2011
Các Chìa Khóa Thiêng Liêng của Chức Tư Tế A Rôn
Tháng năm năm 2011


Các Chìa Khóa Thiêng Liêng của Chức Tư Tế A Rôn

Chúa muốn mỗi người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn phải mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô—bắt đầu với chính gia đình của họ.

Larry M. Gibson

Một đứa con trai của tôi lúc 12 tuổi quyết định nuôi thỏ. Chúng tôi xây chuồng và kiếm được một con thỏ đực lớn và hai con thỏ cái từ một người hàng xóm. Tôi không hề biết là chúng tôi đang lâm vào tình huống gì. Trong một thời gian thật ngắn, cái chuồng của chúng tôi đầy cả thỏ con. Giờ đây con trai tôi đã lớn rồi, tôi cần phải thú nhận nỗi kinh ngạc của tôi trước việc các con thỏ con được chế ngự như thế nào—một con chó nhà hàng xóm thỉnh thoảng vào cái chuồng đó và ăn vài con thỏ.

Nhưng tôi rất cảm động khi thấy con trai tôi cùng các anh em của nó trông nom và bảo vệ các con thỏ đó. Và giờ đây, với tư cách là người chồng và người cha, chúng là những người nắm giữ chức tư tế xứng đáng, biết yêu thương, củng cố và trông nom gia đình của chúng.

Tôi xúc động khi quan sát các em là các thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn đang trông nom, hỗ trợ và củng cố những người ở xung quanh mình, kể cả gia đình và các thành viên trong nhóm túc số của các em. Tôi yêu thương các em biết bao.

Mới đây, tôi có thấy một thiếu niên 13 tuổi được phong nhiệm với tư cách là chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế. Sau đó, vị giám trợ bắt tay em ấy và gọi em ấy là “chủ tịch,” và giải thích cho các thành viên trong nhóm túc số biết rằng “tôi gọi em ấy là chủ tịch để nhấn mạnh tính chất thiêng liêng của sự kêu gọi của em ấy. Người chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế là một trong số bốn người duy nhất trong tiểu giáo khu nắm giữ chìa khóa của vai trò chủ tịch. Với các chìa khóa đó, em ấy, với các cố vấn của mình, sẽ lãnh đạo nhóm túc số này dưới sự soi dẫn của Chúa.” Vị giám trợ này đã hiểu quyền năng của các chủ tịch đoàn được một người chủ tịch lãnh đạo là người nắm giữ và sử dụng các chìa khóa thiêng liêng. (Xin xem GLGƯ 124:142–43.)

Về sau, tôi hỏi em thiếu niên này xem em có sẵn sàng để chủ tọa nhóm túc số đông người này không. Em ấy đáp: “Em rất lo lắng. Em không biết một chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế thì phải làm gì. Anh có thể nói cho em biết được không?”

Tôi nói rằng em ấy có được một giám trợ đoàn và những người cố vấn tuyệt diệu sẽ giúp em ấy trở thành một người lãnh đạo chức tư tế thành công và vững mạnh. Tôi biết họ sẽ tôn trọng các chìa khóa thiêng liêng của vai trò chủ tịch mà em ấy đang nắm giữ.

Rồi tôi hỏi: “Em có nghĩ rằng Chúa kêu gọi em vào chức vụ quan trọng này mà không ban cho sự hướng dẫn gì chăng?”

Em ấy suy nghĩ rồi đáp: “Em tìm ra sự hướng dẫn đó ở đâu?”

Sau cuộc thảo luận, em ấy nhận biết rằng em ấy sẽ tìm ra sự hướng dẫn từ thánh thư, lời của các vị tiên tri tại thế và những điều đáp ứng cho lời cầu nguyện. Chúng tôi quyết định tìm ra một câu thánh thư mà sẽ là một nơi bắt đầu cho sự tìm kiếm để học hỏi trách nhiệm của sự kêu gọi mới của em.

Chúng tôi giở đến tiết 107 của sách Giáo Lý và Giao Ước, câu 85. Câu này nói rằng một chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế ngồi họp với mười hai thầy trợ tế và giảng dạy cho họ biết bổn phận của họ. Chúng tôi thấy rằng nhóm túc số của em ấy không phải chỉ là một lớp học mà còn là một hội đồng các thiếu niên và các em này phải củng cố và gây dựng lẫn nhau, dưới sự hướng dẫn của người chủ tịch. Tôi tin tưởng rằng em ấy sẽ là một chủ tịch xuất sắc mà sẽ dựa vào sự soi dẫn từ Chúa và làm vinh hiển sự kêu gọi thiêng liêng của mình khi em ấy giảng dạy cho những người bạn cũng là thầy trợ tế như em về bổn phận của các em đó.

Rồi tôi hỏi: “Bây giờ em đã biết rằng em phải giảng dạy cho các thầy trợ tế biết bổn phận của các em ấy, thì em có biết các bổn phận đó là gì không?”

