Thực Chất của Vai Trò Môn Đồ
Khi tình yêu thương trở thành nguyên tắc hướng dẫn trong mối quan tâm của chúng ta đối với những người khác, thì sự phục vụ của chúng ta đối với họ trở thành một tấm gương sống theo phúc âm.
Từ lúc ban đầu, Chúa đã dạy rằng muốn trở thành dân Ngài, chúng ta cần phải đồng một lòng và một trí.1 Đấng Cứu Rỗi cũng giải thích rằng hai giáo lệnh lớn trong luật pháp là “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi,” và “ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”2 Cuối cùng, ngay sau khi Giáo Hội được tổ chức, Chúa đã truyền lệnh cho Các Thánh Hữu phải “đi thăm viếng những kẻ nghèo khổ và những người túng thiếu để giúp đỡ và cứu trợ họ.”3
Tất cả những giáo lệnh này đều có cùng một đề tài gì? Đó là chúng ta cần phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Thật ra, đây là thực chất của vai trò môn đồ trong Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.
Trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập chương trình an sinh của Giáo Hội, chúng ta được nhắc nhở về các mục đích an sinh nhằm giúp đỡ các tín hữu tự giúp mình trở nên tự túc, để chăm sóc người nghèo khó và túng thiếu, cũng như phục vụ. Giáo Hội đã tổ chức các phương tiện để phụ giúp các tín hữu lo liệu cho sự an lạc về mặt thể chất, tinh thần, xã giao và tình cảm của họ, gia đình họ và những người khác. Văn phòng của giám trợ mang một trách nhiệm đặc biệt là chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu cùng quản lý các phương tiện như vậy dành cho các tín hữu trong tiểu giáo khu của mình. Vị giám trợ được phụ giúp với các nỗ lực của các nhóm túc số chức tư tế, Hội Phụ Nữ, và nhất là các thầy giảng tại gia cũng như các giảng viên thăm viếng.
Hội Phụ Nữ đã luôn luôn là một phần thiết yếu của chương trình an sinh. Khi Tiên Tri Joseph Smith tổ chức Hội Phụ Nữ vào năm 1842, ông đã nói cùng các phụ nữ: “Đây là khởi đầu của những ngày tốt lành hơn cho người nghèo khó và túng thiếu.”4 Ông đã nói với các chị em phụ nữ rằng mục đích của hội này là “cứu trợ người nghèo khó, cơ cực, người góa bụa và trẻ mồ côi, cùng thực hiện các mục đích từ thiện. … Họ sẽ thêm dầu và rượu vào các tâm hồn bị tổn thương và đau buồn; họ sẽ lau khô những giọt lệ của trẻ mồ côi, và làm hân hoan tâm hồn của người góa bụa.”5
Ông cũng nói rằng Hội Phụ Nữ “có thể thúc đẩy các anh em làm điều thiện trong việc tìm đến giúp đỡ những người nghèo khó—theo đuổi các mục tiêu bác ái, và lo liệu cho các nhu cầu của họ—phụ giúp bằng cách sửa đổi các quy tắc đạo đức và củng cố đức hạnh của cộng đồng.”6
Ngày nay, những người nam và người nữ của Giáo Hội cùng tham gia trong việc trợ giúp những người gặp hoạn nạn. Những người nắm giữ chức tư tế mang đến sự hỗ trợ thiết yếu cho những người cần được hướng dẫn và giúp đỡ thuộc linh. Các thầy giảng tại gia đầy cảm ứng đã ban phước cho nhiều người và mang đến các phước lành của phúc âm cho mỗi đơn vị gia đình. Ngoài ra, họ cũng chia sẻ sức mạnh và tài năng của mình trong những cách khác như giúp đỡ một gia đình cần sửa chữa nhà cửa, dọn nhà, hoặc giúp một người anh em tín hữu tìm công việc làm cần thiết.
Chủ tịch Hội Phụ Nữ đến thăm các gia đình để định lượng các nhu cầu cho một giám trợ. Các giảng viên thăm viếng đầy cảm ứng trông nom và chăm sóc các chị em phụ nữ và gia đình họ. Họ thường là những người đầu tiên đáp ứng trong lúc khẩn cấp. Các chị em Hội Phụ Nữ mang đến thức ăn, phục vụ với lòng trắc ẩn và thường xuyên giúp đỡ trong những lúc khó khăn.
