2010
Đức Thánh Linh và Sự Mặc Khải
Tháng Mười Một năm 2010


Đức Thánh Linh và Sự Mặc Khải

Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, và với Đức Chúa Cha cùng Vị Nam Tử, Ngài biết hết tất cả mọi điều.

Elder Jay E. Jensen

Là một anh cả trẻ tuổi, tôi đã phục vụ truyền giáo được khoảng một năm, và trong khi đọc thánh thư cùng những lời của các sứ đồ ngày sau về sự mặc khải và Đức Thánh Linh, tôi có được một ấn tượng mạnh mẽ; tôi đã không có chứng ngôn của riêng mình, nhất là về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Tôi đi truyền giáo và dựa vào chứng ngôn của cha mẹ tuyệt vời của tôi. Vì không bao giờ nghi ngờ lời của họ nên tôi đã không nghĩ đến việc tìm kiếm chứng ngôn thuộc linh riêng của mình. Vào một đêm tháng Hai ở San Antonio, Texas, vào năm 1962, tôi biết rằng tôi phải tự mình biết. Trong căn hộ nhỏ của chúng tôi, tôi đã tìm ra một chỗ mà tôi có thể lặng lẽ cầu nguyện lớn tiếng: “Thưa Cha Thiên Thượng, Ngài có ở đó không? Con phải tự mình biết mới được!”

Một lát sau vào đêm đó, lần đầu tiên trong đời mình, tôi đã dần dần tự mình biết rằng Thượng Đế và Chúa Giê Su là có thật. Tôi không nghe thấy một tiếng nói rõ ràng cũng như không thấy một nhân vật thiên thượng nào cả. Tôi biết cũng giống như cách mà các anh chị em biết được—tức là bằng “một ân tứ Đức Thánh Linh không xiết kể” (GLGƯ 121:26) và tinh thần mặc khải (xin xem GLGƯ 8:1–3), phán bình an cho tâm trí tôi (xin xem GLGƯ 6:23) và sự bình an vào tâm hồn tôi (xin xem An Ma 58:11).

Từ kinh nghiệm đó, tôi đã làm chứng về lời khuyên dạy của An Ma phải “thức tỉnh và phát huy khả năng của mình… [để] trắc nghiệm những lời nói của [Ngài]” (An Ma 32:27). Những lời hay hạt giống này đã mọc thành cây, quả thật thành những cây chứng ngôn khổng lồ. Tiến trình này tiếp tục với nhiều lời của Thượng Đế được trắc nghiệm nhiều hơn đưa đến thêm nhiều cây chứng ngôn nữa mà giờ đây là một rừng cây thật sự dựa trên sự mặc khải qua và bởi Đức Thánh Linh.

Đức Thánh Linh là một Ân Tứ Mong Muốn

Khi Đấng Cứu Rỗi đến thăm viếng Châu Mỹ, Ngài đã kêu gọi mười hai môn đồ. Một trong các sứ điệp của Ngài ban cho họ và dân chúng là về Đức Thánh Linh. Sau khi giảng dạy cho họ, Đấng Cứu Rỗi từ giã họ và hứa sẽ trở lại ngày hôm sau. Dân chúng cố gắng suốt đêm quy tụ lại càng nhiều người càng tốt để nghe Ngài.

Các môn đồ quy tụ dân chúng lại thành 12 nhóm để giảng dạy cho họ điều mà Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy cho các môn đồ. Trước nhất trong số những điều giảng dạy của họ là tầm quan trọng của Đức Thánh Linh. (Xin xem 3 Nê Phi 11–18.) Rồi dân chúng quỳ xuống cầu nguyện. Ước muốn chân thành của họ là được ban cho Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 19:8–9).

Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng họ và một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của Đức Thánh Linh khi Ngài cầu nguyện lên Đức Chúa Cha:

“Thưa Cha, con xin cám ơn Cha đã ban Đức Thánh Linh cho những người mà con đã lựa chọn;…

“Thưa Cha, con cầu xin Cha ban Đức Thánh Linh cho tất cả những ai sẽ tin vào những lời nói của họ” (3 Nê Phi 19:20–21).