Một lần nữa chúng tôi giở đến thánh thư và tìm ra:

  1. Một thầy trợ tế được chỉ định trông coi và làm giáo sĩ thường trực của Giáo Hội (xin xem GLGƯ 84:111).

    Vì gia đình là đơn vị cơ bản của Giáo Hội, nên bối cảnh quan trọng nhất mà trong đó một người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn có thể làm tròn bổn phận này là trong nhà của người ấy. Người ấy cung ứng sự hỗ trợ của chức tư tế cho cha mẹ mình khi họ hướng dẫn gia đình. Người ấy cũng trông nom anh chị em của mình, các thiếu niên trong nhóm túc số của mình và các tín hữu khác trong tiểu giáo khu.

  2. Một thầy trợ tế phụ giúp thầy giảng trong tất cả các bổn phận của thầy giảng trong Giáo Hội nếu cần (xin xem GLGƯ 20:57).

    Chúng tôi quyết định rằng nếu một thầy trợ tế phải phụ giúp với bổn phận của thầy giảng, thì thầy trợ tế cần phải biết bổn phận của họ là gì. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra trong thánh thư hơn mười hai bổn phận cho chức phẩm thầy giảng (xin xem GLGƯ 20:53–59; 84:111). Thật là một kinh nghiệm mạnh mẽ đối với mỗi thiếu niên—và những người cha và cố vấn của họ, và tất cả chúng ta—để làm đúng y như điều người thiếu niên này đã làm: tìm đến thánh thư và tự khám phá ra các bổn phận của mình là gì. Tôi không tin là có nhiều người trong chúng ta sẽ ngạc nhiên—và được soi dẫn—đối với điều chúng ta tìm được. Sách Bổn Phận đối với Thượng Đế bao gồm những phần tóm lược rất hữu ích về bổn phận của Chức Tư Tế A Rôn và là một tài liệu quan trọng cho sự phát triển thuộc linh. Tôi khuyến khích các em hãy sử dụng sách ấy thường xuyên.

  3. Các thầy trợ tế và thầy giảng cũng phải “cảnh cáo, giải nghĩa, khuyên nhủ, giảng dạy và mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô” (GLGƯ 20:59; xin xem các câu 46, 68 dành cho các thầy tư tế).

    Nhiều thiếu niên nghĩ rằng kinh nghiệm truyền giáo của mình bắt đầu khi họ lên 19 tuổi và đi vào Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo. Chúng ta học được từ thánh thư rằng kinh nghiệm đó bắt đầu trước đó rất lâu. Chúa muốn mỗi người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn phải mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô—bắt đầu với chính gia đình của họ.

Kế đến, để giúp người chủ tịch trẻ tuổi này hiểu rằng em ấy và chỉ một mình em ấy mà thôi là chức sắc chủ tọa trong nhóm túc số, tôi đã đề nghị em ấy đọc ba lần bổn phận đầu tiên được liệt kê trong Giáo Lý và Giao Ước 107:85. Em ấy đọc: “Chủ tọa mười hai thầy trợ tế.” Tôi hỏi: “Chúa đang phán bảo riêng với em về bổn phận của em là gì với tư cách là chủ tịch?”

Em ấy nói: “Vâng, một số điều đã nảy ra trong ý nghĩ của em trong khi chúng ta nói chuyện. Em nghĩ rằng Cha Thiên Thượng muốn em làm chủ tịch của mười hai thầy trợ tế. Chỉ có năm người trong số chúng em đến nhà thờ và một người thì thỉnh thoảng mới đến. Vậy thì làm thế nào chúng em có được 12 người?”

Nào, tôi chưa bao giờ hiểu câu thánh thư này theo cách mà em ấy hiểu, nhưng lúc bấy giờ, em ấy nắm giữ các chìa khóa thiêng liêng mà tôi không có. Tôi được một chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế 13 tuổi giảng dạy về quyền năng mặc khải đến với những người có các chìa khóa thiêng liêng của vai trò chủ tịch, bất kể trí óc, vóc dáng hoặc tuổi tác của họ như thế nào.

Tôi đáp: “Tôi không biết. Em nghĩ sao?”

Và em ấy nói: “Chúng em cần phải tìm cách giữ cho em ấy tiếp tục đến nhà thờ. Em biết có hai đứa khác đáng lẽ cũng phải thuộc vào trong nhóm túc số của chúng em nhưng chúng nó không đến và em không biết chúng. Có lẽ em có thể trở thành bạn thân với một đứa và bảo hai cố vấn của em làm việc với mấy đứa kia. Nếu chúng đều đến cả thì chúng em sẽ có bảy đứa, nhưng chúng em kiếm đâu ra năm đứa nữa?”

Tôi đáp: “Tôi không biết”—nhưng nếu Cha Thiên Thượng muốn chúng đến đó, thì Ngài biết.”

“Rồi chúng em cần phải cầu nguyện chung với chủ tịch đoàn và nhóm túc số để tìm hiểu xem phải làm gì.” Rồi em ấy hỏi: “Em có trách nhiệm đối với tất cả các thiếu niên thuộc lứa tuổi thầy trợ tế trong tiểu giáo khu của chúng ta thậm chí cả những đứa không phải là tín hữu không?”

