2010
Đức Tin—Sự Lựa Chọn Là Của Các Anh Chị Em
Tháng Mười Một năm 2010


Đức Tin—Sự Lựa Chọn Là Của Các Anh Chị Em

Hãy chọn đức tin thay vì nỗi nghi ngờ; hãy chọn đức tin thay vì sợ hãi; hãy chọn đức tin thay vì điều không biết và không thấy; và hãy chọn đức tin thay vì tính bi quan.

Bishop Richard C. Edgley

Chúng ta sống trong một gian kỳ trọng đại nhất trong số tất cả các thời kỳ—một thời kỳ mà các vị tiên tri thời xưa đã trông chờ, tiên tri, và tôi tin rằng đã mong mỏi. Tuy nhiên, với tất cả các phước lành thiêng liêng được ban cho chúng ta, Sa Tan, vì luôn luôn có thật, nên luôn luôn tích cực hoạt động và những thông điệp đầy mâu thuẫn vẫn tiếp tục dồn dập tấn công tất cả chúng ta. Thiên sứ Mô Rô Ni đã báo trước cho Vị Tiên Tri trẻ Joseph Smith biết rằng tên ông sẽ được biết đến như điều thiện và điều ác trên khắp thế gian (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:33), và không bao giờ có sự ứng nghiệm về một lời tiên tri nào có bằng chứng rõ ràng hơn. Vị Tiên Tri đã hy sinh mạng sống vì chứng ngôn của mình, cũng như những cuộc tấn công tiếp tục ngày nay đối với Giáo Hội và ngay cả đối với chính Đấng Cứu Rỗi. Sự xác thật về Đấng Cứu Rỗi, sự hy sinh chuộc tội của Ngài và sự hy sinh chuộc tội áp dụng cho tất cả chúng ta đều bị thách thức và thường bị gạt bỏ vì cho rằng đó là chuyện hoang đường hoặc hy vọng vô căn cứ của một đầu óc yếu kém và ít học. Ngoài ra, sự xác thật về phúc âm phục hồi trong những ngày sau cùng này tiếp tục bị thách thức. Cuộc tấn công tiếp tục đối với những sứ điệp như vậy có thể tạo ra nỗi hoang mang, nghi ngờ và bi quan, mỗi cuộc tấn công đó nhắm vào các lẽ thật cơ bản mà chúng ta tin, vào đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế và hy vọng của chúng ta nơi tương lai.

Điều này có thể là thực tế trong thế giới của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể chọn cách phản ứng. Khi giáo lý và niềm tin thiêng liêng của chúng ta bị thách thức, thì đây là cơ hội của chúng ta để trở nên quen thuộc với Thượng Đế trong một cách thức riêng tư và gần gũi nhất. Đây là cơ hội của chúng ta để lựa chọn.

Vì những xung đột và thử thách mà chúng ta đối phó trên thế gian ngày nay, tôi xin đề nghị một sự lựa chọn giản dị—một sự lựa chọn có được sự bình an và bảo vệ và một sự lựa chọn điều gì thích hợp cho tất cả. Sự lựa chọn đó là đức tin. Hãy biết rằng đức tin không phải là một ân tứ cho không mà không cần có ý nghĩ, ước muốn hoặc nỗ lực. Đức tin không đến với chúng ta như sương rơi từ trời. Đấng Cứu Rỗi phán: “Hãy đến cùng ta” (Ma Thi Ơ 11:28) và “Hãy gõ cửa, sẽ mở cho” (Ma Thi Ơ 7:7). Đây là những động từ chỉ hành động—đến, gõ. Đây là những sự lựa chọn. Vậy nên, tôi nói rằng hãy chọn đức tin. Hãy chọn đức tin thay vì nỗi nghi ngờ; hãy chọn đức tin thay vì sợ hãi; hãy chọn đức tin thay vì điều không biết và không thấy; và hãy chọn đức tin thay vì tính bi quan.