Dựa vào dữ kiện này trong Sách Mặc Môn, tôi hiểu rõ hơn lý do tại sao Chủ Tịch Wilford Woodruff nói “rằng ân tứ Đức Thánh Linh là ân tứ lớn nhất có thể ban cho con người. …

[Ân tứ đó] không giới hạn cho loài người, hay cho các sứ đồ hoặc các vị tiên tri; ân tứ đó thuộc vào mỗi người nam và người nữ trung tín, và mỗi trẻ em đủ tuổi để tiếp nhận phúc âm của Đấng Ky Tô” (Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff (2004), 49).

Sự Mặc Khải Mang Đến Giải Đáp trong Lúc Hoạn Nạn

Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, và với Đức Chúa Cha cùng Vị Nam Tử, Ngài biết hết tất cả mọi điều (xin xem GLGƯ 35:19; 42:17). Ngài có nhiều vai trò quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết là giảng dạy cùng làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử (xin xem 3 Nê Phi 28:11). Các vai trò khác là Ngài mặc khải lẽ thật của tất cả mọi điều (xin xem Mô Rô Ni 10:5) và Ngài dẫn dắt làm điều tốt lành (xin xem GLGƯ 11:12)

Chủ Tịch Thomas S. Monson minh họa vai trò quan trọng của việc dẫn dắt làm điều tốt lành này. Ông noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38). Ông đã giảng dạy về tầm quan trọng của việc không làm ngơ khi có thúc giục của Đức Thánh Linh, đi thăm một người nào đó và phục sự họ cùng giải cứu người đó.

Nhưng đôi khi không có một người giống như Chủ Tịch Monson, không có thầy giảng tại gia, không có một chị phụ nữ chăm sóc để phục sự trong lúc hoạn nạn. Trong những hoàn cảnh đó, tôi đã dần dần tìm ra niềm an ủi và hướng dẫn từ Đấng An Ủi, một vai trò khác của Đức Thánh Linh (xin xem GLGƯ 36:2).

Đứa cháu nội tên Quinton của chúng tôi sinh ra với nhiều tật bẩm sinh và sống được gần một năm, chỉ thiếu ba tuần lễ là tròn một tuổi, trong thời gian đó, nó ra vào bệnh viện thường xuyên. Chị Jensen và tôi sống ở Argentina vào lúc đó. Chúng tôi thật sự muốn hiện diện ở đó với con cái chúng tôi để an ủi chúng và được chúng an ủi. Đây là đứa cháu nội chúng tôi yêu thương và muốn được sống gần nó. Chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện và chúng tôi đã cầu nguyện khẩn thiết!

Chị Jensen và tôi đang đi tham quan phái bộ truyền giáo khi chúng tôi nhận được tin Quinton qua đời. Chúng tôi đứng trong hành lang của nhà hội và ôm nhau cùng an ủi nhau. Tôi làm chứng với các anh chị em rằng sự trấn an đến với chúng tôi từ Đức Thánh Linh, sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết và tiếp tục cho đến ngày nay (xin xem Phi Líp 4:7). Chúng tôi cũng thấy ân tứ Đức Thánh Linh không sao kể xiết trong cuộc sống của con trai và con dâu của mình cùng con cái chúng, là những đứa mà cho đến ngày nay đều nói về thời gian đó với đức tin, sự bình an và an ủi như vậy.

Sự Mặc Khải và Sách Mặc Môn

Cũng ân tứ mặc khải đó đã ảnh hưởng đến chứng ngôn của tôi về Sách Mặc Môn. Tôi đã nhiều lần đọc, học, tra cứu và nuôi dưỡng ân tứ đó. Đức Thánh Linh đã mặc khải cho tôi về lẽ thật và tính thiêng liêng của Ngài.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã gọi Sách Mặc Môn là một trong bốn nền tảng chính yếu của Giáo Hội, các nền tảng khác là Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, sự phục hồi của chức tư tế, và dĩ nhiên chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô là nền tảng chính (xin xem Ê Phê Sô 2:19–21). Ông giải thích: “Bốn ân tứ vĩ đại do Thượng Đế ban cho này là những nền tảng vững vàng giữ chặt Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như những chứng ngôn và lòng tin chắc riêng của các tín hữu Giáo Hội” (“Four Cornerstones of Faith,” Liahona, tháng Hai năm 2004, 7).

