốt lành của Thượng Đế. Trong cách nói ngày nay thì mỗi người mới cải đạo, một người thành niên độc thân trẻ tuổi, những người tích cực lại trong Giáo Hội và những người khác ban phước cho các thế hệ khi họ trở thành người đồng quốc với các thánh đồ cũng như là người nhà của Đức Chúa Trời.1

Một gia đình đã chăm sóc cho mẹ tôi là gia đình của Gerrit de Jong, Jr. Là một người biết nhiều thứ tiếng cũng như ưa thích ngôn ngữ của tâm hồn và Thánh Linh, Ông de Jong khơi động trí tưởng tượng của đứa con trai nhỏ của tôi bằng cách nói như sau: “Các quả dâu đen mà màu đỏ là còn xanh.” Ngày nay, khi nói về những thiết bị điện tử cầm tay, tôi nói với những người bạn trẻ: “Đọc lời nhắn từ cái máy mang tên Blackberries trong nhà thờ sẽ làm cho các vị giám trợ mới được kêu gọi buồn tái người.”

Cha mẹ tôi, Walter và Jean Gong, kết hôn ba lần: một nghi lễ kiểu Trung Hoa cho gia đình, một nghi lễ kiểu Hoa Kỳ cho bạn bè; và một nghi thức thiêng liêng trong nhà của Chúa cho thời tại thế và thời vĩnh cửu.

Các trẻ em trong Hội Thiếu Nhi hát: “Em thích thấy đền thờ. Một ngày nào đó, em sẽ đi đến đó.”2 Giới trẻ của chúng ta cam kết “tiếp nhận các giao ước của đền thờ.”3

Tôi mới vừa đứng trong nhà của Chúa với một cặp vợ chồng xứng đáng tiếp nhận các phước lành qua giao ước ở đó. Tôi mời họ làm cho tuần trăng mật đầu tiên của họ kéo dài 50 năm; rồi, sau 50 năm, bắt đầu tuần trăng mật thứ nhì của họ.

Tôi thấy mình cùng với cặp vợ chồng tuyệt diệu này nhìn vào các tấm kính trong đền thờ—một tấm kính ở bên phía này, một tấm kính ở phía bên kia. Các tấm kính đền thờ cùng nhau phản chiếu xuôi ngược những hình ảnh dường như kéo dài đến tận vĩnh cửu.

Các tấm kính đền thờ chiếu rọi đến suốt vĩnh cửu nhắc chúng ta nhớ rằng mỗi người có “một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng;” mà “Những giáo lễ và giao ước thiêng liêng có sẵn trong các đền thờ thánh giúp cho những cá nhân có thể trở về chốn hiện diện của Thượng Đế và cho gia đình được kết hợp mãi mãi”;4 và rằng, khi cùng nhau tăng trưởng trong tình yêu thương và sự trung thành, thì chúng ta có thể mang đến cho con cái nền tảng vững chắc và sự soi dẫn cùng phương tiện để trở về nơi hiện diện của Thượng Đế.

Trong các tấm kính đền thờ chiếu rọi đến suốt vĩnh cửu đó, tôi đã nghĩ đến Nhất Long Gong, sinh năm 837 sau Công Nguyên (cuối triều đại nhà Tống) ở miền Nam Trung Quốc và các thế hệ tiếp theo của dòng họ Gong đến người cha yêu quý của tôi, thế hệ được ghi là thứ 32 của dòng họ chúng tôi. Anh chị em tôi và tôi thuộc vào thế hệ thứ 33 của dòng họ chúng tôi; bốn đứa con trai của tôi và các anh chị em họ của chúng là thế hệ thứ 34; đứa cháu nội của tôi là thế hệ thứ 35 được ghi trong dòng họ Gong. Trong các tấm kính đền thờ chiếu rọi đến suốt vĩnh cửu đó, tôi không thể thấy được nơi khởi đầu hoặc kết thúc của các thế hệ.

Rồi tôi tưởng tượng ra không những các thế hệ nối tiếp, mà còn là các mối quan hệ gia đình nối tiếp. Trong một hướng, tôi thấy mình là con trai, cháu nội, cháu ngoại, chắt, ngược lại đến Nhất Long Gong, Trong các tấm kính chiếu về hướng kia, tôi thấy mình là cha, ông nội, ông ngoại, ông cố. Tôi có thể thấy người vợ của mình là Susan, tôi có thể thấy bà là con gái, cháu gái, chắt gái và trong hướng kia là mẹ, bà nội, bà ngoại, bà cố.

