2010
Ba Điều Lựa Chọn
Tháng Mười Một năm 2010


Ba Điều Lựa Chọn

Mỗi người chúng ta đều đến thế gian này với tất cả những công cụ cần thiết để lựa chọn đúng.

President Thomas S. Monson

Các anh em chức tư tế thân mến, buổi tối hôm nay tôi chân thành cầu nguyện rằng tôi có thể được Cha Thiên Thượng giúp đỡ trong việc đề cập đến những điều mà tôi cảm thấy được soi dẫn để chia sẻ với các anh em.

Mới đây tôi đã nghĩ đến những sự lựa chọn và hậu quả của chúng. Rất hiếm khi một giờ đồng hồ trôi qua mà chúng ta không cần phải lựa chọn điều này hoặc điều khác. Một số sự lựa chọn thì không đáng kể, một số thì có ảnh hưởng sâu rộng. Một số sẽ không tạo ra điều gì khác biệt trong thời vĩnh cửu và một số khác thì sẽ rất quan trọng trong thời vĩnh cửu.

Khi suy ngẫm về nhiều khía cạnh khác nhau của sự lựa chọn, tôi đã chia chúng ra làm ba loại: Trước hết, quyền được lựa chọn; thứ hai, trách nhiệm lựa chọn; và thứ ba, kết quả của sự lựa chọn. Tôi gọi đây là ba điều lựa chọn.

Trước hết, tôi nói đến quyền được lựa chọn. Tôi biết ơn Cha Thiên Thượng nhân từ về ân tứ của Ngài ban cho chúng ta là quyền tự quyết, hay là quyền được lựa chọn. Chủ Tịch David O. McKay, Vị Chủ Tịch thứ chín của Giáo Hội, nói: “Ngoài cuộc sống mà Ngài ban cho chúng ta, quyền chi phối cuộc sống của mình là ân tứ lớn nhất Thượng Đế đã ban cho loài người.”1

Chúng ta biết rằng chúng ta có được quyền tự quyết trước khi có thế gian và rằng Lu Xi Phe đã cố gắng lấy đi quyền đó khỏi chúng ta. Nó không tin tưởng vào nguyên tắc quyền tự quyết hoặc vào chúng ta và cãi lẽ rằng chúng ta phải được cứu rỗi bằng cách ép buộc. Nó khăng khăng rằng với kế hoạch của nó, không một linh hồn nào sẽ bị mất, nhưng dường như nó không nhận biết—hoặc có lẽ nó không quan tâm— rằng ngoài ra, không một ai sẽ được khôn ngoan, mạnh mẽ hơn, có lòng trắc ẩn hoặc biết ơn hơn nếu kế hoạch của nó được tuân theo.

Chúng ta là những người đã chọn kế hoạch của Đấng Cứu Rỗi biết rằng chúng ta sẽ dấn thân vào một cuộc hành trình hiểm nghèo, đầy khó khăn, vì chúng ta làm những điều của thế gian, phạm tội và vấp ngã, là những điều khai trừ chúng ta khỏi Đức Chúa Cha. Nhưng Con Độc Sinh Linh Hồn đã hy sinh để chuộc tội lỗi cho tất cả mọi người. Qua nỗi đau khổ không tả xiết, Ngài trở thành Đấng Cứu Chuộc vĩ đại, Đấng Cứu Rỗi của tất cả nhân loại, như thế đã làm cho chúng ta có thể thành công trở về với Đức Chúa Cha.

Tiên tri Lê Hi nói với chúng ta: “Vậy nên, loài người được tự do theo thể cách xác thịt, và tất cả những điều gì cần thiết cho loài người đều được ban phát cho họ. Và họ được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là họ muốn lựa chọn cảnh tù đày và sự chết dưới xiềng xích và quyền hành của quỷ dữ; vì nó rất muốn tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy.”2

Thưa các anh em, trong hoàn cảnh giới hạn của mình, chúng ta sẽ luôn luôn có quyền được lựa chọn.

Kế đến, với quyền được lựa chọn này, chúng ta có trách nhiệm lựa chọn. Chúng ta không thể trung lập; không thế tiếp tục trung lập được. Chúa biết điều này; Lu Xi Phe biết điều này. Chừng nào chúng ta còn sống trên thế gian, thì Lu Xi Phe và các tôi tớ của nó sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng chiếm lấy linh hồn chúng ta.

Cha Thiên Thượng không gửi chúng ta vào cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng ta mà không ban cho những phương tiện mà qua đó chúng ta có thể nhận được sự hướng dẫn từ Thượng Đế để phụ giúp mình trở lại an toàn vào cuối cuộc sống trần thế. Tôi nói về sự cầu nguyện. Tôi cũng nói về những lời mách bảo từ tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ đó ở bên trong mỗi người chúng ta và tôi cũng nói về thánh thư, được viết bởi những người đã sống qua những thử thách của trần thế nơi mà chúng ta cũng phải trải qua.

