2010
Vì Đức Tin của Các Ngươi
Tháng Mười Một năm 2010


Vì Đức Tin của Các Ngươi

Tôi cám ơn tất cả các anh chị em là các tín hữu tuyệt vời của Giáo Hội … đã chứng tỏ mỗi ngày trong cuộc sống của mình rằng tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô “không bao giờ hư mất.”

Elder Jeffrey R. Holland

Thưa Chủ Tịch Monson, toàn thể các tín hữu trên toàn cầu của giáo hội này cùng với ca đoàn tuyệt diệu này đã hát bài thánh ca tuyệt tác, và chúng tôi nói: “Chúng con cám ơn Thượng Đế về vị tiên tri.” Xin cám ơn cuộc sống, tấm gương của chủ tịch và về sứ điệp chào mừng chúng tôi đến dự một kỳ đại hội trung ương nữa của Giáo Hội. Chúng tôi yêu mến, ngưỡng mộ và tán trợ chủ tịch. Thật vậy, trong phiên họp trưa hôm nay, chúng ta sẽ có cơ hội chính thức hơn để giơ tay lên trong việc biểu quyết tán trợ, không những cho Chủ Tịch Monson không thôi, mà còn cho tất cả các chức sắc trung ương của Giáo Hội nữa. Vì tên tôi sẽ được gồm vào trong bản danh sách đó nên tôi xin phép mạnh dạn nói thay cho tất cả mọi người và cám ơn các anh chị em về tình yêu thương và việc giơ tay tán trợ của các anh chị em. Không một ai trong chúng tôi có thể phục vụ nếu không có những lời cầu nguyện và sự tán trợ của các anh chị em. Lòng trung thành và tình yêu thương của các anh chị em có ý nghĩa nhiều đối với chúng tôi hơn là chúng tôi có thể nói ra.

Trong tinh thần đó, sứ điệp của tôi hôm nay là nói rằng chúng tôi tán trợ các anh chị em, rằng chúng tôi đền đáp cho các anh chị em cùng những lời cầu nguyện chân thành đó và cùng một cách bày tỏ tình yêu mến đó. Chúng ta đều biết là có những chìa khóa, giao ước và trách nhiệm đặc biệt được ban cho các chức sắc chủ tọa của Giáo Hội, nhưng chúng ta cũng biết rằng Giáo Hội nhận được sức mạnh vô song, một sức sống duy nhất thật sự từ đức tin và lòng tận tụy của mọi tín hữu trong Giáo Hội này, dù các anh chị em là ai đi chăng nữa. Trong bất cứ quốc gia nào các anh chị em đang sống, dù các anh chị em có cảm thấy còn trẻ tuổi hoặc không thích hợp, dù các anh chị em tự thấy mình đã lớn tuổi hoặc bị hạn chế, thì tôi làm chứng với các anh chị em rằng Thượng Đế yêu thương mỗi cá nhân các anh chị em, các anh chị em là chính yếu cho ý nghĩa của công việc Ngài và được các chức sắc chủ tọa của Giáo Hội Ngài trân quý và cầu nguyện cho các anh chị em. Giá trị cá nhân, sự cao quý thiêng liêng của mỗi một anh chị em, chính là lý do cho kế hoạch cứu rỗi và tôn cao. Trái với lối nói ngày nay, sứ điệp này về các anh chị em. Không, đừng quay qua nhìn người ngồi bên cạnh mình. Tôi đang ngỏ lời cùng các anh chị em đây!

