Con Đã Làm Gì Với Tên của Ta?
Một ngày nào đó, mỗi người chúng ta cũng sẽ phải giải thích cùng Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, về điều chúng ta đã làm với danh của Ngài.
Khi Chủ Tịch George Albert Smith còn trẻ, ông nội đã quá cố của ông là George A. Smith, đã hiện đến với ông trong một giấc mơ và hỏi: “Ông muốn biết con đã làm gì với tên của ông.” Chủ Tịch Smith đáp: “Con không bao giờ làm điều gì với tên của ông mà làm cho ông phải xấu hổ cả.”1
Mỗi tuần khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta giao ước và hứa rằng chúng ta sẵn lòng mang lấy danh của Đấng Ky Tô, luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Chúng ta cần phải sẵn lòng làm như vậy, và nếu làm như vậy, chúng ta được hứa sẽ nhận được phước lành tuyệt vời nhất—rằng Thánh Linh của Ngài sẽ luôn ở cùng chúng ta.2
Giống như Chủ Tịch George Albert Smith đã phải giải thích với ông nội của mình về điều ông đã làm với tên của ông nội, một ngày nào đó, mỗi người chúng ta cũng sẽ phải giải thích cùng Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc, Chúa Giê Su Ky Tô, về điều chúng ta đã làm với danh của Ngài.
Tầm quan trọng của việc có được danh thơm tiếng tốt đã nói đến trong sách Châm Ngôn, mà chúng ta đọc: “Danh tiếng tốt còn hơn tiền của nhiều; Và ơn nghĩa quí hơn bạc và vàng”3 và “Kỷ niệm người công bình được khen ngợi!”4
Khi tôi suy ngẫm về những câu thánh thư này và về tầm quan trọng của việc có được danh thơm tiếng tốt, nhiều kỷ niệm đã đến với tâm trí tôi về danh thơm tiếng tốt và di sản cha mẹ tôi đã để lại cho bốn người anh, hai người chị của tôi và tôi. Cha mẹ tôi không có nhiều của cải thế gian, cũng như họ không có vàng bạc. Chín người chúng tôi sống trong một căn nhà hai phòng ngủ, một phòng tắm với một hành lang che kín ở phía sau là nơi mà mấy người chị của tôi ngủ. Khi cha mẹ tôi qua đời, các anh chị em tôi và tôi họp lại để chia nhau của cải của họ. Bản liệt kê những của cải rất ngắn. Mẹ tôi để lại một vài cái áo đầm ủi thẳng tắp, một số đồ đạc cũ kỹ và một vài đồ dùng cá nhân khác. Cha tôi để lại một số dụng cụ thợ mộc, vài cây súng săn cũ và một ít đồ khác. Những đồ vật duy nhất có giá trị tiền bạc là một căn nhà khiêm tốn và một tài khoản tiền tiết kiệm nhỏ.
Chúng tôi đều khóc, dâng lời cảm tạ, vì biết rằng cha mẹ đã để lại cho chúng tôi một điều gì đó còn quý báu hơn cả vàng bạc châu báu. Họ đã cho chúng tôi tình thương yêu và thời giờ của họ. Họ thường chia sẻ chứng ngôn về lẽ trung thực của phúc âm là những điều giờ đây chúng tôi có thể đọc trong những quyển nhật ký quý báu của họ. Không phải bằng lời nói, mà nhiều hơn là bằng tấm gương, họ đã dạy cho chúng tôi biết làm việc siêng năng và sống lương thiện. Họ cũng đã khơi dậy ước muốn nơi chúng tôi để đẩy mạnh việc học hành của chúng tôi, phục vụ truyền giáo và quan trọng hơn hết là tìm kiếm một người bạn đời vĩnh cửu, kết hôn trong đền thờ và kiên trì đến cùng. Họ thật sự để lại cho chúng tôi một di sản về danh thơm tiếng tốt mà chúng tôi sẽ luôn luôn biết ơn.