Các tín hữu Giáo Hội trên khắp thế giới đã hân hoan trong quá khứ và bây giờ cần phải hân hoan trước cơ hội chúng ta có để phục vụ những người khác. Các nỗ lực phối hợp của chúng ta mang đến sự trợ giúp cho những người nghèo khó, đói khát, khổ sở hoặc đau buồn, do đó cứu vớt con người.
Nhà kho của Chúa là nhà kho có sẵn cho mỗi vị giám trợ được lập ra để “các tín hữu trung thành hiến tặng cho vị giám trợ thì giờ, tài năng, kỹ năng, lòng trắc ẩn, vật chất và phương tiện tài chính trong việc chăm sóc người nghèo khó và xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.”6 Chúng ta đều có thể đóng góp vào nhà kho của Chúa khi chúng ta đóng tiền nhịn ăn của mình và sẵn sàng đóng góp các phương tiện của mình cho vị giám trợ để phụ giúp những người hoạn nạn.
Mặc dù thế giới thay đổi nhanh chóng, nhưng các nguyên tắc an sinh đã không thay đổi theo thời gian vì các nguyên tắc này đã được Chúa soi dẫn và mặc khải lẽ thật. Khi các tín hữu của Giáo Hội và gia đình của họ làm hết sức mình để có thể tự lo liệu cho mình nhưng vẫn không thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu thì Giáo Hội sẵn sàng giúp đỡ. Các nhu cầu ngắn hạn cần phải được đáp ứng ngay lập tức, và lập ra một kế hoạch để giúp người nhận trở nên tự túc. Sự tự túc là khả năng để lo liệu những thứ cần dùng về mặt tinh thần và vật chất của cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Càng trở nên tự túc, chúng ta càng gia tăng khả năng của mình để giúp đỡ và phục vụ những người khác theo cách Đấng Cứu Rỗi đã làm. Chúng ta noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta phục sự người nghèo túng, bệnh hoạn và khổ sở. Khi tình yêu thương trở thành nguyên tắc hướng dẫn trong mối quan tâm của chúng ta đối với những người khác, thì sự phục vụ của chúng ta đối với họ trở thành một tấm gương sống theo phúc âm. Đó là phúc âm trong giây phút tốt lành nhất. Đó là tôn giáo thanh khiết.
Trong những công việc chỉ định khác nhau của tôi trong Giáo Hội, tôi đã hạ mình trước tình yêu thương và mối quan tâm do các vị giám trợ cũng như những người lãnh đạo Hội Phụ Nữ đã cho thấy đối với các tín hữu của họ. Trong khi tôi phục vụ với tư cách là chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu ở Chile trong đầu thập niên 1980, quốc gia này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và tỷ lệ số người thất nghiệp là 30 phần trăm. Tôi đã thấy các chủ tịch Hội Phụ Nữ quả cảm và các giảng viên thăm viếng trung tín “đi làm việc thiện”8 trong hoàn cảnh khó khăn như vậy. Họ đã làm theo câu thánh thư trong sách Châm Ngôn 31:20: “Nàng mở đưa tay ra giúp kẻ khó khăn, giơ tay mình lên tiếp người nghèo khổ.”
Các chị em phụ nữ có gia đình túng thiếu cũng đã liên tục giúp đỡ những người mà họ nghĩ là túng thiếu hơn họ. Rồi tôi hiểu rõ hơn điều Đấng Cứu Rỗi đã thấy khi Ngài phán trong Lu Ca 21:3–4:
“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác.
“Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình.”
Một vài năm sau, tôi cũng đã thấy điều đó ở một chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu ở Argentina khi nạn siêu lạm phát giáng xuống quốc gia này và nền kinh tế sụp đổ, rồi sau đó ảnh hưởng đến nhiều tín hữu trung thành của chúng ta. Gần đây, tôi đã thấy điều đó một lần nữa khi đi thăm Kinshasa ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo; Antananarivo ở Madagascar; và Bulawayo ở Zimbabwe. Các tín hữu ở khắp nơi, nhất là các chị em Hội Phụ Nữ, đều tiếp tục xây đắp đức tin, củng cố các cá nhân và gia đình cùng giúp đỡ những người hoạn nạn.