Tôi đã vất vả tìm ra một cách thích hợp để nói cho các anh chị em biết rằng Thượng Đế yêu thương các anh chị em biết bao và chúng tôi, những người ở trên bục chủ tọa này, biết ơn các anh chị em biết bao. Tôi đang cố gắng làm một tiếng nói cho các thiên sứ thật sự để cám ơn các anh chị em về điều tốt lành các anh chị em từng làm, về lời nói tử tế các anh chị em từng nói, về sự hy sinh các anh chị em từng có để mang đến cho một người nào đó—cho bất cứ người nào—vẻ tuyệt mỹ và các phước lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi biết ơn những người lãnh đạo Hội Thiếu Nữ đã đi cắm trại với các em thiếu nữ và không có dầu gội đầu, nước tắm hoặc thuốc bôi mi mắt, đã biến những buổi họp chứng ngôn ngồi quanh lửa trại đầy khói thành một số kinh nghiệm thuộc linh mạnh mẽ nhất mà các em thiếu nữ đó—hay những người lãnh đạo đó—sẽ trải qua trong cuộc sống của họ. Tôi biết ơn tất cả các phụ nữ của Giáo Hội, là những người trong cuộc sống của tôi đã vững mạnh như Núi Si Nai và có lòng trắc ẩn như những lời giảng trên Núi. Đôi khi chúng ta mỉm cười về những câu chuyện của các chị em phụ nữ của mình—các anh chị em biết đó, xương xa màu xanh, các tấm chăn và món khoai tây thường được dọn trong bữa ăn sau tang lễ. Nhưng gia đình tôi đã biết ơn nhận được mỗi thứ này, vào lúc này hay lúc khác—và trong một dịp nọ, tấm chăn và món khoai tây nhận được cùng một ngày. Đó chỉ là một tấm chăn nhỏ–thật sự bé nhỏ—để làm cho cuộc hành trình của đứa em trai sơ sinh của tôi trở về nhà thiên thượng của nó được ấm cúng và thoải mái như ước muốn của các chị trong Hội Phụ Nữ. Thức ăn mang đến cho gia đình tôi sau tang lễ, do các chị tự nguyện mang đến chứ chúng tôi không hề yêu cầu, được tiếp nhận với lòng biết ơn. Nếu các anh chị em muốn, hãy mỉm cười về truyền thống của chúng ta nhưng bằng cách nào đó, có nhiều phụ nữ trong Giáo Hội không thường được khen ngợi nhưng luôn luôn có mặt ở đó khi có những bàn tay rũ rượi và những đầu gối suy nhược.1 Dường như theo bản năng, họ hiểu thấu tính thiêng liêng trong lời phán của Đấng Ky Tô: “Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy … , ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”2

Và điều này cũng đúng đối với các anh em trong chức tư tế. Ví dụ, tôi nghĩ về những vị lãnh đạo của các thiếu niên của chúng ta, tùy vào khí hậu và lục địa, hoặc đi bộ 80 kilômét trên địa thế khó khăn hoặc đào những cái hang bằng băng—và thật sự cố gắng ngủ trong đó—trong những đêm lạnh lẽo mà dường như đối với một số người là những đêm dài nhất trong đời họ. Tôi biết ơn về những kỷ niệm của nhóm thầy tư tế thượng phẩm cách đây một vài năm, là những người trong nhiều tuần lễ thay phiên nhau ngủ trên một cái ghế bành nhỏ trong phòng ngủ của một thành viên nhóm túc số đang hấp hối, để cho người vợ già cả, yếu ớt có thể ngủ được vài giờ trong những tuần lễ cuối cùng trong cuộc đời của người chồng yêu quý của bà. Tôi biết ơn rất nhiều giảng viên, chức sắc, cố vấn và thư ký của Giáo Hội, chưa kể đến những người thường xuyên sắp xếp và dọn dẹp bàn ghế. Tôi biết ơn các vị tộc trưởng được sắc phong, các nhạc sĩ, các sử gia gia đình và các cặp vợ chồng lớn tuổi đi lại một cách khó khăn để đến đền thờ vào lúc 5 giờ sáng với những cái túi xách tay nhỏ nhưng giờ đây dường như còn to hơn họ nữa. Tôi biết ơn các bậc cha mẹ đầy lòng vị tha là những người—có lẽ suốt cả cuộc đời—chăm sóc cho một đứa con bị bệnh tật, đôi khi gánh chịu hơn một bệnh tật, và đôi khi có hơn một đứa con bị bệnh tật. Tôi biết ơn những người con cùng nhau cố gắng trong cuộc sống để sau này chăm sóc lại cha mẹ già yếu, bệnh hoạn.

