2011
Chờ Đợi trên Con Đường Dẫn đến Thành Đa Mách
Tháng năm năm 2011


Chờ Đợi trên Con Đường Dẫn đến Thành Đa Mách

Những người siêng năng tìm cách học nơi Đấng Ky Tô cuối cùng sẽ dần dần biết Ngài.

President Dieter F. Uchtdorf

Một trong số các sự kiện phi thường nhất trong lịch sử của thế gian đã xảy ra trên con đường dẫn đến thành Đa Mách. Các anh chị em biết rõ câu chuyện về Sau Lơ, là một thanh niên đã “làm tàn hại Hội Thánh: sấn vào các nhà, dùng sức mạnh bắt [Các Thánh Hữu] mà bỏ tù.”1 Sau Lơ có thái độ thù địch đến nỗi có nhiều tín hữu của Giáo Hội lúc khởi đầu đã chạy trốn khỏi Giê Ru Sa Lem với hy vọng thoát khỏi cơn tức giận của ông.

Sau Lơ đuổi theo họ. Nhưng khi ông “đang đi đường gần đến thành Đa Mách, thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người.

“Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Sau Lơ, Sau Lơ, sao ngươi bắt bớ ta?”2

Khoảnh khắc này đã vĩnh viễn biến đổi con người Sau Lơ. Thật ra, nó cũng đã biến đổi thế gian.

Chúng ta biết rằng những biểu hiện như vậy xảy ra. Thật vậy, chúng ta làm chứng rằng một kinh nghiệm thiêng liêng tương tự đã xảy đến cho một thiếu niên tên là Joseph Smith vào năm 1820. Đó là chứng ngôn rõ ràng, chắc chắn của chúng ta rằng các tầng trời đã rộng mở lại và Thượng Đế đã phán bảo cùng các vị tiên tri và sứ đồ của Ngài. Thượng Đế nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của con cái Ngài.

Tuy nhiên, có một số người cảm thấy rằng họ không thể tin trừ phi có được kinh nghiệm tương tự như của Sau Lơ hay Joseph Smith. Họ đứng gần hồ nước báp têm nhưng không bước vào. Họ chờ ở ngưỡng cửa của chứng ngôn nhưng không thể tự mang mình đến việc nhìn nhận lẽ thật. Thay vì đi những bước nhỏ với đức tin trên con đường làm môn đồ, họ muốn có một sự kiện gây ấn tượng sâu sắc để bắt buộc họ phải tin.

Họ bỏ ra những tháng ngày của đời mình để chờ đợi trên con đường dẫn đến thành Đa Mách.

Sự Tin Tưởng Đến Từng Bước Một

Một chị phụ nữ đáng mến nọ là một tín hữu trung thành của Giáo Hội suốt đời chị. Nhưng chị ôm ấp một nỗi buồn thầm kín. Nhiều năm trước đó, con gái của chị đã qua đời sau khi nhuốm bệnh và vết thương từ thảm kịch này vẫn còn ám ảnh chị. Chị khắc khoải trước những câu hỏi hóc búa gắn liền với một sự kiện như vậy. Chị thẳng thắn thú nhận rằng chứng ngôn của mình không được như xưa. Chị sẽ không thể tin tưởng nữa trừ phi nhận được một sự biểu hiện riêng từ Thượng Đế.

Vậy nên, chị thấy mình đang chờ đợi.

Nhiều người khác, vì nhiều lý do khác nhau, đã thấy mình chờ đợi trên con đường dẫn đến thành Đa Mách. Họ trì hoãn việc tham gia trọn vẹn với tư cách là môn đồ. Họ hy vọng sẽ nhận được chức tư tế nhưng ngần ngại sống xứng đáng theo đặc ân đó. Họ mong muốn vào đền thờ nhưng trì hoãn hành động cuối cùng của đức tin nhằm hội đủ điều kiện vào đền thờ. Họ vẫn chờ đợi Đấng Ky Tô được mang đến cho họ giống như một bức tranh của Carl Bloch—để dứt khoát từ bỏ tất cả những nỗi ngờ vực và sợ hãi của họ.