Thật là ngạc nhiên khi nghĩ rằng có một người chị em hay anh em tín hữu có sự kêu gọi trong Giáo Hội có thể đi vào một căn nhà nghèo nàn, buồn bã, bệnh hoạn hay đau buồn và có thể mang đến sự bình an, giúp đỡ và niềm vui. Dù tiểu giáo khu hay chi nhánh ở đâu đi nữa, hoặc nhóm đông người hay ít người, thì mỗi tín hữu trên khắp thế giới đều có cơ hội đó. Cơ hội đó xảy ra mỗi ngày và đang xảy ra ở đâu đó ngay vào giờ phút này.
Karla là người mẹ trẻ có hai con. Chồng của chị là Brent làm việc nhiều giờ mỗi ngày và phải mất một giờ đồng hồ cho một chuyến đi đến sở làm. Ngay sau khi đứa con gái thứ hai ra đời, chị đã kể lại kinh nghiệm sau đây: “Cái ngày sau khi tôi nhận được sự kêu gọi phục vụ với tư cách là cố vấn trong Hội Phụ Nữ của tiểu giáo khu mình thì tôi đã bắt đầu cảm thấy khá bận bịu. Làm thế nào tôi có thể mang lấy trách nhiệm giúp chăm sóc các phụ nữ trong tiểu giáo khu của mình khi tôi đang vất vả với việc làm tròn vai trò làm vợ và làm mẹ của một đứa nhỏ hai tuổi hiếu động và một đứa bé sơ sinh? Khi đang suy nghĩ về những điều này, thì đứa con nhỏ hai tuổi bị bệnh. Tôi không biết chắc là phải làm gì cho đứa con nhỏ đồng thời chăm sóc cho đứa bé sơ sinh. Ngay lúc đó thì Chị Wasden, một giảng viên thăm viếng của tôi, bất ngờ đến thăm. Là một người mẹ với con cái đều đã lớn, chị biết ngay là phải làm gì để giúp đỡ. Chị bảo tôi điều tôi cần làm trong khi chị đi đến nhà thuốc tây để mua một số đồ. Về sau, chị sắp xếp cho người đến đón chồng tôi tại trạm xe lửa để anh ấy có thể về nhà sớm để giúp đỡ tôi. Tôi tin rằng việc chị đã đáp ứng theo thúc giục từ Đức Thánh Linh và sẵn lòng phục vụ tôi là sự trấn an tôi cần từ Chúa rằng Ngài sẽ giúp tôi làm tròn sự kêu gọi mới của mình.”
Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và biết hoàn cảnh cũng như khả năng độc đáo của chúng ta. Mặc dù chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ hằng ngày của Ngài qua lời cầu nguyện, nhưng thường thường Ngài đáp ứng các nhu cầu của chúng ta qua một người khác.9
Chúa phán: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ.”10
Tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô được biểu lộ khi chúng ta phục vụ một cách vị tha. Việc giúp đỡ lẫn nhau là một kinh nghiệm thiêng liêng làm tôn cao người nhận và làm cho người ban phát trở nên khiêm nhường. Điều này giúp chúng ta trở thành các môn đồ chân chính của Đấng Ky Tô.
Kế hoạch an sinh luôn luôn là việc áp dụng các nguyên tắc phúc âm vĩnh cửu. Kế hoạch này thật sự cung ứng theo như cách của Chúa. Chúng ta hãy đổi mới ước muốn của mình để làm một phần của nhà kho của Chúa trong việc ban phước cho những người khác.
Tôi cầu nguyện rằng Chúa sẽ ban phước cho mỗi người chúng ta để có ý thức nhiều hơn đối với lòng thương xót, bác ái và trắc ẩn. Tôi khẩn nài chúng ta hãy có ước muốn và khả năng nhiều hơn để tìm đến cũng như phụ giúp những người kém may mắn, đau buồn và đau khổ để những nhu cầu của họ có thể được đáp ứng, đức tin của họ có thể được củng cố, và lòng của họ có thể được tràn đầy biết ơn và yêu thương.
Cầu xin Chúa ban phước cho mỗi người chúng ta khi chúng ta bước đi một cách vâng lời theo các giáo lệnh, phúc âm và ánh sáng của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.