Và cùng chị phụ nữ lớn tuổi gần như hoàn hảo mới vừa đưa ra một lời thì thầm gần như là một lời tạ lỗi: “Tôi chưa bao giờ là một người lãnh đạo trong bất cứ việc gì trong Giáo Hội cả. Tôi chỉ là một người giúp đỡ mà thôi,” thì tôi xin nói: “Chị thân mến, Thượng Đế ban phước cho chị và tất cả ‘những người giúp đỡ’ trong vương quốc.” Một số chúng ta những người lãnh đạo đều hy vọng rằng một ngày nào đó có được chỗ đứng trước Thượng Đế mà chính các anh chị em đã đạt được rồi.

Tôi thường không bày tỏ lòng biết ơn đối với đức tin và lòng nhân từ của những người như vậy trong cuộc sống của tôi. Chủ Tịch James E. Faust đã đứng tại bục giảng này cách đây 13 năm và nói: “Khi còn nhỏ … , tôi nhớ bà nội tôi… nấu những bữa ăn rất ngon trên một cái lò đốt bằng củi. Khi cái thùng củi ở kế bên cái lò hết củi thì Bà Nội thường lặng lẽ … đi ra ngoài và chất vào thùng từ một đống củi cây tuyết tùng và mang cái thùng nặng trĩu đó trở vào nhà. Tôi rất thờ ơ… tôi ngồi đó và để cho bà nội yêu quý chất củi đầy vào cái thùng [đó].” Rồi, với giọng nghẹn ngào vì xúc động, ông nói: “Tôi tự cảm thấy xấu hổ và đã hối tiếc về thiếu sót đó của mình trong suốt cuộc đời tôi. Một ngày nào đó, tôi hy vọng sẽ xin bà tha lỗi.”3

Theo tôi nghĩ nếu một người toàn hảo như Chủ Tịch Faust lại có thể thú nhận điều sơ suất của ông lúc còn nhỏ, thì tôi cũng có thể đưa ra lời thú nhận tương tự và tự khen mình về điều đáng lẽ tôi đã làm từ lâu rồi.

Khi tôi được kêu gọi phục vụ truyền giáo từ cái thuở tạo thiên lập địa ấy mà, thì lúc đó không có sự chia đều phí tổn của người truyền giáo. Mỗi người truyền giáo phải tự trả hết phí tổn của mình tại nơi người ấy được gửi đến truyền giáo. Một số phái bộ truyền giáo tốn rất nhiều tiền và hóa ra, phái bộ truyền giáo của tôi thuộc vào trong số đó.

Như điều chúng ta khuyến khích những người truyền giáo phải làm, tôi đã dành dụm tiền và bán đồ dùng cá nhân để tự trả phí tổn bằng hết khả năng của mình. Tôi nghĩ tôi có đủ tiền, nhưng tôi không chắc là tôi có đủ tiền không trong những tháng cuối cùng của công việc truyền giáo của tôi. Tuy với thắc mắc đó trong đầu, nhưng tôi vẫn rời gia đình ra đi để nhận được kinh nghiệm quý báu nhất mà bất cứ người nào cũng có thể hy vọng có được. Tôi yêu mến công việc truyền giáo của tôi hơn bất cứ người nào yêu mến công việc truyền giáo của họ.

Rồi tôi trở về nhà vừa đúng lúc cha mẹ tôi được kêu gọi đi truyền giáo. Tôi phải làm gì bây giờ? Làm thế nào tôi có thể trả tiền học phí đại học của tôi? Làm thế nào tôi có thể trả tiền ăn ở? Và làm thế nào tôi có thể thực hiện được giấc mơ vĩ đại của lòng tôi, kết hôn với cô nàng Patricia Terry hoàn toàn hấp dẫn đây? Tôi không bận tâm để thú nhận rằng tôi rất chán nản và sợ hãi.

Tôi do dự đi đến một ngân hàng địa phương và hỏi người giám đốc, cũng là một người bạn của gia đình, rằng tôi có bao nhiêu tiền trong tài khoản của tôi. Ông có vẻ ngạc nhiên và nói: “Ôi chao, Jeff, tất cả tiền bạc của cháu vẫn còn trong tài khoản đó mà. Họ không nói cho cháu biết sao? Cha mẹ của cháu muốn giúp cháu một chút ít nếu họ có thể giúp cháu bắt đầu khi cháu đi truyền giáo về. Họ thậm chí không hề rút ra một xu nào trong khi cháu đi truyền giáo. Tôi tưởng là cháu đã biết rồi chứ.”