Mỗi người chúng ta đều đến thế gian này với tất cả những công cụ cần thiết để lựa chọn đúng. Tiên tri Mặc Môn nói với chúng ta: “Thánh Linh của Đấng Ky Tô được ban cho mọi người, để họ có thể biết phân biệt được thiện và ác.”3

Chúng ta bị vây quanh—ngay cả đôi lúc bị tấn công—bởi các thông điệp của kẻ nghịch thù. Hãy lắng nghe một số thông điệp của nó; chắc chắn là chúng rất quen thuộc với các anh em: “Chỉ làm một lần này thôi, không sao đâu.” “Đừng lo; không ai biết đâu.” “Ta có thể ngừng hút thuốc hay uống rượu hoặc dùng ma túy bất cứ lúc nào ta muốn.” “Mọi người đều làm thế, vậy thì nó không thể xấu đến mức thế đâu.” Những lời dối trá thì vô số.

Mặc dù trong cuộc hành trình của mình chúng ta sẽ bắt gặp những ngã rẽ và những khúc quanh, nhưng chúng ta không thể liều mà đi con đường khác vì có thể con đường đó sẽ không bao giờ dẫn chúng ta trở lại đúng đường. Lu Xi Phe, rất tài giỏi trong mưu mẹo gian dối, với lối ngụy trang khéo léo và hấp dẫn đã lôi cuốn những người không ngờ vực rời xa lời dạy bảo của cha mẹ nhân từ, xa khỏi nơi an toàn của những điều giảng dạy của Thượng Đế. Nó không những tìm kiếm người vô giá trị mà còn tìm kiếm tất cả chúng ta, kể cả người đã được Thượng Đế chọn. Vua Đa Vít nghe theo lời dụ dỗ của Lu Xi Phe, dao động rồi đi theo nó và sa ngã. Ca In cũng vậy trong thời đại trước và Giu Đa Ích Ca Rốt trong thời đại sau. Những phương pháp của nó đầy xảo quyệt, nạn nhân của nó thì vô số.

Chúng ta đọc về nó trong sách 2 Nê Phi: “Nó sẽ dẹp yên những kẻ khác và ru ngủ họ trong một sự an toàn trần tục.”4 “Nó nịnh hót những kẻ khác và bảo họ là không có ngục giới… cho đến ngày nào nó túm được họ bằng những xiềng xích ghê gớm của nó.”5 “Và đó là luận điệu mà quỷ dữ đã dùng để lừa gạt tâm hồn họ, và cẩn thận dẫn dắt họ xuống ngục giới.”6

Khi đối phó với những điều lựa chọn quan trọng, chúng ta quyết định như thế nào? Chúng ta có nghe theo lời hứa về lạc thú nhất thời không? Nghe theo những ham muốn và đam mê của mình không? Nghe theo áp lực của những người xung quanh mình không?

Chúng ta đừng bao giờ để mình lưỡng lự như Alice trong tác phẩm cổ điển của Lewis Carroll’s Alice’s Adventures in Wonderland. Chúng ta sẽ nhớ lại rằng cô ta đi đến một ngã tư với hai con đường trước mặt, mỗi con đường chạy dài về phía trước nhưng ngược hướng với nhau. Cô ta gặp con mèo Cheshire và Alice hỏi con mèo đó: “Tôi phải đi con đường nào?”

Con mèo đáp: “Điều đó tùy vào nơi nào cô muốn đi. Nếu cô không biết mình muốn đi đâu, thì việc đi con đường nào cũng không quan trọng.”7

Không giống như Alice, chúng ta đều biết nơi nào chúng ta muốn đi và việc chúng ta đi con đường nào thì thật sự quan trọng, vì bằng cách chọn con đường của mình, chúng ta chọn nơi mình sẽ đến.

Chúng ta thường xuyên có những quyết định trước mặt mình. Để đưa ra những quyết định đó một cách khôn ngoan, chúng ta cần phải có can đảm—can đảm để nói không được, can đảm để nói vâng được. Những quyết định quả thật định rõ vận mệnh.

Tôi khẩn nài với các anh em phải có quyết tâm ngay ở đây, ngay bây giờ, chứ không xa rời lối đi mà sẽ dẫn đến mục tiêu của chúng ta: cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng. Dọc theo lối đi thẳng và đúng đó là các mục tiêu khác: công việc truyền giáo, lễ hôn phối đền thờ, hoạt động tích cực trong Giáo Hội, học thánh thư mỗi ngày, cầu nguyện, công việc đền thờ. Có vô số mục tiêu xứng đáng để đạt được khi chúng ta hành trình trong suốt cuộc sống. Chúng ta cần cam kết để đạt được các mục tiêu này.