Bốn ân tứ do Thượng Đế ban cho này đã trở thành nguồn nương tựa cho đức tin và chứng ngôn của tôi, mỗi ân tứ này được xác nhận cho tôi nhờ sự mặc khải qua Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, trong một vài phút, tôi muốn tập trung vào hai trong số các ân tứ quan trọng này—Khải Tượng Thứ Nhất và Sách Mặc Môn. Điều quan trọng là mỗi ân tứ bắt đầu trong một bối cảnh gia đình nơi con cái được sinh ra từ một gia đình nề nếp và được cha mẹ dạy dỗ kỹ lưỡng (xin xem 1 Nê Phi 1:1). Những dữ kiện trong cuộc sống của Lê Hi và Joseph Smith giống nhau (xin xem 1 Nê Phi 1Joseph Smith—Lịch Sử 1):

  • Mỗi người đều có nhu cầu cụ thể. Cuộc đời của Lê Hi là cứu bản thân mình và gia đình mình ra khỏi cảnh hủy diệt sắp xảy ra ở Giê Ru Sa Lem và cuộc đời của Joseph Smith là biết giáo hội nào là chân chính.

  • Mỗi người đều cầu nguyện.

  • Mỗi người đều có khải tượng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.

  • Mỗi người đều được ban cho một quyển sách.

  • Cả hai đều rao giảng.

  • Mỗi người đều nhận được sự mặc khải từ Đức Thánh Linh cũng như bằng khải tượng và giấc mơ.

  • Cuối cùng, những người tà ác hăm dọa họ. Lê Hi và gia đình của ông thoát khỏi và sống sót. Joseph tuẫn đạo.

Có đáng để ngạc nhiên khi những người truyền giáo mời những người chân thành tìm kiếm lẽ thật bắt đầu học về Sách Mặc Môn trong 1 Nê Phi không? Sách này đầy dẫy Thánh Linh của Chúa. Trong những chương đầu tiên, có một sứ điệp rõ ràng rằng sự mặc khải và Đức Thánh Linh không những được ban cho các vị tiên tri mà còn cho các bậc cha mẹ và con cái nữa.

Sứ điệp về sự mặc khải và Đức Thánh Linh tiếp tục trong suốt Sách Mặc Môn. Các lẽ thật này được tiên tri Joseph Smith tóm lược như sau: “Nếu lấy đi Sách Mặc Môn và những điều mặc khải thì đâu là tôn giáo của chúng ta? Chúng ta không có gì cả” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 196).

Là Thánh Hữu Ngày Sau, chứng ngôn của chúng ta về Sách Mặc Môn được ban cho chúng ta qua sự mặc khải, bảo đảm rằng tôn giáo này và giáo lý của tôn giáo này là chân chính (xin xem lời giới thiệu Sách Mặc Môn).

Những sự việc của Thánh Linh đều rất thiêng liêng và khó bày tỏ. Chúng ta, giống như Am Môn, cũng nói: “Này, tôi nói cho các anh em hay, tôi không thể nói được một phần ít nhất những cảm giác của tôi” (An Ma 26:16).

Tuy nhiên, tôi làm chứng rằng Đức Thánh Linh là có thật và Ngài là Đấng làm chứng, mặc khải, an ủi, hướng dẫn và là người thầy thiêng liêng.

Tôi khiêm nhường làm chứng rằng Giáo Hội chân chính và tại thế này, tôn giáo này, đặt lên trên bốn nền tảng chính. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô quả thật là nền tảng chính (xin xem Ê Phê Sô 2:19–21). Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri của Chúa và 15 người ngồi sau lưng tôi đều là các vị tiên tri, tiên kiến, sứ đồ và mặc khải. Họ nắm giữ chức tư tế thánh và các chìa khóa của vương quốc. Tôi yêu thương, kính trọng và tán trợ họ trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.