Ôi, tôi nào có biết. Điều mà tôi thật sự biết là cha tôi, một kế toán viên tự học, một “người giữ sổ sách” như được gọi trong thị trấn nhỏ của chúng tôi, với rất ít khách hàng, có lẽ không bao giờ biết mặc một bồ com lê mới hay một cái áo sơ mi mới hoặc một đôi giày mới trong hai năm để cho con trai của ông có thể có được tất cả những thứ đó cho công việc truyền giáo của nó. Ngoài ra, điều tôi không biết lúc đó nhưng về sau thì được biết là mẹ tôi, một người chưa bao giờ làm việc ở ngoài nhà trong cuộc sống hôn nhân của bà, đã nhận một công việc làm tại cửa hàng bách hóa ở địa phương để có thể trả cho những phí tổn của công việc truyền giáo của tôi. Và không một ai nói cho tôi biết về điều đó trong khi tôi đi truyền giáo. Không một ai nói cho tôi biết về bất cứ điều đó. Có bao nhiêu người cha trong Giáo Hội này đã làm giống như cha tôi đã làm? Có bao nhiêu người mẹ, trong những thời kỳ kinh tế khó khăn này, vẫn còn làm điều đó?

Cha tôi đã qua đời 34 năm rồi, cũng giống như Chủ Tịch Faust, tôi sẽ chờ để cám ơn ông bên kia thế giới linh hồn. Nhưng người mẹ tuyệt vời của tôi, sẽ tròn 95 tuổi tuần tới, đang vui vẻ xem phần truyền hình này tại nhà ngày hôm nay, vậy nên không trễ lắm để cám ơn bà. Tôi xin cám ơn Cha Mẹ của tôi và tất cả các bậc cha mẹ cùng gia đình và những người trung tín ở khắp nơi đã hy sinh cho con cái của quý vị (và cho con cái của những người khác), đã rất muốn cho chúng những lợi ích mà quý vị chưa bao giờ có, rất muốn cho chúng cuộc sống hạnh phúc nhất quý vị có thể cung ứng.

Tôi cám ơn tất cả các anh chị em là các tín hữu tuyệt vời của Giáo Hội—và vô số người tốt không cùng tín ngưỡng với chúng ta—đã chứng tỏ mỗi ngày trong cuộc sống của mình rằng tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô “không bao giờ hư mất.”4 Không một ai trong các anh chị em là tầm thường cả, một phần vì các anh chị em giữ cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đúng theo ý nghĩa của nó—các anh chị em là điều nhắc nhở thường xuyên về ân điển và lòng thương xót của Ngài, một cách biểu hiện riêng tư nhưng mãnh liệt trong những ngôi làng nhỏ bé và những thành phố rộng lớn về điều tốt lành Ngài đã làm và mạng sống mà Ngài đã hy sinh để mang đến bình an và sự cứu rỗi cho những người khác. Chúng tôi hân hạnh không thể nào tả xiết để được đoàn kết với các anh chị em trong một chính nghĩa thiêng liêng như vậy.

Tôi xin được nói như Chúa Giê Su khi Ngài phán cùng dân Nê Phi:

“Vì đức tin của các ngươi … , sự vui mừng của ta thật là trọn vẹn.

“Và khi nói xong những lời này, Ngài khóc.”5

Thưa các anh chị em, vì thấy được tấm gương của các anh chị em, nên tôi cam kết một lần nữa với tất cả các anh chị em và với Cha Thiên Thượng quyết tâm của tôi để được trung tín hơn—nhân từ và tận tụy hơn, có lòng bác ái và chân thành hơn giống như Cha Thiên Thượng của chúng ta và giống như rất nhiều anh chị em đã được như thế rồi. Tôi cầu nguyện điều này trong tôn danh của Đấng Gương Mẫu Vĩ Đại của chúng ta trong mọi điều—Chúa Giê Su Ky Tô—A Men.