Khi vị tiên tri yêu dấu Hê La Man và vợ của ông được ban phước với hai đứa con trai, họ đã đặt tên cho những người con trai này là Lê Hi và Nê Phi. Hê La Man nói cho hai con trai của mình biết lý do tại sao họ được đặt tên theo tên của hai tổ phụ của họ, là những người đã sống trên thế gian gần 600 năm trước khi họ sinh ra. Ông nói:
“Này, hỡi các con trai của cha… , cha đã đặt tên các con theo tên các tổ phụ đầu tiên của chúng ta [Lê Hi và Nê Phi] … ; và cha làm như vậy là để khi các con nhớ đến tên mình thì các con nhớ đến những việc làm của họ, và khi các con nhớ đến những việc làm của họ, thì các con sẽ biết được tại sao người ta đã nói, và cũng đã viết ra, là những việc làm của họ tốt đẹp.
“Vậy nên, hỡi các con trai của cha, cha muốn các con làm những gì tốt đẹp để người ta có thể nói đến, và cũng viết ra, về các con, giống như những gì đã được nói và viết về họ.
“… Để các con có thể nhận được ân tứ quý giá đó về cuộc sống vĩnh cửu.”5
Thưa các anh chị em, trong 600 năm nữa, làm thế nào tên của chúng ta sẽ còn được nhớ đến?
Khi nói về cách chúng ta có thể mang lấy danh của Đấng Ky Tô, và như vậy bảo vệ danh thơm tiếng tốt của chúng ta, Mô Rô Ni đã dạy:
“Và lại nữa, tôi khuyên nhủ các người hãy đến cùng Đấng Ky Tô, và hãy nắm giữ mọi ân tứ tốt lành, và chớ động tới ân tứ xấu xa cùng vật dơ bẩn. …
“Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô, để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính.”6
Trong quyển sách nhỏ đầy soi dẫn, Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ, chúng ta đọc rằng quyền tự do lựa chọn là do Thượng Đế ban cho, một nguyên tắc vĩnh cửu kèm theo trách nhiệm đạo đức về những điều đã lựa chọn. “Trong khi [chúng ta] được tự do lựa chọn cho chính mình, thì [chúng ta] lại không được tự do lựa chọn các hậu quả của các hành động của mình. Khi [chúng ta] lựa chọn một điều nào đó, thì [chúng ta] sẽ nhận lấy hậu quả của sự lựa chọn đó.”7
Ngay sau khi người yêu của tôi là Devonna và tôi kết hôn, bà đã chia sẻ với tôi một câu chuyện về điều bà học được trong thời niên thiếu của bà về giáo lý quan trọng này rằng chúng ta được tự do lựa chọn, nhưng chúng ta không được tự do lựa chọn hậu quả của những hành động của mình. Với sự giúp đỡ của con gái tôi là Shelly, tôi xin được kể lại kinh nghiệm của Chị Arnold:
“Khi tôi 15 tuổi, tôi thường cảm thấy rằng có quá nhiều luật lệ và những điều giáo lệnh. Tôi không chắc rằng một thiếu nữ bình thường, thích vui chơi lại có thể vui hưởng cuộc sống với quá nhiều gò bó. Ngoài ra, làm việc nhiều giờ trong nông trại của cha tôi đã ảnh hưởng nặng nề đến thời giờ của tôi dành cho bạn bè của mình.
“Mùa hè đặc biệt ấy, một trong những công việc của tôi là giữ cho các con bò ăn cỏ trên cánh đồng trên núi không phá rào để đi vào cánh đồng lúa mì. Một con bò mà ăn lúa mì đang mọc thì có thể bị chương bụng, làm cho nghẹt thở và chết. Có một con bò luôn luôn cố gắng thò đầu ngang qua hàng rào. Một ngày nọ, trong khi đang cưỡi ngựa dọc theo hàng rào để kiểm soát những con bò đó, thì tôi thấy rằng một con bò đã thoát ra khỏi hàng rào và vào cánh đồng lúa mì. Tôi hoảng hốt khi nhận ra rằng nó đã ăn lúa mì được một lúc rồi vì nó đã bị chương bụng và trông giống như một quả bong bóng. Tôi nghĩ: ‘Mi là con bò ngu xuẩn! Cái hàng rào ở đó để bảo vệ cho mi, vậy mà mi phá rào và mi đã ăn nhiều lúa mì đến nỗi mạng sống của mi đang lâm nguy.’
