2011
Cơ Hội Làm Điều Thiện
Tháng năm năm 2011


Cơ Hội Làm Điều Thiện

Cách Chúa giúp đỡ những người có nhu cầu vật chất là đòi hỏi mọi người vì tình yêu thương phải hy sinh bản thân mình và những gì họ có cho Thượng Đế và cho công việc của Ngài.

President Henry B. Eyring

Các anh chị em thân mến, mục đích sứ điệp của tôi là ngợi khen cũng như ca tụng điều Chúa đã và đang làm để phục vụ người nghèo túng ở giữa con cái của Ngài trên thế gian. Ngài yêu thương con cái của Ngài đang gặp hoạn nạn cũng như những người muốn giúp đỡ. Ngài cũng đã tạo ra những cách thức để ban phước cho những người cần giúp đỡ lẫn những người sẽ giúp đỡ.

Cha Thiên Thượng nghe những lời cầu nguyện của con cái Ngài trên khắp thế gian là những người khẩn cầu có được thức ăn, quần áo để che thân và đủ tư cách để có thể tự lo liệu cho mình. Ngài đã nghe thấu những lời khẩn cầu đó từ khi Ngài đặt những người nam và người nữ trên thế gian.

Các anh chị em biết về những nhu cầu đó ở nơi mình sinh sống và trên khắp thế giới. Các anh chị em cảm thấy xúc động với mối thương cảm. Khi gặp một người nào đó đang vất vả tìm kiếm việc làm, các anh chị em thấy muốn giúp đỡ. Các anh chị em cảm thấy như vậy khi đi vào nhà của một người góa phụ và thấy rằng người ấy không có thức ăn. Các anh chị em cảm thấy như vậy khi thấy những tấm hình chụp các trẻ em đang ngồi khóc bên cạnh những căn nhà đổ nát vì trận động đất hay hỏa hoạn tàn phá.

Vì Chúa nghe thấu tiếng khóc than của những người hoạn nạn và cảm nhận được mối thương cảm sâu xa của các anh chị em dành cho họ, nên từ lúc ban đầu, Ngài đã ban cho cách thức để các môn đồ của Ngài có thể giúp đỡ. Ngài đã mời gọi con cái của Ngài hiến dâng thời giờ, phương tiện và hy sinh để cùng với Ngài phục vụ những người khác.

Đôi khi, cách giúp đỡ của Ngài đã được gọi là sống theo luật dâng hiến. Trong một thời kỳ khác, cách của Ngài được gọi là tổ chức hiệp nhất. Trong thời kỳ của chúng ta thì được gọi là chương trình an sinh của Giáo Hội.

Tên và chi tiết của hoạt động này được thay đổi để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của con người. Nhưng lúc nào cũng vậy, cách Chúa giúp đỡ những người có nhu cầu vật chất đòi hỏi mọi người vì tình yêu thương phải hy sinh bản thân mình và những gì họ có cho Thượng Đế và cho công việc của Ngài.

Ngài đã mời gọi và truyền lệnh chúng ta phải tham gia vào công việc của Ngài để nâng đỡ những người hoạn nạn. Chúng ta lập giao ước để làm điều đó trong hồ nước báp têm và trong đền thờ thánh của Thượng Đế. Chúng ta tái lập giao ước đó vào ngày Chúa Nhật khi dự phần Tiệc Thánh.

Mục đích của tôi ngày hôm nay là mô tả một số cơ hội Ngài đã ban cho chúng ta để giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn. Tôi không thể nói về tất cả những cơ hội này chỉ trong thời gian ngắn chúng ta có với nhau hôm nay. Hy vọng của tôi là tái lập và củng cố sự cam kết của các anh chị em để hành động.

Khi còn nhỏ, tôi đã hát bài thánh ca nói về lời mời gọi của Chúa để làm công việc này. Trong thời thơ ấu, tôi chú ý đến giai điệu vui vẻ hơn là những lời ca mạnh mẽ của bài thánh ca đó. Tôi cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ cảm nhận được trong lòng mình lời ca đó ngày hôm nay. Chúng ta hãy lắng nghe lời ca một lần nữa:

Nhìn lại xem mình làm điều chi tốt trong ngày nay?

Nào ta có giúp cho người kêu xin?

Hoặc an ủi ai đang buồn, hoặc làm cho ai mừng vui?

Không thế thì chính ta sai lầm rồi.

Hôm nay ai vơi được sầu, vì ta chung chia sớt?

Có gánh nặng nào được ta ghé vai?