Sự thật là những người siêng năng tìm cách học nơi Đấng Ky Tô cuối cùng sẽ dần dần biết Ngài. Họ sẽ đích thân nhận được một sự hiểu biết thiêng liêng về Đức Thầy. Nhưng thường thì điều đó xảy đến giống như một trò chơi ráp hình—một lần một mẩu hình. Mỗi mẩu hình này, tự nó không thể được nhận ra dễ dàng;—có thể do cách nó liên hệ với toàn thể tấm hình không được rõ ràng. Mỗi mẩu hình giúp chúng ta thấy toàn thể tấm hình rõ hơn một chút. Cuối cùng, sau khi đã lắp ráp đủ các mẩu hình, chúng ta nhận ra vẻ tuyệt mỹ của toàn thể tấm hình. Rồi, khi nhìn lại kinh nghiệm của mình, chúng ta nhận thấy rằng cuối cùng Đấng Cứu Rỗi quả thật đã đến ngự với chúng ta—không phải một cách bất ngờ mà lặng lẽ, dịu dàng gần như không thể thấy được.

Đây có thể là kinh nghiệm của chúng ta nếu chúng ta tiến bước với đức tin và không chờ đợi quá lâu trên con đường dẫn đến thành Đa Mách.

Lắng Nghe và Lưu Ý

Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng Cha Thiên Thượng yêu thương con cái của Ngài. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương các anh chị em. Khi cần, Chúa sẽ còn mang các anh chị em vượt qua những trở ngại khi các anh chị em tìm kiếm sự bình an của Ngài với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối. Ngài thường phán cho chúng ta theo những cách mà chúng ta chỉ có thể nghe được bằng tâm hồn mình mà thôi. Để nghe tiếng Ngài rõ hơn, thì chúng ta hãy khôn ngoan hạn chế ảnh hưởng của thế gian trong cuộc sống của mình. Nếu chúng ta làm ngơ hoặc ngăn chặn những thúc giục của Thánh Linh, vì bất cứ lý do gì, thì những thúc giục này sẽ trở nên khó thấy hơn đến mức chúng ta không thể nghe được gì cả. Chúng ta hãy học lắng nghe những thúc giục của Thánh Linh và rồi thiết tha lưu ý đến những thúc giục này.

Vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Thomas S. Monson, là tấm gương cho chúng ta về mặt này. Có vô số các câu chuyện kể về việc ông lưu ý đối với những lời mách bảo của Thánh Linh. Anh Cả Holland thuật lại một ví dụ như vậy:

Có lần, trong khi Chủ Tịch Monson được chỉ định đến Louisiana, một vị chủ tịch giáo khu hỏi ông có thời giờ đến thăm một đứa bé gái 10 tuổi tên là Christal đang ở trong giai đoạn cuối cùng của căn bệnh ung thư không. Gia đình của Christal đã cầu nguyện để Chủ Tịch Monson sẽ đến. Nhưng nhà của họ ở rất xa, và lịch trình của ông thì bận rộn đến nỗi ông không có thời giờ rảnh nào cả. Thay vì thế, Chủ Tịch Monson yêu cầu những người dâng lời cầu nguyện trong đại hội giáo khu hãy thêm tên của Christal vào lời cầu nguyện của họ. Chắc chắn là Chúa và gia đình đó sẽ thông cảm.

Trong phiên họp của đại hội vào ngày thứ Bảy, trong khi Chủ Tịch Monson đứng lên nói chuyện thì Thánh Linh mách bảo: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.”3

“Những điều ghi chép cho bài nói chuyện của ông trở nên mơ hồ. Ông cố gắng tiếp tục với đề tài của buổi họp như đã được hoạch định, nhưng tên và hình ảnh của [đứa bé gái đó] không rời tâm trí của ông.”4

Ông nghe theo Thánh Linh và sắp xếp lại lịch trình của mình. Sáng sớm ngày hôm sau, Chủ Tịch Monson bỏ lại chín mươi chín con chiên và đi nhiều dặm đường để đến bên cạnh giường của một con chiên.

Ngay khi ở đó, ông “nhìn xuống đứa bé bệnh quá nặng nên không thể ngồi dậy, quá yếu để nói chuyện. Căn bệnh của nó giờ đây đã làm cho nó bị mù. Mủi lòng trước cảnh tượng đó và được Thánh Linh của Chúa cảm động … , Anh Monson … nắm lấy bàn tay yếu đuối của đứa bé. Ông thì thầm: ‘Christal, tôi ở đây này.’