Thưa các anh em, cuối cùng, tôi nói về kết quả của sự lựa chọn. Tất cả những điều lựa chọn của chúng ta đều có những hậu quả, một số hậu quả này ít liên quan hay không liên quan gì đến sự cứu rỗi vĩnh cửu của chúng ta và những hậu quả khác thì liên quan chặt chẽ đến sự cứu rỗi vĩnh cửu.

Cho dù các anh em mặc cái áo thun màu xanh lá cây hay màu xanh dương thì cuối cùng cũng không tạo ra điều gì khác biệt. Tuy nhiên, việc các anh em quyết định nhấn hoặc không nhấn vào phím gõ trên máy vi tính của mình mà sẽ dẫn các anh em đến hình ảnh khiêu dâm thì có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong cuộc sống của các anh em. Các anh em sẽ chỉ cần bước ra một bước khỏi lối đi thẳng và an toàn. Nếu một người bạn gây ra áp lực với các anh em để uống rượu hoặc thử ma túy và các anh em đầu hàng áp lực đó, thì các anh em đang bước vào khúc quanh mà có thể không quay trở lại được. Thưa các anh em, cho dù chúng ta là thầy trợ tế 12 tuổi hoặc thầy tư tế thượng phẩm chín chắn, thì chúng ta vẫn có thể bị cám dỗ. Cầu xin cho chúng ta giữ cho mắt, lòng và quyết tâm của mình luôn chú trọng vào mục tiêu vĩnh cửu và xứng đáng bằng bất cứ giá nào chúng ta sẽ phải trả, bất cứ sự hy sinh nào mà chúng ta cần phải hy sinh để đạt được.

Không có cám dỗ, áp lực và cạm bẫy nào có thể đánh bại chúng ta trừ phi chúng ta cho phép chúng đánh bại mình. Nếu lựa chọn sai, chúng ta tự trách mình chứ không trách ai khác được. Chủ Tịch Brigham Young có lần đã đưa ra lẽ thật này bằng cách so sánh điều đó với chính ông. Ông nói: “Nếu Anh Brigham có đi theo con đường sai và không được vào vương quốc thượng thiên, thì không phải lỗi của ai cả mà chính là lỗi của Anh Brigham. Tôi là người duy nhất trên trời, dưới đất hoặc ngục giới mà có thể bị khiển trách mà thôi.” Ông nói tiếp: “Điều này cũng sẽ áp dụng cho mỗi Thánh Hữu Ngày Sau. Sự cứu rỗi tùy thuộc vào hành động của riêng cá nhân.”8

Sứ Đồ Phao Lô quả quyết với chúng ta rằng: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”9

Chúng ta đều đã từng lựa chọn sai. Nếu chúng ta chưa sửa đổi những điều lựa chọn như vậy, thì tôi cam đoan với các anh em rằng có một cách để làm. Tiến trình đó gọi là sự hối cải. Tôi khẩn nài với các anh em nên sửa đổi những lỗi lầm của mình. Đấng Cứu Rỗi chết để ban cho các anh em và tôi ân tứ phước lành đó. Mặc dù con đường không dễ đi, nhưng lời hứa thì có thật: “Dầu tội các ngươi như hồng điều sẽ trở nên trắng như tuyết.”10 “Và ta, là Chúa sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”11 Đừng đặt cuộc sống vĩnh cửu của các anh em vào nguy cơ rủi ro. Nếu đã phạm tội, thì các anh em càng bắt đầu sớm để trở lại, các anh em sẽ càng sớm được bình an và tìm ra niềm vui tuyệt vời từ phép lạ của sự tha thứ có được.

Thưa các anh em, các anh em thuộc quyền thừa kế cao quý. Cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc của Đức Chúa Cha là mục tiêu của các anh em. Một mục tiêu như vậy không đạt được chỉ trong một cố gắng vinh quang, mà thay vì thế, là kết quả của một cuộc đời ngay chính, một sự tích lũy những lựa chọn khôn ngoan, đó chính là mục đích kiên định. Cũng như với bất cứ điều nào đáng giá, phần thưởng của cuộc sống vĩnh cửu đòi hỏi nỗ lực.

Thánh thư dạy rất rõ:

“Các ngươi khá cẩn thận làm theo, y như Giê Hô Va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán dặn các ngươi; chớ xây qua bên hữu, hoặc qua bên tả.

