2010
Hai Đường Dây Liên Lạc
Tháng Mười Một năm 2010


Hai Đường Dây Liên Lạc

Chúng ta cần phải sử dụng đường dây cá nhân lẫn hệ thống chức tư tế, trong sự thăng bằng thích hợp, để được tăng trưởng, chính là mục đích của cuộc sống hữu diệt.

Elder Dallin H. Oaks

Chúa đã ban cho con cái của Ngài hai đường dây liên lạc với Ngài—điều mà chúng ta có thể gọi là đường dây liên lạc cá nhân và hệ thống chức tư tế. Tất cả cần phải am hiểu và được hướng dẫn bởi cả hai đường dây liên lạc thiết yếu này.

I. Đường Dây Liên Lạc Cá Nhân

Bằng đường dây liên lạc cá nhân, chúng ta cầu nguyện trực tiếp lên Cha Thiên Thượng và Ngài trả lời chúng ta qua các đường dây Ngài đã thiết lập, mà không qua một người trung gian nào cả. Chúng ta cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, rồi Ngài trả lời chúng ta qua Đức Thánh Linh và trong những cách khác. Sứ mệnh của Đức Thánh Linh là làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử (xin xem Giăng 15:16; 2 Nê Phi 31:18; 3 Nê Phi 28:11), hướng dẫn chúng ta đến với lẽ thật (xin xem Giăng 14:26; 16:13), và cho chúng ta thấy mọi điều chúng ta cần phải làm (xin xem 2 Nê Phi 32:5). Đường dây liên lạc cá nhân này với Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh là nguồn chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật, về sự hiểu biết và hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng đầy lòng nhân từ. Đó là một đặc điểm thiết yếu của kế hoạch phúc âm kỳ diệu của Ngài, mà cho phép mỗi con cái của Ngài nhận được một chứng ngôn cá nhân về lẽ thật của kế hoạch đó.

Đường dây liên lạc trực tiếp cá nhân với Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh được dựa trên sự xứng đáng và rất thiết yếu đến nỗi chúng ta được truyền lệnh phải tái lập các giao ước của mình bằng cách dự phần Tiệc Thánh vào mỗi ngày Sa Bát. Theo cách này, chúng ta hội đủ điều kiện nhận được lời hứa rằng chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng, để hướng dẫn chúng ta.

Về đường dây liên lạc cá nhân này với Chúa, niềm tin và lối thực hành của chúng ta cũng tương tự như niềm tin và lối thực hành của các Ky Tô hữu mà khăng khăng cho rằng những người trung gian giữa Thượng Đế và loài người là không cần thiết vì tất cả mọi người đều được trực tiếp tiếp cận với Thượng Đế theo nguyên tắc Martin Luther đã nói đến mà ngày nay được biết là “chức tư tế của tất cả những người tin.” Tôi sẽ nói thêm sau này về điều đó.

Đường dây cá nhân có một tầm quan trọng tột bậc trong những quyết định cá nhân và trong việc cai quản gia đình. Rủi thay, một số tín hữu của Giáo Hội chúng ta đánh giá quá thấp nhu cầu của đường dây cá nhân trực tiếp này. Vì sự lãnh đạo của các vị tiên tri vô cùng quan trọng—hệ thống chức tư tế chủ yếu điều hành để cai quản những đường dây liên lạc với Chúa về các vấn đề của Giáo Hội—một số người tìm cách yêu cầu các vị lãnh đạo chức tư tế của mình chọn những quyết định cá nhân cho họ, những quyết định họ cần phải tự chọn bằng sự soi dẫn qua đường dây cá nhân của họ. Những quyết định cá nhân và việc cai quản gia đình phần lớn là một vấn đề đối với đường dây cá nhân.

Tôi cảm thấy phải thêm vào hai lời cảnh cáo khác mà chúng ta cần phải ghi nhớ về đường dây liên lạc trực tiếp cá nhân này với Cha Thiên Thượng.