“Tôi chạy nhanh về nhà trong nông trại để kêu Cha tôi đến xem con bò bị chương bụng. Tuy nhiên, khi chúng tôi trở lại, tôi thấy nó đã nằm chết trên mặt đất. Tôi rất buồn trước cái chết của con bò đó. Chúng tôi đã cung cấp cho nó một đồng cỏ đẹp đẽ trên núi để gặm cỏ và một hàng rào để giữ cho nó cách xa khỏi lúa mì đầy nguy hiểm, nhưng nó đã rồ dại phá rào và tự tạo ra cái chết cho bản thân nó.
“Khi nghĩ về vai trò của hàng rào, tôi nhận thấy rằng đó là sự bảo vệ, cũng giống như những điều giáo lệnh và luật lệ của cha mẹ tôi là sự bảo vệ. Những điều giáo lệnh và luật lệ là nhằm vào lợi ích của tôi. Tôi nhận thấy rằng việc tuân theo những điều giáo lệnh có thể cứu tôi khỏi cái chết thể xác và thuộc linh. Điều soi sáng đó là một thời điểm then chốt trong cuộc sống của tôi.”
Chị Arnold biết được rằng Cha Thiên Thượng yêu dấu, thông sáng và nhân từ của chúng ta đã ban cho chúng ta những điều giáo lệnh—không phải để giới hạn chúng ta, như kẻ nghịch thù muốn chúng ta tin như vậy—mà là để ban phước cho cuộc sống của chúng ta và bảo vệ danh thơm tiếng tốt cùng di sản của chúng ta vì những thế hệ tương lai của chúng ta—cũng giống như các lệnh truyền ban cho Lê Hi và Nê Phi. Cũng giống như con bò đã nhận lãnh các hậu quả của sự lựa chọn của nó, mỗi người chúng ta cần phải biết rằng việc không tuân theo các lệnh truyền thì không bao giờ là, cũng như sẽ không bao giờ là, một điều lựa chọn khôn ngoan cả—vì “sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”8 Mỗi người chúng ta sẽ lãnh nhận hậu quả của những điều mình lựa chọn khi cuộc sống này kết thúc. Những điều giáo lệnh rất rõ ràng, là sự bảo vệ, không phải là giới hạn và các phước lành tuyệt vời của sự vâng lời thì nhiều vô kể!
Cha Thiên Thượng biết rằng chúng ta đều sẽ làm điều lầm lỗi. Tôi rất biết ơn Sự Chuộc Tội đã cho phép mỗi người chúng ta hối cải, có những sửa đổi cần thiết để chúng ta có thể hiệp một với Đấng Cứu Rỗi một lần nữa và cảm nhận được sự bình an tuyệt vời của sự tha thứ.
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta mời gọi chúng ta hằng ngày để thanh tẩy danh chúng ta và trở về nơi hiện diện của Ngài. Những lời khích lệ của Ngài đầy tình yêu thương và thật dịu dàng. Hãy hình dung với tôi vòng tay của Đấng Cứu Rỗi khi tôi đọc những lời của Ngài: “Các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?”9
Hôm nay, tôi muốn đưa ra cùng một lời yêu cầu cho mỗi người chúng ta giống như lời yêu cầu được đưa ra cho tôi bởi cha mẹ của tôi sẽ được vĩnh viễn nhớ đến nhờ vào danh thơm tiếng tốt của họ. Trước khi các anh chị em hành động, hãy tưởng tượng ra Đấng Cứu Rỗi đang đứng bên cạnh các anh chị em và hãy tự hỏi: “Mình có nghĩ, nói hoặc làm điều đó nếu biết rằng Ngài hiện đang ở đó không?” Chắc chắn là Ngài đang ở đó rồi. Chủ Tịch Thomas S. Monson yêu quý của chúng ta, là người mà tôi làm chứng là một vị tiên tri, thường trích dẫn câu thánh thư sau đây khi nói về Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta: “Vì ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi.”10
Trong ngày vinh quang đó khi chúng ta đứng trước Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của mình để báo cáo điều chúng ta đã làm với danh Ngài, cầu xin cho chúng ta có thể nói rằng: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin.”11 “Tôi đã làm vinh danh Ngài.” Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ngài đã thật sự chết để chúng ta được sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.