Cuộc thảo luận cổ điển của An Ma về đức tin đã được ghi trong sách An Ma chương 32 của Sách Mặc Môn là một loạt những điều lựa chọn để bảo đảm cho sự phát triển và gìn giữ đức tin của chúng ta. An Ma đưa ra cho chúng ta lời hướng dẫn để lựa chọn. Những từ về hành động của ông được khởi đầu với sự lựa chọn. Ông đã dùng những từ thức tỉnh, phát huy khả năng, trắc nghiệm, vận dụng, mong muốn, tác động,trồng trọt. Rồi An Ma giải thích rằng nếu chúng ta có những điều lựa chọn này và không liệng hạt giống ấy ra ngoài vì lòng không tin tưởng, thì “hạt giống ấy sẽ bắt đầu nẩy nở trong lồng ngực [chúng ta]” (An Ma 32:28).

Vâng, đức tin là một sự lựa chọn cũng như phải được tìm kiếm và phát triển. Như vậy, chúng ta chịu trách nhiệm cho đức tin của mình. Chúng ta cũng chịu trách nhiệm cho việc thiếu đức tin của mình. Sự lựa chọn là của các anh chị em.

Có nhiều điều tôi không biết. Tôi không biết chi tiết về việc tổ chức các vật thể thành một thế giới xinh đẹp mà chúng ta đang sống. Tôi không hiểu những điều phức tạp của Sự Chuộc Tội, sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi có thể thanh tẩy mọi người biết hối cải như thế nào, hoặc Đấng Cứu Rỗi có thể chịu “sự đau đớn của tất cả mọi người” (GLGƯ 18:11). Tôi không biết thành Gia Ra Hem La ở đâu, như đã được nói đến trong Sách Mặc Môn. Tôi không biết tại sao niềm tin của tôi đôi khi mâu thuẫn với kiến thức khoa học hoặc của người đời. Có lẽ đây là những điều mà Cha Thiên Thượng mô tả là “những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng” (GLGƯ 107:19) mà sẽ được mặc khải trong một thời gian sau.

Tuy tôi không biết mọi điều, nhưng tôi biết điều gì quan trọng. Tôi biết các lẽ thật phúc âm minh bạch và giản dị dẫn đến sự cứu rỗi và tôn cao. Tôi biết rằng Đấng Cứu Rỗi đã gánh chịu nỗi đau đớn của tất cả loài người và rằng tất cả những người hối cải đều có thể được thanh tẩy khỏi tội lỗi. Và điều tôi không biết hoặc không hoàn toàn hiểu, thì với sự giúp đỡ mãnh liệt của đức tin của mình, tôi khắc phục và tiếp tục dự phần vào những lời hứa và các phước lành của phúc âm. Và rồi, như An Ma giảng dạy, đức tin của chúng ta mang chúng ta đến một sự hiểu biết hoàn hảo (xin xem An Ma 32:34). Việc tìm đến điều không biết, được trang bị chỉ với hy vọng và ước muốn, là bằng chứng về đức tin và lòng tận tụy của chúng ta đối với Chúa.

Vậy nên, chúng ta hãy chọn bằng cách tuân theo công thức của An Ma. Chúng ta hãy chọn đức tin.

  • Nếu nỗi hoang mang và tuyệt vọng đè nặng lên tâm trí các anh chị em, hãy chọn “thức tỉnh và phát huy khả năng của mình.” (An Ma 32:27). Hãy hạ mình tiến đến gần Chúa với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối là con đường dẫn đến lẽ thật và con đường của ánh sáng, sự hiểu biết và bình an của Chúa.

  • Nếu chứng ngôn của các anh chị em còn non nớt, chưa được thử thách và không vững vàng, thì hãy chọn “vận dụng một chút ít đức tin”; hãy chọn “trắc nghiệm lời Ngài” (An Ma 32:27). Đấng Cứu Rỗi giải thích: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17).