Trước hết, đường dây cá nhân hoàn toàn không hoạt động riêng rẽ với hệ thống chức tư tế. Ân Tứ Đức Thánh Linh—phương tiện liên lạc từ Thượng Đế đến con người—được ban cho bởi thẩm quyền chức tư tế, khi được những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế cho phép. Ân tứ này không đến chỉ vì ước muốn hay niềm tin. Và quyền để có được sự đồng hành liên tục của Thánh Linh này cần phải được xác nhận vào mỗi ngày Sa Bát khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng và tái lập các giao ước báp têm của mình về sự vâng lời và phục vụ.

Tương tự như vậy, chúng ta không thể liên lạc một cách chắc chắn qua đường dây cá nhân trực tiếp nếu chúng ta bất tuân hoặc không hòa hợp với hệ thống chức tư tế. Chúa đã phán rằng “các quyền năng trên trời chỉ có thể kiểm soát hay điều khiển được bởi các nguyên tắc ngay chính mà thôi” (GLGƯ 121:36). Rủi thay, thường có những người vi phạm các lệnh truyền của Thượng Đế hoặc không tuân theo lời khuyên dạy của các vị lãnh đạo chức tư tế khi nói rằng Thượng Đế đã mặc khải cho họ rằng họ đã được miễn khỏi phải tuân theo một lệnh truyền nào đó hoặc không tuân theo một lời khuyên dạy nào đó. Những người như vậy có thể nhận được sự mặc khải hoặc được soi dẫn, nhưng không phải từ nguồn gốc đúng. Quỷ dữ là cha đẻ của mọi điều dối trá và nó luôn luôn mong muốn làm hỏng công việc của Thượng Đế bằng tài bắt chước khéo léo của nó.

II. Hệ Thống Chức Tư Tế

Không giống như đường dây cá nhân, mà qua đó Cha Thiên Thượng liên lạc trực tiếp với chúng ta qua Đức Thánh Linh, hệ thống liên lạc của chức tư tế có thêm nhân vật trung gian cần thiết, đó là Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, Giáo Hội của Ngài; và các vị lãnh đạo đã được chỉ định của Ngài.

Nhờ vào những gì Ngài đã hoàn thành qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để quy định những điều kiện chúng ta cần phải hội đủ nhằm nhận lãnh các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta có các lệnh truyền và các giáo lễ. Đó là lý do tại sao chúng ta lập giao ước. Đó là cách mà chúng ta hội đủ điều kiện để nhận lãnh các phước lành đã được hứa. Các phước lành này có được nhờ vào lòng thương xót và ân điển của Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên, “sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23).

Trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã truyền giao thẩm quyền của chức tư tế mang danh Ngài và Ngài đã thiết lập một Giáo Hội cũng mang danh Ngài. Trong gian kỳ sau cùng này, thẩm quyền chức tư tế của Ngài được phục hồi và Giáo Hội của Ngài được thiết lập lại nhờ vào việc phục sự của các thiên sứ cho Tiên Tri Joseph Smith. Chức tư tế được phục hồi này và Giáo Hội được thiết lập lại này là trọng tâm của hệ thống chức tư tế.

Hệ thống chức tư tế là đường dây mà qua đó Thượng Đế đã phán bảo cùng các con cái của Ngài qua thánh thư trong các thời kỳ đã qua. Và chính là qua đường dây này mà Ngài hiện phán bảo qua những lời giảng dạy và lời khuyên dạy của các vị tiên tri cũng như các sứ đồ tại thế cùng các vị lãnh đạo đầy soi dẫn khác. Đây là cách chúng ta nhận được các giáo lễ cần thiết. Đây là cách chúng ta nhận được những sự kêu gọi để phục vụ trong Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội của Ngài là con đường và chức tư tế của Ngài là quyền năng, qua đó chúng ta có đặc ân để tham gia vào những sinh hoạt phối hợp thiết yếu nhằm thực hiện công việc của Chúa. Những sinh hoạt này gồm có việc thuyết giảng phúc âm, xây cất đền thờ và giáo đường cùng giúp đỡ người nghèo khó.