“Nó cố gắng hết sức để thì thầm đáp: ‘Thưa Anh Monson, em biết là anh sẽ đến.’”5

Các anh chị em thân mến, chúng ta hãy cố gắng là những người mà Chúa có thể trông cậy để nghe và đáp ứng những lời mách bảo, như Sau Lơ đã làm trên đường đi của ông đến thành Đa Mách, “Thưa Chúa, Ngài muốn con làm gì?”6

Phục Vụ

Một lý do khác mà đôi khi chúng ta không nhận biết tiếng nói của Chúa trong cuộc sống của mình là vì những điều mặc khải của Thánh Linh có thể không đến trực tiếp với chúng ta như là sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình.

Cha Thiên Thượng kỳ vọng chúng ta suy nghĩ kỹ trước khi cầu nguyện để được hướng dẫn khi chúng ta tìm kiếm sự đáp ứng cho những thắc mắc và lo âu trong cuộc sống cá nhân của mình. Chúng ta được Cha Thiên Thượng bảo đảm rằng Ngài sẽ nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Sự đáp ứng có thể đến qua lời nói cũng như óc sáng suốt của những người bạn được tin cậy và gia đình, thánh thư, lời nói của các vị tiên tri.

Tôi có kinh nghiệm về một số thúc giục mạnh mẽ nhất mà chúng ta nhận được không những vì lợi ích của chúng ta mà còn vì lợi ích của những người khác nữa. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình thì chúng ta có thể bỏ lỡ một số kinh nghiệm thuộc linh mạnh mẽ nhất và những điều mặc khải trọng đại trong cuộc sống của chúng ta.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy về khái niệm này khi ông nói: “Thượng Đế thật sự chiếu cố đến chúng ta và Ngài trông nom chúng ta. Nhưng Ngài thường đáp ứng những nhu cầu của chúng ta qua một người khác. Do đó, điều thiết yếu là chúng ta phải phục vụ lẫn nhau.”7 Thưa các anh chị em, mỗi chúng ta đều có một trách nhiệm vì các giao ước của mình để nhạy cảm đối với nhu cầu của những người khác và phục vụ như Đấng Cứu Rỗi đã làm—để tìm đến, ban phước cùng nâng đỡ những người xung quanh chúng ta.

Thường thường sự đáp ứng đối với lời cầu nguyện không được ban cho trong khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện mà là khi phục vụ Chúa và những người xung quanh mình. Những hành động phục vụ và dâng hiến vị tha làm tinh lọc tinh thần chúng ta, lấy đi những cái vảy từ mắt thuộc linh của chúng ta và mở các cửa sổ trên trời. Khi trở thành sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của một người khác, chúng ta thường bắt gặp sự đáp ứng cho chính lời cầu nguyện của mình.

Chia Sẻ

Có những lúc Chúa mặc khải cho chúng ta biết những điều chỉ dành cho riêng chúng ta mà thôi. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, Ngài giao phó một chứng ngôn về lẽ thật cho những người Ngài biết sẽ chia sẻ với những người khác. Đây là trường hợp của mỗi vị tiên tri kể từ thời A Đam. Chúa còn kỳ vọng chúng ta là tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Ngài phải “mở miệng [của chúng ta] luôn luôn để rao truyền phúc âm [của Ngài] bằng một âm thanh vui vẻ.”8

Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số người thà kéo một chiếc xe kéo tay ngang qua một cánh đồng ngàn dặm hơn là mang ra đề tài về đức tin và tôn giáo với bạn bè cũng như những bạn đồng sự của họ. Họ lo lắng về cảm nghĩ của những người này hoặc điều đó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ. Không cần phải như vậy, vì chúng ta có một sứ điệp vui mừng để chia sẻ, và chúng ta có một sứ điệp về niềm vui.

Cách đây nhiều năm, gia đình chúng tôi hầu hết sống và làm việc ở giữa những người không cùng tín ngưỡng với chúng tôi. Khi họ hỏi xem những ngày cuối tuần của chúng tôi như thế nào, thì chúng tôi cố gắng bỏ qua những đề tài thông thường—như những trận đấu thể thao, phim ảnh hoặc thời tiết—và cố gắng chia sẻ những kinh nghiệm về tôn giáo mà gia đình chúng tôi đã có trong những ngày cuối tuần—ví dụ, chúng tôi kể về điều mà một thanh thiếu niên nói trong lễ Tiệc Thánh về các tiêu chuẩn từ sách Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ hoặc việc chúng tôi đã được soi dẫn như thế nào bởi lời nói của một thanh niên sắp đi truyền giáo hay việc phúc âm và Giáo Hội đã giúp gia đình chúng tôi khắc phục được một thử thách cụ thể như thế nào. Chúng tôi cố gắng không ra vẻ như đang thuyết giảng hay hống hách. Vợ tôi, Harriet, lúc nào cũng giỏi trong việc tìm ra một điều gây cảm ứng, nâng cao tinh thần hay khôi hài để chia sẻ. Điều này thường đưa đến những cuộc thảo luận sâu hơn. Thú vị thay, bất cứ lúc nào chúng tôi nói chuyện với bạn bè về việc đối phó với những thử thách của cuộc sống thì chúng tôi thường nghe họ nói: “Thật là dễ dàng cho bạn; bạn có giáo hội của bạn.”