Người bệnh nào yếu đuối những lúc trông mong ta nâng dắt,

Chính ta đã làm những chi cho họ?

Vậy hãy thức dậy, hãy chuyên cần hơn

Chớ nằm mộng mơ mãi trên làn mây.

Làm điều tốt cho ta niềm vui sướng không chi sánh được đâu,

Phước cho ai ích cho đời, giúp người.1

Chúa thường đưa ra những sứ điệp nhằm nhắc nhở tất cả chúng ta làm điều thiện. Đôi khi đó có thể là một mối thương cảm bất ngờ đối với một người nào đó đang hoạn nạn. Một người cha có thể đã cảm thấy điều đó khi thấy một đứa con té và bị trầy đầu gối. Một người mẹ có thể đã cảm thấy điều đó khi nghe tiếng kêu sợ hãi của con mình trong đêm tối. Một người con trai hay con gái có thể đã thấy thương cảm một người nào đó dường như buồn bã hoặc sợ hãi ở trường học.

Tất cả chúng ta đều đã thấy thương cảm đối với những người mà ngay cả chúng ta còn không biết họ là ai. Ví dụ, khi nghe tin tức về những đợt sóng thần cuốn ngang qua Thái Bình Dương sau trận động đất ở Nhật Bản, thì các anh chị em cảm thấy lo lắng cho người có thể bị thương tích.

Hằng ngàn anh chị em đã có mối thương cảm khi biết về nạn lụt ở Queensland, Úc. Tin tức tường trình chỉ chủ yếu ước lượng con số những người hoạn nạn. Nhưng nhiều anh chị em cảm thấy nỗi đau đớn của những người này. Ở Úc, có lẽ có hơn 1.500 tín hữu Giáo Hội đã đáp ứng sứ điệp nhắc nhở làm điều thiện khi họ tình nguyện đến giúp đỡ và an ủi.

Họ biến những mối thương cảm của mình thành một quyết định để hành động theo các giao ước của họ. Tôi đã thấy các phước lành đến với người đang hoạn nạn khi được giúp đỡ và đến với người nắm lấy cơ hội để ban phát.

Các bậc cha mẹ sáng suốt thấy mỗi nhu cầu của những người khác là một cách để mang các phước lành vào cuộc sống của con trai và con gái của mình. Mới đây, có ba đứa trẻ đã mang những đồ đựng một bữa ăn tối ngon lành đến cửa nhà chúng tôi. Cha mẹ của chúng biết rằng chúng tôi cần được giúp đỡ, và họ để cho con cái của họ tham gia vào cơ hội phục vụ chúng tôi.

Hai người cha mẹ này đã ban phước cho gia đình chúng tôi bằng sự phục vụ rộng lượng của họ. Qua việc chọn để cho con cái họ tham gia vào việc ban phát, họ đã ban phước cho các cháu tương lai của họ. Nụ cười của mấy đứa trẻ khi chúng rời nhà chúng tôi đã làm cho tôi tin rằng các cháu của họ sẽ được ban phước. Họ sẽ kể cho con cái của họ biết về niềm vui cảm nhận được khi phục vụ Chúa với lòng nhân từ. Tôi còn nhớ cảm giác mãn nguyện lặng lẽ đó từ thời thơ ấu khi tôi nhổ cỏ cho một người hàng xóm theo như cha tôi yêu cầu. Bất cứ lúc nào tôi được yêu cầu ban phát, tôi đều nhớ và tin vào lời của bài thánh ca: “Đẹp thay công việc của Chúa vua tôi.”2

Tôi biết rằng những lời ca đó được viết ra để mô tả niềm vui có được từ việc thờ phượng Chúa vào ngày Sa Bát. Nhưng mấy đứa trẻ đó mang thức ăn đến, đứng ngoài cửa nhà chúng tôi, đã cảm thấy vui khi làm công việc của Chúa vào một ngày trong tuần. Và cha mẹ của chúng thấy được cơ hội làm điều thiện và truyền niềm vui đó qua nhiều thế hệ.

Cách Chúa chăm sóc cho người nghèo túng đem đến một cơ hội khác cho cha mẹ để ban phước cho con cái mình. Tôi đã thấy điều đó trong một giáo đường vào một ngày Chúa Nhật nọ. Một đứa trẻ đưa cho vị giám trợ một bao thư đựng tiền tặng dữ của gia đình nó khi ông bước vào giáo đường trước buổi lễ Tiệc Thánh.