Về hệ thống chức tư tế này, niềm tin và lối thực hành của chúng ta tương tự như việc một số Ky Tô hữu khăng khăng cho rằng các giáo lễ là thiết yếu và cần phải được thực hiện bởi một người có thẩm quyền được Chúa Giê Su Ky Tô cho phép (xin xem Giăng 15:16). Chúng ta cũng tin như vậy, nhưng dĩ nhiên niềm tin của chúng ta khác với các Ky Tô hữu khác về cách chúng ta truy nguyên thẩm quyền đó.

Một số tín hữu hoặc các cựu tín hữu của Giáo Hội không nhận ra tầm quan trọng của hệ thống chức tư tế. Họ đánh giá thấp tầm quan trọng của Giáo Hội và các vị lãnh đạo Giáo Hội cũng như các chương trình của Giáo Hội. Hoàn toàn dựa vào đường dây cá nhân, họ đi theo con đường của họ, tự ý định nghĩa giáo lý và hướng dẫn các tổ chức khác đua tranh với Giáo Hội cũng như đi ngược lại với những lời giảng dạy của các vị tiên tri lãnh đạo. Khi làm như vậy, họ cho thấy thái độ thù địch rất phổ biến trong thế giới hiện đại đối với điều mà được gọi một cách khinh miệt là “tổ chức tôn giáo.” Những người chối bỏ nhu cầu của tổ chức tôn giáo thì cũng chối bỏ công việc của Đấng Chủ Tể, là Đấng đã thiết lập Giáo Hội của Ngài cùng các chức sắc Giáo Hội trong thời trung thế và cũng là Đấng thiết lập lại Giáo Hội cùng các chức sắc trong thời hiện đại.

Tổ chức tôn giáo, đã được thẩm quyền thiêng liêng thiết lập, là thiết yếu, như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy:

“Để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Ky Tô,

“Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.” (Ê Phê Sô 4:12–13).

Chúng ta đều cần phải nhớ đến lời phán của Chúa trong điều mặc khải hiện đại rằng tiếng nói của các tôi tớ của Chúa là tiếng nói của Chúa (xin xem GLGƯ 1:38; 21:5; 68:4).

Tôi muốn thêm vào hai lời cảnh cáo mà chúng ta cần ghi nhớ về việc tùy thuộc vào hệ thống chức tư tế thiết yếu.

Thứ nhất, hệ thống chức tư tế không thay thế cho sự cần thiết của đường dây cá nhân. Chúng ta đều cần một chứng ngôn cá nhân về lẽ thật. Khi đức tin của mình phát triển, chúng ta cần phải dựa vào những lời nói và đức tin của những người khác, như cha mẹ, giảng viên hoặc các vị lãnh đạo chức tư tế của chúng ta (xin xem GLGƯ 46:14). Nhưng nếu chúng ta chỉ dựa vào một người lãnh đạo chức tư tế hoặc giảng viên cụ thể nào đó cho chứng ngôn cá nhân của mình về lẽ thật, thì thay vì nhận được chứng ngôn đó qua đường dây cá nhân, chúng ta sẽ vĩnh viễn dễ bị mất đức tin bởi hành động của người đó. Trong việc đạt được một sự hiểu biết chín chắn hoặc chứng ngôn về lẽ thật, chúng ta không nên dựa vào một người trung gian hữu diệt giữa chúng ta và Cha Thiên Thượng.

Thứ nhì, giống như đường dây cá nhân, hệ thống chức tư tế không thể hoạt động trọn vẹn và thích hợp vì lợi ích của chúng ta trừ phi chúng ta xứng đáng và biết vâng lời. Nhiều thánh thư dạy rằng nếu chúng ta vẫn còn vi phạm nghiêm trọng các lệnh truyền của Thượng Đế , thì chúng ta “bị loại trừ khỏi sự hiện diện của Ngài” (An Ma 38:1). Khi điều đó xảy ra, Chúa và các tôi tớ của Ngài sẽ giới hạn chặt chẽ khả năng ban cho chúng ta sự giúp đỡ và chúng ta không thể nhận được sự giúp đỡ đó cho bản thân mình.