  • Khi lý luận, lý lẽ hoặc trí tuệ con người trở thành mâu thuẫn với những điều giảng dạy và giáo lý thiêng liêng, hoặc các thông điệp đầy mâu thuẫn tấn công niềm tin của các anh chị em như tên lửa đã được Sứ Đồ Phao Lô mô tả (xin xem Ê Phê Sô 6:16), thì hãy chọn đừng liệng hạt giống ra ngoài vì lòng không tin tưởng. Hãy nhớ, chúng ta không nhận được sự làm chứng cho đến khi đức tin của chúng ta đã được thử thách (xin xem Ê The 12:6).

  • Nếu đức tin của các anh chị em đã được chứng tỏ và chín chắn, thì hãy chọn nuôi dưỡng đức tin đó “một cách hết sức cẩn thận” (An Ma 32:37). Nếu đức tin của chúng ta vững mạnh, với tất cả những thông điệp tấn công đức tin tới tấp, thì đức tin đó cũng có thể trở nên yếu ớt. Đức tin đó cần phải được vun bồi liên tục qua việc tiếp tục học thánh thư, cầu nguyện và áp dụng lời Ngài.

Khi các môn đồ hỏi Chúa Giê Su tại sao họ không thể đuổi quỷ được như họ đã chứng kiến Đấng Cứu Rỗi làm, Chúa Giê Su đáp: “Nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được” (Ma Thi Ơ 17:20). Tôi thật sự chưa bao giờ chứng kiến việc dời một quả núi. Nhưng nhờ vào đức tin tôi đã nhìn thấy một núi nghi ngờ và thất vọng được dời đi, rồi thay thế bằng niềm hy vọng và tính lạc quan. Nhờ vào đức tin, tôi đã đích thân chứng kiến một quả núi tội lỗi được thay thế bằng sự hối cải và tha thứ. Và nhờ vào đức tin, tôi đã đích thân chứng kiến một núi đau khổ được thay thế bằng sự bình an, hy vọng và lòng biết ơn. Vâng, tôi đã thấy các quả núi được dời đi.

  • Nhờ vào đức tin của mình, tôi đã sử dụng quyền năng của chức tư tế mà tôi nắm giữ và là người dự phần vào vẻ tuyệt diệu của phúc âm cùng tin tưởng và chấp nhận các giáo lễ cứu rỗi.

  • Nhờ vào đức tin của mình, tôi vượt qua những nỗi vất vả và khó khăn trong cuộc sống một cách bình an và với lòng tin chắc.

  • Nhờ vào đức tin của mình, tôi đã có thể biến những thắc mắc và ngay cả những nỗi nghi ngờ thành lòng tin chắc và sự hiểu biết.

  • Nhờ vào đức tin của mình, tôi tìm đến điều không biết, không thấy và không được giải thích với lòng tin chắc mãnh liệt.

  • Và nhờ vào đức tin của mình—nên ngay cả dường như trong những lúc tệ hại nhất—với sự bình an và lòng biết ơn, tôi nhận ra rằng thật sự đó là những lúc tốt nhất.

Và khi chúng ta chọn đức tin và rồi nuôi dưỡng đức tin đó thành một sự hiểu biết hoàn toàn về những sự việc của Chúa, thì chúng ta dùng những từ “tôi làm chứng” hoặc “tôi biết.” Bản thân tôi đã gieo trồng hạt giống ấy vào lòng, và suốt cuộc sống của tôi, tôi đã cố gắng nuôi dưỡng hạt giống đó thành một sự hiểu biết hoàn toàn. Và hôm nay, khi đứng sau bục giảng này, tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Tôi cũng làm chứng rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế và là công cụ tại thế mà Chúa đã sử dụng để mang lại cho thế gian phúc âm trọn vẹn và chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là tiên tri của Chúa ngày nay. Tương tự như thế, sự lựa chọn đức tin là của các anh chị em và cũng là của tôi nữa. Chúng ta hãy chọn đức tin. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.