Tôi kinh ngạc nói: “Dưới mắt Chúa, vị giám trợ của em chỉ có trách nhiệm đối với các tín hữu trong tiểu giáo khu hay đối với tất cả những người sống trong ranh giới của tiểu giáo khu không?”

“Người giáo sĩ thường trực” này hiểu rồi. Em ấy thừa nhận vai trò của mỗi thầy trợ tế, thầy giảng, cũng như thầy tư tế trong việc trông coi Giáo Hội và mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô.

Ý nghĩ của tôi quay lại với một câu thánh thư khi tôi nghĩ về các thanh niên thiếu nữ tuyệt vời trong Giáo Hội của chúng ta—câu thánh thư mà Mô Rô Ni trích dẫn cho Joseph Smith nghe, khi nói rằng câu này “chưa được ứng nghiệm, nhưng sắp được ứng nghiệm” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:41)—“Sau đó, ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri; … những kẻ trai trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện thấy.” (Giô Ên 2:28).

Người chủ tịch trẻ tuổi này nảy ra ý nghĩ về việc thấy được điều mà Cha Thiên Thượng muốn nhóm túc số của Ngài phải được như vậy. Đó là điều mặc khải mà em ấy cần để củng cố các thành viên tích cực của nhóm túc số của mình, giải cứu những người đang gặp khó khăn và mời tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô. Vì được soi dẫn như vậy nên em ấy lập kế hoạch để thực hiện ý muốn của Chúa.

Chúa đã giảng dạy người chủ tịch trẻ tuổi này rằng chức tư tế có nghĩa là tìm đến phục vụ những người khác. Như vị tiên tri yêu dấu của chúng ta là Chủ Tịch Thomas S. Monson giải thích: “Chức tư tế thật sự không phải là một ân tứ mà là một lệnh truyền để phục vụ, một đặc ân để nâng đỡ, và một cơ hội để ban phước cho cuộc sống của những người khác.” (“Sự Tin Cậy vào Chức Tư Tế Thiêng Liêng của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2006, 57).

Sự phục vụ chính là nền tảng của chức tư tế—phục vụ những người khác như đã được Đấng Cứu Rỗi nêu gương. Tôi làm chứng rằng đó chính là chức tư tế của Ngài, chúng ta đang làm công việc của Ngài, và Ngài đã chỉ cho tất cả những người nắm giữ chức tư tế cách phục vụ chức tư tế trung tín như thế nào.

Tôi xin mời chủ tịch đoàn mỗi nhóm túc số hãy thường xuyên hội ý, học hỏi và cầu nguyện để biết được ý muốn của Chúa dành cho nhóm túc số của các em là gì, rồi hãy đi và làm theo. Hãy sử dụng sách Bổn Phận đối với Thượng Đế để giúp các em giảng dạy cho các thành viên trong nhóm túc số của mình về bổn phận của các em ấy. Tôi mời mỗi thành viên trong nhóm túc số hãy tán trợ người chủ tịch nhóm túc số của mình và trông cậy vào người ấy để được khuyên bảo khi các em học hỏi và làm tròn tất cả bổn phận của chức tư tế một cách ngay chính. Và tôi mời mỗi người chúng ta hãy nhìn các thiếu niên phi thường này như Chúa nhìn các em ấy—một tiềm lực mạnh mẽ để xây đắp và củng cố vương quốc của Ngài ở đây và vào lúc này.

Các em là các thiếu niên tuyệt diệu nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn mà đã được Giăng Báp Tít phục hồi cho Joseph Smith và Oliver Cowdery gần Harmony, Pennsylvania. Chức tư tế của các em nắm giữ các chìa khóa thiêng liêng để mở cửa cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng đến với Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô và noi theo Ngài. Điều này được cung ứng qua “phúc âm về sự hối cải và phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi;” các giáo lễ Tiệc Thánh hằng tuần; và “sự phù trợ của các thiên sứ.” (GLGƯ 13:1; Joseph Smith—Lịch Sử 1:69). Các em thật sự là các giáo sĩ cần phải là những người nam trong sạch, xứng đáng và trung tín của chức tư tế vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào.

Tại sao? Hãy lắng nghe những lời của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn yêu dấu của chúng ta đưa ra cho mỗi em trong sách Bổn Phận đối với Thượng Đế:

“Các em có thẩm quyền để thực hiện các giáo lễ của Chức Tư Tế A Rôn. … Các em sẽ ban phước dồi dào cho cuộc sống của những người xung quanh mình. …

“Cha Thiên Thượng đã tin cậy và tin tưởng nhiều nơi các em và có một sứ mệnh quan trọng cho các em để làm tròn” (Fulfilling My Duty to God: For Aaronic Priesthood Holders [2010], 5).

Tôi biết những lời này là thật và cầu nguyện rằng mỗi chúng ta cũng sẽ có được sự làm chứng đó. Và tôi nói những điều này trong thánh danh của Đấng mà chúng ta đang nắm giữ chức tư tế của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.