Lịch sử mang đến cho chúng ta một ví dụ hiển nhiên về tầm quan trọng của việc các tôi tớ của Chúa được hòa hợp với Thánh Linh. Vị tiên tri trẻ, Joseph Smith, không thể phiên dịch khi ông nổi giận hoặc khó chịu.

David Whitmer thuật lại: “Một buổi sáng nọ khi ông đang chuẩn bị tiếp tục công việc phiên dịch, thì có vấn đề gì đó xảy ra trong nhà và Joseph khó chịu về một điều gì đó mà Emma, vợ ông, đã làm. Oliver và tôi đi lên lầu, và Joseph đi lên ngay sau đó để tiếp tục công việc phiên dịch, nhưng ông không thể làm được điều gì cả. Ông không thể phiên dịch ngay cả một âm tiết. Ông đi xuống lầu, ra sau vườn và cầu nguyện lên Chúa; đi khoảng một giờ đồng hồ—trở vào nhà, xin Emma tha thứ rồi đi lên lầu nơi chúng tôi đang ở đó và công việc phiên dịch tiếp tục trôi chảy. Ông không thể làm được điều gì trừ phi ông khiêm nhường và trung tín.”1

III. Sự Cần Thiết của Đường Dây lẫn Hệ Thống

Tôi sẽ kết thúc với những ví dụ nữa minh họa về sự cần thiết của cả đường dây lẫn hệ thống mà Cha Thiên Thượng đã thiết lập để liên lạc với con cái của Ngài. Cả hai đều thiết yếu để thực hiện mục đích của Ngài nhằm mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của con cái Ngài. Một câu chuyện thánh thư thời xưa về sự cần thiết này là lời khuyên bảo của Cha Vợ Giê Trô rằng Môi Se chớ cố gắng làm việc nhiều như vậy. Dân chúng trông chờ vào vị lãnh đạo chức tư tế của họ từ sáng cho đến tối “đặng hỏi ý Đức Chúa Trời” (Xuất Ê Díp Tô Ký 18:15) và cũng “xét đoán người nầy cùng người kia” (câu 16). Chúng ta thường giải thích cách Giê Trô đã khuyên bảo Môi Se phải chỉ định các phán quan để giải quyết những cuộc xung đột cá nhân (xin xem các câu 21–22). Nhưng Giê Trô cũng đưa ra lời khuyên bảo Môi Se mà cho thấy tầm quan trọng của đường dây liên lạc cá nhân: “Hãy lấy mạnh lịnh và luật pháp Ngài mà dạy họ, chỉ cho biết con đường nào đi, và điều chi phải làm” (câu 20; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Nói cách khác, con cái của Y Sơ Ra Ên cần phải được dạy là không mang mọi câu hỏi đến vị lãnh đạo chức tư tế của họ. Họ cần phải hiểu các lệnh truyền và tìm kiếm sự soi dẫn để tự giải quyết đa số vấn đề.

Các sự kiện gần đây ở nước Chile minh họa sự cần thiết của đường dây cá nhân lẫn hệ thống chức tư tế. Nước Chile bị một trận động đất dữ dội. Nhiều tín hữu của chúng ta mất nhà cửa của họ; một số mất những người trong gia đình. Nhiều người mất niềm tin. Thức ăn, chỗ ở và đồ cứu trợ khác được cung cấp nhanh chóng—vì Giáo Hội của chúng ta đã chuẩn bị để đáp ứng với những tai họa như vậy. Các thánh hữu Chile nghe tiếng của Chúa qua Giáo Hội của Ngài và các vị lãnh đạo Giáo Hội đang đáp ứng cho nhu cầu vật chất của họ. Nhưng, cho dù hệ thống chức tư tế có hoạt động hữu hiệu đến mấy chăng nữa, thì cũng không đủ. Mỗi tín hữu cần phải tìm kiếm Chúa trong lời cầu nguyện và trực tiếp nhận được sứ điệp an ủi cũng như chỉ dẫn của Đức Thánh Linh để ban cho những người tìm kiếm và lắng nghe.