Tôi biết gia đình ấy và đứa trẻ đó. Gia đình ấy mới vừa biết được có một ai đó trong tiểu giáo khu đang gặp hoạn nạn. Khi bỏ vào bao thư của lễ nhịn ăn số tiền nhiều hơn thường lệ, người cha đã nói với đứa con những lời như sau: “Chúng ta nhịn ăn ngày hôm nay và cầu nguyện cho những người gặp hoạn nạn. Con làm ơn đưa bao thư này cho vị giám trợ của chúng ta. Cha biết rằng ông ta sẽ dùng số tiền đó để giúp những người có nhiều nhu cầu hơn chúng ta.”

Thay vì khó chịu vì cái đói vào ngày Chúa Nhật ấy, đứa trẻ sẽ nhớ ngày đó với một cảm giác vui vẻ. Tôi có thể cảm nhận được từ nụ cười của nó và cách nó nắm chặt bao thư đến nỗi nó cảm thấy cha nó tin cậy nó biết bao để mang của lễ nhịn ăn của gia đình nó đến cho người nghèo. Nó sẽ nhớ ngày hôm ấy khi nó là một thầy trợ tế và có lẽ sẽ mãi mãi nhớ ngày đó.

Cách đây nhiều năm ở Idaho, tôi thấy cũng niềm vui đó trên gương mặt của những người đã giúp đỡ những người khác vì Chúa. Cái Đập Teton bị nổ tung vào thứ Bảy ngày 5 tháng Sáu năm 1976. Mười một người chết. Hằng ngàn người phải rời bỏ nhà họ trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Một số căn nhà bị cuốn trôi. Và hằng trăm căn nhà chỉ có thể ở được nếu có nỗ lực và phương tiện sửa sang vượt quá khả năng của chủ nhà.

Những người nghe về thảm cảnh đó đã có mối thương cảm và cảm thấy phải làm điều thiện. Những người hàng xóm, các giám trợ, các chủ tịch Hội Phụ Nữ, những người lãnh đạo chức tư tế, các thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng đã rời nhà và công việc làm để dọn dẹp những căn nhà bị ngập lụt của những người khác.

Một cặp vợ chồng đã trở lại Rexburg sau một thời gian nghỉ hè ngay sau khi vừa xảy ra nạn lụt. Họ không đi xem căn nhà của họ ra sao. Thay vì thế, họ đi tìm vị giám trợ để hỏi xem họ có thể giúp đỡ ở đâu. Vị giám trợ gửi họ đi đến một gia đình đang gặp hoạn nạn.

Sau một vài ngày, họ về xem căn nhà của họ như thế nào. Căn nhà của họ đã bị nước lụt cuốn đi mất. Họ trở lại gặp vị giám trợ và hỏi: “Giám trợ muốn chúng tôi phải làm gì bây giờ?”

Dù đang ở đâu, các anh chị em cũng đã thấy phép lạ của mối thương cảm đó biến thành hành động vị tha. Điều đó có thể không phải là do một thiên tai lớn đưa đến. Tôi đã thấy điều đó trong một nhóm túc số chức tư tế khi một anh đứng lên mô tả một người nam hay người nữ tìm kiếm việc làm để nuôi sống họ và gia đình. Tôi có thể thấy được mối thương cảm trong căn phòng đó, nhưng một số người khác đưa ra tên của những người có thể thuê những người cần việc làm.

Điều xảy ra trong nhóm túc số chức tư tế đó và điều đã xảy ra trong những căn nhà bị ngập lụt ở Idaho đã thể hiện cách của Chúa để giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn trở nên tự túc lại. Chúng ta cảm thấy trắc ẩn, và chúng ta biết cách hành động theo cách của Chúa để giúp đỡ.

Chúng ta kỷ niệm 75 năm thành lập chương trình an sinh của Giáo Hội trong năm nay. Chương trình này bắt đầu để đáp ứng những nhu cầu của những người bị mất việc làm, mất nông trại và ngay cả mất nhà cửa sau Tình Trạng Kinh Tế Trì Trệ.

Con cái của Cha Thiên Thượng đều có nhiều nhu cầu vật chất vào ngày nay cũng giống như trước đây, sau này và bất cứ lúc nào. Các nguyên tắc nằm trong nền tảng của chương trình an sinh của Giáo Hội không phải chỉ cho một thời gian hoặc một chỗ, mà còn cho bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Các nguyên tắc đó đều là thuộc linh và vĩnh cửu. Vì lý do đó, việc hiểu và ghi nhớ kỹ các nguyên tắc đó vào lòng mình sẽ làm cho chúng ta có thể thấy và nắm lấy cơ hội để giúp đỡ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu mà Chúa mời gọi chúng ta.