Trong các tấm kính đền thờ chiếu rọi đến suốt vĩnh cửu đó, tôi bắt đầu hiểu rằng vợ tôi và chính tôi là con cái của cha mẹ chúng tôi và là cha mẹ của con cái chúng tôi, là các cháu của ông bà chúng tôi và là ông bà của các cháu tôi. Các bài học trọng đại của cuộc sống trần thế được dần dần chấp nhận trong khi chúng ta học và dạy trong các vai trò vĩnh cửu kể cả vai trò làm con và cha mẹ, cha mẹ và con.

Thánh thư mô tả Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là “Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.”5 Vì sống trong xác thịt nhưng xác thịt ấy lệ thuộc vào ý muốn của Đức Chúa Cha, nên Đấng Cứu Rỗi biết cách giúp đỡ chúng ta, là dân Ngài, trong nỗi đau đớn, khổ sở, cám dỗ, bệnh tật ngay cả cái chết của chúng ta.6 Vì Ngài đã “hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật,”7 nên Đấng Cứu Rỗi có thể mang lấy những nỗi buồn phiền và gánh lấy những nỗi đau khổ của chúng ta. “Ngài đã bị thương tích vì những phạm giới của chúng ta, bị bầm vập vì những tội lỗi của chúng ta … ; nhưng chúng ta đã được chữa lành nhờ vào những vết roi [của Đấng Cứu Rỗi].”8

Kể từ khi đại hội trên thiên thượng, Đấng Cứu Rỗi chỉ tìm cách làm theo ý muốn của Cha Ngài. Mẫu mực này được Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cho thấy có thể giúp giải thích nghịch lý “Ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.”9 Thế gian theo đuổi tư lợi trước mắt. Tuy nhiên quyền năng không ở trong chúng ta để tự cứu mình, mà ở trong Ngài. Chỉ có Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu,10 của Đấng Cứu Rỗi mới vượt thời gian và không gian để nuốt mất cái chết, cơn tức giận, nỗi đắng cay, bất công, cô đơn và đau buồn.

Đôi khi có những sự việc xảy ra một cách tệ hại ngay cả khi chúng ta đã làm tất cả bằng hết khả năng của mình. Là một Chiên Con vô tội và thanh khiết, Đấng Cứu Rỗi đã khóc với chúng ta và vì chúng ta. Khi chúng ta luôn tưởng nhớ đến Ngài,11 thì Ngài có thể đứng lên cùng chúng ta “bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà [chúng ta] hiện diện.”12 “Lòng trung thành của Ngài còn mạnh hơn cả dây trói buộc của sự chết.”13 Khi lôi kéo chúng ta đến với Ngài, Đấng Cứu Rỗi cũng mang chúng ta đến với Cha Thiên Thượng. Mặc dù có một số điều không toàn hảo trên thế gian, nhưng chúng ta có thể tin cậy Cha Thiên Thượng sẽ hoàn tất “kế hoạch cứu chuộc vĩ đại, nơi mà công lý, tình yêu thương và lòng thương xót họp lại trong sự hòa thuận thiêng liêng.”14

Một phép lạ về những hình ảnh chúng ta thấy rõ trong các tấm kính đền thờ chiếu rọi đến suốt vĩnh cửu là họ—chúng ta—có thể thay đổi. Khi Jean và Walter Gong bước vào giao ước mới và vĩnh cửu, họ đã mở con đường cho các tổ tiên của họ (như Nhất Long Gong) được làm lễ gắn bó và có được con cháu sinh ra trong giao ước. Xin hãy nhớ rằng: khi chúng ta tìm đến với mỗi anh chị em trong phúc âm thì tức là chúng ta ban phước cho các thế hệ vậy.

Thế gian đang ở trong tình trạng xáo trộn,15 nhưng trong “Giáo Hội chân chính và hằng sống duy nhất” của Ngài,”16 thì có đức tin và không có sợ hãi. Trong những lời của Sứ Đồ Phao Lô, tôi long trọng làm chứng:

“Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, …

“Quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô, là Chúa chúng ta.”17

Tôi khiêm nhường làm chứng: Thượng Đế hằng sống. Ngài “sẽ lau khô những giọt lệ của chúng ta”18—ngoại trừ những giọt lệ vui mừng khi chúng ta nhìn qua những tấm kính đền thờ chiếu rọi đến suốt vĩnh cửu và thấy mình trở về nhà, thấy mình thanh khiết và trong sạch, thấy các thế hệ dòng dõi của chúng ta được gắn bó bởi thẩm quyền chức tư tế trong tình yêu thương, để reo lên: “Hô Sa Na, Hô Sa Na, Hô Sa Na.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.