Công việc truyền giáo của chúng ta là một ví dụ khác về sự cần thiết của đường dây cá nhân và hệ thống chức tư tế. Những người nam và người nữ được kêu gọi làm người truyền giáo đều xứng đáng và sẵn sàng nhờ vào những điều giảng dạy họ đã nhận được qua hệ thống chức tư tế cũng như chứng ngôn họ nhận được qua đường dây cá nhân. Họ được kêu gọi qua hệ thống chức tư tế. Sau đó, là người đại diện của Chúa và dưới sự hướng dẫn qua hệ thống chức tư tế của Ngài, họ giảng dạy những người tầm đạo. Những người chân thành tìm kiếm lẽ thật đều lắng nghe và những người truyền giáo khuyến khích họ cầu nguyện để tự mình biết được lẽ thật của sứ điệp đó qua đường dây cá nhân.

Một ví dụ cuối cùng áp dụng những nguyên tắc này cho vấn đề về thẩm quyền chức tư tế trong gia đình và Giáo Hội.2 Tất cả thẩm quyền chức tư tế trong Giáo Hội hoạt động dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa thích hợp của chức tư tế. Đây là hệ thống của chức tư tế. Nhưng người có thẩm quyền thì chủ tọa trong gia đình—dù đó là người cha hay người mẹ độc thân—giải quyết các vấn đề trong gia đình mà không cần bất cứ ai nắm giữ các chìa khóa chức tư tế cho phép. Điều đó giống như đường dây liên lạc cá nhân. Đường dây cá nhân lẫn hệ thống chức tư tế cần phải hoạt động trong cuộc sống gia đình và trong cuộc sống cá nhân của chúng ta nếu chúng ta muốn tăng trưởng và hoàn thành vận mệnh đã được bày tỏ trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài.

Chúng ta cần phải sử dụng đường dây cá nhân lẫn hệ thống chức tư tế, trong sự thăng bằng thích hợp, để được tăng trưởng chính là mục đích của cuộc sống hữu diệt. Nếu lối thực hành tín ngưỡng cá nhân dựa hoàn toàn vào đường dây cá nhân, thì chủ nghĩa cá nhân xóa bỏ tầm quan trọng của thẩm quyền thiêng liêng. Nếu lối thực hành tín ngưỡng cá nhân dựa quá nhiều vào hệ thống chức tư tế, thì sự tăng trưởng cá nhân sẽ chịu thiệt hại. Con cái của Thượng Đế đều cần đến đường dây cá nhân lẫn hệ thống chức tư tế để hoàn thành vận mệnh vĩnh cửu của họ. Phúc âm phục hồi giảng dạy về cả hai điều này và Giáo Hội phục hồi cung ứng cho cả hai điều này.

Tôi làm chứng về vị tiên tri của Chúa, Chủ Tịch Thomas S. Monson, là người nắm giữ các chìa khóa mà chi phối hệ thống chức tư tế. Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, mà giáo hội này là của Ngài. Và tôi làm chứng về phúc âm phục hồi, mà lẽ thật của phúc âm này có thể được mỗi người chúng ta biết được qua đường dây cá nhân quý báu đến Cha Thiên Thượng của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Trong “Letter from Elder W. H. Kelley,” The Saints’ Herald, ngày 1 tháng Ba năm 1882, 68. Một báo cáo tương tự được trích dẫn trong B. H. Roberts, A Comprehensive History of the Church, 1:131.

  2. Xin xem Dallin H. Oaks, “Thẩm Quyền Chức Tư Tế trong Gia Đình và Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 24–27.