Đây là một số nguyên tắc đã hướng dẫn tôi khi tôi muốn giúp đỡ theo cách của Chúa và khi tôi được những người khác giúp đỡ.

Trước hết, mọi người đều vui vẻ hơn và cảm thấy tự trọng hơn khi họ có thể tự lo liệu cho mình và gia đình mình rồi sau đó tìm đến chăm sóc những người khác. Tôi biết ơn những người đã giúp tôi đáp ứng được các nhu cầu của tôi. Tôi còn biết ơn nhiều hơn nữa đối với những người đã giúp tôi trở nên tự túc trong những năm qua. Và rồi tôi biết ơn nhiều nhất đối với những người đã cho tôi thấy cách sử dụng một số phương tiện thặng dư của mình để giúp đỡ những người khác.

Tôi đã biết rằng cách để có được phương tiện thặng dư là phải xài ít hơn số tiền tôi kiếm được. Với phương tiện thặng dư đó, tôi đã có thể biết được rằng cho thì thật sự tốt hơn là nhận. Điều đó một phần là vì khi chúng ta giúp đỡ theo cách của Chúa thì Ngài ban phước cho chúng ta.

Chủ Tịch Marion G. Romney nói về công việc an sinh: “Trong công việc này, ta không thể cho quá nhiều đến nỗi chính ta trở thành nghèo.” Và rồi ông trích dẫn lời của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình là Melvin J. Ballard, như sau: “Một người không thể dâng lên Chúa ít mà Ngài lại ban cho người ấy nhiều phước lành được.”3

Tôi đã thấy rằng điều đó thật đúng trong cuộc sống của tôi. Khi tôi rộng lượng với con cái đang gặp hoạn nạn của Cha Thiên Thượng thì Ngài sẽ rộng lượng lại với tôi.

Nguyên tắc phúc âm thứ nhì đã từng là một điều hướng dẫn đối với tôi trong công việc an sinh là quyền năng và phước lành của tình đoàn kết. Khi chúng ta cùng nhau phục vụ những người đang hoạn nạn thì Chúa đoàn kết chúng ta. Chủ Tịch J. Reuben Clark, Jr. nói như sau: “Sự ban phát đó … đã mang đến… một sự thông cảm trong tình anh em khi những người nam thuộc đủ mọi ngành nghề đã sát cánh làm việc với nhau trong một khu vườn An Sinh hoặc dự án khác.”4

Tình anh em gia tăng đó đúng thật cho cả người nhận lẫn người ban phát. Cho đến hôm nay, một người mà tôi đã sát cánh cùng xúc bùn trong căn nhà ngập lụt của anh ở Rexburg đã cảm thấy gần gũi với tôi. Và anh cảm thấy tự trọng hơn vì đã làm hết sức cho bản thân và gia đình mình. Nếu làm việc riêng rẽ một mình thì cả hai chúng tôi đã để lỡ mất một phước lành thuộc linh.

Điều đó dẫn đến nguyên tắc thứ ba về hành động trong công việc an sinh đối với tôi: Hãy để gia đình mình tham gia làm việc với mình để họ có thể học được cách chăm sóc cho nhau cũng như chăm sóc người khác. Khi các con trai và con gái của các anh chị em cùng làm việc với các anh chị em để phục vụ những người đang gặp hoạn nạn thì chúng có thể giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn.

Nguyên tắc quý báu thứ tư của chương trình an sinh của Giáo Hội tôi đã học biết được khi là một giám trợ. Nguyên tắc này có được từ việc tuân theo lệnh truyền trong thánh thư để tìm kiếm người nghèo khó. Bổn phận của giám trợ là tìm kiếm và giúp đỡ những người vẫn cần được phụ giúp sau khi họ và gia đình đã cố gắng hết sức. Tôi thấy rằng Chúa gửi Đức Thánh Linh đến để làm cho việc “hãy tìm kiếm rồi … sẽ gặp”5 có thể thực hiện được trong việc chăm sóc người nghèo khó như Ngài đã làm trong việc tìm kiếm lẽ thật. Nhưng tôi cũng đã học cách mời chủ tịch Hội Phụ Nữ tham gia trong việc tìm kiếm này. Chị ấy có thể nhận được sự mặc khải trước các anh chị em.

Một số các anh chị em sẽ cần sự soi dẫn đó trong những tháng tới. Để kỷ niệm 75 năm thành lập chương trình an sinh của Giáo Hội, các tín hữu trên khắp thế giới sẽ được mời gọi tham gia vào chương trình một ngày phục vụ. Các vị lãnh đạo và tín hữu sẽ tìm kiếm sự mặc khải khi hoạch định bất cứ dự án nào.