Việc chúng ta sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông xã hội và vô số thiết bị ít nhiều hữu dụng làm cho việc chia sẻ tin lành của phúc âm dễ dàng hơn và có những ảnh hưởng sâu rộng hơn từ trước đến nay. Thật vậy, tôi hầu như e ngại rằng một số người đang nghe tôi nói ngày hôm nay có lẽ đã gõ lời nhắn cho bạn bè mình như sau: “Ông ấy nói chuyện đã 10 phút rồi mà vẫn chưa đưa ra phép loại suy về hàng không gì cả!” Các bạn trẻ thân mến, có lẽ lời khuyến khích của Chúa để phải “mở miệng mình ra,”9 trong thời kỳ chúng ta bao gồm luôn cả việc “sử dụng tay nữa,” để gõ lời nhắn, viết blog, và gửi bằng thư điện tử tin lành của phúc âm đến khắp thế giới! Nhưng xin ghi nhớ rằng tất cả đều phải được thực hiện đúng chỗ và đúng lúc nhé.

Thưa các anh chị em, với phước lành của kỹ thuật tân tiến hiện đại, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn và niềm vui về kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài theo cách mà có thể được nghe không những ở xung quanh nơi làm việc của chúng ta mà còn ở khắp nơi trên thế giới nữa. Đôi khi, chỉ một cụm từ của chứng ngôn cũng có thể đưa đến những sự kiện làm ảnh hưởng cuộc sống của một người nào đó cho thời vĩnh cửu.

Cách hữu hiệu nhất để rao giảng phúc âm là bằng cách nêu gương. Nếu chúng ta sống theo niềm tin của mình, thì người ta sẽ thấy. Nếu dung mạo của Chúa Giê Su Ky Tô chiếu rọi trong cuộc sống của chúng ta,10 nếu chúng ta vui mừng và hòa thuận với thế gian, thì người ta sẽ muốn biết tại sao. Một trong số những bài giảng trọng đại nhất được nêu lên trong công việc truyền giáo là ý tưởng giản dị này của Saint Francis ở Assisi: “Hãy luôn luôn rao giảng phúc âm, và, nếu cần, hãy dùng lời nói.”11 Các cơ hội để làm như vậy đều ở xung quanh chúng ta. Đừng bỏ lỡ những cơ hội đó bằng cách chờ đợi quá lâu trên con đường dẫn đến thành Đa Mách.

Con Đường Đi của Chúng Ta đến Thành Đa Mách

Tôi làm chứng rằng Chúa phán bảo cùng các vị tiên tri và sứ đồ của Ngài trong thời chúng ta. Ngài cũng phán bảo cùng tất cả những người đến cùng Ngài với tấm lòng chân thành với chủ ý thật sự.12

Đừng nghi ngờ. Hãy nhớ câu: “Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!”13 Thượng Đế yêu thương các anh chị em. Ngài nghe những lời cầu nguyện của các anh chị em. Ngài phán bảo cùng con cái của Ngài và ban sự an ủi, bình an và hiểu biết cho những người tìm kiếm Ngài cùng tôn kính Ngài bằng cách bước đi theo lối Ngài. Tôi chia sẻ chứng ngôn thiêng liêng của mình rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang đi theo lộ trình của Chúa. Chúng ta có một vị tiên tri tại thế. Giáo Hội này do Ngài hướng dẫn là Đấng chúng ta mang danh, chính là Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô.

Thưa các anh chị em, các bạn thân mến, chúng ta đừng chờ đợi quá lâu trên con đường của mình dẫn đến thành Đa Mách. Thay vì thế, chúng ta hãy dũng cảm tiến bước trong đức tin, hy vọng và lòng bác ái, rồi chúng ta sẽ được phước để nhận biết ánh sáng mà chúng ta đều đang tìm kiếm trên con đường làm môn đồ. Tôi cầu nguyện về điều này và để lại cho các anh chị em phước lành của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.