“Các ngươi khá đi theo trọn đường mà Giê Hô Va Đức Chúa Trời các ngươi đã chỉ cho.”12

Để kết thúc, tôi xin chia sẻ với các anh em tấm gương của một người đã quyết tâm từ đầu đời về các mục tiêu của mình là gì. Tôi nói về Anh Clayton M. Christensen, một tín hữu của Giáo Hội cũng là giáo sư ngành quản trị kinh doanh ở Khoa Thương Mại tại Đại Học Harvard.

Khi 16 tuổi, Anh Christensen quyết định trong số những điều khác rằng ông sẽ không chơi thể thao vào ngày Chúa Nhật. Nhiều năm về sau, khi theo học trường Oxford University ở Anh, ông đã chơi ở vị trí trung phong của đội bóng rổ. Vào năm đó, họ đã có một mùa vô địch và được cử đi thi đấu bóng rổ giữa các trường đại học ở Anh tương tự như trận đấu bóng rổ của NCAA ở Hoa Kỳ.

Họ thắng trận khá dễ dàng trong khi thi đấu, và được lọt vào vòng tứ kết. Chính lúc đó Anh Christensen nhìn vào lịch trình thi đấu và buồn nản thấy rằng trận đấu bóng rổ cuối cùng là vào ngày Chúa Nhật. Ông và đội ông đã làm việc cật lực để đạt đến thành quả mà họ hiện đang có và ông là người chơi ở vị trí trung phong lúc bắt đầu trận đấu. Ông đi đến người huấn luyện viên với tâm trạng khó xử của mình. Người huấn luyện viên của ông không hề thông cảm và nói với Anh Christensen rằng người ấy hy vọng là ông sẽ chơi cho trận đấu.

Tuy nhiên, trước khi trận đấu chung kết, thì có trận đấu bán kết. Rủi thay, người trung phong chơi hậu vệ bị trật khớp vai, điều đó gia tăng áp lực đối với Anh Christensen để chơi trận đấu chung kết. Ông đi vào phòng khách sạn của mình. Ông quỳ xuống. Ông cầu vấn Cha Thiên Thượng xem có sao không nếu ông chơi cho trận đấu đó vào ngày Chúa Nhật, chỉ lần này thôi. Ông nói rằng trước khi cầu nguyện xong, ông đã nhận được câu trả lời: “Clayton, tại sao ngươi lại hỏi ta điều này? Ngươi biết câu trả lời rồi mà.”

Ông đi đến người huấn luyện viên, nói cho người này biết rằng ông hối tiếc biết bao sẽ không chơi trong trận chung kết. Rồi ông đi tham dự các buổi họp ngày Chúa Nhật trong tiểu giáo khu địa phương trong khi đội của ông chơi mà không có ông. Ông đã cầu nguyện cho họ được thắng. Và họ đã thắng thật.

Quyết định quan trọng, khó khăn đó đã được chọn cách đây hơn ba mươi năm. Anh Christensen nói rằng với thời gian trôi qua, ông xem đó là một trong những quyết định quan trọng nhất mà ông đã chọn. Rất dễ dàng để nói: “Anh biết không, nói chung, việc giữ ngày Sa Bát được thánh là giáo lệnh đúng, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt ngoại lệ của tôi, thì được thôi, chỉ lần này thôi, nếu tôi không làm theo.” Tuy nhiên, ông nói rằng suốt cuộc sống của mình hóa ra là một chuỗi vô tận những hoàn cảnh ngoại lệ, nếu ông cho là ngoại lệ chỉ một lần đó thôi thì lần sau, một điều gì đó xảy ra cũng khẩn cấp và cấp bách thì có lẽ dễ dàng hơn để làm một điều ngoại lệ nữa. Bài học ông đã học được là để tuân giữ các lệnh tuyền 100 phần trăm thì dễ dàng hơn là 98 phần trăm.13

Các anh em thân mến, cầu xin cho chúng ta tràn đầy lòng biết ơn về quyền được lựa chọn, chấp nhận trách nhiệm lựa chọn và luôn luôn ý thức về những kết quả của sự lựa chọn. Là những người mang chức tư tế, tất cả chúng ta đều đoàn kết hiệp một thì đều có thể hội đủ điều kiện để nhận được ảnh hưởng hướng dẫn của Cha Thiên Thượng khi chúng ta lựa chọn kỹ càng và đúng đắn. Chúng ta tham dự vào công việc của Chúa Giê Su Ky Tô. Giống như những người thời xưa, chúng ta đã đáp ứng lời kêu gọi của Ngài. Chúng ta đang làm công việc của Ngài. Chúng ta sẽ thành công trong mệnh lệnh thiêng liêng: “Các ngươi là kẻ mang khí dụng Đức Giê Hô Va, hãy làm cho sạch mình”14 Cầu xin cho điều này được như vậy là lời cầu nguyện trang trọng và khiêm nhường của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Chủ Tể của chúng ta, A Men.