Tôi xin đưa ra ba đề nghị khi các anh chị em hoạch định dự án phục vụ của mình.

Thứ nhất, hãy tự chuẩn bị mình và những người mình lãnh đạo về phần thuộc linh. Chỉ khi nào những tấm lòng đã được Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi xoa dịu thì các anh chị em mới có thể thấy rõ mục tiêu của dự án là ban phước cho cuộc sống thuộc linh lẫn vật chất của con cái của Cha Thiên Thượng.

Đề nghị thứ nhì của tôi là chọn những người sẽ được các anh chị em phục vụ ở trong vương quốc hoặc trong cộng đồng tức là những người có nhu cầu làm cảm động lòng những người sẽ phục vụ. Những người họ phục vụ sẽ cảm thấy tình yêu thương của họ. Điều đó có thể hữu hiệu để làm cho họ cảm thấy hài lòng, như lời hứa trong bài ca đó, hơn là chỉ đáp ứng những nhu cầu vật chất của họ.

Đề nghị cuối cùng của tôi là hoạch định việc sử dụng quyền năng của mối ràng buộc trong gia đình, nhóm túc số, các tổ chức bổ trợ và những người các anh chị em quen biết trong cộng đồng của mình. Những cảm nghĩ đoàn kết sẽ gia tăng ảnh hưởng tốt lành của sự phục vụ của các anh chị em. Và cảm nghĩ đoàn kết đó sẽ tăng trưởng và trở thành một di sản lâu dài trong gia đình, trong Giáo Hội và trong cộng đồng sau khi dự án kết thúc.

Đây là cơ hội của tôi để nói cho các anh chị em biết rằng tôi biết ơn các anh chị em biết bao. Qua sự phục vụ với tình thương của các anh chị em vì Chúa, nên nhiều người các anh chị em giúp đỡ đã cám ơn tôi khi tôi gặp họ trên khắp thế giới.

Các anh chị em đã tìm ra cách nâng đỡ họ lên cao hơn khi các anh chị em giúp đỡ theo cách của Chúa. Các anh chị em và các môn đồ khiêm nhường của Đấng Cứu Rỗi giống như các anh chị em đã hết lòng phục vụ những người khác, và đối lại, những người được các anh chị em giúp đỡ đã cố gắng bày tỏ lòng biết ơn vô cùng đối với tôi.

Tôi cũng được những người đã làm việc với các anh chị em biết ơn như vậy. Tôi còn nhớ một lần khi đang đứng cạnh Chủ Tịch Ezra Taft Benson. Chúng tôi đang nói chuyện về sự phục vụ an sinh trong Giáo Hội của Chúa. Ông đã làm tôi ngạc nhiên trước sức sống trẻ trung của ông khi ông bóp bóp tay mình và nói: “Tôi yêu thích công việc này và đây chính là công việc làm!”

Thay mặt Đức Thầy, tôi xin cám ơn về việc làm của các anh chị em để phục vụ con cái của Cha Thiên Thượng. Ngài biết các anh chị em và Ngài thấy nỗ lực, sự tận tâm và hy sinh của các anh chị em. Tôi cầu nguyện rằng Ngài sẽ ban cho các anh chị em phước lành để thấy được kết quả việc làm của mình trong hạnh phúc của những người mình đã giúp đỡ vì Chúa.

Tôi biết rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống và nghe những lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Các anh chị em và những người các anh chị em phục vụ có thể được thanh tẩy và củng cố bằng cách phục vụ Ngài cùng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, các anh chị em có thể biết cũng như tôi biết rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế để phục hồi Giáo Hội chân chính và tại thế, chính là Giáo Hội này đây. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri tại thế của Thượng Đế. Ông là tấm gương sáng về điều mà Chúa đã làm: đi khắp nơi làm việc thiện. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể lấy cơ hội của mình để “nâng đỡ những bàn tay rũ rượi và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”6 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Ta Đã Làm Điều Tốt?” Thánh Ca, số 58.

  2. “Đẹp Thay Công Việc của Chúa,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 13.

  3. Marion G. Romney, “Welfare Services: The Savior’s Program,” Ensign, tháng Mười Một năm 1980, 93.

  4. J. Reuben Clark Jr., trong Conference Report, tháng Mười năm 1943, 13.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 7:7–8; Lu Ca 11:9–10; 3 Nê Phi 14:7–8.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 81:5.